Là người làm cha làm mẹ, ai cũng muốn con mình thật hạnh phúc, thông minh tốt bụng, thương người, làm theo lẽ phải. Nhưng chỉ có một tấm lòng cao cả chưa đủ, mà không phải hiếm khi vì một tình yêu mù quáng nên chính mình làm hại mục đích của mình. Ngày xưa, người ta nói: "Thương con cho roi cho vọt". Thật ra mấy ai vì thật sự yêu thương lại cầm roi quất vào da thịt con mình! Chị ngẫm nghĩ lại xem, người ta đánh con vào lúc tức giận. Và sau khi đánh con xong thì hả cơn giận, nhưng người có tấm lòng thì lại ân hận... giá như chuyện đó đừng xảy ra. Nhưng thưa chị, "giá như chuyện đó đừng xảy ra" không có nghĩa đơn thuần đừng đánh con, mà cái chính là đừng để xảy ra những bất đồng gay gắt giữa cha mẹ và con cái, để rồi cha mẹ giải quyết bất đồng ấy bằng sức mạnh cơ thể và kinh tế của mình. Còn để tự an ủi (hay tự đánh lừa mình), những vị... trí thức thì cho rằng họ đánh vào phần "nửa con vật" chứ thật bụng hết sức trân trọng phần "nửa con người" còn lại trong con mình. Trong mọi trường hợp thì vấn đề vẫn là xây dựng mối quan hệ đúng đắn giữa cha mẹ và con cái, tránh xảy ra bất đồng gay gắt, phải không chị? Việc này tôi chắc là làm được không khó như xây dựng quan hệ vợ chồng. Hai vợ chồng vốn ở hai hoàn cảnh khác nhau, lớn lên trong hai nền giáo dục khác nhau và cho đến lúc trưởng thành mới gặp nhau, lúc ấy mỗi người đã là một người. Còn quan hệ con cái với cha mẹ được xây dựng từ lúc đứa trẻ mới lọt lòng. Vả chăng, với tình thương vô cùng sâu sắc và cao cả trong tấm lòng mình, cha mẹ đủ sức vượt qua những khó khăn, biết nhận những phần đụng chạm đến bản thân mình, để nhường phần "hơn" cho con cái. Nhưng rồi đến một lúc nào đó, sự "nhân nhượng" ấy không đủ sức mạnh để ngăn chặn xung khắc và bố mẹ cảm thấy mình có quyền cư xử theo cách của mình bằng sức mạnh hiện có trong tay mình. Thật tình phần đông các bậc cha mẹ đều thật sự tin rằng mình cư xử vì lợi ích của con cái, hoặc ít nhất, nếu không thế thì cũng phải lấy có như thế để khỏi áy náy trong lòng. Cái bi đát của xung khắc vốn không phải ở trong đứa trẻ hay ở cha mẹ mà ở quan hệ. Quan hệ ấy tốt xấu trước hết tuỳ theo sự hiểu biết của cha mẹ về con cái của mình, và phải được xây dựng ngay từ đầu - nói cho thật chặt chẽ, thì tốt nhất là bắt đầu từ giây phút vợ chồng cảm thấy mình muốn được làm cha mẹ...
Một tình thương sâu xa phải được củng cố bằng những hiểu biết cần thiết của trẻ thơ và phải tiếp tục củng cố quan hệ đó trong cuộc sống chung giữa cha mẹ và con cái. Nói một cách lý thuyết, đã là quan hệ phải là quan hệ hai chiều: cha mẹ thương yêu, tôn trọng con cái và con cái thương yêu tôn trọng cha mẹ. Nguyên tắc vàng ngọc đó phải được áp dụng ngay từ đầu, lúc đứa trẻ mới lọt lòng, phải được áp dụng triệt để, không bên nào được ưu tiên hơn bên nào.
Nhưng xin đừng hiểu lầm là đem cha mẹ đánh đồng với con cái.
