Plato và platypus bước vào quán bar ! (Hay Lướt Vèo qua các chủ đề của Triết học).
Hầu hết các ví dụ trong bài được lấy từ sách "Plato và Thú mỏ vịt bước vào quán bar" nên nếu các bạn thấy hay thì hãy mua sách ủng hộ. Để tôi bớt mang tiếng là đã "chôm chỉa" quá nhiều.
Do có học đòi đọc qua một số sách Triết học, nên tôi thấy cuốn sách khoảng 300 trang này là một cuốn sách rất nhẹ nhàng, vui vẻ và rất đáng để đọc. Bản thân tôi đã mua chừng ...chục cuốn để tặng bạn bè.
----
Plato và platypus bước vào quán bar !
- Ừa, rồi sao? Hai ông người nước ngoài nào đó đi nhậu thì có gì thông thái và hài hước đây ?
- Đợi đã, bạn nói là 2 ông người nước ngoài nào ? Tui nói là Plato và platypus bước vào quán bar mà ?!
- Ủa ? Thì Plato và Platypus là tên nước ngoài mà ?
- Ờ, chời ơi ! Plato là nhà triết học Hy Lạp cổ đại, một trong ba vị triết gia lớn nhất của triết học châu Âu cổ đại đó ! (Socrates, Plato, Aristotle). Còn platypus là con Thú mỏ vịt !
- Xem nào...Một triết gia cổ đại và một con thú mỏ vịt.... bước vào quán bar. Há há há....Sao lại thế được !!
- May quá, bây giờ thì bạn đã cười... Bạn thấy đấy, nếu không biết đủ về Triết, thì bạn sẽ chẳng thấy nó có gì thông thái hay tức cười cả.
----
Plato và Thú mỏ vịt bước vào quán bar - Thomas Cathcart & Deniel Klein
Đây là cuốn sách rất tham vọng của hai tác gia ngành triết râu tóc bạc phơ với vầng trán cực cao. Cuốn sách này muốn đề cập đến gần như toàn bộ các chủ đề của triết học từ cổ đại đến hiện đại. Tất nhiên với độ dài chưa tới 300 trang ngắn ngủi thì nó chỉ dừng ở mức lướt vèo qua các chủ đề mà thôi.
----
CUỘC SỐNG LÀ HÀNH TRÌNH ĐI TÌM CHÂN LÝ
Câu chuyện số 1
Dimitri: Nếu thần Atlas đỡ Địa cầu, vậy thì cái gì đỡ thần Atlas ?
Tasso: Thần Atlas đứng trên con rùa.
Dimitri: Nhưng con rùa ấy đứng trên cái gì ?
Tasso: Một con rùa khác.
Dimitri: Thế con rùa khác ấy đứng trên cái gì ?
Tasso: Dimitri thân mến à, trở xuống toàn là rùa suốt lượt !
Các bạn có gợi lại cảm xúc hay ký ức nào khi đọc câu chuyện trên không ? Để tôi nhắc lại nhé, các bạn có nhớ hình ảnh một đứa trẻ cứ hỏi người lớn tới tới kiểu tại sao, tại sao và tại sao không ? Nếu không nhớ thì rất tiếc bạn đã có...tuổi thơ bất hạnh !
Từ thời cổ đại Socrates đã đặt câu hỏi : Điều gì đã tạo nên thế giới này ? Thế giới này không thể tự nhiên mà có được, phải có "vị thần" nào đó đã tạo ra nó. Có thể là 1 hoặc là nhiều vị thần. Vậy điều gì đã tạo ra 1 hay nhiều vị thần vừa rồi ? Chắc phải là một Đấng Tối Cao nào đó? - VẬY, ĐIỀU GÌ TẠO RA ĐẤNG TỐI CAO ẤY ?! ....., Vâng, cứ thế, kết cuộc câu trả lời có lẽ sẽ giống như câu chuyện ở trên ! Tất cả trở lên đều là Đấng Tối Cao suốt lượt !
Triết học là như thế, liên tục đặt ra câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời !
Câu chuyện thứ 2

Anh chàng Morty về nhà, thấy vợ đang trần như nhộng trên giường với gã bạn chí cốt của mình là Lou. Trong khi Morty còn chưa kịp há miệng ra thì Lou đã nhảy phắt khỏi giường và kêu lên: Này bạn vàng, trước khi mày nói bất cứ điều gì, hãy thử nghĩ xem mày tin vào cái gì , tin tao hay tin vào mắt mày ?".
Nếu bạn trong tình huống tương tự, bạn sẽ tin vào cái gì ?
Đối với nhiều người, niềm tin rất quan trọng. Có thể nói họ sẽ không sống nổi nếu thiếu niềm tin. Nhưng vấn đề ở đây là tin vào cái gì, tin vào ai ? Nếu bạn ghét động não, nếu bạn cảm thấy không tự tin vào trí thông minh của mình thì bạn có thể chọn ai đó để tin. Lúc đó, giống như bạn đánh cược cả cuộc đời cho người đó vậy.

Phải tin ai đây ? Tốt nhất là tin vào chính mình. Nhưng không phải tin một cách vô căn cứ. Mà phải tin những gì đã được suy luận một cách cẩn thận, logic, hợp lý. Tất nhiên rồi, vì không ai trong chúng ta muốn tin vào những thứ sai trái!? Vầng, và đó cũng là một đề tài của triết học.
Câu chuyện thứ tư (theo thứ tự của sách)
Dimitri: Gần đây có một điều cứ làm tôi bất ổn, Tasso ạ.
Tasso: Điều gì vậy ?
Dimitri: Ý nghĩa của mọi sự là gì ?
Tasso: Mọi sự gì ?
Dimitri: Cậu biết đấy: cuộc sống, cái chết, tình yêu...toàn bộ cái mớ hổ lốn đó.
Tasso: Sao cậu nghĩ rằng những thứ đó đều có ý nghĩa ?
Dimitri: Bởi vì nó phải có chứ. Nếu không cuộc sống sẽ chỉ là...
Tasso: Là gì ?
Dimitri: Tôi cần một cốc ouzo (rượu).

Lý do của cuộc sống, của cuộc đời, của...mọi thứ ? Phải có lý do nào đó chứ ? Nếu không chúng ta tồn tại trên đời này để làm gì ?!

Vầng, và đó cũng là một đề tài của triết học. Người ta xếp đề tài này vào nhóm Siêu Hình Học. Siêu Hình có nghĩa là vượt lên trên ..cái hình, vượt qua cái hình dáng bên ngoài(hay đằng sau hình dáng bên ngoài) mà nhìn...thấu vào BẢN CHẤT BÊN TRONG.
Các đề tài trong Siêu Hình Học(i) bao gồm:

MỤC ĐÍCH LUẬN
Người ta cho rằng mọi thứ trên đời này tồn tại đều có mục đích của nó ! Chim có mục đích của chim, ong có mục đích của ong. Mục đích trái táo chín là....cây táo ! Vì thế trái táo chín thì phải rơi xuống đất ! Và vì thế mà Định luật Vạn vật hấp dẫn của Newton là....tầm bậy ! :P

Câu chuyện thứ năm

Bà Goldstein đang xuôi phố cùng 2 đứa cháu nội. Một người bạn dừng lại hỏi bà lũ nhỏ mấy tuổi. Bà đáp: Thằng bác sĩ này lên năm, còn thằng luật sư kia lên bảy.

Đấy, con người cũng phải sống có mục đích. Và mục đích của 2 đứa cháu đã được bà nội chúng quyết định ? Chúng ta có nên để ai đó quyết định mục đích sống của mình không ? Có thể, nếu như ta cảm thấy tự quyết định sẽ quá rắc rối phiền phức.

Câu chuyện thứ sáu

Một kẻ tầm sư học đạo nghe nói vị guru thông thái nhất toàn cõi Ấn Độ sống trên đỉnh ngọn núi cao nhất của Ấn Độ. Vì vậy anh ta vất vả lặn lội khắp núi non và thành Delhi cho đến khi tới được ngọn núi trứ danh nọ. Ngọn núi dốc đứng quá sức tưởng tượng, anh ta trầy trật leo lên ngã xuống không ít lần. Lên được tới đỉnh núi, anh ta trầy xước thâm tím khắp cả mình mẩy, nhưng rốt cuộc đã gặp được vị guru đang ngồi kiết già trước của hang.
"Ôi, thưa tôn sư thông thái" kẻ tầm sư học đạo lên tiếng. "Con đến để hỏi thầy bí mật của cuộc sống là gì ạ."
"À, bí mật của cuộc sống" vị guru nói "Bí mật của cuộc sống là một tách trà"
"Một tách trà? Con cực nhọc đi bao đường đất tới đây để tìm ý nghĩa cuộc sống, thế mà thầy lại bảo rằng nó là một tách trà thôi ư !"
Vị guru nhún vai :"Vậy có thể nó không phải là một tách trà"

Ý nghĩa cuộc sống mỗi người sẽ tìm thấy khác nhau. Một người có thể tìm thấy điều gì đó để cống hiến cả cuộc đời. Trong khi người khác lại cảm thấy không hứng thú, thậm chí cho là vô bổ, hay tệ hơn là cảm thấy...có hại ! Cách tốt nhất để tự tìm ra ý nghĩa cuộc sống cho riêng mình là tự đặt câu hỏi : "Có phải nó là một...tách trà hay không ? Nếu không thì chắc là thứ khác ! Để xem nào...."
BẢN CHẤT LUẬN

Câu chuyện thứ bảy

Khi Thompson tròn bảy mươi, ông ta quyết định thay đổi hoàn toàn lối sống để thọ được lâu hơn. Ông duy trì chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, ông tập chạy bộ, bơi lội và tắm nắng. Mới được ba tháng, ông đã sút đi khoảng 13 cân rưỡi, giảm vòng bụng đi 15 cm, và ngực nở thêm 13 cm. Người thon gọn và rám nắng, ông quyết định hoàn thành quá trình tân trang ấy bằng một kiểu đầu mới theo phong cách xì po. Sau đó, vừa bước ra khỏi tiệm cắt tóc, ....ông bị xe buýt tông.
Giữa cơn hấp hối, ông kêu lên : "Ôi Chúa, Người nỡ lòng nào làm chuyện này với con !".
Và một giọng nói từ trên cao vọng xuống : "Nói thật với con, Thompson ạ. Quả tình ta không nhận ra con."

Thế là ông Thompson khốn khổ thay vì được sống thọ hơn lại bị chết yểu. Có phải vì ông đã thay đổi quá nhiều ? Đến nỗi Chúa cũng không nhận ra ông ? Vậy làm thế nào để ta nhận ra một người nào đó ? Làm thế nào để phân biệt người này với người khác. Vật này với vật khác ?

Vầng, đó lại là một đề tài nữa của triết học: Bản chất luận. Aristotle nói rằng mọi vật đều có đặc tính BẢN CHẤT và đặc tính NGẪU NHIÊN. Mất đi đặc tính ngẫu nhiên thì vật đó vẫn không thay đổi bản chất của nó, mất đi đặc tính bản chất thì ...bản chất vật đó đã bị thay đổi :P Hay nói cách khác là vật đó không còn là chính nó nữa mà đã là ...vật khác. Điều cần làm là làm sao để phân biệt đâu là đặc tính BẢN CHẤT và đâu là đặc tính NGẪU NHIÊN ?

Câu chuyện thứ tám

Abe: Này Sol, tớ có câu đố này cho cậu. Cái gì màu xanh lá cây, được treo trên tường và huýt sáo ?
Sol: Tớ chịu.
Abe Con cá trích
Sol: Nhưng cá trích đâu có màu xanh lá cây
Abe: Thì cậu có thể sơn nó màu xanh lá cây
Sol: Nhưng cá trích đâu có treo trên tường
Abe: Cậu đóng một cái đinh và treo nó lên
Sol: Nhưng cá trích đâu có huýt sáo !
Abe: Vậy hả ? Thế thì nó không huýt sáo !

Đó, phân biệt đặc tính BẢN CHẤT và đặc tính NGẪU NHIÊN không dễ dàng gì đâu.
Nếu bạn muốn biết BẢN CHẤT của một ai đó chỉ bằng mắt thường thì chắc chắn con cá trích có thể màu xanh lá cây !
CHỦ NGHĨA DUY LÝ
Chủ nghĩa duy lý là một trường phái triết học siêu hình.
Khi triết gia duy lý thế kỷ 17 Gottfried Wilhelm Leibniz thốt ra câu nói nổi tiếng : "Đây là thế giới tốt nhất trong tất cả thế giới có thể", ông đã bị chế nhạo không thương tiếc. Quả tình, nếu tôi chỉ nghe câu nói vừa rồi thì cũng sẽ chế nhạo ông.
Bởi vì cái thế giới mà ông cho là tốt nhất ấy hàng ngày vẫn xảy ra bất công, dịch bệnh, chiến tranh hoặc...ai đó sẽ không trở về nữa, chẳng hạn.
Thế thì sao gọi là thế giới tốt nhất được ?!
Nhưng đầu cua tai nheo là bạn phải hiểu thế nào là Chủ nghĩa duy lý trước rồi mới có thể hiểu câu nói vừa rồi.
Quan điểm của triết học duy lý coi lý trí là ưu việt so với các cách thức thu nhận tri thức khác (khác với Kinh nghiệm chủ nghĩa kiên trì cho rằng cảm giác là con đường chủ yếu để đạt đến tri thức.)
Leibniz đi đến kết luận thế giới này là tốt nhất trong các thế giới có thể nhờ lập luận thuần túy lý trí như sau:

1. Nếu Thượng đế không chọn sáng tạo ra thế giới, thì có thể chẳng hề có thế giới nào hết.
2. "Quy luật lý do đầy đủ" nói rằng khi có nhiều hơn một lựa chọn, ắt phải có giải thích tại sao chọn cái này mà không chọn cái khác.
3. Trong trường hợp Thượng đế đã lựa chọn một thế giới nhất định để sáng tạo, thì nguyên do nhất thiết phải được tìm kiếm trong các thuộc tính của chính Thượng đế, vì tại thời điểm đó ngoài ngài ra chưa có gì khác.
4. Bởi vì Thượng đế là toàn năng và toàn thiện, ngài ắt phải sáng tạo ra thế giới tốt nhất có thể. Nếu suy nghĩ một chút, thì trong hoàn cảnh này, đây là thế giới duy nhất có thể. Là toàn năng và toàn thiện, Thượng đế không thể sáng tạo ra một thế giới không tốt nhất !

Lùng bùng rồi phải không ? Bạn có thể bỏ qua đoạn suy luận trên. Chỉ cần biết rằng : Chủ nghĩa duy lý quan niệm sử dụng lý trí để tìm ra chân lý. Tức là họ dùng những gì đã biết để suy luận một cách chặt chẽ, logic để đưa ra một kết luận nào đó. Tất nhiên những gì họ biết có thể sai, phương pháp suy luận cũng có thể sai, kết quả là đưa ra một kết luận mà đa số chúng ta đều "buồn cười". Tuy nhiên, nếu không tin vào lý trí của mình thì chúng ta nên tin vào cái gì ?!

Câu chuyện thứ chín

Một người lạc quan cho rằng đây là thế giới tốt nhất trong tất cả thế giới có thể. Một người bi quan sợ rằng nó đúng là như vậy.

Vâng, câu chuyện chỉ có vậy. Người lạc quan hài lòng với thế giới hiện tại và cho rằng nó là tốt nhất. Người bi quan không hài lòng với thế giới hiện tại và sợ rằng các thế giới khác còn tồi tệ hơn. Chúng ta chỉ có một thế giới để sống thôi. Tùy mỗi người mà thế giới đó như thế nào. Nhưng, dù chúng ta duy lý hay duy nghiệm, dù chúng ta nghĩ nó như thế nào thì bản chất của nó vẫn không thay đổi.

Câu chuyện thứ mười

Người lạc quan nói: "Cốc này đầy một nửa."
Người bi quan nói: "Cốc này vơi một nửa."
Người duy lý nói: "Cốc này to gấp đôi so với cần thiết."

Ba người, ba quan điểm, ba cách nhìn khác nhau. Người lạc quan, người bi quan nhìn sự vật theo cảm xúc của mình. Còn người duy lý bỏ qua khía cạnh cảm xúc mà dùng lý trí để suy xét sự vật. Trong cuộc sống nhiều lúc chúng ta cần sự lạc quan. Nhưng người nào sống trong thực tế mà vẫn tồn tại, đứng vững được thì mới thật sự là người bản lĩnh, có lý trí.
VÔ TẬN VÀ VĨNH HẰNG

Đây cũng là một đề tài của Siêu hình học. Nó bàn về thế nào là vô tận, vĩnh hằng và cái gì là vô tận và vĩnh hằng ?

Câu chuyện thứ mười một

Một bà được bác sĩ cho biết bà ta chỉ còn sống thêm sáu tháng. "Liệu tôi có thể làm gì được nữa không ?" bà ta hỏi.
"Có chứ", bác sĩ đáp, "Bà có thể kết hôn với một viên kế toán thuế."
"Việc ấy sẽ giúp tôi chữa bệnh thế nào ?"
"Ồ, chữa bệnh thì không", ông bác sĩ nói, "nhưng nó có thể làm cho sáu tháng đó như thể vĩnh hằng."

Câu chuyện nêu lên câu hỏi triết học "Làm thế nào mà một thứ hữu hạn, như sáu tháng, lại có thể tương tự một thứ vô tận, như vĩnh hằng ?"

Bà nọ vẫn còn tham sống, nên sống thêm 6 tháng hay 60 tháng nữa đối với bà vẫn là ít. Nếu lấy một viên kế toán thuế, có khi bà ấy sẽ thấy 6 tháng ấy là...quá dài, ước gì...chết sớm cho xong ! (Cái này sách nói nha, không có ý đụng chạm các bạn kế toán à).
QUYẾT ĐỊNH LUẬN ĐỌ VỚI Ý CHÍ TỰ DO

Đây là một đề tài hay ho và tốn khá nhiều giấy mực để tìm kiếm câu trả lời: "Liệu con người có tự do quyết định và hành động, hay những quyết định và hành động của chúng ta bị định đoạt bởi các lực lượng bên ngoài ?"

Chắng hạn có anh chàng nào đó là người tin vào số phận, duyên phận, hay tin rằng ngày tháng sinh sẽ quyết định tính cách, số phận. Vậy thì anh ta có thể nghĩ rằng: nghèo khó, độc thân, tù tội cũng không phải do lỗi của anh í ! Bởi vì anh í sinh ra là đã bị số phận quy định là nghèo khó, độc thân và bị vào tù ra khám.

Tất nhiên là hầu hết chúng ta sẽ không đồng ý chuyện : Hành động của chúng ta là do số phận hay do Thượng đế quyết định. Bởi vì nếu đồng ý thì sẽ không thể nào quy kết được trách nhiệm đạo đức. Chẳng hạn một người say rượu, lái xe gây tai nạn chết người. Trước tòa, anh ta biện hộ rằng : đó là do số phận, ma quỷ sai khiến, chứ anh ta không có lỗi !

Lúc đó bạn không thể không đồng ý với anh ta nếu bạn hoàn toàn theo quan điểm Quyết định luận (rằng số phận đã quy định anh ta phải vào tù và nạn nhân kia có ...số chết vì bị xe tông)

Câu chuyện thứ mười hai

Moses, Jesus, và một ông lão để râu đang chơi golf. Moses đánh một cú văng xa, bóng đáp xuống đường lăn nhưng rồi lăn thẳng về phía đầm nước. Moses giơ gậy đánh golf của ông lên, rẽ nước, và quả bóng nhẹ nhàng lăn sang bờ bên kia.

Jesus cũng đánh một phát bóng xa về phía cái đầm ấy, nhưng đúng lúc sắp rơi xuống giữa đầm thì bóng bay lơ lửng trên mặt nước. Jesus thong dong thả bước đi trên mặt đầm nước và hất bóng lên cỏ.

Ông lão để râu đánh một phát, bóng đập vào hàng rào và bật nảy ra phố, ở đó nó đập trúng một chiếc xe tải vừa chạy tới rồi văng trở lại phía đường lăn bóng, thẳng hướng đầm nước, nhưng lại rơi xuống một lá hoa súng. Một con ếch ngồi trên chiếc lá trông thấy quả bóng, há miệng đớp ngay lấy. Một con đại bàng sà xuống, quắp con ếch và bay đi mất. Khi con đại bàng và con ếch bay ngang qua bãi cỏ xanh, con ếch đánh rơi quả bóng và nó rơi trúng ngay cái lỗ.

Moses quay sang Jesus và nói, "Tôi ghét chơi với bố cậu."
---
Ý nghĩa của câu chuyện là gì ? Con ếch và con đại bàng như được hành động tự do, không bị ai sai khiến, nhưng kết quả của những hành động đó lại là một kết cuộc có lợi rõ ràng cho ông lão. Nó như được sắp đặt một cách rất khó tin !

Vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể tự do làm những gì mình thích và phải chịu trách nhiệm về những hành động đó. Nhưng dù chúng ta có làm gì đi nữa cũng không thể thoát được số phận đã được định sẵn từ một Đấng Tối Cao nào đó ?!

Lẽ nào lại như vậy ?!
TRIẾT HỌC DIỄN TIẾN

Cũng có câu chuyện về đề tài này nhưng tui không muốn thuật lại vì nó hơi dài và hơi ít ý nghĩa.

Triết học diễn tiến trả lời cho câu hỏi : "Tiếp theo, câu chuyện sẽ diễn ra như thế nào ?". Một xã hội sẽ phát triển ra sao. Tính cách của một người sẽ thay đổi như thế nào trong một môi trường nhất định nào đó chẳng hạn. Hay, thậm chí là rốt cuộc thì triết học sẽ phát triển đến tình trạng như thế nào ?

Và, hơi động chạm một chút. Người ta cũng đặt câu hỏi kiểu như : Chúa bây giờ thì như thế nào ? Bởi vì tất cả những gì ta biết về Chúa chỉ là từ kinh sách quá cổ xưa rồi. Liệu Chúa có thích chơi golf, hay chơi tennis ? Hay là Chúa thích bóng đá ? Nếu vậy, liệu Chúa có can thiệp vào kết quả trận đấu hay không ? Liệu Chúa có biết sự tồn tại của các vì sao ? Liệu Chúa cũng tạo ra sự sống ở những hành tinh xa xôi nào đó ?

NGUYÊN TẮC TIẾT KIỆM

Đây có thể là quan điểm mà tui tán đồng nhất. Bởi vì bất cứ ai đã từng học Triết trong trường sẽ thấy triết học là thứ gì đó dài dòng, rối rắm, tốn nhiều giấy mực chỉ để đề cập đến những vấn đề, khái niệm đúng ra khá đơn giản. Vậy mà bằng cách nào đó các triết gia và các vị tác giả sách triết thường viết theo phong cách "bí hiểm" đến nỗi ta đọc tiếng mẹ đẻ mà còn khó hiểu hơn đọc tiếng nước ngoài !

Hiệp hội các nhà triết học tập hợp xung quanh đại học Vienna năm 1922 đã tuyên bố đặt dấu chấm hết cho Siêu hình học. Họ lấy cảm hứng từ nhà thần học thế kỷ mười bốn William Occam, cha đẻ của nguyên tắc tiết kiệm. Nguyên tắc này tuyên bố rằng "Các lý thuyết không nên phức tạp hơn mức cần thiết."

"Keep it Simple" là nguyên tắc còn rất phổ biến hiện nay và có thể trong thời gian lâu nữa. Nếu muốn đem sự tinh túy, hay ho của triết học đến với mọi người thì ta cũng nên đơn giản hóa nó đi, giống như quyển sách này đang làm.
LOGIC (ii)

Sau Siêu Hình học là Logic học. Không có logic, lý lẽ vô dụng. "Có nó, bạn có thể thắng trong những cuộc tranh cãi và khiến các đám đông phải tránh xa."(Ý nói là cứ ham thắng trong các cuộc tranh luận đi, rồi sẽ ứ có ai thèm chơi với bạn nữa!)

Trong đời thường, sẽ không ít lần bạn gặp trường hợp: ai đó tuyên bố "cãi không lại bạn" nhưng họ lại không chịu là bạn đúng. Tức là họ không có đủ lý lẽ logic để phản bác lại bạn nhưng lại không chịu thừa nhận là bạn đúng.

Nếu như Triết học mà luôn lâm vào tình trạng trên, khi các triết gia cãi nhau suốt mấy ngàn năm nhưng chẳng ông nào chịu thừa nhận logic của người khác, thì có lẽ triết học chỉ là mớ giẻ rác, chẳng giúp ích gì cho đời.

Vì thế, người ta phải có một logic chung và mục đích của các cuộc tranh cãi cuối cùng cũng phải quy về logic chung ấy mà quyết định ai đúng ai sai.

Câu chuyện thứ 13

Dimitri: Có nhiều môn phái triết học cạnh tranh nhau quá. Làm sao tôi biết chắc cái nào đúng ?
Tasso: Ai nói có cái gì đúng nào ?
Dimitri: Cậu lại thế rồi. Tại sao cậu luôn trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác vậy ?
Tasso: Cậu bực mình vì thế à ?
Dimitri: Tôi thậm chí chẳng biết tại sao tôi lại hỏi nữa, vì một số thứ nhất định phải đúng chứ. Như hai cộng hai bằng bốn chẳng hạn. Nó đúng, chấm hết.
Tasso: Nhưng sao cậu tin chắc như thế ?
Dimitri: Bởi vì tôi là một người Athen thông minh.
Tasso: Đó là vấn đề khác. Nhưng lý do cậu có thể tin chắc hai cộng hai bằng bốn là bởi vì nó tuân theo những quy tắc logic bất di bất dịch.

Chúng ta sẽ đi qua các quy tắc ấy.

LUẬT PHI MÂU THUẪN

Câu chuyện thứ 14

Một giáo sĩ Do Thái đang xử kiện trong làng. Schmuel đứng lên tố cáo: "Thưa thầy, hằng ngày Itzak lùa cừu của hắn qua ruộng nhà tôi và giẫm nát lúa của tôi. Đây là đất của tôi. Như vậy không công bằng.

Giáo sĩ nói: "Anh nói đúng !".
Nhưng Itzak đứng lên và nói: "Nhưng thưa thầy, đi qua đất của hắn là con đường duy nhất để bầy cừu của tôi có thể uống được nước ở đầm. Nếu không như thế, chúng sẽ chết. Hằng trăm năm nay những người chăn cừu có quyền lùa cừu qua mảnh đất xung quanh đầm, và tôi cũng thế."

Giáo sĩ nói : "Ông nói đúng !"
Bà quét dọn nghe lỏm được câu chuyện, nói với giáo sĩ :"Nhưng thưa thầy, không thể cả hai đều đúng được."
Và giáo sĩ trả lời :"Bà nói đúng !"

Bà quét dọn đã thông báo cho giáo sĩ biết rằng ông ta đã vi phạm Luật Phi Mâu Thuẫn của Aristotle. Luật Phi Mâu Thuẫn nói rằng không có cái gì cùng lúc vừa thế này lại vừa không như thế.
LẬP LUẬN PHI LOGIC

Rõ ràng, lập luận nào không có logic, không hợp lý thì không đứng vững, vô dụng, vô ích, nhiều khi gây hại lớn. Trong suốt quá trình phát triển của triết học, những lập luận phi logic không phải là hiếm và người ta cũng mất rất nhiều thời gian để nhận ra chúng. Thậm chí có một số lập luận còn gây tranh cãi cho đến tận ngày nay. Có khi người ta biết rõ là phi logic nhưng vẫn cố tìm cách để bảo vệ nó chỉ vì mục đích cá nhân.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt thì lập luận phi logic vẫn hữu dụng, thậm chí...có lý.

Câu chuyện thứ 15

Một người Ireland bước vào một quán bar ở Dublin, gọi ba vại bia Guiness, lần lượt uống mỗi vại một ngụm cho đến khi cả ba vại bia đều cạn sạch. Ông ta gọi thêm ba vại bia nữa. Chủ quán nói, "Có lẽ, ông nên gọi mỗi lần một cốc thì nó sẽ đỡ nhạt đi."

Người kia nói, "Ồ, tôi biết chứ, nhưng tôi có hai ông anh, một ở Mỹ, một ở Úc. Khi chia tay nhau mỗi người đi mỗi ngả, chúng tôi đã cùng hứa sẽ uống theo cách này để nhớ những ngày còn được ngồi uống với nhau. Mỗi một cốc này là uống cho mỗi anh tôi, còn cốc thứ ba là uống cho tôi."

Chủ quán xúc động nói, "Thật là thói quen tuyệt vời!"

Người Ireland ấy trở thành khách quen và luôn gọi bia theo cách ấy. Một hôm, ông ta bước vào và gọi hai vại bia. Các khách quen khác nhận ra điều này, và một bầu không khí im lặng bao trùm trong quán. Khi ông ta đến quầy để gọi lượt hai, chủ quán nói, "Ông bạn, tôi xin chia buồn cùng ông."

Người Ireland nói, "Ồ không, mọi người vẫn khỏe cả. Chỉ là tôi vừa gia nhập Giáo hội Mormon, và tôi phải bỏ rượu bia."
----
Theo logic thông thường, khi có 3 người thường uống bia mà nay chỉ gọi 2 cốc thì người ta sẽ nghĩ là có 1 người đã "đi đâu đó", và người đó không thể nào là người đang ngồi uống bia trước mắt họ được. Vì thế mọi người nghĩ rằng một ông anh nào đó của vị khách đã mất là rất có cơ sở, rất hợp logic.

Ông khách gia nhập giáo hội Mormon và phải bỏ rượu mà lại ngồi uống rượu là rất phi logic.

Nhưng ở đây có thể lập luận lại rằng: Bản chất của việc ông khách uống thêm 2 ly bia là để uống thay cho người khác, chứ ông khách không uống 2 ly bia đó. Vì thế, khi uống 2 ly thay vì 3 ly bia tức là ông ta vẫn uống thay cho 2 ông bạn, còn bản thân ông khách...không uống.

Sở dĩ lập luận phi logic vẫn tiếp tục tồn lại là vì người ta thường suy luận một cách chủ quan như vậy.
LOGIC QUY NẠP

Cách suy luận của logic quy nạp là tìm những đặc tính chung của nhiều trường hợp để đưa ra một suy luận nào đó. Cách suy luận này rất phổ biến trong Phương Pháp Nghiên Cứu Khoa Học để khẳng định các lý thuyết khoa học hiện nay. Nhưng để vận dụng được logic này thì không hề dễ dàng chút xíu nào đối với cá nhân từng người và cả với quá trình phát triển tri thức của nhân loại.

Ví dụ, nhân loại có một ông Newton nào khác với cái ông Newton mà chúng ta từng biết. Ông này ngồi dưới gốc cây táo và bị quả táo chín rơi trúng đầu. Thế là ổng kết luận: "Quả táo chín, cuống táo bị...yếu, quả đất hút nó rơi xuống đất !" - Thế là xong !

Rồi ông Newton này lại nghĩ: "Có khi nào quả táo chín bị hút, thì quả..lê chín cũng bị hút hay không ?!". Thế là ông ấy vác sách ra ngồi dưới gốc lê để đợi xem có quả lê chín nào bị rơi xuống đất hay không. Giả sử ông kiểm chứng thành công, thì ông sẽ tiếp tục thử nghiệm với...tất cả các loại hoa quả khác....Cho đến một ngày nào đó, ông ấy tự tin phát biểu Định luật Vạn vật hấp dẫn như chúng ta đã biết ? Có thể vẫn có ngày đó, nhưng nó có thể ở đâu đó trong ...vài trăm năm sau.

Vâng, có thể bạn sẽ thấy phi lý và tức cười. Nhưng sự thật thì khoa học mà chúng ta có được chủ yếu phát triển theo cách như vậy. Có điều là người ta thông minh hơn một chút (như kiểu của Newton mà chúng ta từng biết) là tuyên bố 1 vật bất kỳ(dù là táo, lê...hay gì khác) đều sẽ rơi xuống đất nếu không có cái gì giữ lại.
----
Câu chuyện thứ 16

Holmes và Watson đi cắm trại. Nửa đêm, Holmes thức giấc, huých bác sĩ Watson một cái:

"Watson!", ông nói, "hãy nhìn lên bầu trời và nói cho tôi biết anh thấy gì?
"Tôi thấy hàng triệu ngôi sao, Holmes ạ." Watson đáp.
"Và từ đó anh rút ra kết luận gì hả, Watson ?"

Bác sĩ Watson suy nghĩ một lát. "Ờ", ông nói, "về thiên văn, tôi thấy rằng có hàng triệu thiên hà và có thể có hàng tỷ hành tinh. Về chiêm tinh, tôi thấy sao Thổ đang ở trong cung Sư tử. Về thời khắc, tôi suy ra bây giờ vào khoảng ba giờ mười lăm. Về thời tiết, tôi hy vọng ngày mai chúng ta sẽ có một ngày nắng đẹp. Về thần học, tôi thấy Chúa là toàn năng còn chúng ta thật nhỏ bé và vô nghĩa. À, còn anh thì thấy gì, Holmes?".

"Watson, anh ngốc quá ! Có kẻ nào đã trộm mất cái lều của chúng ta rồi !!"
---
Rõ ràng bác sĩ Watson..."ngốc" thật ! Bởi vì ông ta chủ yếu suy luận theo cách Diễn dịch. Kiểu suy luận như vậy chỉ đúng trong các trường hợp đơn giản, kết luận quá hiển nhiên hoặc may mắn mà thôi.

Trong câu chuyện trên, hầu hết chúng ta sẽ cho rằng Holmes cũng sử dụng phép suy luận Diễn Dịch. Nghĩ như vậy không sai. Nhưng nếu chúng ta theo dõi Holmes và "biết tính" ông, thì chắc là Holmes đã suy luận Quy Nạp theo cách sau:

1, Tôi đang ngủ trong lều, nhưng bây giờ tôi có thể thấy sao trời.
2. Trực giác của tôi đưa ra giả thuyết, là ai đó đã lấy trộm lều của chúng tôi.
3. Để kiểm tra giả thuyết đó, chúng ta sẽ xét Tất Cả các giả thuyết khác, xem liệu còn có khả năng nào khác hay không:
a. Có lẽ lều vẫn còn, nhưng ai đó đã vẽ hay chiếu hay làm cách nào đó để khi nhìn lên nóc lều tôi thấy một "bức tranh" bầu trời cực kỳ sống động như thật. Nhưng khả năng này có thể dễ dàng kiểm chứng là không đúng.
b. Có lẽ chiếc lều đã bị gió thổi bay đi. Điều này có thể xảy ra. Nhưng tại sao gió mạnh mà không thổi bay các đồ đạc khác và không đánh thức chúng tôi dậy ?
c. Vân vân và mây mây...
4. Sau khi đi một vòng tất cả các giả thuyết có thể, chúng tôi đành quay về giả thuyết ban đầu : "Có ai đó đã lấy chiếc lều của chúng tôi đi rồi !!"
----
Một lần nữa, xin các bạn đừng cười phương pháp suy luận trên. Bởi vì nó gần như là phương pháp chủ lực để xây dựng nên nền khoa học như hiện nay. Phương pháp này mất rất nhiều thời gian, công sức mà kết luận cuối cùng có khi vẫn sai. Bởi vì người ta đã không xét Đủ các trường hợp để lấy thông tin.

KHẢ NĂNG PHẢN NGHIỆM

Vấn đề của suy luận Quy nạp thì cũng dễ thấy, kiểu như: "Tất cả đàn ông trên đời này đều là Sở Khanh.", một cô gái đưa ra kết luận như vậy. Bởi vì thật không may là những người đàn ông cô ấy đã, đang, thậm chí sẽ gặp đều Sở Khanh thật. Nhưng rõ ràng kết luận của cô gái dễ dàng bị chứng minh là sai. Chỉ cần...tôi...ráng không Sở Khanh là được ! Thế là, ít nhất trên thế giới này có một người đàn ông không Sở Khanh. => Kết luận của cô gái là sai !

Như vậy, người ta dùng suy luận Quy Nạp để rút ra một kết luận nào đó. Rồi lại phải tiếp tục chứng minh thêm một lần nữa : "Liệu có trường hợp nào làm nó sai hay không ? Có thể nó không đúng trong tất cả các trường hợp, nhưng nó vẫn...thường đúng ?"

Câu chuyện thứ 17

Hai gã đang ăn sáng. Một gã phết bơ vào một miếng bánh mì nướng và nói, "Cậu có bao giờ để ý thấy nếu cậu đánh rơi một lát bánh mì, mặt phết bơ lun úp xuống dưới không ?".

Gã thứ hai nói, "Không, tớ dám cá là chỉ có vẻ thế thôi, vì nếu mặt phết bơ úp xuống thì phải lau dọn sàn nhà rất khó chịu. Tớ cược là khi nó rơi mặt có bơ thường quay lên trên."

Gã thứ nhất nói, "Thế hả ? Nhìn đây này. Anh ta thả lát bánh xuống sàn và mặt phết bơ quay lên trên.

Gã thứ hai nói, "Thấy chưa, tớ đã bảo mà."
Gã thứ nhất nói, "Ồ, tớ biết tại sao rồi. Tại tớ phết bơ sai mặt!".
---
Nếu anh chàng thứ nhất phát biểu là: "Khi đánh rơi lát bánh mì, mặt phết bơ LUÔN úp xuống dưới." thì anh ta vừa làm một thực nghiệm chứng minh phát biểu này sai !
Nếu phát biểu rằng : "Khi đánh rơi lát bánh mì, mặt phết bơ THƯỜNG úp xuống dưới." thì anh ta không sai. Bởi vì thật khó làm thực nghiệm để tính xem rốt cuộc thì mặt nào úp xuống đất nhiều hơn.

LOGIC DIỄN DỊCH

Logic diễn dịch đi từ cái chung đến cái riêng. Cốt lõi là phép Tam đoạn luận.
"Mọi người đều chết"
"Socrates là người."
Suy ra, "Socrates phải chết."

Đây là cách suy luận đơn giản dễ hiểu, nhưng nếu lười hay sơ sẩy môt tí thôi thì rất dễ mắc sai lầm dạng...kinh khủng. Ví dụ:

"Mọi người đều chết."
"Con chuột cũng chết"
Suy ra, "Con chuột là...con người!"

Một cách khác làm hỏng suy luận diễn dịch là lập luận từ một tiền đề sai

Câu chuyện thứ 18

Một anh cao bồi già bước vào quán rượu gọi một ly. Trong lúc anh ta đang ngồi nhấm nháp whiskey thì có một cô gái trẻ ngồi xuống bàn bên cạnh. Cô gái quay sang hỏi, "Anh có phải là cao bồi chính hiệu không ?".
Anh ta đáp, "Ờ, tôi sống cả đời ở nông trại, chăn ngựa, chữa hàng rào, đóng dấu gia súc, nên tôi nghĩ tôi là cao bồi."

Cô gái nói, "Còn tôi là người đồng tính nữ, suốt ngày tôi chỉ nghĩ về đàn bà. Buổi sáng vừa ngủ dậy tôi nghĩ ngay đến đàn bà. Khi tôi tắm hay xem tivi, dường như cài gì cũng khiến tôi nghĩ đến đàn bà cả."

Lát sau, một đôi trai gái ngồi xuống bên cạnh gã cao bồi và hỏi, "Anh có phải là cao bồi chính hiệu không ?".

Anh ta đáp, "Trước tôi cứ tưởng tôi là cao bồi, nhưng tôi vừa phát hiện hóa ra tôi là người đồng tính nữ !"
----
Để đưa ra kết luận, tôi là một cao bồi chính hiệu, anh chàng của chúng ta lập luận như sau:
1. Nếu ai đó dành toàn bộ thời gian của mình làm những công việc của một cao bồi, thì anh ta là cao bồi chính hiệu.
2. Tôi dùng toàn bộ thời gian của tôi làm những công việc của cao bồi.
3. Do đó, tôi là một cao bồi chính hiệu.

Cô gái lập luận:
1. Nếu một người phụ nữ dành toàn bộ thời gian của mình nghĩ về phụ nữ, thì cô ta là một người đồng tính nữ.
2. Tôi là một phụ nữ.
3. Tôi dành toàn bộ thời gian của mình nghĩ về phụ nữ.
4. Do đó, tôi là một người đồng tính nữ.

Khi anh cao bồi đưa là kết luận anh ta là một người đồng tính nữ thì rõ ràng rất phi logic. Vì đồng tính nữ tức là trước tiên anh ta phải là nữ. Nhưng anh ta đã bỏ qua điều này. Tất nhiên rồi, chúng ta có thể phát biểu như thế này:

"Tất cả đàn ông chính hiệu đều là Đồng Tính Nữ, ngoại trừ việc họ là đàn ông !". Hay nói cách khác: "Tất cả đàn ông chính hiệu đều là Đồng Tính Nữ, chỉ khác là họ là Đàn Ông. !"
----
Logic Diễn Dịch có thể khái quát hóa lại như sau:

A có tính chất a (Mọi người ai cũng chết)
B cũng là A (Socrates là người)
Suy ra, B cũng có a. (Socrates phải chết.)

Còn suy luận Diễn dịch sai thì:

A có tính chất a (Mọi người ai cũng chết)
B cũng có tính chất a (Con chuột cũng chết)
Suy ra, B là A ! (Con chuột là con người hay...con người là con chuột !)

Sở dĩ suy luận sai là vì dám đưa ra kết luận B là A hay A là B chỉ vì chúng giống nhau có 1 hoặc vài tính chất. Đây cũng là sai lầm thường gặp trong phép Quy Nạp.
LẬP LUẬN QUY NẠP THEO PHÉP LOẠI SUY

Phép loại suy, tiếng Anh là Analog - có nghĩa là Tương tự. Tức là 2 vật cùng một loại thì suy ra được tính chất của vật B nếu đã biết tính chất của vật A. Đừng nhầm lẫn Loại suy nghĩa là Loại trừ và suy ra(rất nhiều người nhầm theo cách này). 
Trong cuộc sống, người ta hay tìm những thứ tương tự nhau để dự đoán tính chất chưa biết của chúng.

Ví dụ:
Hai người bạn đều biết khiêu vũ, một người biết hát và một người không biết hát. Người biết hát hỏi người không biết hát : "Bạn thích hát không ?"
- Thích ! Nhưng mình không biết hát.
- Giống như khiêu vũ thôi, không ai tự nhiên đã biết khiêu vũ. Muốn hát được thì phải học hát !
- Nhưng bằng cách nào ? Mình học khiêu vũ thì được, chứ ngại đi học hát lắm.
- Này nhé, trong khiêu vũ, mỗi điệu có một nhịp riêng đúng không ? Tư thế bước , cách bước mỗi điệu cũng khác, mỗi một bước cần phải nắn nót , chỉnh dáng, đúng nhịp thì mới gọi là biết nhảy..
- Mình biết, mình nhảy không thua bạn đâu !
- Thì vậy, ca hát cũng tương tự khiêu vũ thôi. Thay vì dùng tay chân, dáng điệu thì dùng hơi thở, dùng cơ quan phát âm để tạo ra tiếng. Cũng phải theo nhịp, cũng phải nắn nót từng lời thì mới ra bài hát.....
- A ! Bây giờ thì mình hiểu rồi !

Giả sử, người biết hát nói với một người bạn khác, người này vừa không biết khiêu vũ, vừa không biết hát. Người biết hát sẽ nói là:
- Ca hát cũng giống như tập viết. Tập viết là học cách dùng tay để tạo ra nét chữ. Phải biết nhìn chữ như thế nào là đẹp, phải học cách viết cho đẹp, học những kiểu chữ đẹp. Thì ca hát cũng tương tự, ca hát là tập sử dụng cơ quan phát âm để tạo ra âm thanh mình mong muốn, phải biết nghe âm thanh thế nào là hay, thế nào là đúng điệu, đúng nhịp...
---
Như vậy, phép loại suy là cách phổ biến để tìm hiểu cái mới, phân biệt cái mới với cái cũ, dự đoán những tính chất của cái mới như câu chuyện ở trên. Rõ ràng Khiêu vũ, Hát và Tập viết gần như chẳng mấy liên quan đến nhau, nhưng chỉ cần nhìn ra những điểm tương tự thì sẽ có ý niệm cơ sở như thế nào là Hát.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là mặt có lợi, mặt bất lợi cũng không ít. Ví dụ như câu chuyện sau

Câu chuyện thứ ...(à câu chuyện này không có trong sách)

Có một nhóm thầy bói mù chưa từng biết con voi là thế nào. Một hôm có một con voi ở gần đó, các ông quyết định đến tìm hiểu xem thế nào là một con voi. Ông sờ vòi, ông sờ tai, ông sờ chân, ông sờ đuôi. Sờ sẩm, mò mẫm, rờ rẫm cho đã rồi các ông mới ngồi với nhau để kết luận xem thế nào là một con voi.
- Con voi giống như con đĩa bò loằng ngoằng . - Ông sờ vòi nói.
- Con voi giống như cái quạt to. - Ông sờ tai nói
- Con voi giống như cái cột đình - Ông sờ chân nói
- Con voi giống như cái chổi cùn. - Ông sờ đuôi nói.

Đấy, đó là tai hại của Lập luận quy nạp theo phép loại suy, khi chưa hiểu đầy đủ tính chất của một vật mà cứ mang so sánh lung tung thì sẽ là như thế đấy.

Câu chuyện thứ 19

Ba sinh viên ngành kỹ thuật đang thảo luận về ngành nghề của vị Chúa đã thiết kế cơ thể con người. Sinh viên thứ nhất nói, "Chúa phải là kỹ sư cơ khí. Cứ xem các khớp thì biết."
Anh thứ hai nói, "Tôi nghĩ Chúa phải là kỹ sư điện. Hệ thần kinh có hàng ngàn mối liên kết điện."
Người thứ ba nói, "Thật ra, Chúa là kỹ sư xây dựng dân dụng. Ngoài Ngài ấy ra, còn ai có thể đặt đường ống nước thải độc đi qua khu vui chơi giải trí nào ?"
-----
Thế đấy, tui vẫn cho triết học là thông thái nhưng không đảm bảo rằng trong triết học cũng những chỗ cực kỳ...thiếu thông thái. Dù sao thì Lập luận quy nạp theo phép loại suy cũng cung cấp một phương pháp để suy luận. Và để sử dụng tốt phương pháp này thì cần một người như Sherlock Holmes: thông minh, logic, tỉ mỉ, và ...có tính nghệ thuật.

PHÉP NGỤY BIỆN “ĐẾN SAU, VÌ THẾ LÀ KẾT QUẢ CỦA CÁI ĐẾN TRƯỚC”.

Phép Ngụy biện là một lập luận logic bị lỗi, hay nói cách khác là lập luận logic sai. Phép ngụy biện có thể do vô tình hoặc cố ý. Tai hại là người ta thường bị thuyết phục bởi phép ngụy biện và chấp nhận kết quả mà phép ngụy biện suy ra. Tất nhiên hậu quả của điều này là rất xấu, nó khiến cho nhận thức của chúng ta bị lâm vào ngõ cụt nào đó và không thoát ra được, hoặc chúng ta bị...lừa gạt vì tin lầm một kết luận sai.

Bởi vì phép ngụy biện nguy hiểm như vậy nên trong triết học người ta rất thận trọng, cảnh giác với phép ngụy biện. Tiếc rằng phép ngụy biện sẽ chẳng còn nguy hiểm gì nếu nó quá dễ nhận ra.

Trong nền văn hóa phương Đông, người ta hay nhắc đến luật Nhân Quả. Đó là luật Nguyên Nhân gây ra Kết quả, gieo Nhân nào gặt Quả nấy. Nhưng sự đời nào có đơn giản như vậy. Có khi một Nhân sẽ cho nhiều Quả. Hoặc, một Quả do nhiều Nhân gây ra. Hoặc là chúng cứ rối beng lên, Nhân Nhân Quả Quả, rồi chẳng biết cái nào là Nhân cái nào là Quả.

Phép ngụy biện “Đến sau, vì thế là kết quả của cái đến trước.” cũng là theo cách lập luận Nhân Quả. Không may là nó xuất hiện đầy dẫy trong các kinh sách. Nguyên nhân là do người xưa thấy Cái Đến Sau thường xuất hiện liền sau Cái Đến Trước nên họ cho rằng Cái Đến Sau là kết quả của Cái Đến Trước, hay Cái Đến Trước gây ra Cái Đến Sau.

Ví dụ, con gà trống gáy, sau đó thì...mặt trời mọc. Thế là người ta có thể kết luận: Mặt trời mọc là do gà trống đánh thức !? Ờ, không, chắc không đến nỗi ngớ ngẩn như vậy. Ủa mà có chứ, một ví dụ khác: Ví như Gia Cát Lượng nhìn thấy một ngôi sao băng, ông ấy dự đoán là vị hoàng tộc nào đó đã chết, rồi có một vị hoàng tộc nào đó chết thật ! Thế là người đời sau cứ thấy có ngôi sao băng là nghĩ rằng sẽ có nhân vật lớn nào đó sắp chết !
NGỤY BIỆN MONTE CARLO
Đây là lỗi suy luận dựa trên xác suất. Lỗi này rất thường gặp ở những người thích cờ bạc. Chẳng hạn trong một trận đấu bóng đá, 2 đội được đánh giá là ngang nhau, xác suất thắng thua của mỗi đội là 50-50. Người ta thấy trước đó đội A đã thắng vài trận trong những lần gặp nhau rồi, vì thế người ta sẽ đặt cược vào đội B. Vì họ cho rằng sẽ tới lượt đội B thắng. Tất nhiên có thể đội B sẽ thắng nhưng cũng có thể là nhiều người sẽ...bán nhà vì đội A tiếp tục thắng.
Xác suất vẫn chỉ là...xác suất. Nếu một điều gì đó có khả năng xảy ra đến 99,999999% đi nữa thì cũng không có gì đảm bảo là nó sẽ xảy ra !!
Và đây là lời khuyên khôn ngoan dựa trên Ngụy biện Monte Carlo dành cho các bạn:

Nếu sắp lên một chiếc máy bay thương mại, vì lý do an toàn cho bản thân, hãy mang theo một...quả bom. Bởi vì xác suất có hai gã mang bom lên cùng một chiếc máy bay là quá nhỏ !
LẬP LUẬN VÒNG QUANH

Lập luận vòng quanh là biện luận theo kiểu:
Tôi có nhiều tiền nên tôi giàu. Và vì tôi giàu nên tôi có nhiều tiền...

Câu chuyện thứ 20
Mùa thu. Dân trong khu thổ dân da đỏ đến hỏi thủ lĩnh mới của mình liệu mùa đông tới có lạnh giá hay không. Nhưng vị thủ lĩnh này lại là người hiện đại, chưa hề được truyền dạy các bí quyết cổ xưa, không sao biết được mùa đông tới sẽ lạnh giá hay ấm áp. Để phòng xa, ông khuyên bộ lạc hãy đi kiếm củi chuẩn bị cho mùa đông giá rét.

Mấy ngày sau, sực nghĩ ra, mặc dù hơi muộn, ông gọi điện cho Nha khí tượng, hỏi họ có dự báo mùa đông sẽ lạnh hay không. Nha khí tượng trả lời rằng quả thật họ nghĩ mùa đông này có thể sẽ rất lạnh. Vị thủ lĩnh bèn khuyên bộ lạc tích trữ thêm nhiều củi nữa.
Vài tuần sau, vị thủ lĩnh quyết định hỏi lại Nha khí tượng. “Các vị vẫn dự đoán mùa đông sẽ lạnh đấy chứ ?”.
“Chắc mà.” Nha khí tượng trả lời “Có vẻ sẽ là một mùa đông rất lạnh.” Thủ lĩnh bèn khuyên bộ lạc tích cả từng mảnh củi vụng mà họ kiếm được.
Vài tuần sau, thủ lĩnh gọi điện cho Nha khí tượng, hỏi tới đây mùa đông sẽ như thế nào. Nha khí tượng nói, “Chúng tôi dự báo sẽ là một mùa đông lạnh nhất từ trước đến nay.”
“Thật ư ?” vị thủ lĩnh kêu lên “Làm sao các ông biết chắc thế ?”
Nha khí tượng đáp :”Những người thổ dân đang kiếm củi như điên !”
Vậy là luận cứ để vị thủ lĩnh cần tích trữ thêm củi té ra chính là việc ông đang tích trữ củi !
NGỤY BIỆN DỰA VÀO TÔN TRỌNG THẨM QUYỀN.

“Quan to nói lớn” - ý là lý lẽ của người có địa vị, chức vụ, quyền hạn, chuyên môn thì thường...đáng tin hơn, lời nói của họ cũng có giá trị hơn. Quan niệm kiểu như vầy rõ ràng là chẳng có tí logic nào cả. Dù là chuyên gia đầu ngành, trí thức lớn đi nữa thì ý kiến, quan điểm của họ vẫn phải xét theo logic một cách công bằng, khách quan. Lời nói đúng là vì nói đúng sự thật một cách khách quan, chứ không phụ thuộc vào quan điểm chủ quan của người phát biểu. Nhất là kiểu: vì tôi giỏi hơn các bạn nên tôi nói đúng là đúng, MIỄN GIẢI THÍCH!

Thế mà phép ngụy biện này lại rất phổ biến, và rất ít người nhận ra đó là ngụy biện.
NGHỊCH LÝ ZENO
Zeno là một triết gia ở thế kỷ thứ năm trước công nguyên, trước cả Socrates. Ông nổi tiếng với với những phát biểu về những nghịch lý. Các nghịch lý này tương tự nhau theo kiểu : đưa ra những lập luận riêng biệt thì đúng, nhưng gom tất cả lại để cho ra một kết luận thì kết luận đó lại sai !

Những lập luận theo kiểu nghịch lý zeno không phải là hiếm trong thời hiện đại. Bạn có thể tham dự một cuộc hội thảo quen thuộc của một diễn giả nổi tiếng nào đó, như Quách Tuấn Khanh chẳng hạn. Bạn thấy từ đầu tới cuối những lập luận nghe đều có vẻ đúng, nhưng kết luận cuối cùng lại sai ! Và bạn chẳng biết là nó sai từ chỗ nào, bạn đã bị ru ngủ như thế nào. Để rồi bạn buộc phải thừa nhận cái kết luận sai đó là đúng bởi vì bạn không thể tìm thấy chỗ nào không hợp logic cả !

Câu chuyện thứ 22
Người bán hàng : “Thưa bà, cái máy hút bụi này sẽ khiến công việc của bà vơi đi một nửa”
Bà khách : “Hay quá ! Lấy cho tôi hai cái !”

Về mặt logic, nếu một cái máy hút bụi giúp công việc vơi đi một nửa thì hai cái máy sẽ giúp bà khách chẳng phải làm gì nữa ?!
Chắc chắn là có gì đó sai giữa những liên kết của các luận điểm. Nhưng vì..."không đủ trình độ" để phát hiện ra nên đành phải cho nó là đúng!??
NHẬN THỨC LUẬN : LUẬN VỀ TRI THỨC (III)
Đây là nhóm chủ đề lớn thứ 3 trong Triết học.

How do you KNOW that you KNOW what you THINK you KNOW?

Làm sao bạn biết rằng bạn biết thứ mà bạn nghĩ là bạn biết ? Loại bỏ phương án trả lời "Đơn giản là tôi biết !", những gì còn lại là nhận thức luận.

Có lẽ những lời ở trên đã quá dễ hiểu và không cần phải nói thêm gì nữa. Nhưng để chắc ăn thì cũng nói lại rằng :

Nhận thức hay sự hiểu biết của bạn về một điều gì đó là tất cả những gì bạn có thể nói về điều đó. Nói chung là mọi thứ thuộc về điều đó, tính chất, cơ chế hoạt động, mọi quá trình liên quan...vân vân và mây mây.

Câu chuyện thứ 23

DIMITRI: Giờ tôi thấy dễ chịu rồi, Tasso ạ. Nuốt trôi xong được món logic, phần còn lại xem ra sẽ chỉ là những chuyến dạo chơi trong Acropolis.
TASSO: Acropolis nào ?
DIMITRI: Kia kìa ! Ngay trước mặt đấy ! Có lẽ cậu nên làm một ly ouzo cho dịu đầu óc, bạn ạ.
TASSO: Nhưng đó là Acropolis hay chỉ là thứ mà cậu tin là Acropolis ? Làm sao cậu biết được nó là thật ? Mà trong chuyện này, làm sao cậu biết được một cái gì đó là thật ?
DIMITRI: Đấy, cậu lại thế !
----
Cái chúng ta BIẾT và cái chúng ta TIN có gì khác nhau ? Hay nói rõ hơn là BIẾT và TIN khác nhau chỗ nào ?

Còn nhớ hồi còn đi học, người ta bắt mình phải chứng minh một định lý toán học nào đó không ? Thật ra đã gọi là định lý trong sách giáo khoa thì...chắc là đã đúng hết rồi ! Cần gì phải chứng minh ? - Đó, đó là niềm tin của bạn.

Nhưng nếu bạn BIẾT rằng mọi định lý trong sách đều đã được các soạn giả sưu tầm và chứng minh hết rồi . Vậy thì có phải bạn đã BIẾT là các định lý đó đúng hay không ? Không ! Khi đó thì vẫn chỉ TIN là nó đúng.

Bạn chỉ BIẾT một định lý nào đó đúng khi bạn thực sự hiểu được cách chứng minh định lý đó và BIẾT đủ cơ sở để chứng minh định lý đó là đúng. Đó là lý do bạn phải chứng minh định lý đó, chỉ có cách đó bạn mới BIẾT định lý đó là đúng! Nếu không, bạn chỉ TIN là nó đúng mà thôi! (Có khi bạn còn không tin ấy chứ!)

Cũng như tôi vẫn thỉnh thoảng hay nói với bạn bè rằng : Mọi thứ trên đời này, cho dù do một người đầy uy tín như cha mẹ, thầy giáo, giáo sư, thần tượng hay bất kỳ một lãnh tụ tinh thần nào nói ra đi nữa, thì điều đó chỉ đúng khi bạn đánh giá điều đó là đúng ! Bởi vì khi đó bạn BIẾT - NHẬN THỨC được ý nghĩa của điều đó, chứ không phải chỉ TIN là nó đúng.
LÝ TRÍ ĐỌ VỚI THIÊN KHẢI

Chúng ta biết một điều gì đó là do trí não, suy nghĩ, lý trí của chúng ta hay chỉ do ơn trên soi sáng ? Hay nói rõ hơn : chúng ta biết cái này và không biết cái kia là do số phận an bài, do thượng đế định đoạt hay do bản thân ta định đoạt ?!
Nếu như bạn nói là : Cả hai ! Thì chắc xin mời bạn đi ra, bởi vì bạn chưa thật sự muốn BIẾT mà bạn chỉ muốn TIN thôi !
Vậy làm sao ta biết rằng mình biết điều gì đó, nếu quả thực ta biết điều đó ?

Suốt thời Trung cổ, câu hỏi này đã dẫn đến niềm tin coi thiên khải vượt trên lý trí, là nguồn gốc của tri thức của loài người, hoặc ngược lại :P

Câu chuyện thứ 24

Một người trượt chân rơi xuống giếng sâu, lao thẳng đến mấy chục mét mới dừng lại nhờ níu được một đoạn rễ cây nhỏ. Nhưng bàn tay nắm đoạn rễ cứ yếu dần, yếu dần, anh ta tuyệt vọng kêu lên, "Có ai ở trên đó không ?"
Anh ta nhìn lên, chỉ thấy một mảnh trời tròn. Đột nhiên, những đám mấy rẽ ra, rồi một tia sáng chói lòa chiếu thẳng xuống anh ta. Một giọng trầm sâu rền vang "Ta, Đức Chúa Trời đây. Con buông tay khỏi cái rễ cây, ta sẽ cứu."
Anh chàng gặp nạn thoáng nghĩ trong tích tắc rồi gào lên, "Có ai khác ở trên đó không ?"

Bị lâm vào tình huống thập tử nhất sinh thì người ta thường có xu hướng sử dụng lý trí của bản thân nhiều hơn. Nhất là khi cảm thấy cái "không lý trí" quá vô lý, khó tin (mà tin hay không đúng ra phải dùng lý trí để quyết định! )

Tuy nhiên, trong thực tế, khi mà lý trí nói chắc rằng chúng ta sẽ...ngủm thì lại có rất nhiều người quay ngược lại tin vào điều Siêu Nhiên.

Ở thế kỷ thứ mười bảy, René Descartes đã chọn lý trí thay vì thần linh là nguồn gốc của tri thức. Đáng ra ông không nên nói câu "Cognito ergo sum" - Tôi tư duy vậy tôi tồn tại. Bởi vì đó là (gần như tất cả) những gì mà người đời sau nhớ về ông.

Sở dĩ ông nói ra câu trên là kết quả của một quá trình dài suy luận triết học. Vào thời của ông triết học bị thần học (kinh thánh) ảnh hưởng rất mạnh mẽ. Và ông cảm thấy không ít lần bị lâm vào ngõ cụt khi suy luận theo những gì ông được học trong trường. Vào thời đó những người học cao, biết nhiều đa số đều ở trong trường dòng, học làm người giảng đạo.

Descartes hoài nghi về sự tồn tại của thế giới này. Hoài nghi về sự tồn tại của chính ông. Ông đặt ra những câu hỏi mà người thường sẽ nghĩ ông bị hâm nặng ! Nhưng nó lại rất cơ bản, là CÂU HỎI LỚN của triết học :

- Làm sao bạn BIẾT thế giới này là thực ?
- Làm sao bạn BIẾT chắc là bạn đang tồn tại ?
- Có khi bạn chỉ là một "ý niệm" nào đó của Thượng đế, cái ý niệm này hoàn toàn do Thượng đế sai khiến, sắp đặt, cái ý niệm này đang xem một bộ phim 4D nào đó về một thế giới nào đó và cái ý niệm này cũng có cảm giác hạnh phúc, đau khổ , giận hờn, vui vẻ....v..v... từ tình tiết của bộ phim.

Sao một thời gian khá dài quanh quẩn với những biện luận lý thuyết. Ông chợt phát hiện ra rằng : Những câu hỏi trên là do chính ông đặt ra, cũng chính ông tìm kiếm câu trả lời và rõ ràng theo thời gian ông đã nhận thức nhiều hơn, BIẾT nhiều hơn.

Kết quả là ông tự thốt ra : "Tôi tư duy vậy tôi tồn tại."

Câu nói này có ý nghĩa triết học ở nhiều mặt, nhiều lĩnh vực nhưng vẫn bị hiểu lầm thành : Descartes tin tư duy là đặc tính căn bản của con người.

Vậy rốt cuộc, Descartes BIẾT hay là TIN : Cognito ergo sum ?

Câu chuyện thứ 25

Một bị cáo hầu tòa vì tội giết người. Các chứng cứ buộc tội anh ta trong vụ án đã rất rõ ràng, nhưng không có xác chết. Mà trong pháp luật không có xác chết thì không có án mạng và vì thế anh ta không thể phạm tội giết người. Kết thúc phần tranh biện của mình, vị luật sư bào chữa quyết định phải dùng mẹo. "Kính thưa quý bồi thẩm đoàn, " ông ta nói, "Tôi có một điều ngạc nhiên dành cho tất cả quý vị - trong vòng một phút nữa, người bị cho rằng đã chết sẽ bước vào phòng xử án này."

Ông ta ngó ra cửa phòng xử án. Các bị hội thẩm sửng sốt, cũng hăm hở ngó ra. Một phút trôi qua. Không có gì xảy ra. Cuối cùng, luật sư nói, "Nói thật là tôi đã bịa ra chuyện người chết sẽ bước vào. Nhưng tất cả quý vị đều nhìn ra cửa chờ đợi. Vậy, tôi có thể nói với các vị rằng trong vụ này có một nghi ngờ hợp lý, rằng có phải có người đã bị giết hay không, do đó tôi phải yêu cầu các bị quay lại phán quyết vô tội."

Bồi thẩm đoàn giải lao để cân nhắc. Vài phút sau, họ trở lại và ra phán quyết "Có tội".

"Nhưng sao các vị có thể làm thế ? " viên luật sư gầm lên. "Chắc chắn các vị đã nghi ngờ. Tôi thấy tất cả các vị đều nhìn chằm chằm ra cửa."

Đại diện bồi thẩm đoàn trả lời "Ồ, chúng tôi đã nhìn, nhưng thân chủ của ông thì không!"
----
Vậy, làm sao chúng ta BIẾT là chúng ta BIẾT gì và không BIẾT gì ?
Câu trả lời rất đơn giản, nó lại là câu nói nổi tiếng ở phương Đông :

"Biết mình biết cái gì và không biết cái gì. Đó mới là BIẾT".

Muốn BIẾT thì phải đặt câu hỏi. Trả lời được câu hỏi thì BIẾT là mình đã BIẾT. Ngược lại, không trả lời được câu hỏi thì BIẾT là mình KHÔNG BIẾT. Thế mới là BIẾT.
CHỦ NGHĨA KINH NGHIỆM

Còn nhớ khi học triết ở trường, ta có nghe câu đại loại như là: Vật chất tồn tại khách quan, được các giác quan của ta phản ánh, chụp lại...

Để phát biểu được như vậy giới triết học cũng phải trải qua "một hồi" cãi nhau. Bởi vì theo triết gia kinh nghiệm chủ nghĩa người Ireland thế kỷ thứ mười tám, giám mục Geogre Berkeley, thì "Sự tồn tại của các đối tượng là cái ĐƯỢC tri giác, còn sự tồn tại của các chủ thể là sự tri giác". Hay nói cách khác thì cái gọi là thế giới khách quan chỉ ở trong trí óc của chúng ta.

Nói lại tiếng Việt cho rõ hơn thì quan điểm của những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm là : Vật chất tồn tại khi chúng ta cảm nhận được nó đang tồn tại. Như vậy quan điểm này trái ngược với những gì chúng ta học ở trường. Và tất nhiên là nó không hoàn toàn đúng, có phần hơi cực đoan. Nó phủ nhận khả năng sử dụng lý trí của chúng ta để nhận biết và dự đoán về thế giới vật chất. Ví dụ như Mendelev đã dự đoán một số nguyên tố hóa học để rồi cả trăm năm sau người ta mới tìm thấy chúng.

Câu chuyện thứ 26

Một người đàn ông lo vợ mình nghễnh ngãng bèn tìm đến bác sĩ. Bác sĩ khuyên ông ta thực hiện một bài kiểm tra đơn giản ở nhà như sau: đứng phía sau vợ hỏi một câu gì đó, đầu tiên cách sáu mét, rồi ba mét, và cuối cùng đứng sát sau lưng.

Người đàn ông đi về nhà, thấy vợ đang đứng nấu nướng, quay mặt vào bếp lò.

"Tối nay nhà ta có món gì thế ?" ông ta hỏi từ ngoài cửa.
Không có trả lời.
Tiến lên cách vợ ba mét, ông ta nhắc lại câu hỏi, "Tối nay nhà ta có món gì thế bà ?".
Vẫn không có câu trả lời.
Cuối cùng, ông ta đứng sát sau lưng bà vợ và hỏi "Tối nay nhà ta có món gì thế bà ?"
Đến lúc này, bà vợ mới quay lại đáp, "Tôi bảo ông đến lần thứ ba rồi nhé - gà !"

Như vậy, nếu theo quan điểm kinh nghiệm chủ nghĩa thì người đàn ông hỏi vợ 2 lần mà không thấy trả lời, ông ta có thể cho là bà vợ bị điếc. Nhưng hóa ra, chính ông mới bị điếc.

Nếu nhận thức thế giới theo kiểu kinh nghiệm thuần thì lý trí sẽ không mấy phát triển và vì thế khoa học cũng chẳng phát triển.
PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC

Ngày nay, có lẽ không cần thông minh lắm ta cũng biết rằng toàn bộ tri thức về thế giới đều được lĩnh hội thông qua các giác quan của chúng ta (thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác, vị giác, và cả...tri giác). Nhưng xưa kia thì không phải lúc nào cũng vậy, Trong quá khứ, nhiều triết gia cho rằng có những ý niệm bẩm sinh hiệu hữu trong trí óc chúng ta là tiên nghiệm - tức là có trước kinh nghiệm.

Người phương Tây thì cho rằng bẩm sinh chúng ta được Chúa gieo vào đầu. Chúng ta đã biết trước điều gì đó mà không cần trải qua hay học tập.

Người phương Đông thì tin vào luân hồi, đầu thai và tất nhiên tin rằng kinh nghiệm hay kiến thức kiếp trước có thể tồn tại ở kiếp sau.

Nhưng phần lớn chúng ta thừa nhận rằng bằng chứng xác tín nhất về tình trạng thế giới là kinh nghiệm mà cảm giác thu được, và theo nghĩa đó thì tất cả chúng ta đều là những nhà chủ nghĩa kinh nghiệm. Tất nhiên, trừ phi chúng ta là vua nước Ba Lan:

Câu chuyện thứ 27

Đức vua Ba Lan cùng đoàn tùy tùng toàn các vị vương hầu bá tước vào rừng săn nai. Đoàn săn hoàng gia vừa đến gần khu rừng, bỗng từ sau một thân cây có gã nông nô chạy vụt ra, vẫy tay rối rít và la lên "Tôi không phải là một con nai !"

Nhà vua bè rút cung tên, bắn thủng tim gã nông nô, giết chết hắn trong tích tắc.
"Tâu bệ hạ", công tước thưa, "sao ngài lại làm thế ? Hắn đã kêu rằng hắn không phải là nai kia mà."
"Trời ơi." nhà vua đáp "Thế mà ta cứ tưởng hắn nói hắn là một con nai."

Rõ ràng một người nông nô chạy ra, vẫy tay rối rít và nói tiếng người đã đủ chứng minh anh ta...là người rồi ! Vậy cho dù nhà vua có thực sự nghe anh ta nói anh ta là một con nai đi nữa thì ...nhà vua nên tin vào tai mình hay tin vào mắt mình ? Ở đây, nhà vua cũng theo chủ nghĩa kinh nghiệm nhưng lại sử dụng tri giác quá kém

Câu chuyện thứ 28

Một nhà khoa học cùng vợ chạy xe về nông thôn. Cô vợ nói, "Ồ, anh nhìn kìa ! Lũ cừu đã được xén lông."

"Ừ" nhà khoa học đáp "Phía bên này thôi !"

Dựa theo kinh nghiệm thông thường thì người vợ chỉ thấy lũ cừu bị xén lông một bên, cũng theo kinh nghiệm thì chẳng ai chỉ xén lông một bên cho cừu rồi thôi cả. Vì thế người vợ kết luận là cừu đã được xén toàn bộ lông. Đó là theo chủ nghĩa kinh nghiệm.

Còn theo phương pháp khoa học thận trọng thì vẫn hoàn toàn có khả năng là người ta chỉ xén lông cừu một bên. Và khi chưa thấy bên còn lại thì nhà khoa học sẽ không đưa ra kết luận gì khác.

Câu chuyện thứ 29

Một cảnh sát New Delhi tiến hành sát hạch ba Sardar được huấn luyện làm thám tử. Để khảo sát kỹ năng nhận diện kẻ tình nghi của bọn họ, anh ta cho Sardar thứ nhất xem một bức ảnh trong năm giây rồi giấu đi. "Đây là kẻ tình nghi. Anh nhận ra hắn bằng cách nào?"

Anh chàng Sardar đáp, "Rất dễ, chúng ta sẽ tóm được hắn ngay vì hắn chỉ có một mắt.!"

Viên cảnh sát nói, "Anh đúng là Sardar ! Đó là bởi vì bức anh tôi cho anh xem là hình chụp nghiêng."
Sau đó, viên cảnh sát giơ bức ảnh ra trong 5 giây và hỏi Sardar thứ hai, "Đây là kẻ tình nghi. Anh nhận ra hắn bằng cách nào ?"
Sardar thứ hai mỉm cười và nói "Ha ! Bắt hắn quá dễ, vì hắn chỉ có một tai."
Viên cảnh sát giận dữ, "Hai người các anh làm sao thế ? Tất nhiên chỉ có một mắt và một tai lộ ra, vì đây là hình trông nghiêng của hắn ! Đó là câu trả lời hay ho nhất mà các anh có được đấy sao ?"

Hết sức thất vọng, viên cảnh sát giơ bức ảnh cho Sardar thứ ba, hỏi bằng giọng gay gắt "Đây là kẻ tình nghi. Anh nhận ra hắn bằng cách nào ?
Sardar thứ ba nhìn bức ảnh chăm chú một lát rồi nói "Kẻ tình nghi này mang kính áp tròng." Viên cảnh sát giật mình, chính anh ta cũng không biết kẻ tình nghi có mang kính áp tròng hay không. "Hay lắm, thật là câu trả lời thú vị." anh ta nói "Anh đợi đây một lát để tôi kiểm tra lại hồ sơ của hắn, rồi sẽ thông báo kết quả."

Anh ta về phòng làm việc của mình, kiểm tra hồ sơ của kẻ tình nghi trong máy tính, rồi quay lại mỉm cười "Chà ! Không thể tin được. Đúng thế đấy ! Kẻ tình nghi này quả nhiên có mang kính áp tròng. Giỏi lắm ! Làm sao anh có thể quan sát sắc sảo thế ?"

"Dễ ợt" Sardar trả lời "Hắn không thể đeo kính thường bởi vì hắn chỉ có một mắt và một tai !"
----
Tất nhiên đây chỉ là câu chuyện cười thôi. Nhưng nó cho thấy rằng chủ nghĩa kinh nghiệm thuần túy cần phải kết hợp với phương pháp khoa học thận trọng một cách có hệ thống thì mới nhận thức thế giới chính xác được.

Nếu chỉ thu thập thông tin một cách rời rạc, mà không phân tích, hệ thống lại, để phát hiện những chỗ bất hợp lý, từ đó tìm kiếm thêm các thông tin bổ sung thì nhận thức của chúng ta sẽ vẫn ngây thơ như các nhân vật trong câu chuyện trên.
Sự thắng thế của chủ nghĩa kinh nghiệm trong nhận thức luận phương Tây được phản ánh qua thực tế rằng chúng ta mặc nhiên coi nó là phương pháp kiểm tra mà mọi người đều sử dụng.

Câu chuyện thứ 30

Ba phụ nữ đang thay quần áo trong phòng thay đồ để chuẩn bị chơi bóng vợt (racquetball) thì có một người đàn ông trần truồng trùm một cái bao trên đầu chạy qua. Bà thứ nhất nhìn mẩu xúc xích của anh ta và nói, "Không phải chồng tôi.". Bà thứ hai nói, "Không, không phải đâu." Bà thứ ba nói, "Hắn thậm chí không phải là thành viên câu lạc bộ này."

Theo chủ nghĩa kinh nghiệm mà suy luận thì : Bà thứ nhất chỉ quan tâm người đàn ông có phải chồng mình hay không bằng cách...nhận biết mẩu xúc xích, bà thứ hai thì...biết mẩu xúc xích của chồng bà thứ nhất. Bà thứ ba thì...rất tài giỏi, vì bà ấy biết rõ rất cả các mẩu xúc xích trong câu lạc bộ !

Tuy vậy, bất chấp sự thắng thế của chủ nghĩa kinh nghiệm và khoa học, nhiều người vẫn tiếp tục lý giải các sự kiện khác thường như những phép lạ chứ không phải là kết quả của những nguyên nhân tự nhiên. David Hume, triết gia kinh nghiệm chủ nghĩa hoài nghi Anh, phát biểu rằng: niềm tin vào phép lạ có thể có cách giải thích hợp lý duy nhất nếu tất cả những phương án khác còn khó tin hơn.

Câu chuyện thứ 31

Một hôm Bill than phiền với người bạn rằng khuỷu tay anh ta rất đau. Người bạn khuyên anh ta đến gặp vị đạo sư sống trong cái hang gần đó. "Cậu chỉ việc để lại chút nước tiểu ở ngoài cửa hang, ông ấy sẽ quán tưởng về nó, sẽ chẩn đoán chuẩn xác bệnh của cậu, và nói cho cậu biết phải làm gì. Chỉ mất có mười đô la thôi."

Bill nghĩ cũng chẳng tốn kém mấy, nên lấy một ít nước tiểu vào bình rồi đặt ngoài cửa hang cùng tờ mười đô. Hôm sau, anh quay lại, ở đó có mẩu giấy viết sẵn cho anh: "Anh bị đau khuỷu tay. Hãy ngâm cánh tay bằng nước ấm. Tránh nâng vật nặng. Sau hai tuần sẽ đỡ."

Tối muộn hôm đó Bill sực nghi ngờ rằng "phép lạ" của đạo sư chỉ là trò bịp do anh bạn kia bày đặt ra, có thể chính anh ta đã viết mẩu giấy và để ngoài cửa hang. Nghĩ vậy, Bill bèn quyết định chơi lại anh bạn kia. Anh khoắng một chút nước vòi, một chút phân chó, cùng nước tiểu của vợ và con trai. Anh thêm vào đó chút chất thải của chính mình rồi để hỗn hợp trước cửa hang cùng tờ mười đô. Xong xuôi, anh mới gọi người bạn để bảo anh gặp vài vấn đề nữa về sức khỏe và đã để lại một mẫu khác cho đạo sư.

Hôm sau, anh quay trở lại hang và thấy một mẩu giấy khác khi rằng: "Nước vòi nhà anh quá nhiều tạp chất. Hãy kiếm một chiếc máy lọc. Con chó nhà anh có giun. Cho nó uống thuốc. Con trai anh đã dính cocain. Đưa nó đi cai nghiện. Vợ anh có song thai, con gái. Chúng không phải con anh. Tìm một luật sư. Còn anh nếu không chấm dứt tự sướng, cái tay đau sẽ không bao giờ khỏi. "
---
Ở trong tình huống của anh chàng trên, liệu bạn có tin vị đạo sư thật sự có quyền phép hay vẫn là một trò lừa đảo nào đó ? Bản chất của những điều khó tin là vì chúng vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm và khoa học thì tin rằng mọi việc đều phải có quy luật vật chất nhất định nào đó, chẳng qua mình chưa biết mà thôi. Những người thích tin vào phép lạ thì ngược lại, họ tin là..chẳng cần quy luật vật chất gì cả, chỉ cần có quyền phép thì phép lạ sẽ xuất hiện mà không cần tuân theo quy luật vật chất. Thí dụ như : đá biến thành vàng, nước biến thành dầu...vân vân và mây mây.
DUY TÂM VÀ DUY VẬT
Thế nào là Duy Tâm và Duy Vật ? Trong trường học, các thầy và sách nói rằng : “Những người duy tâm cho rằng ý thức có trước, vật chất có sau, ý thức quyết định vật chất. Những người duy vật thì ngược lại cho rằng vật chất có trước, ý thức có sau, ý thức có thể nhận thức (nhận biết) được quy luật vật chất để từ đó biến đổi vật chất theo ý mình, tất nhiên trong một giới hạn nhất định”.

Định nghĩa như vậy chưa nói lên được tính bản chất và cũng không hữu dụng, không có ích cho người học. Cứ lẩn quẩn với chuyện ý thức và vật chất cái nào có trước cái nào có sau thì hai trường phái Duy Tâm và Duy Vật sẽ chẳng bao giờ gặp nhau được.

Người theo Duy Vật cho rằng : bộ não phải phát triển, tiến hóa đến một mức độ nào đó thì mới có...linh trí dạng động vật, và não động vật phải tiếp tục tiến hóa đến độ nào đó thì mới có khả năng học tập, suy luận như loài người. Đó là cốt yếu của việc Vật Chất quyết định Ý Thức.

Người Duy Tâm lại cho rằng : Ý Thức là cái đã có sẵn trong mỗi sinh vật, chỉ tùy dạng vật chất “bộ não” mà có thể hiển lộ ra như thế nào mà thôi. Đó là lý do vì sao con heo, con chó, thậm chí gốc cây, hòn đá cũng có thể có ý thức, có linh tính.

Thế là các vị cứ đi mà cãi nhau suốt mấy ngàn năm trước và sẽ còn tiếp tục cãi tới mấy ngàn năm sau về chuyện Ý Thức hay Vật Chất - Cái nào có trước.

Đối với những câu hỏi như: Có thần thánh hay không ? Có ma hay không ?
Người Duy Tâm sẽ nói : Có
Người Vô Thần sẽ nói : Không
Người theo thuyết Bất khả tri sẽ nói : Không biết được.
Người Duy Vật hầu hết sẽ nói : Chắc là không ! , một số ít còn lại sẽ nói là : Chưa biết !

Thử đưa ra một định nghĩa đơn giản và dễ sử dụng hơn cho Duy Vật và Duy Tâm.

Duy Vật: là nhận thức thế giới, suy luận tri thức dựa trên những quy luật về vật chất. Tất cả những gì có thể biết, có thể nhận thức đều phải dựa trên những quy luật vật chất nhất định.

Ví dụ: Ở điều kiện bình thường, vật chất phải tuân theo định luật bảo toàn khối lượng. Khối lượng của vật chất không tự sinh ra hay mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác.

Duy Tâm: là nhận thức thế giới, suy luận tri thức KHÔNG NHẤT THIẾT dựa trên những quy luật vật chất đã biết. Hay nói cách khác là BẤT CHẤP các quy luật vật chất đã biết.

Như vậy Duy Vật và Duy Tâm có chỗ giao nhau và cũng có chỗ rời nhau.
Ví dụ:
Theo quy luật vật chất, chính xác là quy luật vật lý, thì một nguyên tố này có thể biến thành một nguyên tố khác trong một điều kiện hết sức đặc biệt và những nguyên tố này cũng phải đặc biệt. Đó là quan điểm Duy Vật.

Theo Duy Tâm: Kim loại có thể biến thành...vàng, nước có thể biến thành dầu !! Và để điều vừa rồi xảy ra chúng ta chỉ đơn giản là cần...phép lạ ! Và phép lạ như vậy Chắc Chắn là có !

Ngày nay, nhiều người chúng ta cho rằng theo Duy Vật tức là theo Khoa Học. Không theo Duy Vật tức là Duy Tâm, một số chỗ có thể Phản Khoa Học. Người ta sợ từ Phản Khoa Học nên một số tri thức được “biên tập” lại để khẳng định là mang tính Khoa Học mặc dù nó có vẻ chẳng Duy Vật chút nào !

Thí dụ: Tử vi, Phong Thủy là hai lĩnh vực trước kia tự hào đứng vào phần Duy Tâm. Nhưng sau này liên tiếp xuất hiện các sách khẳng định đây là môn Khoa Học hoàn toàn nghiêm túc. Đã nói tới Khoa Học thì ta nghĩ ngay tới Duy Vật, mà Duy Vật như đã nói ở trên là phải dựa vào những quy luật vật chất. Vậy trong Tử vi, Phong Thủy có tuân theo quy luật vật chất hay không ?

Một thí dụ khác:

Theo Duy Vật : Tế bào ung thư xuất hiện là do sự biến đổi ngẫu nhiên của tế bào bình thường dưới tác động của các tác nhân vật lý (tia phóng xạ), hóa học (hóa chất), sinh học (vi sinh vật)... Để chữa bệnh ung thư thì phải dùng một tác nhân nhân tạo làm biến đổi tế bào ung thư trở lại bình thường, hoặc loại trừ nó đi bằng hóa chất, phẩu thuật.

Theo Duy Tâm: Nguyên nhân xuất hiện của tế bào ung thư có thể do ngẫu nhiên tương tự như trên HOẶC do phúc phần của bệnh nhân quá kém. Để chữa bệnh ung thư thì có thể áp dụng cách như trên HOẶC đi cầu phúc.

Cái khác nhau cơ bản giữa Duy Vật và Duy Tâm là ở chỗ : nếu có phúc thì tế bào ung thư sẽ biến mất mà không cần tác nhân nhân tạo nào (không cần thuốc, không cần phẩu thuật), nếu không có phúc thì tế bào ung thư sẽ lại tiếp tục sinh ra dù đã được bác sĩ chữa khỏi!
CHỦ NGHĨA DUY TÂM ĐỨC (Nước Đức)

Trong sách, các tác giả đã dành tới 12 trang để nói loáng thoáng về chủ nghĩa duy tâm Đức. Và như thế, đối với những ai chưa biết về triết hoặc chỉ học ở trường sẽ gần như chẳng thể có chút ý niệm nào về Chủ Nghĩa Duy Tâm Đức.

Immanuel Kant , triết gia vĩ đại người Đức thế kỷ 18, người được khen tặng: "Là người đẩy lùi những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng trên những gì tiếp sau". Ông là người khai sáng Chủ Nghĩa Duy Tâm Đức.

Quan điểm của ông về nhận thức luận là phê phán cả hai trường phái Chủ nghĩa lý tính đơn thuần và Chủ nghĩa kinh nghiệm đơn thuần. Ông cho rằng để có được nhận thức đúng đắn, có được tri thức chân lý thì không thể chỉ dùng lý trí đơn thuần hay bằng kinh nghiệm đơn thuần.

Ông đã đặt ra những câu hỏi triết học :

"Tôi có thể biết được gì?" – Trong Nhận thức luận của ông
"Tôi nên làm gì?" – Trong Luân lí học của ông
"Tôi có thể hi vọng được gì?" – Trong Triết học tôn giáo của ông
"Con người là gì?" – Trong Nhân loại học của ông

Cuối cùng ông phải kết luận rằng : "Tôi đã phải gác tri thức qua một bên để có chỗ cho niềm tin".

Đó là lý do vì sao người ta gọi đây là Chủ Nghĩa Duy Tâm Đức. Đơn giản bởi vì ở thời của ông, còn nhiều điều mà tri thức loài người không thể giải thích được (thời nay vẫn còn rất nhiều điều). Mà muốn giải thích thì không cách nào khác là phải dùng...niềm tin.
----
Theo Kant,
Một quả dâu màu đỏ, có vị ngọt thì thật ra, khách quan mà nói thì nó...có màu gì và có vị gì ?

Nếu theo chủ nghĩa kinh nghiệm, giác quan của ta cho thấy quả dâu có màu đỏ và có vị ngọt. Nhưng đó chẳng qua là do Thực Tế được phản ánh vào giác quan của chúng ta mà thôi. Ánh sáng đập vào quả dâu văng ngược vô mắt chúng ta làm...tóe ra màu đỏ. Nước quả dâu trong miệng chúng ta làm chúng ta cảm thấy vị ngọt mà thôi. Vì thế nếu chỉ bằng kinh nghiệm đơn thuần có khi chúng ta sẽ không nhận thức đúng về thế giới khách quan. Có khi quả dâu "tự thân nó" vốn dĩ lại mang màu tím thì sao ?

Kant đưa ra kết luận rằng chúng ta không thể biết vật tự thân là gì. Chúng ta chỉ biết thế giới hiện tượng, thế giới của những biểu hiện bên ngoài; chúng ta không thể biết gì về thế giới bản thể, siêu nghiệm ở phía sau các biểu hiện bên ngoài.

Giống như chúng ta không thể biết được quả dâu thật sự màu gì và có vị gì. Chúng ta chỉ biết được hiện tượng bên ngoài do giác quan của chúng ta mách bảo mà thôi.

Đối với Kant và những nhà nhận thức luận sau ông, câu hỏi "Chúng ta có thể biết gì và biết nó như thế nào" có thể được diễn giải thành: Chúng ta có thể nói gì, một cách đầy đủ ý nghĩa, về việc chúng ta biết cái gì và biết nó như thế nào.

Kant đưa ra 2 khái niệm về mệnh đề: Phân tích và tổng hợp. Mệnh đề phân tích là mệnh đề đúng theo định nghĩa. Mệnh đề "Tất cả thú mỏ vịt là động vật có vú" là mệnh đề phân tích. Nó không cung cấp thêm điều gì mới về bất kỳ con thú mỏ vịt nào, ngoài những gì mà ta có thể biết được, đơn giản bằng cách tra từ điển.

Trái lại, mệnh đề "Một số con thú mỏ vịt bị lác mắt" là mệnh đề tổng hợp. Nó cho chúng ta một thông tin mới về thế giới, bởi vì "bị lác mắt" không nằm trong định nghĩa về thú mỏ vịt.

Tiếp theo, Kant phân biệt mệnh đề tiên nghiệm và hậu nghiệm. Các mệnh đề tiên nghiệm là mệnh đề mà chúng ta có thể thiết lập trên cơ sở lý tính thuần túy, mà không cần cầu viện cảm tính. "Tất cả thú mỏ vịt là động vật có vú" được coi là mệnh đề tiên nghiệm. Chúng ta không cần quan sát đám thú mỏ vịt để thấy điều đó đúng. (Bởi vì chúng ta biết trước là nó đúng rồi)

Phán đoán hậu nghiệm thì trái lại, dựa trên kinh nghiệm cảm giác về thế giới. Mệnh đề "Một số con thú mỏ vị bị lác mắt" làm chúng ta phải trực tiếp đi tìm hiểu và xác nhận xem có thật sự là có một số thú mỏ vịt bị lác mắt hay không.
TRIẾT HỌC VỀ TOÁN HỌC

Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói : Triết học là Khoa học của Khoa học. Đơn giản là vì toàn bộ các ngành Khoa học của loài người hiện nay đều được Triết học đặt vấn đề, tạo tiền đề rồi các nhà khoa học mới đi tìm hiểu, tập hợp tri thức dần dần rồi tạo nên một môn Khoa học. Phương pháp luận (hay phương pháp suy luận) khoa học cũng dựa vào lý luận Triết học.

Toán học cũng không ngoại lệ. Nhưng vốn dĩ bản thân Toán học đã...quá triết rồi, nên có lẽ cũng không có nhiều thứ để nói

Câu chuyện thứ 32

Một người Voohoona nói với nhà nhân loại học phương Tây: 2 + 2 = 5. Nhà nhân loại học hỏi anh ta biết điều đó bằng cách nào. Anh thổ dân đó đáp : "Tất nhiên là bằng cách đếm. Đầu tiên tôi buộc hai cái nút trên một sợi dây thừng. Sau đó tôi buộc hai cái nút nữa trên một sợi dây thừng khác. Khi buộc hai sợi dây lại với nhau, tôi có năm cái nút."
---
Một câu chuyện như trên có thể khiến chúng ta tức cười. Nhưng thực tế trong khoa học hiện đại cũng đã xảy ra trường hợp : có một ông tiến sĩ chứng minh được một định lý lớn của toán học, cả giới khoa học xôn xao, vì đó là một bài toán khó đã rất lâu rồi chưa ai giải được. Sau đó, một hội đồng gồm các nhà khoa học hàng đầu đã thẩm định lại luận án này thật cẩn thận, cuối cùng phát hiện ra một chi tiết sai, kết quả là cách chứng minh đó không đúng.

Như vậy, để tri thức loài người tiến lên một bước chẳng hề dễ dàng gì. Có khi hàng trăm nhà khoa học hàng đầu làm việc cả đời cũng chỉ giúp loài người biết thêm một chút xíu nào đó mà thôi.
CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG

Đối với một triết gia theo chủ nghĩa thực dụng thì: Chân lý của một mệnh đề nằm ở hệ quả thực tế của nó, nghĩa là : Chúng ta chọn chân lý của mình bởi vì điều khác biệt nó sẽ tạo nên trong thực tế.

Nếu như chúng ta phủ nhận sự tồn tại của thánh thần thì khi tuyệt vọng, khi sức lực con người không thể thay đổi số phận của ta, ta sẽ không còn chỗ nào để dựa dẫm, bám víu. Và vì thế, theo chủ nghĩa thực dụng, phần lớn chúng ta vẫn "muốn" có sự tồn tại của thánh thần. => Đó là thực dụng.

Theo đó, lý thuyết hay chân lý nào không có ích cho ta , ta sẽ...không thừa nhận nó ! Và song song đó, ta sẽ "tạo" ra một lý thuyết khác có lợi cho ta, bất kể nó có vẻ...hơi vô lý ở một số chỗ. Nhưng kệ đi, ai quan tâm chứ !

Câu chuyện thứ 33

Một phụ nữ báo với cảnh sát rằng chồng mình mất tích. Khi cảnh sát yêu cầu mô tả, bà ta nói: "Ông ấy cao một mét tám lăm, vạm vỡ, tóc quăn, dày."

Bạn bà ta nói: "Bà đang nói cái gì đấy ? Chồng bà cao một mét sáu, hói đầu và phệ bụng cơ mà ?"

Bà ta đáp, "Ai cần cái người như thế trở về chứ ?"
---
Đấy thực dụng là như thế đấy ! Và đừng cười ! Trong chúng ta ít nhiều gì cũng có một phần thực dụng như thế đấy !

HIỆN TƯỢNG LUẬN

Sau khi bay lên những đỉnh cao trừu tượng, triết học lại hạ cánh bằng cuộc tiếp đất nhẹ nhàng xuống những kinh nghiệm bình thường của cuộc sống thường nhật. Điều này xảy ra với nhận thức luận vào đầu thế kỷ hai mươi, khi các nhà hiện tượng luận tranh cãi "biết một cái gì đó" thực sự có nghĩa là gì.

Là một phương pháp luận hơn là tập hợp các nguyên lý triết học, Hiện Tượng Luận tìm cách hiểu kinh nghiệm con người như nó đang sống chứ không như những dữ liệu khách quan. "Thấu hiểu" hay "đồng cảm" là từ mà cách nhà hiện tượng luận như Edmund Husserl dùng để nói về phương pháp nhận thức tìm cách thâm nhập vào kinh nghiệm của người khác để tri giác thế giới theo cách mà người đó tri giác; hay nói cách khác là đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu người khác đã nghĩ gì, đang biết gì, đang cảm thấy thế nào....

Câu chuyện thứ 34

"Bác sĩ Janet", người phụ nữ bối rối nói :"Tôi có vấn đề về tình dục. Chồng tôi không thể làm tôi hứng lên được."

Bác sĩ Janet nói " Thôi được, ngày mai tôi sẽ khám kỹ. Hãy đưa cả chồng chị đến nhé."

Hôm sau, người phụ nữ đến cùng với ông chồng. "Xin hãy cởi quần áo ra, ông Thomas." bác sĩ nói "Bay giờ hãy xoay một vòng. Tốt lắm, còn bây giờ xin hãy nằm xuống. À há, tôi thấy rồi. Xong rồi, ông có thể mặc lại quần áo."

Bác sĩ Janet kéo người phụ nữ sang một bên. "Chị hoàn toàn khỏe mạnh," cô nói "Ông ấy cũng không làm tôi hứng lên được."
----
Bà bác sĩ đã đặt mình vào vị trí của người vợ để hiểu cảm xúc của người vợ. Dễ dàng thấy kiểu hiện tượng luận này thường áp dụng trong...văn học nhiều hơn. Bởi vì trên thực tế còn nhiều điều khác ràng buộc, người ta không thể chỉ đồng cảm, tưởng tượng như trong văn học mà có thể nhận thức được thực tế hay hiểu được người khác.
(Của người bạn)