Ba mẹ tôi có lẽ đã khóc, tôi không nhìn thấy được. Những gì tôi nhìn thấy là cái quá khứ kia của anh em tôi khiến ba mẹ già cỗi đi nhiều. BA TÔI HAO MÒN. MẸ TÔI LAO LỰC. VÀ CẢ HAI DẦN HÉO ÚA.
Gửi tới ba mẹ của những ngày anh em tôi còn bồng bột
Hiểu Anh, tháng 3 năm 2022.
Trong vòng đời của một cái cây, mỗi năm cây thêm một tuổi thể hiện trên một lớp vân gỗ, vậy là bao dấu vết của quá khứ lưu lại trên một đời thảo mộc. Tôi từng băn khoăn về một cây bao báp ở châu Phi 2500 tuổi, với một phần lịch sử của hành tinh này đã lưu lại trong nó. Và tôi suy ngẫm liệu con người có tương tự như một cái cây, QUÁ KHỨ có làm nên trầm tích thời gian trong tâm hồn để ta vươn mình thành đá quý, QUÁ KHỨ dạy ta những gì trên hành trình trưởng thành?  
Tôi 18 tuổi, không đủ chững chạc nhưng cũng đã trải qua những "hỷ nộ ái ố" trong cuộc đời, cũng ngẫm nghĩ về những điều đã qua dù cho đôi lúc chúng khiến tôi day dứt biết nhường nào. Mỗi khoảnh khắc trong quá khứ với tôi đều gắn liền với một bài học, một sự trưởng thành, một cái nhìn bớt nông nổi và sâu sắc hơn về đời thường. Đặc biệt là trong ánh tà dương của những sự kiện có sức ảnh hưởng đến toàn nhân loại vừa mới diễn ra gần đây, tôi đột nhiên dành thời gian để nghĩ nhiều hơn về quá khứ.
Khái niệm về quá khứ bắt nguồn từ khi loài người nhận thức được sự tuyến tính của thời gian, vì vậy mà con người cũng bắt đầu việc lưu trữ quá khứ thông qua trí nhớ và hồi tưởng. Muôn kiếp nhân sinh khiến cho quá khứ cũng muôn hình vạn trạng. Có những quá khứ thật huy hoàng rực rỡ đến mức khiến ta nhớ nhung, ta thèm khát được sống lại những ngày tháng tươi đẹp ấy. Có những quá khứ phủ đầy màu tăm tối, những vết thương ăn sâu vào trong tiềm thức làm ta muốn chạy trốn, chối bỏ và quên đi chúng. Có những điều mãi mãi chỉ nằm lại trên mảnh đất hoài niệm, để khi nhắc lại ta không ngừng day dứt và tiếc nuối, hi vọng có một cơ hội sửa sai dẫu biết rằng điều đó là không thể. Và cũng có những quá khứ chóng vánh, như một chiếc lá thu rơi, hay một cơn sấm chớp, ta chỉ kịp trải qua một cảm xúc tột độ nào đó ngắn ngủi, rồi lại không bao giờ nhớ rõ được hình hài của nó như thế nào. Con người thường nhìn về ký ức bằng những cảm nhận, vì vậy cách chúng ta đối xử với quá khứ là khác nhau.
Quá khứ của tôi ư? Đó là những chuỗi ngày vấp ngã sai lầm. Những năm học trung học, tôi từng nghiện thuốc lá, thậm chí là chất gây nghiện nặng hơn mà tôi không tiện kể tên. Tôi ương bướng và ngỗ nghịch, đến nỗi số bản kiểm điểm mẹ tôi phải kí một năm học trên dưới mười đầu ngón tay, kì học nào ba tôi cũng đều đặn được giáo viên mời gặp. Mỗi lúc hồi tưởng về quãng thời gian trung học ấy, tôi bật cười khanh khách nhưng cũng bật khóc không ít lần. Tôi không còn nhớ rõ điều gì đã khiến tôi thay đổi. Những gì tôi biết là quá khứ có phần đen tối ấy đã trở thành động lực để tôi bước tiếp những bước trưởng thành và đúng đắn hơn sau này. Quá khứ là nguồn cảm hứng để ngày hôm nay tôi đặt bút xuống viết những dòng bộc bạch non nớt này. Dù cho những lời sáo rỗng ấy có để lại dấu ấn gì cho cuộc đời hay không, thì những điều tôi đã trải lòng, tôi đã viết, tôi đã làm ngày hôm nay vẫn luôn là cột mốc đánh dấu bước khởi đầu cho công cuộc theo đuổi ngành Báo chí và sự nghiệp viết lách của mình.
Có người từng hỏi tôi có nuối tiếc điều gì về cái quá khứ ương ngạnh kia không? Có chứ, tất nhiên rồi. Đôi lúc tôi chỉ cần mất vài giây để bật khóc khi nghĩ về nó. Nó khiến tôi day dứt. Nó khiến tôi tội lỗi. Bởi tôi đã lãng phí những năm tháng thời trung học vào nhiều việc không tên, thậm chí là xém chút nữa thôi, tôi có thể thực sự hư hỏng rồi. Để ngăn cho cái "xém chút nữa" ấy không xảy ra, ba mẹ tôi đã phải đánh đổi quá nhiều. Tôi có một người anh trai, và anh tôi cũng có thời niên thiếu "rực rỡ" khiến ba mẹ cũng phải đau đầu không kém phần tôi, thậm chí là hơn nhiều. Ba mẹ tôi có lẽ đã khóc, tôi không nhìn thấy được. Những gì tôi nhìn thấy là cái quá khứ kia của anh em tôi khiến ba mẹ già cỗi đi nhiều. BA TÔI HAO MÒN. MẸ TÔI LAO LỰC. VÀ CẢ HAI DẦN HÉO ÚA.
Nếu có thể thay đổi một điều trong quá khứ, thì ...? Không. Chắc chắn không. Không cần biết vế sau là gì, nhưng chỉ cần nhắc tới thay đổi quá khứ, thì câu trả lời của tôi luôn luôn là KHÔNG. Quá khứ là tôi. Quá khứ đã hình thành nên tôi của lúc này. Hơn nữa, tôi luôn quan niệm một điều hiển nhiên: Con người cơ bản không thể THAY ĐỔI cũng như không thể QUÊN được quá khứ, con người chỉ có thể CHẤP NHẬN, VƯỢT QUA và xây dựng bản thân trên nền móng của quá khứ.
Thứ nhất, chúng ta thực chất không thể THAY ĐỔI quá khứ. Thời gian tuyến tính không tuần hoàn đồng nghĩa với việc mỗi một giây phút trôi qua, kể cả bạn đang đọc bài viết này thì chính bạn ở một giây trước cũng đã trở thành hoài niệm không thể quay lại được nữa. Tôi thiết nghĩ chúng ta có thực sự cần thiết phải mãi kẹt lại trong một cái gì đó mà chúng ta không thể thay đổi theo bất kỳ cách nào? Quá khứ của tôi, thực lòng là vẫn khó mà nuốt trôi mỗi khi nhắc tới, nhưng tôi yêu thương nó, vì quá khứ dạy tôi, và có lẽ là cả loài người nữa, cách CHẤP NHẬN. Kỳ thực, vấn đề không nằm ở cuộc sống mà là thái độ chấp nhận hoặc không chấp nhận của chúng ta với mọi hoàn cảnh, dù là tồi tệ nhất trong cuộc đời. Thời gian vừa qua, hẳn chúng ta đã khổ sở biết nhường nào bởi đại dịch COVID-19. Chúng ta đều hi vọng dịch bệnh mau qua đi, để quay về cuộc sống bình thường. Nhưng, bạn có chắc rằng khi dịch bệnh được xóa sổ hoàn toàn, bạn sẽ yêu lại cái cuộc sống tất bật, quay cuồng của công việc văn phòng suốt 8 tiếng? Hãy tưởng tượng rằng tôi đang đọc cho bạn nghe những mô tả dưới đây, khi thấy ý nào đúng, hãy dùng bút khoanh chúng lại hoặc mỉm cười nếu không có bút.
* Bạn từng cáu mù lên khi phải len lỏi vào đám đông kẹt xe đang nhích từng "cm" ở trên đường, rồi lại bị hối thúc bởi tiếng còi xe inh ỏi phía sau.
* Bạn từng mơ mộng đến việc trở thành freelancer để tự chủ thời gian cho cuộc sống, thay vì bị trói buộc trong văn phòng và chịu những lời chỉ trí từ cấp trên.
* Bạn vì quá bận rộn mà đã từ chối rất nhiều cuộc hẹn với bạn bè trong sự hối tiếc, rồi hứa hẹn "hôm nào" như một thói quen
* Bạn từng ao ước có một kì nghỉ dài, giống như nghỉ Tết hoặc thậm chí là "nghỉ hè" của thời học sinh.
* Tồi tệ hơn, bạn đã từng tuyệt vọng.
* Bạn đang nghĩ nếu tôi liệt kê thêm nữa, bạn sẽ phải khoanh mỏi tay hoặc cười toe toét.
Hãy ngẫm nghĩ mà xem, có phải chính chúng ta trong quá khứ đã từng như vậy, nhưng rồi ta vẫn chấp nhận nó như một điều hiển nhiên để nhường chỗ cho cảm nhận về vô vàn niềm vui khác trong cuộc sống. Trong quyển sách Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu của giáo sư Rando Kim, có trích dẫn một câu nói: “Hãy yêu lấy số mệnh của bạn”. Tôi đặc biệt tâm đắc triết lý này, bởi nó không chỉ đúng cho những việc đã và đang xảy ra, mà thậm chỉ là cả vận mệnh ở phía trước. Phải, những gì đã trải qua với dịch bệnh trong quá khứ khiến nhân loại học cách chấp nhận chung sống và chung tay thay đổi thế giới trở nên tươi sáng hơn trong tương lai, không phải cố gắng thay đổi để phủ nhận sự thật dịch bệnh đã tàn phá chúng ta một cách vô ích. Quá khứ dạy con người ta chấp nhận cuộc sống như nó vốn có, chấp nhận mọi khó khăn không mong đợi, để sống trọn vẹn từng phút giây của cuộc đời.
Thứ hai, việc QUÊN đi quá khứ nằm ngoài khả năng của chúng ta. Quên và nhớ là năng lực đặc biệt của con người mà không loại máy móc nào có thể "nhái" được. Ký ức của chúng ta không bao giờ mất đi, ngay cả trong trường hợp mất trí nhớ hay bất kể vấn đề bệnh lý nào, nó chỉ tạm thời bị cất giấu ở đâu đó trong tiềm thức. Song, những điều đã xảy đến trong cuộc đời ta không phải để quên đi, dù cho chúng có chua chát và bi thương đến nhường nào. Tôi nhớ lần đọc câu chuyện "Cậu bé ăn ác mộng":
Cậu bé ấy hôm nay cũng thức dậy sau một cơn ác mộng đáng sợ. Những ký ức đau khổ trong quá khứ mà cậu bé muốn quên, hằng đêm đều tái hiện trong giấc mơ và liên tục tra tấn cậu. Để không phải mơ thấy ác mộng nữa, câu đã tìm đến ma nữ để cầu xin được xóa hết những ký ức đau khổ trong đầu. Thời gian trôi đi, cậu bé lớn lên và không còn mơ thấy ác mộng nữa. Nhưng không biết vì sao cậu không hề thấy hạnh phúc. Vào một đêm trăng máu, cậu ta hét lên với ma nữ bằng giọng điệu oán trách. Và rồi ma nữ đoạt lấy linh hồn của cậu bé và nói:
“Ký ức đau buồn. Ký ức khiến ta hối hận. Ký ức mình bị tổn thương và làm người khác tổn thương. Ký ức bị bỏ rơi và quay lưng… Chỉ ai sống với những ký ức như vậy được chôn chặt trong tim mới mạnh mẽ hơn, cuồng nhiệt hơn và dễ thay đổi cảm xúc hơn. Chỉ những kẻ như vậy mới hạnh phúc …Vì vậy, đừng quên. Đừng quên mà hãy vượt qua… Nếu không thể vượt qua, thì ngươi chỉ là một đứa trẻ có tâm hồn chưa lớn mà thôi.”
Quá khứ sinh ra không phải để bị lãng quên đi. Những điều đã qua đều đáng để ta hoài niệm. Và hơn hết, là để ta VƯỢT QUA chúng và hướng tới những điều kỳ diệu phía sau. Nói đến đây, tôi không thể không đề cập tới bức ảnh "Nụ hôn khải hoàn" nồng cháy của một cặp đôi khi nghe tin Thế chiến II kết thúc được nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt ghi lại giữa quảng trường Thời Đại (New York) vào ngày 14-08-1945. Sau này bức ảnh ấy đã trở thành một trong những tác phẩm nghệ thuật biểu tượng của thời kì chiến tranh thế giới thứ hai. Những cảnh khải hoàn, có thể là những bản tráng ca hào hùng nhưng cũng có thể là những bản bi ca đẫm nước mắt bởi sức tàn phá mà Thế chiến II để lại cho nhân loại. Nụ hôn giữa anh lính hải quân và cô y tá chưa từng quen biết nhau từ trước kia không chỉ là niềm xót thương cùng tận cho 1,7 tỷ sinh mạng đã bị lôi vào vòng xoáy chiến tranh, mà nó còn ẩn chứa hi vọng, ẩn chứa niềm tin, ẩn chứa khát khao vượt qua thương đau để vươn tới nền hòa bình cho toàn thể nhân loại. Trong nụ hôn ấy, trong hai con người ở khoảnh khắc ấy, họ mang trong mình cả quá khứ lẫn hiện tại và tương lai.
<i>"Nụ hôn khải hoàn" - Nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt - 14/08/1945 Quảng trường Thời Đại</i>
"Nụ hôn khải hoàn" - Nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt - 14/08/1945 Quảng trường Thời Đại
Quá khứ không chỉ tồn tại trong đời sống tâm hồn một cá nhân mà còn trong cả một dân tộc, một nhân loại. Lấy Nhật Bản như một minh chứng rõ nét cho niềm tin ấy thảm kịch bom nguyên tử giáng xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki đã trở thành ám ảnh kinh hoàng trong lịch sử. Nhưng, Nhật Bản đã "lớn lên từ ác mộng" để hồi sinh lớn mạnh, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới hiện nay (theo Quỹ tiền tệ Quốc tế). Bên cạnh đó, Cộng đồng quốc tế không ngừng nỗ lực đàm phán với hàng loạt hiệp định hướng tới phi hạt nhân hóa trên thế giới được ký kết, vừa để đảm bảo một thảm kịch như vậy sẽ không bao giờ tái diễn trong tương lai, vừa là cách mà con người đang bù đắp cho quá khứ.
"Quá khứ đã dạy ta những gì?" có phải nó chỉ đơn thuần để lại dấu ấn hướng ta trở thành phiên bản hoàn thiện hơn trong hiện tại, hay nó còn mang sứ mệnh lớn lao quyết định đến vận mệnh của nhân loại. Với tôi, có lẽ là cả hai. Bởi mọi điều xảy ra đều có lý do và quá khứ sẽ trở thành sức mạnh cho "cái tôi riêng" chủ động điều chỉnh tâm thức của bản thân để hướng tới những giá trị sống bền vững cho "cái ta chung" của nhân loại.
Tôi, một phiên bản của ngày HÔM NAY, hình thành từ chính “tôi của QUÁ KHỨ” viết ra đôi dòng vụng về này để thể hiện những chiêm nghiệm của cá nhân mình:
Đối với quá khứ, đừng cố gắng THAY ĐỔI. Hãy CHẤP NHẬN. Đừng QUÊN. Mà hãy VƯỢT QUA. Nếu không, chúng ta sẽ mãi mãi "chỉ là một đứa trẻ có tâm hồn chưa lớn mà thôi".
( Kỉ niệm bài dự thi viết Thông điệp tháng Ba "Quá khứ dạy ta những gì?" của HNUE Philology Times. Những gì được in đậm là điều mà bản thân tôi rất tâm đắc và chân thành khi truyền tải chúng trong quá trình viết. )