Nói cho sòng phẳng thì tôi và chị là thành viên của xã hội, con tôi và con chị là hai thành viên của xã hội. Rõ ràng về mặt xã hội, không ai có quyền hơn ai. Xã hội tồn tại vì có cả người lớn và trẻ em. Xã hội cần đến trẻ em cũng như trẻ em cần có xã hội. Con cái sống được nhờ có cha mẹ và cha mẹ sống được cũng nhờ có con cái. Nếu ai nói lý rằng, cha mẹ nuôi được con cái, con cái làm sao nuôi nổi cha mẹ, may chăng sau này nó lớn lên... thì xin thưa rằng, đây cũng là một nghĩa vụ xưa nay. Tôi và chị "từng hưởng" của cha mẹ thì nay "trả lại" cho con cái. Ấy là ở trong nhà, còn ngoài xã hội, thì tôi và con tôi hoàn toàn có quyền được hưởng gia tài của nhân loại để lại, được hưởng nền văn hoá xã hội như nhau. Ngày nay xã hội loài người đã phát triển đến trình độ coi sự ràng buộc giữa cha mẹ và con cái không còn trong phạm vi gia đình nữa, không còn là việc riêng của từng người. Nói cách khác, những việc quen gọi là gia đình theo bản chất của nó, đều mang tính xã hội. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa với chế độ làm chủ tập thể mới xây dựng được những quan hệ thuần khiết và thiêng liêng, vừa bình đẳng, vừa thương yêu và tôn trọng lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái như những con người - thành viên của xã hội. Sau nữa, cũng xin nói thêm là tôi nói về nguyên tắc quan hệ, chứ không phải đánh đồng về chức năng và vai trò của mỗi thành viên trong quan hệ đó. Nhưng ngược lại, những chức năng và vai trò của mỗi thành viên đều chỉ có thể quy định theo nguyên tắc quan hệ ấy mà thôi.
Làm thế nào để áp dụng nguyên tắc cùng "tôn trọng yêu mến lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái" để áp dụng cho trẻ mới lọt lòng?
Quả thật mới nghe, tưởng là vô lý và nói "lý thuyết viển vông" khi đem nguyên tắc đó để áp dụng với trẻ mới lọt lòng. Nhưng sự thật là phải thế, phải áp dụng nguyên tắc đó đối với bất kỳ lứa tuổi nào.
Trước hết, ngay từ đầu chúng ta đã coi đứa trẻ mới lọt lòng là người và nuôi nó theo cách của người: cho bú, cho ăn thức ăn chín. Nhưng không phải chỉ cho ăn, mà còn phải vuốt ve, âu yếm với một thái độ ân cần, ung dung để cho một tình thương dào dạt sẽ theo dòng sữa vào trong từng thớ thịt đứa trẻ. Chị vẫn nói nựng với con, khi cho con "chó con" ăn chứ? Thật may cho loài người, người mẹ nào cũng biết nói chớt, nói nựng với con. Trong cả đời, mỗi người ít nhất cũng có hai lần được nghe lời nói nựng, mà giá trị của chúng khác nhau xa. Ấy là lúc mới ra đời và lúc sắp sửa "vào đời". Khi yêu nhau người ta nói với nhau những câu hoàn toàn vô nghĩa, chẳng đâu vào đâu, ai vô tình nghe phải chắc thế nào cũng phì cười, vì cái sự vớ vẩn của câu chuyện. Thế nhưng, đối với đương sự thì thực là vô giá, có ý nghĩa đến nỗi tưởng như thấm vào từng hơi thở. Hạnh phúc này, chị tưởng không lớn sao? Nhưng thưa chị, thời nay chúng ta còn có thể nghe nhiều lần những lời như thế, theo các giọng trầm bổng khác nhau, còn trong đời ta, ta chỉ có thể có một lần duy nhất được nghe những lời mẹ nựng. Nó thực là vô giá, nó quý hơn rất nhiều so với cái còn có thể có lần thứ hai (chớ đừng nói theo kiểu toán học là lần thứ n!).
Với linh tính của người mẹ, chị có cảm thấy mỗi khi chị vui trong lòng, với tình thương hết mực, thì "chó con" của chị vui lòng hơn, nó im thin thít, cơ hồ như nó đang tận hưởng cái hạnh phúc và nhấm nháp ý vị của nó không? Chị hãy nói với "chó con" của chị như tâm sự với con người, người bạn trung thành nhất với chị. Xin chị tin cho rằng nó "hiểu" chị và xin chị hãy tôn trọng nó. Gặp nó, xin chị vui vẻ, âu yếm. Nét mặt hiền hậu, rạng rỡ niềm hạnh phúc của chị sẽ là nguồn hạnh phúc vô giá của trẻ thơ. Suốt đời nó mang ơn chị, không phải chỉ vì chị nuôi nó lớn, mà chị coi nó như một con người, một người bạn tâm tình, một người được chị tôn trọng đến nỗi mọi nỗi bực dọc riêng tư của chị, chị đều giấu kín và cũng bởi vì tôn trọng nó mà chị chỉ dành cho nó, bao giờ cũng như bao giờ, nét mặt hiền dịu biểu lộ tất cả cái rộng rãi bao la và tình yêu thương sâu sắc nhất của người mẹ. Chính đó là cái vẫn được gọi là tấm lòng người mẹ đấy, chị ạ. Nuôi trẻ thơ là nuôi người, không phải chỉ nuôi bằng sữa mà còn nuôi bằng tình thương. Hạt giống tình thương ấy gieo vào lúc này là hợp thời nhất. Nó cắm rễ sâu tới điểm tận cùng của tâm hồn con người. Sau này lớn lên tình thương đó sẽ cho đứa trẻ vững vàng trong cuộc sống, với một tâm hồn thanh thản và một bộ óc thông minh. Xin chị tin lời tôi, nhu cầu của trẻ thơ là được giao lưu (chủ yếu về mặt tình cảm) với người lớn, được thương yêu người và được người thương yêu. Chị có hiểu, vì sao khi chị rời đứa bé, nó khóc không? Chị cho rằng nó hư chứ gì? Không phải thế đâu. Nó nói với chị, nó van nài chị đừng "bỏ rơi" nó. Nó cần có người lớn bên cạnh. Nó cần được "nói chuyện" với người lớn. Vì vậy, khi nó đã thiu thiu, chưa ngủ hẳn, nếu chị bỏ đi, nó sẽ thức dậy ngay và dù đang nhắm mắt, nó cứ khóc, cơ hồ như nó "thấy" chị bỏ nó một mình và chị chỉ cần chạm khẽ vào người nó, nó ngủ lại ngay. Rồi khi giấc ngủ đã say, chị khe khẽ ru, đu đưa chiếc nôi, nó càng ngủ ngon hơn. Nó tin là có mẹ bên cạnh. Người mẹ nuôi con thơ là như thế đấy. Trong thực tế đã có nơi, vào khoảng những năm 30, nuôi trẻ thơ theo chế độ "tập thể", theo phương pháp "phản xạ có điều kiện" một cách máy móc. Đến giờ, một hồi chuông đổ váng đầu: trẻ thức dậy ăn. Một hồi chuông khác: ngủ. Một hồi chuông nữa: ỉa. Một hồi chuông nữa: đái. Một hồi chuông nữa, một hồi chuông nữa... Rồi sẽ thành những đứa trẻ ngớ ngẩn, khó dạy. Vì vậy, phương pháp đó đã bị cấm.
Thưa chị, tiếng chuông, dù là đúc bằng vàng thật, cũng không thể thay cho tiếng người mẹ. Những hồi chuông như thế chỉ lợi cho người chăn nuôi trong công nghiệp, chăn nuôi gà, vịt... Trẻ thơ phải được nuôi theo kiểu người, được ấp ủ trong lòng người mẹ, được nâng niu trên cánh tay người mẹ. Xã hội giao cho người mẹ, thành viên của xã hội nuôi dạy trẻ thơ, một thành viên non trẻ của xã hội.
Cha mẹ cần dạy cho trẻ thơ thương yêu và tôn trọng mình bằng cách có một chế độ sinh hoạt ổn định (nhưng không quá máy móc): tập cho trẻ quen với chế độ đó một cách... tự giác nghĩa là phải làm ngay từ đầu. Nếu chưa đến giờ ăn mà nó muốn ăn thì nó phải biết kéo dài thời gian chờ đợi. Nó phải chịu theo những chế độ sinh hoạt mà cuộc sống đòi hỏi phải có. Nói cách khác, người mẹ không vì nó "vòi" mà cái gì cũng làm theo nó. Nó phải biết "chiều" người lớn, và ngay từ lúc còn thơ dại, nó phải "cảm thấy" có những nguyên tắc không thể suy suyển được. Nó biết "tôn trọng" người lớn, chứ không phải cái gì nó cũng muốn "ưu tiên". Cái ưu tiên duy nhất của trẻ thơ trong gia đình là nó đừng bao giờ cảm thấy mình có quyền hưởng ưu tiên hơn ai. Phải làm triệt để ngay từ đầu miếng đất "tâm lý" của trẻ, không để cho một mầm mống ích kỷ nào có thể bám được, sống nổi và phát triển lên. Và chị sẽ cảm thấy rõ ràng là nếu trong gia đình không ai muốn được "ưu tiên" hơn thì rút cục cả nhà ai cũng được ưu tiên thực sự, còn ở nhà nào một ai đó nói rằng tôi cần "ưu tiên" thì đó chính là nguồn gốc của mọi sự không lành!
Hồ Ngọc Đại
Bài viết đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam, số 23 (686) - 1980
Yêu
/yeu
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất