Q: Phải chăng là tiếng Anh đang giết chết các ngôn ngữ khác?
________________
________________
A: Marc Ettlinger, Tiến sĩ Ngôn ngữ học, UC Berkeley.
Đúng vậy, tiếng Anh đang giết chết các ngôn ngữ khác, hệt như cái cách mà mỗi ngôn ngữ gắn với một quốc gia dân tộc đang giết chết những ngôn ngữ thiểu số khác vậy.
Tiếng Pháp (French) đang và đã giết chết tiếng Breton, Alsatian, Provencal và tất cả những ngôn ngữ thiểu số ở Pháp.
Tiếng Thái (Thai) đang khiến tiếng Hmong, Akha, Kuuki Thaadow và những ngôn ngữ thiểu số ở Thái Lan chết dần chết mòn.
Tiếng Nga (Russian) đã làm cho những ngôn ngữ thuộc họ Ural và Eskimo-Aleut biến mất, và nó đang nhăm nhe biến nhiều ngôn ngữ thuộc họ Turk, như tiếng Uzbek và tiếng Kazakh, cũng như ngôn ngữ thuộc họ Caucasian như tiếng Gruzia trở thành dĩ vãng.
Và ai mà biết được có bao nhiêu ngôn ngữ đang là “nạn nhân" của tiếng Trung phổ thông (Mandarin) cơ chứ.
Tương tự, tiếng Anh (English) cũng đang và sẽ giết chết hàng trăm ngôn ngữ ở Mỹ, bao gồm những ngôn ngữ thuộc họ Algonquian, Iroquoian và Athabaskan, mà ở đây tôi mới chỉ liệt kê ra vài cái tên thôi đấy nhé.
Cũng như vậy, ở Vương quốc Anh và Ireland, tiếng Anh cũng đang khiến tiếng Celtic hay Gaelic ngắc ngoải. Và ở Úc, tiếng Anh cũng đã biến những ngôn ngữ thổ dân Úc chỉ còn là cái tên.
Vậy đó, cuối cùng thì thứ tiếng nào mà liên kết với một quốc gia dân tộc thì sẽ giết chết những ngôn ngữ thiểu số khác, như là hệ quả của:
  • Trường học được đào tạo như nhau trên toàn đất nước, ở đó, thành công được đánh giá là phải biết được ngôn ngữ chiếm ưu thế.
  • Chính phủ tập trung, nơi mà để tìm được việc thì phải biết được ngôn ngữ chiếm ưu thế.
  • Áp lực phải phù hợp với xã hội.
  • Việc di cư lên thành phố, xóa bỏ nhiều rào cản để trở thành một phần của cộng đồng.
  • … và nhiều nhân tố khác nữa.
Đáng chú ý là hiện nay có rất nhiều quốc gia và tổ chức đang cố gắng ngăn chặn tình trạng này. Ấn Độ đã công nhận hàng chục ngôn ngữ trong Hiến pháp, đây là một bước tiến cực kỳ quan trọng. Úc và New Zealand đang nỗ lực hỗ trợ các ngôn ngữ thuộc họ Maori. Các trường đại học và tổ chức ở Mỹ như Viện Lưu trữ các ngôn ngữ bản địa Breath of Life đang cố gắng giúp đỡ các bộ lạc bản địa ở Mỹ duy trì ngôn ngữ của họ.
Một số đồng chí ở đây có nhắc đến những lợi ích nếu tiếng Anh ngày càng lấn át những ngôn ngữ khác, cơ mà tôi cho rằng điều đó là quá xa vời. Nước Pháp sẽ không bao giờ biến thành một quốc gia nói tiếng Anh. Thái Lan, Nga, Trung Quốc và bất cứ đất nước nào không coi tiếng Anh là ngôn ngữ quốc gia cũng vậy.
Thật vậy, tôi không nghĩ là có thể xảy ra chuyện một số ngôn ngữ lại lấn át được ngôn ngữ quốc gia của một đất nước đâu.
Vì thế, tiếng Anh có thể giết chết mọi thứ tiếng ở Vương quốc Anh, Úc, Mỹ và nhiều nơi khác sử dụng nó làm ngôn ngữ chính; rồi thì mọi ngôn ngữ thiểu số khác trên thế giới có thể bị những ngôn ngữ chiếm ưu thế xóa sổ ở đất nước của chúng; chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với số phận buồn thảm của việc chỉ còn lác đác vài ba ngôn ngữ ở một quốc gia, tức là vài trăm ngôn ngữ trên thế giới. Những miễn là các quốc gia còn tồn tại, thì tiếng Anh sẽ không thể bành trướng thêm nữa, ngay cả khi văn hóa Mỹ ngày càng phổ biến.
Trong khi ý tưởng về cái chết của các ngôn ngữ đang bắt đầu được phổ biến hơn, điều quan trọng là chúng ta phải biết ý nghĩa thực sự của nó. Đó không phải là chuyện các thuật ngữ máy tính bằng tiếng Anh đang phá hỏng sự trong sáng của tiếng Pháp hoặc nhạc rock n roll của Mỹ có quá nhiều tiếng ồn. Đó là về sự biến mất của các ngôn ngữ thiểu số trên toàn cầu đấy.
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và tranh vui, văn bản cho biết 'ENGLISH ENGLISH EVERYWHERE'