Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ, hai người anh hùng, hai kẻ thù không đội trời chung, kẻ lập bao chiến công người giành lại giang sơn. Ai thắng, ai thua thật khó mà đánh giá. Chỉ biết là di sản của họ chính là đất nước Việt Nam lần đầu tiên thống nhất từ địa đầu Hà Giang đến mũi Cà Mau như ngày nay. Bây giờ tôi xin được lạm bàn một chút với các bạn về chủ đề này nhé.
<i>Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh</i>
Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh
I. TÓM TẮT QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CÁC THẾ LỰC LÊ, TRỊNH, NGUYỄN VÀ TÂY SƠN.
Thời kỳ vua Lê Thánh Tông (nửa cuối thế kỉ 15) nước ta thái bình thịnh trị. Đại Việt đạt nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục. Vua dẫn quân đi đánh Chăm Pa mà Bộ ngoại giao của Đại Minh với tư cách là anh cả trong khu vực cũng chỉ tổ chức họp báo thể hiện sự quan ngại sâu sắc chứ cũng chẳng dám làm gì. Dân ta hồi đấy so với cư dân các nước trong khu vực cũng chẳng khác nào mấy anh Hàn, Nhật bây giờ. Sau khi vua mất, con cháu kế nghiệp ông là vua Lê Hiến Tông và Lê Túc Tông đều là những bậc thiên tư thông minh xứng đáng trị vì ngôi báu. Chẳng may hai vua lại mất sớm.
Triều đình rơi vào tay những kẻ bất tài vô đức ăn chơi sa đọa, làm bao việc tàn ác, sử gọi là “vua quỷ”, “vua lợn” đã miêu tả hết được chân dung của những ông vua này. Việc nước không có người chăm lo trở nên hỗn loạn, tạo điều kiện cho Mạc Đăng Dung chiếm quyền lật đổ nhà Lê sơ lập ra nhà Mạc.
Vào hồi ấy nước ta rất trọng Nho giáo và tư tưởng trung quân ái quốc. Đồng thời một bộ phận người dân vẫn hướng về nhà Lê nên ai ép vua cướp ngôi là bị phản đối dữ lắm, khắp nơi anh em nổi dậy. Nguyễn Kim một cựu thần nhà Lê chạy đi tìm được một người thuộc dòng dõi hoàng tộc là Lê Duy Ninh lập lên làm vua (Cái tên Lê Duy Ninh thì ít người biết, nhưng biệt hiệu “chúa Chổm” của ông thì ai cũng biết), thế là Nguyễn Kim danh chính ngôn thuận đánh lại nhà Mạc với slogan “Phù Lê diệt Mạc”. Trên danh nghĩa vua Lê vẫn là người đứng đầu nhưng quyền lực lại nằm trong tay Nguyễn Kim (nghe khá giống với vụ Tào Tháo nắm trong tay thiên tử trong Tam Quốc hầy).
<i>Vùng màu vàng là nơi mà Nguyễn Kim và vua Lê khởi binh chống lại nhà Mạc</i>
Vùng màu vàng là nơi mà Nguyễn Kim và vua Lê khởi binh chống lại nhà Mạc
Đến năm 1545 hai bên Lê - Mạc đang đánh nhau to thì Nguyễn Kim bị tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc nên qua đời. Trước khi chết ông trao hết binh mã cho con rể là Trịnh Kiểm. (Chắc tại thằng con rể này nó có tài, nó lại theo ông bao lâu nay rồi nên ông làm thế hoặc cũng có thể lúc đó ông bị trúng độc, đầu óc không được minh mẫn nên ông nhầm không để lại cơ nghiệp cho con đẻ mà lại để cho con rể. Bạn nào biết nguyên nhân tại sao thì comment phía dưới cho mình biết nhé). Ai ngờ một thời gian sau Trịnh Kiểm lại đầu độc chết Nguyễn Uông con trai trưởng của Nguyễn Kim. (Khả năng là vì sợ bị đòi lại binh quyền). Khiến người con thứ của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng sợ quá mới cho người đi tìm cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm xin ý kiến. Cụ bảo “ Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” nghĩa là “ Một dải Hoành Sơn hiểm trở có thể dung thân muôn đời”
<i>Vị trí của Hoành Sơn, ngày nay thuộc địa phận phía Bắc tính Quảng Bình</i>
Vị trí của Hoành Sơn, ngày nay thuộc địa phận phía Bắc tính Quảng Bình
Nghe lời cụ, Nguyễn Hoàng đến chỗ chị gái Ngọc Bảo xin anh rể Trịnh Kiểm vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Thương em Ngọc Bảo đến nói với chồng: “ Chồng ơi, chồng cho thằng Hoàng nó vào trấn giữ Thuận Hóa phòng quân Chăm Pa đánh ra, để chồng ở ngoài này yên tâm đánh quân họ Mạc”. Trịnh Kiểm nghe xong cũng nghi ngờ lắm nhưng nghĩ bụng: “ Đất Thuận Hóa khô cằn sỏi đá, quanh năm lũ lụt, thằng Hoàng nó vào đấy cũng chẳng khởi nghiệp được đâu, mình chiều nó tí cũng được”.
Thế là Nguyễn Hoàng tập hợp dân binh tiến vào Thuận Hóa, từ đây bắt đâu ly khai khỏi Trịnh Kiểm. Hình thành nên 2 thế lực Trịnh, Nguyễn. Kể đến đây các bạn cũng đã biết được là Trịnh, Nguyễn sau này tuy đánh nhau liên miên nhưng lại có họ hàng với nhau đấy nhé. Nguyễn Kim là nội tổ phụ của chúa Nguyễn, là ngoại tổ phụ của chúa Trịnh.
<i>Bản đồ nước ta cuối thời chúa Nguyễn Hoàng</i>
Bản đồ nước ta cuối thời chúa Nguyễn Hoàng
Về phần Trịnh Kiểm sau đó cũng nảy sinh ý định cướp ngôi nhà Lê, tự lập mình là vua. Trịnh Kiểm bèn đến hỏi Trạng Trình xem mình có làm vua được không. Trạng nói với chúa là: “ Giữ chùa, thờ Phật thì ăn oản”. Đại ý nói: “Chú đừng có cướp ngôi, cứ để vua Lê ngồi đấy còn chú thì nắm thực quyền chẳng phải tốt hơn sao, cướp ngôi giờ nhiều đứa nó làm loạn lắm”. Trịnh Kiểm hiểu ra nên cũng không dám có ý định đó nữa.
Thời gian tiếp theo anh em Trịnh, Nguyễn vẫn khá đoàn kết, sau khi Trịnh Kiểm mất Nguyễn Hoàng còn dẫn binh ra Bắc giúp Trịnh Tùng đánh quân nhà Mạc, khiến quân Mạc dần dần thất bại phải chạy lên Cao Bằng  (Trịnh Tùng là con của Trịnh Kiểm và bà Ngọc Bảo, cháu gọi Nguyễn Hoàng bằng cậu). Khi Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Hóa cũng nhận ra rằng vùng đất này nhỏ hẹp chẳng thể là nơi gây dựng thế lực. Nếu quân Trịnh đến cũng chẳng thể nào mà kháng cự được. Trong cái khó, ló cái khôn, một ý nghĩ lóe lên trong đầu Nguyễn Hoàng: “Ngoài Bắc quân Trịnh mạnh quá không tiến ra được thì mình tiến  vào Nam, từ khi bị Lê Thánh Tông đánh cho một trận tơi bời hoa lá Chăm Pa đã suy yếu lắm rồi, nội bộ lại lục đục ta dễ bề thu phục”. Thế là một cuộc di dân về phương lớn nhất về phương Nam của người Việt bắt đầu diễn ra. Quá  trình di dân khai khẩn đất hoang đó đã xây dựng một thế lực đàng Trong hùng mạnh đối chọi lại với thế lực chúa Trịnh đàng ngoài. Cả Trịnh và Nguyễn vẫn là bề tôi của nhà Lê, nhưng mỗi phe cát cứ một phương, phía Bắc quân Trịnh củng cố thế lực, tiêu diệt tàn dư nhà Mạc, thời Trịnh Cương còn đòi được một số vùng đất của Trung Quốc, phía Nam họ Nguyễn dần dần mở mang cương vực về phía Nam đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày nay, và dĩ nhiên là Trịnh -Nguyễn cũng thường xuyên có những cuộc chiến tranh giành nhau tấc đất tấc vàng sử gọi là Trịnh – Nguyễn phân tranh.
Thế cục như vậy kéo dài suốt hơn một trăm năm mươi năm thì tình hình hai miền bắt đầu có những diễn biến xấu đi. Ngoài Bắc khi Trịnh Giang lên ngôi chúa thì ăn chơi sa đọa làm hỏng chính sự đàng Ngoài, nhiều nơi đứng lên khởi nghĩa, khiến cho các chúa Trịnh đời sau dù cũng đã cố gắng dẹp loạn nhưng nhân tài, vật lực sa sút nghiêm trọng, đằng Ngoài không thể phồn thịnh như trước được nữa. Trong Nam sau thời kỳ các chúa Nguyễn dốc lòng dốc sức mở rộng và xây dựng xứ đàng Trong thành một nơi ấm no sung túc, đến đời thứ 8 chẳng may lại vớ được một tên họ ngoại là Trương Phúc Loan. Thằng cha này làm đủ mọi chuyện “mất dạy” trên đời mục đích chỉ để nắm quyền lực trong tay và vơ vét của cải về nhà mình, nhà hắn càng giàu thì dân đói khổ càng nhiều.
Lúc bấy giờ, ở vùng Tây Sơn, Bình Định có ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ võ nghệ cao cường, sớm nuôi chí lớn. Ông anh cả là Nguyễn Nhạc vốn làm nghề buôn trầu nên nhà giàu lắm (Nói theo cách nói thời nay thì có thể được gọi là doanh nhân thành đạt).  Thấy thế sự chuyển vần, ba anh em quyết định dùng tiền của mình để chiêu mộ binh mã, lập công danh sự nghiệp với đời (Thế mới thấy muốn làm việc lớn trước hết là phải có tiền, nhà Lê Lợi ngày xưa cũng rất giàu nên mới nuôi được anh em, muốn anh em theo mình thì phải đảm bảo cho họ cái ăn cái mặc đã). Dân đói khắp nơi kéo về dưới trướng ba anh em Tây Sơn. Năm 1771 lấy danh nghĩa lấy của nhà giàu chia cho người nghèo, phò trợ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, diệt trừ loạn thần Trương Phúc Loan quân Tây Sơn tiến quân đánh phá thành Bình Định cướp kho lúa, bắt đầu cho thời kỳ 30 năm tao loạn với hai nhân vật chính chính là Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh.
II. HAI NGƯỜI ANH HÙNG
Còn nữa ...........
GHI CHÚ:
Ngoài chúa Nguyễn và chúa Trịnh thì cả nhà Mạc sau khi thất thế cũng đến xin ý kiến của Trạng Trình, ông đưa ra lời khuyên cho nhà Mạc là: "Cao Bằng tuy thiểu, khả diên sổ thế" (nghĩa là rút về đất Cao Bằng thì sẽ tồn tại thêm được ba đời nữa). Sau nhà Mạc thua, theo lời Trạng Trình rút về Cao Bằng đã giữ được thêm 70 năm nữa mới bị tiêu diệt hoàn toàn. Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ với ba câu nói đã chia ba thiên hạ, tạo tiền đề cho chúa Nguyễn mở mang đất nước về phía Nam. Tài năng của ông chẳng kém gì so với Gia Cát Lượng nhà Thục Hán cả.
Ngoài Nguyễn Bỉnh Khiêm thì trước đó vua Lê Thánh Tông khi đi đánh Chăm Pa đi qua Hoành Sơn cũng nhận ra được địa thế Hoành Sơn sẽ là nơi dung thân của bậc anh hùng ông nói: "Núi sông này khí thế hùng dũng lắm thay, đời sau sẽ có anh hùng chiếm cứ ở nơi này" Quả nhiên 100 năm sau chân chủ phương Nam xuất hiện ở vùng đất này, chính là các chúa Nguyễn khởi đầu là Nguyễn Hoàng.