Picasso đã phát biểu: “Nhiệm vụ của nghệ thuật là thể hiện chứ không phải bắt chước tự nhiên.”
Chúng ta không có một khái niệm thật sự dành cho nghệ thuật. Nhưng nói đến nhiệm vu của nghệ thuật đã làm gì trong cuộc sống con người,...
Chúng ta không có một khái niệm thật sự dành cho nghệ thuật. Nhưng nói đến nhiệm vu của nghệ thuật đã làm gì trong cuộc sống con người, có rất nhiều nhiệm vụ mà nghệ thuật đã và đang làm để giúp cuộc sống nhân loại phát triển hơn. Thật vậy, nếu thiếu đi nghệ thuật thì đến bây giờ, chắc chúng ta vẫn đang sống ở một hang động nào đó chứ không phải những thành phố văn minh của nhân loại. Plato (428 - 347 TCN) - nhà triết gia Hy Lạp cổ đại đã viết trong Quyển 10 của tác phẩm nổi tiếng “The Republic” (Cộng Hoà) của ông rằng nghệ thuật là “mimesis" (sự bắt chước) vì ông cho rằng đó là những thứ sao chép lại từ thực tế. Nhưng trong một khía cạnh khác, như Pablo Picasso (1881 - 1973) đã nói: “Nhiệm vụ của nghệ thuật là thể hiện chứ không phải bắt chước tự nhiên.” Bản chất nghệ thuật trong nhiều thế kỉ qua luôn là một câu hỏi rất khó để trả lời rõ ràng. Vậy rốt cuộc, chúng ta nhận được gì từ nghệ thuật?
Từ lâu trong văn học đã có hai khái niệm là Bi kịch và Hài kịch. Nhà văn Israel Amos Oz đã từng lên tiếng: “Bi kịch và hài kịch là hai cánh cửa nhìn ra cuộc sống.” Thật vậy, không có cái nhìn nào hoàn hảo hơn là nhìn cuộc sống dưới góc nhìn của bi và hài kịch. Chúng dẫn dắt người xem đến với những câu chuyện tưởng chừng như chỉ có trên sân khấu nhưng lại đang diễn ra trong thực tế đời sống với cái nhìn của những nhà văn, nhà viết kịch. Ở đó, nó làm cho ta cảm thấy sức mạnh của tình huống thực tế và bản thân của bi kịch và hài kịch lại khai thác, bao quát thực tế và đào sâu thực tế.
Lại nói về Picasso, từ khoảng năm 1925, ông bắt đầu sáng tác những tác phẩm mang tính biểu hiện dữ dội, mang đầy cảm xúc căng thẳng hơn những tác phẩm trước đó. Vào năm 1937, Picasso cho ra đời bức tranh “Guernica" nổi tiếng, bày tỏ sự phẫn nộ đối với cuộc ném bom do Phát xít Đức chỉ huy đã tàn phá khốc liệt, phá huỷ thủ phủ Guernica của xứ Basque (năm 1937). Theo đó, ông đã vẽ nhiều bức phác thảo khác nhau rồi mới đi đến tác phẩm cuối cùng để ra mắt nó với công chúng. Chỉ với ba màu : xám, đen và trắng, những hình ảnh rời rạc với các đường nét kì lạ dường như biết nói. Trong bức “Guernica" ấy, có hình ảnh người mẹ đau khổ vì mất đi đứa con, có người hốt hoảng kêu cứu trong tiếng nổ, có người phụ nữ đang chịu sự đau đớn cuối cùng trước khi chết, có người đàn bà rọi đèn vào những cảnh khủng khiếp ấy rồi hốt hoảng, sợ hãi, hình ảnh con ngựa thở hổn hển… Và hình ảnh mà ai cũng đều dễ dàng nhận ra đó chính là chiếc đầu bò. Đó là hình ảnh tượng trưng cho sự tàn bạo, cái xấu đang vẫy đuôi hả hê đắc thắng khi cái độc ác đã chiến thắng cái tốt, cái đẹp. Ngoài là màu tượng trưng cho sự hoài cổ, ba tông màu xám, đen và trắng trong bức tranh này của Picasso lại thể hiện sự ngột ngạt, khủng khiếp, cảm xúc dường như bị đè nặng hơn và bị nhấn chìm trong ba tông màu lạnh lẽo ấy. Khi nhìn ngắm và cảm nhận bức tranh “Guernica”, chúng ta có thể sẽ liên tưởng đến kỉ hà học (mô hình học). Đường kỷ hà là những đường nét cơ bản trong môn trang trí bao gồm nét thẳng và nét lượng, tự nó là vô nghĩa, chỉ có nghĩa khi được bố cục theo một ý đồ nào đó trong một không gian nhất định. Nhưng thực tế, không bao giờ có đường thẳng nào. Chính vì sự khác biệt, ý niệm, sự liên tưởng, khắc họa sâu đậm thực tế theo một cái nhìn hoàn toàn mới, thể hiện thái độ căm phẫn, thương xót và hy vọng của mình vào trong một tác phẩm đã làm “Guernica" trở thành một tác phẩm tiêu biểu bật nhất của Picasso và cả thế giới nghệ thuật vào thế kỉ XX.
Nghệ thuật là một món ăn trong đó người nghệ sĩ phải tìm cách mô phỏng từ thực tế, thêm một chút gia vị sáng tạo cùng một chút tưởng tượng và bí quyết riêng của mỗi món ăn ngon lại nằm ở phong cách thỏa mãn nghệ thuật của chính nghệ sĩ đó. Thủ pháp chính của nghệ thuật là lạ hoá. Sự lạ hóa này trong văn chương sẽ làm mới tác phẩm, biến cái gần gũi thành cái mới lạ. Còn trong nghệ thuật, nếu thiếu đi yếu tố nhấn mạnh, cường điệu sẽ không gọi là nghệ thuật, điều mà vô vàn nghệ sĩ không riêng gì Picasso đã làm đó là bẻ cong hiện thực, làm cho khác đi với thực tế. Ngoài việc thể hiện tâm trạng, cảm xúc, phong cách của người nghệ sĩ, nghệ thuật còn cho ta một cảm nhận khác về cách mọi người nhìn vào một tác phẩm nghệ thuật. Đó có thể không giống với ý đồ của tác giả nhưng cách cảm nhận ra sao lại tuỳ thuộc vào mọi người, điều này không có một rào cản hay sự ràng buộc nào vì chính bản thân nghệ thuật giúp khơi gợi trí tưởng tượng trong mỗi chúng ta và với những góc nhìn khác nhau đó, nghệ thuật lại đem đến những trải nghiệm khó mà nhầm lẫn cho từng cung bậc cảm xúc.
Đọc thêm:
Sáng tạo Nghệ thuật có chi? Đọc thử cuốn sách “có gì” biết ngay.
“Người trong muôn nghề: Ngành Sáng tạo & Nghệ thuật có gì?” là cuốn sách hướng nghiệp đầu tiên trên thị trường về ngành Sáng tạo & Nghệ thuật, cuốn sách giúp bạn có được bức tranh toàn cảnh về các vị trí công việc thông qua các bài viết của nhiều tác giả có kinh nghiệm và đang làm việc trực tiếp trong ngành nghề này.shop.spiderum.com
“Người trong muôn nghề: Ngành Sáng tạo & Nghệ thuật có gì?” là cuốn sách hướng nghiệp đầu tiên trên thị trường về ngành Sáng tạo & Nghệ thuật, cuốn sách giúp bạn có được bức tranh toàn cảnh về các vị trí công việc thông qua các bài viết của nhiều tác giả có kinh nghiệm và đang làm việc trực tiếp trong ngành nghề này.shop.spiderum.com
Một tác phẩm khác có thể nói đã “gây sóng gió" biết bao nhiêu trong giới nghệ thuật, đã làm tiêu tốn biết bao nhiêu giấy mực của cánh báo chí chính là tác phẩm “Comedian” (2019) của Maurizio Cattelan. Chỉ là một trái chuối và một miếng băng dính, cho dù khán giả có cười chê hay giới truyền thông mỉa mai nó, thì cũng không lạ lùng gì với “một gã điên" như Cattelan, phong cách nghệ thuật của ông luôn luôn gây tranh cãi nhưng đằng sau những “drama" đó đều là dự đoán trước của Cattelan. Tác phẩm của Cattelan có lẽ không nằm ở quả chuối, mà xa hơn là ý niệm trình diễn cả một chuỗi những sự kiện diễn ra với những người liên quan đến tác phẩm đó. Một tác phẩm mà ở đó có đủ các cảm xúc, trạng thái thú vị: chê bai, dèm pha, khó hiểu, bất ngờ, vui vẻ, vỗ tay tán dương hay chỉ đơn giản là nhìn và ngẫm nghĩ…
"Comedian" - Maurizio Cattelan (2019).
Cho dù là diễn viên thì cũng cần phải có công chúng. Một tác phẩm hay là một tác phẩm mở ra nhiều chiều quan điểm về cuộc sống, triết lý và càng không dừng lại ở mức độ chủ quan của tác giả. Một màn trình diễn nghệ thuật sẽ không có gì là đặc biệt nếu thiếu đi khán giả của nó. Dù bằng cách này hay cách khác, những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra để thể hiện một điều gì đó, dù công chúng có thích nó hay không, điều đó không quan trọng, nhưng chính những tác phẩm nghệ thuật lại là phương tiện phản ánh đời sống, phản ánh hiện thực qua vô số góc nhìn khác nhau.
Bản chất nghệ thuật từ lâu đã là một câu hỏi có vô vàn cách trả lời, và càng không có những câu trả lời giống nhau. Bản thân nghệ thuật đã là một khái niệm khá khó khăn để cắt nghĩa chính xác và càng khó hơn để đi tìm một câu trả lời thỏa đáng cho bản chất của nghệ thuật. Quan điểm chủ quan của tôi về bản chất nghệ thuật, có thể nói đó chính là một trạng thái mà ở đó nghệ thuật liên tục chuyển động và phát triển. Ở một lĩnh vực nghệ thuật khác ngoài hội hoạ, từ khi nhiếp ảnh ra đời thì việc “bắt chước hiện thực” ở lĩnh vực hội hoạ lại không cần thiết vì máy ảnh làm chuyện đó tốt hơn bao giờ hết. Nhiếp ảnh mô phỏng hiện thực vì nó lưu lại khoảnh khắc trước khi nó trôi qua - và không có loại hình nghệ thuật nào làm điều này tốt hơn. Có rất nhiều thể loại ảnh nhưng đối với ảnh nghệ thuật vẫn có một thứ gì đó không giống hiện thực. Chúng ta không đơn thuần chỉ cần bấm nút chụp, nhiếp ảnh nghệ thuật cần sự tinh tế trong khâu chọn lọc đề tài, người chụp lại cần phải có kỹ năng, kiến thức về những thông số và điều quan trọng nhất là phải nắm bắt đúng khoảnh khắc, đúng cao trào nhân vật và ánh sáng phải thật đẹp. Điều đầu tiên khi nhìn vào một bức ảnh, chính là ánh sáng vì ánh sáng tạo ra đường nét cho bố cục dẫn dắt người xem theo nhiều chiều hướng khác nhau. Cho dù có sự sắp đặt của người chụp hay do những yếu tố khách quan, ảnh nghệ thuật cũng là tiếng nói, tâm cảm của người chụp và để thể hiện ra công chúng, người chụp cũng cần phải có góc nhìn khác biệt so với thực tế nhưng đồng thời đòi hỏi phải nói lên tiếng nói của những khía cạnh trong cuộc sống muôn màu, đa cảm, đa góc nhìn. Trong thời trang, để cho ra được một bộ sưu tập là cả một quá trình, từ những bản phác thảo trên giấy, cắt may, rập khuôn đến công đoạn hoàn thành là một câu chuyện dài… Nhưng quan trọng nhất là khâu phát triển ý tưởng. Những bộ cánh ấn tượng chính là sự tưởng tượng, ý niệm của bản thân nhà thiết kế đối với những thứ xung quanh mình. Sự sáng tạo này đòi hỏi người xem khi nhìn vào phải tưởng tượng ra thông điệp của nhà thiết kế hay những trào lưu mà các nhà mốt đem đến cho năm nay. Đơn cử có thể kể đến như Gucci, Chanel, Christian Dior… luôn là những cái tên tạo ra xu hướng cho thời trang quốc tế. Chính họ là người mở đường cho những kiệt tác đến gần hơn với công chúng, cho khán giả những cái nhìn khác nhau nhưng nhìn chung lại mang đầy tính thẩm mỹ.
Là tác giả cần phải có cảm nhận tinh tế, bắt buộc phải hiểu thứ mà mình đang cố gắng truyền tải để đưa nó vào tác phẩm. Người viết, vẽ hay chụp ảnh đều phải có sự chọn lọc và trình bày, diễn giải được cái chọn lọc đó. Vì thế, nghệ thuật không nhất thiết phải giống hệt ngoài đời. Lấy ví dụ như vở “Swan Lake” (Hồ thiên nga) nổi tiếng của Tchaikovsky, những nghệ sĩ múa ballet là biểu tượng cho những chú thiên nga, người xem nhìn vào sẽ thấy hình thức đó chỉ là những vũ công nhưng cách họ di chuyển với vai trò là những nghệ sĩ múa ballet, hình ảnh chuyển động trước mắt ta giống như những chú thiên nga đang chơi đùa dưới hồ nước, và thật sự là chẳng có một con thiên nga nào hay một cái hồ đầy nước nào ở trước mắt chúng ta! Ở đó, có một thứ gì đó làm người xem liên tưởng đến thiên nga - nửa là thiên nga, nửa là cô gái - nửa hiện thực, nửa tưởng tượng; tạo nên một trạng thái liên tưởng thú vị kết nối giữa người xem và những người thực hành nghệ thuật. “Những cô thiên nga" này là một sinh thể nghệ thuật, mang một sự cách điệu hoá, tuy cách điệu nhưng vẫn phải gợi ra hình thực và khi quan sát sẽ thấy biểu tượng cho thực tế. Trong phim “Parasite” (Ký sinh trùng) cũng thế, sau khi đã mở từng nút thắt, người xem dễ dàng nhận ra bức tranh ký hoạ của thằng bé con nhà giàu chính là vẽ người đàn ông sống dưới hầm. Người làm nghệ thuật phải lồng ghép những thủ pháp nghệ thuật vào trong chính tác phẩm của mình đồng thời người nghệ sĩ cũng phải có trí tưởng tượng rất mạnh đồng thời bản thân cũng phải thoả mãn được cái tưởng tượng đó. Chữ “thật” trong nghệ thuật hoàn toàn vô nghĩa nhưng nghệ thuật “có vẻ như” là hiện thực.
Bản chất nghệ thuật chính là cái gốc để nghệ thuật có cớ tồn tại mãi mãi với nhân loại, nghệ thuật vừa quan sát hiện thực nhưng cũng lấy từ những điều thấy trong mơ. Sự sáng tạo, tưởng tượng sẽ không bao giờ dừng lại trừ khi những nghệ sĩ biến mất và khán giả không còn, nghệ thuật cần phải thỏa mãn nhưng không nhất thiết phải có cảm xúc và ngẫu hứng. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn nhưng về mặt tâm lý, cảm xúc là thứ chủ quan của con người, chúng ta yếu đuối hay độc ác đều do cảm xúc chi phối. Cũng như cách thưởng thức nghệ thuật, nó khiến chúng ta tự vấn và phải tìm cách tự thỏa mãn chính mình vì sự mới mẻ, thách thức các giá trị, tiêu chuẩn của nghệ thuật ngày nay. Bản chất nghệ thuật là một câu hỏi hóc búa nhưng chúng ta hãy biết cách tư duy nghệ thuật vì đó chính là chìa khoá để mở cánh cửa bước sang một thế giới kỳ lạ không thể nào giải thích nổi nhưng lại là thế giới vô cùng đặc biệt của nhân loại để từ đó cùng nhau chiêm nghiệm nghệ thuật theo cách của chính mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất