Quán quen.
Mỗi con ngõ, mỗi ngả đường, hay mỗi thành phố, đều không ngừng thay đổi và tiến hóa. Có người đến và có kẻ đi. Có ăn nên làm ra và...
Mỗi con ngõ, mỗi ngả đường, hay mỗi thành phố, đều không ngừng thay đổi và tiến hóa. Có người đến và có kẻ đi. Có ăn nên làm ra và có tan gia bại sản. Có dựng xây và có đập bỏ. Vậy mà đâu đó xung quanh vẫn có những thứ tưởng chừng như mãi mãi. Tiệm bún chả cuối ngõ. Hàng tạp hóa đầu đường. Quán nước nằm chếch mép quảng trường trung tâm.
Người ta gọi đó là quán quen.
Quán quen là bảo chứng cho sự vững chãi giữa xoay vần thời cuộc. Suốt bao năm vẫn nằm ở đúng một địa điểm. Suốt bao năm vẫn bán mặt hàng quen thuộc. Suốt bao năm vẫn chủ cũ, nếu không phải bố mẹ ông bà thì tới lượt con cháu tiếp quản, loanh quanh trong gia đình.
Mấy quán quen cứ thế hằn sâu trong trí nhớ. Không chạy quảng cáo trên mạng. Không băng rôn khẩu hiệu rầm rộ. Không mua bài trên báo đài. Tất cả dấu hiệu nhận dạng chỉ đơn giản là tấm bảng làm từ bạt nhựa dán lên khung sắt, ghi vắn tắt vài chữ như “Tạp hóa”, “Bánh cuốn”, “Bún chả”, không có gì quá bắt mắt hay nổi bật. Thế mà chỉ cần đảo mắt là thấy, chỉ cần nghe là biết, chỉ cần nhắc là nhớ.
Cũng chẳng nhớ quán quen xuất hiện trên con phố nhỏ tự bao giờ. Chẳng có dòng chữ “Since 19xx” như nhiều nơi, để mà dân tình tự trừ trừ cộng cộng trong đầu rồi ồ oà ù uầy với nhau. Hỏi hàng xóm láng giềng, chẳng ai nhớ chính xác. Toàn là ước lượng. Có người bảo hình như tầm 20 năm, lúc mới đẻ lứa đầu. Rồi thì người khác bảo hình như 18 năm thôi, lúc đấy ông cụ nhà họ mới về hưu. Nhà khác thì kêu là gần 25 năm rồi, từ hồi họ làm đám hỏi cho thằng cả. Chính chủ quán nhiều khi cũng chẳng rõ. Nhà mình bán ở đây bao lâu rồi mẹ nó nhỉ? Chả nhớ, chắc hơn hai chục năm bố nó ạ. Vẫn cứ là ước lượng. Rồi lại cắm mặt vào làm đồ ăn cho khách. Quan trọng quái gì mấy mốc thời gian, nhỉ?
Mấy quán quen cũng là những chứng nhân của nơi họ sống. Họ nhớ mặt đặt tên hàng chục gia đình hàng xóm đã sống cùng họ cả chục năm trên con phố nhỏ. Họ nghe ngóng được đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, từ chuyện xoay xở chồng con đến chuyện lo toan buôn bán. Họ chứng kiến lũ trẻ nhà bên lớn lên, từ lúc còn học mẫu giáo cho đến khi dựng vợ gả chồng. Họ quen mặt mấy ông bà cụ trong khu, từ lúc mấy cụ mới nghỉ hưu nhàn nhã, bồng bế cháu nội cháu ngoại đi ăn đi chơi, cho đến lúc thành người thiên cổ.
Câu cửa miệng của quán quen vẫn luôn là “mới ngày nào” khi bắt đầu câu chuyện với những người hàng xóm. Thằng A con nhà cô B mới về đấy à, vào ăn đi cháu. Mới ngày nào mày còn ăn nhồm nhoàm ở quán nhà bác cho kịp vào học, mà giờ đã to tướng thế này rồi. Giờ làm gì rồi. Dạ cháu làm chỗ này chỗ kia. Thế vợ con gì chưa. Dạ vợ cháu đây. Thế khi nào đẻ. Dạ chưa biết ạ. Con C nhà cô D đẻ rồi đấy biết chưa. Ơ thế ạ. Rồi hai bên lại cười xòa, tiếp tục mấy câu chuyện không đầu không đuôi. Nửa gần gũi nửa tọc mạch, thật khó có gì đặc biệt hơn là mối quan hệ với những quán quen. Chủ và khách cứ như hai thế giới tách biệt, lâu ngày giao thoa chút đỉnh, rồi lại tách ra theo dòng chảy mưu sinh.
Mua bán với quán quen cũng có những đặc thù thú vị. Với khách quen, tỉ dụ như mấy người nhà trong khu phố, dù có bôn ba xa quê lâu ngày hay cố hữu yên vị chốn cũ, quán quen luôn có sự ưu ái nhất định. Mấy người khách quen, dù có đến sau, vẫn hay được phục vụ trước, đi theo đó là những cái lườm cháy mắt của vài người khách lạ đang trông chờ mòn mỏi. Cứ như bay hạng thương gia. Rồi thì có trò mua chịu điển hình, cũng đặc biệt dành cho khách quen. Lũ trẻ con trong khu phố rồng rắn kéo nhau đi mua bim bim với nước ngọt mà trong người chẳng có lấy một xu, rồi ghi sổ bằng tên bố mẹ. Mấy cô cậu sinh viên ra nhai vài bữa cơm chịu, cầm hơi đến đầu tháng. Chẳng khác nào xài thẻ tín dụng, trừ việc hệ thống tín dụng này được tính bằng mồm, bằng trí nhớ, bằng cảm tính, và bằng tình làng nghĩa xóm. Mua bán ở quán quen, nhiều khi cũng như sống với họ hàng. Thi thoảng có con sâu trong rổ rau, thi thoảng mua phải gói bim bim xì hơi, thi thoảng uống phải chai coca chua lè do hết đát, nhưng cuối cùng cũng bỏ quá cho nhau, cùng lắm thì có vài lời trách móc nhẹ nhàng và vài câu đùa khúc khích. Vì là người quen cả, việc gì phải nặng lời?
Mấy quán quen là một phần của tuổi thơ lũ trẻ. Là kẻ chứng kiến quá trình trưởng thành của một lớp người. Là sự bất biến để người ta thấy rõ hơn những thay đổi xung quanh. Là một phần của danh tính quê hương. Mấy quán quen, xuất hiện tự nhiên như hơi thở, tưởng chừng như mãi mãi, rồi cũng đến lúc biến mất như tiếng thở hắt sau cuối. Khi đó, quán quen chỉ còn là một phần trong ký ức tập thể của tầng lớp tiểu thị dân.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất