Poor Things: Đâu là giới hạn của sự tự do?
Sẽ thế nào khi cuộc sống chỉ là trải nghiệm và không có gì là tốt, xấu hay đúng, sai? ...
Sẽ thế nào khi cuộc sống chỉ là trải nghiệm và không có gì là tốt, xấu hay đúng, sai?
*Nội dung bài viết có yếu tố spoil phim nên mọi người có thể cân nhắc trước khi đọc"
Phòng thí nghiệm
Bella- Một cô gái có bộ não của một đứa trẻ trong hình hài của người phụ nữ trưởng thành.
Trong quá khứ cô đã tự vẫn và được Godwin (một tiến sĩ tài năng nhưng dị biệt) cứu trong tình trạng đang mang thai. Với trạng thi thể người mẹ còn sự sống, ông đã hồi sinh đứa trẻ bằng cách cấy não nó vào đầu người mẹ. Có nghĩa là đứa trẻ trong bụng sẽ sống dưới hình hài của chính mẹ nó.
Đầu phim nhân vật Bella hiện lên trong một khung hình đen trắng, với những bước đi chập chững và những hành động hết sức ngô nghê, ngờ nghệch, bản năng như một đứa trẻ trong thân xác của một người phụ nữ trường thành. Cô khóc lóc, gào thét, đập phá đồ đạc, làm loạn lên để đòi thứ mình muốn.
Được nuôi trong môi trường phòng thì nghiệm cùng người cha nuôi dị biệt, cô coi xác người cũng như thứ đồ chơi giải trí, cô dùng dao đâm vào xác người mà không có biểu hiện nào của sự sợ hãi. Cô hoàn toàn nhận thức như một đứa trẻ và có xu hướng sao chép toàn bộ hành động của người khác, kể cả là tốt hay xấu. Điển hình khi thấy Max (trợ lý của God chịu trách nhiệm ghi chép về sự phát triển của Bella và sau này là hôn phu của cô) đưa cho mình xem một con ếch thì suy nghĩ đầu tiên trong đầu của Bella là "Giết nó". Cô giết chóc là một trò tiêu khiển, điều này cho thấy rằng những gì "bộ não trẻ em" chứng kiến trong những năm đầu đời ảnh hưởng vô cùng lớn đến nhận thức và hình thành nhân cách của chúng.
Bước chân khỏi "vườn địa đàng"
Đối với Godwin Baxter, người mà được Bella gọi là God (cả theo nghĩa bóng hay nghĩa đen thì cách gọi đó đều đúng vì với Bella thì ông ta là người tạo ra cô) thì khoa học là tất cả mọi thứ với ông ta. Ông coi con người cũng như một những vật thí nghiệm, cách mà ông ấy làm với động vật trong sân nhà mình, gắn đầu con này vào thân con kia, ồ chẳng có quy tắc nào cả.
Trong quá khứ Godwin cũng lớn lên với một người cha "điên rồ" sử dụng ông như vật thí nghiệm nên ông coi "tình cảm" là một biến số không nên xảy ra trong "lý tưởng khoa học vĩ đại" mà ông hướng tới. Thế nhưng đối với Bella thì có chút đặc biệt, ông thực sự coi cô như con gái của mình và có tình cảm thuần khiết muốn bao bọc cô trong "vườn địa đàng" mà ông tạo ra. Cũng như bao vị phụ huynh khác lo lắng cho đứa con bé bỏng của mình, ông đe dọa và nói với cô rằng thế giới ngoài kia rất đáng sợ và mong cô không bao giờ bươc chân ra khỏi tầm mắt của mình. Bella khao khát muốn được nhìn thế giới bên ngoài, nơi mà cô có thể ngắm nhìn thế giới là từ sân gác mái của tòa lâu đài. Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Bella bắt đầu tự biết khám phá bản thân mình và bắt đầu tò mò về thế giới bên ngoài. Dù buồn bã nhưng ông vẫn đến hôn chào tạm biệt Bella như cô yêu cầu và còn khâu tiền dự phòng vào chiếc áo cho Bella phòng thân. Bella chính là thứ biến số mà ông không muốn có nhất trong quá trình nghiên cứu của mình.
Điều đặc biệt cũng như kì dị nhất của Bella đó là cô ở trong chính cơ thể mẹ của mình, có nghĩa là cô là mẹ của mình và cũng là con gái của bản thân. Bỏ qua các yếu tố về mặt đạo đức theo quy chuẩn xã hội thì thử hỏi bộ não của một đứa trẻ và tiếp cận cuộc sống một cách bản năng nhất với một cơ thể đã phát triển hoàn thiện thì sẽ thế nào?
Dục vọng
Vì "lớn lên" theo một hoàn cảnh đặc biệt và không có cái khái niệm về "văn minh loài người". Dễ hiểu khi cô có những hành động "tự khám phá bản thân", phát hiện ra tình dục là một cách để tạo ra khoái cảm mà cô gọi là "Happiness" cho cơ thể mình. Cô chia sẻ điều đó tự nhiên và cho rằng ấy là điều hết sức bình thường, cô hồn nhiên hỏi: " Tình dục tuyệt vời như thế thì tại sao con người không làm điều đó cả ngày?". Điều này khiến mình liên tưởng đến việc giống như bản năng của động vật, đến một giai đoạn nhất định chúng sẽ có xu hướng tìm kiếm bạn tình, hay người ta còn gọi là "động dục". Thực ra đó cũng là quy trình tự nhiên của phần con, tồn tại dưới bản thể vật lý, luôn tò mò và muốn khám phá bản thân mình. Có một nghịch lý ở đây là con người luôn khao khát tình dục, tình dục là một phần của mọi giống loài. Nhưng khi nhắc đến nó thì mọi người thường ái ngại, thậm chí coi nó là một điều tội lỗi trong khi chúng ta cần thừa nhận rằng tình dục chỉ là một phần trong quá trình nhận thức về bản thân và là bước đầu trong hành trình trưởng thành. Sự phô bày trần trụi về tình dục trong bộ phim không bị giới hạn bởi "quy tắc xã hội", Bella chẳng hề thấy xấu hổ với những hành động của mình, cô chẳng quan tâm đến điều ấy cho lắm. Khi bắt đầu có tính dục, con người nảy sinh ham muốn và rồi bị ham muốn chi phối quyết định. Để thỏa mãn dục vọng và khát khao tự do muốn nhìn ngắm thế giới cô quyết định lên đường phiêu lưu theo lời mời gọi của gã luật sư háo sắc Duncan.
Kể từ khi bước khỏi căn phòng thí nghiệm màu trắng đen nơi đã tạo ra cô thì cuộc sống cô bắt đầu có màu sắc. Cùng với một người đàn ông xa lạ, chỉ ham muốn thân xác cô, gã ta muốn cô luôn ngờ nghệch và là công cụ cho hắn thỏa mãn nhu cầu của mình. Hắn làm đủ mọi trò để giam giữ cô cho riêng mình, bắt cô phải nghe những gì hắn nói, như cách mà người ta quát nạt một đứa trẻ. Hắn chưa từng coi cô là một người phụ nữ thực sự. Hắn đưa cô lên một con tàu hòng giam giữ cô . Nhưng ở đây cô lại gặp được Martha và Harry cô được tiếp cận xã hội ở một phương diện khác, những con người thông thái theo chủ nghĩa duy lý (Rationalism), hiểu biết về triết học, về cách vận hành của xã hội nhưng lại bất lực chọn đứng bên ngoài để quan sát và cho rằng mình không thể thay đổi được thứ gì. Bella bắt đầu phát hiện ra thế giới này còn nhiều thứ để biết hơn chỉ là tình dục . Cô đọc sách và bắt đầu tò mò về những thứ sâu xa hơn nhưng đều bị Duncan ngăn cản, hắn ta chỉ muốn chiếm trọn cô cho riêng mình, cô càng không quan tâm đến hắn ta thì hắn lại càng phát điên lên vì cô.
Bản thân mình nhận thấy Duncan giống như đại diện cho một phần xã hội cực đoan, coi thường và kiểm soát phụ nữ thông qua những hành động hắn ngăn không cho cô ra ngoài, bắt cô phải tuân lệnh mình, và liên tục vứt những cuốn sách trên tay Bella đi. Nhưng không gì ngăn cản được một con người có ý chí tự do, Bella luôn khám phá cuộc sống theo cách của riêng mình.
Sẽ thế nào nếu tất cả mọi thứ chỉ là trải nghiệm?
Có thể nhận thấy rằng quá trình nhận thức thế giới của Bella có xu hướng đi theo chủ nghĩa duy nghiệm (Empiricism). Cô trải nghiệm thế giới hoàn toàn như một trang giấy trắng mà theo như Locke (nhà Triết học đầu tiên phát biểu về trường phái kinh nghiệm) khẳng định rằng tâm thức con người là một tabula rasa một "cái bảng trống trơn" và trải nghiệm là những dấu ấn để tạo nên nhận thức, ý niệm của con người. Cô được trải nghiệm thực tiễn cuộc sống trước khi biết lý thuyết về nó, từ đó rút ra những bài học và suy tưởng cho tư duy của bản thân.
Khi được Harry dẫn tới xem những người sống ở dưới chân tòa lâu đài, những đứa trẻ bệnh tật, người nghèo khổ, đói khát. Cô đau đớn khóc lóc và tự hỏi:"Mình là ai mà lại được ăn ngon mặc đẹp còn họ lại phải sống khổ sở như thế?". Đây có lẽ là cột mốc đánh dấu cho sự phát triển về nhân tính và nhận thức về hiện thực cuộc sống của Bella. Hành động bộc phát từ lòng trắc ẩn của Bella là cô lén lấy hết tiền của Duncan mang đi cứu giúp những người nghèo khổ cô nhìn thấy. Thế nhưng cô lại ngây thơ đưa hết số tiền đó cho hai gã thủy thủ và tin rằng họ sẽ đem số tiền đó cho những người dưới kia. Đó cũng là hiện thực, mặt khuất của cuộc sống, không phải lúc nào cũng chỉ có hưởng thụ, hoan lạc, thừa thãi vật chất mà cô được tiếp xúc từ khi mới "chào đời" mà nó còn có cả chiến tranh, đói khát, phân cấp xã hội, bóc lột bệnh tật, nghèo khổ. Tuy khó chấp nhận nhưng đó là một phần của cuộc sống.
Bản thân mình, mỗi khi đối mặt với cuộc "khủng hoảng hiện sinh" mình cũng đã từng đặt câu hỏi rằng:"Tại sao con người lại được sinh ra và rồi lại chết đi, rằng là cuộc sống này có nghĩa lý gì khi mà ta biết sẽ có một ngày mình chết kể từ ngày đầu tiên bắt đầu sống?" Và mình tìm được ra câu trả lời đó là "trải nghiệm", ở một khía cạnh nào đó chúng ta sinh ra để khám phá sự sống, khám phá chính bản thân mình về "thân-tâm-trí". Đa phần nếu chỉ ràng buộc mình ở phần thân chúng ta sẽ không ngừng theo đuổi vật chất, tích lũy của cải, đắm chìm trong tình dục, thỏa mãn phần thể xác. Khi con người bắt đầu nhận thức được phần tâm, là khi chúng ta bắt đầu có những câu hỏi lớn hơn về sự tồn tại, về sứ mệnh của mình. Càng nhìn nhận sâu về tâm, chúng ta sẽ dần mong muốn, khát khao được tự do, muốn tìm hiểu về bản chất của sự sống, ý thức được sự nhỏ bé của mình giữa tổng thể vũ trụ rộng lớn.
Vậy chuẩn mực nào cho sự tự do hay sự tự do không cần chuẩn mực?
Khi xuống tàu ở Paris cô và Duncan không còn một xu dính túi, Ducan tuyệt vọng và chửi rủa cô bằng một tràng dài những từ hắn có thể nghĩ ra, không còn vỏ bọc vật chất lịch lãm như một quý ông, Duncan lộ ra hình dạng tàn tạ và yếu đuối của mình. Bella để cho hắn cầm sạch số tiền và Godwin đưa cho cô mà không có chút tiếc nuối nào. Để thỏa mãn nhu cầu sinh lý và cần kiếm tiền nên cô quyết định vào làm việc ở nhà thổ. Ở đây cô làm tình với đủ loại người, khám phá đủ mọi tư thế, gặp đủ tình huốn oái oăm (weird nhất là ông bố dẫn hai cậu con trai đến và làm tình với cô để thị phạm cho chúng xem) nhưng đối với cô mọi thứ đều là "thí nghiệm". Với Bella "chuẩn mực xã hội" không nằm trong từ điển của cô.
Một thời gian sau cô không còn hào hứng với việc làm tình khi nó cứ lặp đi lặp lại một cách đầy nhàm chán, cô đánh mất chính cái khoái cảm cô từng cho rằng là điều tuyệt nhất mà mình khám phá ra. Sự trưởng thành về mặt nhận thức đánh dấu từ việc cô không còn dáng đi ngờ nghệch và nói chuyện như một đứa trẻ nữa, ở cái nơi tối tăm, bẩn thỉu và đầy mùi ẩm mốc ấy Bella dần nhận ra sức mạnh của tri thức, cô quyết định học để trở thành một bác sĩ cứu người. Cô bắt đầu có những câu hỏi đầy tính triết lý hơn, cô tìm hiểu về chủ nghĩa xã hội, cho rằng nó là lý tưởng sống nhưng rõ ràng cuộc sống ở nhà thổ là nơi cô cảm nhận rõ nhất sự thống trị của chủ nghĩa tư bản. Bằng chứng là khi bạn cô tỏ ý đồng tình trước lý tưởng của cô thì bà chủ nhà thổ- người thuần phục dưới chủ nghĩa tư bản đã bắt cô phục vụ khách miễn phí như một hình phạt.
Bàn về sự tự do và chuẩn mực đạo đức, trên lập trường của mình thì khi định kiến xã hội không ảnh hưởng đến việc quyết định hành vi của một cá thể thì người đó có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, vấn đề đặt ra ở đây là tiêu chuẩn nào để con người ta biết được việc nào nên làm và việc nào thì không? Vì chẳng có gì là đúng-sai cả, ai cũng có lý do để làm điều họ thích cơ mà. Nếu tự do là thích làm gì thì làm thì xã hội này sẽ loạn mất vậy nên hệ thống luật pháp là điều cần thiết để quản lý xã hội. Tuy nhiên theo dòng chảy thời gian thì chúng ta cũng có thể thấy bất cứ định kiến nào không phù hợp với xã hội ấy đều sẽ bị phản đối và loại bỏ, kể cả chế độ xã hội tồn tại hàng ngàn năm cũng không tránh khỏi quy luật Thành-Trụ-Bại-Diệt. Theo Triết học Mác-Lenin: quy luật Phủ định của Phủ định bất cứ sự vật, hiện tượng nào trong thế giới đều trải qua quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong. Phủ định biện chứng là phạm trù triết học dùng để chỉ sự phủ định tự thân, là kế thừa cái cũ và phát triển thành cái mới, nếu nó phù hợp thì nó sẽ tồn tại. Vậy nên cũng chẳng có chuẩn mực nào là tồn tại mãi cả, sự tự do trong chuẩn mực đạo đức phù hợp nhất đó là sự tự nhận thức và thích nghi với thời đại.
Tự do với mỗi người là một mong muốn khác nhau nhưng tự do ý chí là khi con người nhận thức và biết được rằng chính mình là người làm chủ vận mệnh của mình chứ không phải ai khác.
Sự tha thứ
Bella trở về khi hay tin Godwin bị bệnh nan y, Godwin cho cô biết "nguồn gốc ra đời" của mình. Cô chấp nhận tha thứ cho ông vì đã đưa cô vào thế giới với một thân thể và tình huống kì dị. Dù sao thì tình cảm mà ông dành cho Bella cũng xuất phát từ tấm lòng chân thật. Godwin trút hơi thở cuối cùng bên cạnh Bella và Max, trước khi nhắm mắt xuôi tay thì ông được cảm nhận thứ mà ông chưa từng có - tình yêu thương.
Ở London cô cũng gặp lại người chồng cũ (hay cũng là cha của mình)-một người độc đoán, kiểm soát, thao túng và bạo lực. Hắn một lần nữa đem cô về và nhốt cô trong tòa lâu đài của hắn, thậm chí hắn còn chiếm hữu đến mức cho rằng tình dục chính là thứ khiến cô rời xa khỏi hắn nên hắn thuê người làm hẳn "mũ trùm âm vật" cho cô. Cuối cùng cô cũng tìm được ra lý do vì sao bản thân lại chọn tự vẫn trước kia. Nhưng cô không còn là Victoria (tên cô trước khi tự vẫn), giờ đây cô mạnh mẽ và quả quyết hơn, cô không chọn cái chết mà đối mặt với vận mệnh của mình, giải quyết dứt điểm mối quan hệ oan nghiệt đã dẫn cô tới tình huống éo le này. Cô cướp súng, bắn một phát khiến hắn ngã khuỵu và ngất đi vì mất máu quá nhiều.
Thế nhưng không phải ai cũng xứng đáng được tha thứ, ca phẫu thuật đầu tiên của cô là cứu sống Alfie nhưng lại là lắp não của một con dê vào đầu của hắn, đoạn này làm mình tự hỏi đây là tàn nhẫn hay là công lý?
Kết
Đa phần khi tìm từ khóa về "Poor Things" thì từ mình thấy nhiều nhất là "phim nhiều cảnh nóng" nhất, " nữ diễn viên đóng cảnh nóng", "đạt giải Oscar",... có vẻ hơi bất công với Emma Stone khi chỉ được nhắc đến với những cảnh nude trong khi điều cô đem lại cho bộ phim là vượt xa hơn thế rất nhiều. Từ cách biểu cảm, diễn xuất đều xuất sắc thể hiện quá trình trưởng thành của nhân vật Bella qua từng giai đoạn nhận thức khác nhau. Mình đã há hốc khi chứng kiến diễn viên phim La La Land mà mình yêu thích lại xuất hiện với một hình ảnh dị biệt, "trần trụi" (theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen) và táo bạo đến thế.
Trên đây là những phân tích và suy tưởng của mình sau trải nghiệm xem Poor Things từ Montauk về. Tuy nhiên đây chỉ là những quan điểm từ sự hiểu biết còn nhiều thiếu sót của mình, thế nên nếu có bất cứ đóng góp nào mình rất vui lòng đón nhận và mong muốn được bàn luận thêm.
Cảm ơn mọi người đã đọc tới đây!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất