Gần đây 2 khái niệm: Giáo dục trong thời đại mới và metaverse xuất hiện khá nhiều xung quanh mình (có thể là do mình đã quan tâm tới 2 chủ đề này nên nó cũng xuất hiện nhiều hơn chăng?). Khi đọc bài viết về Ý tưởng 'giáo dục không trường lớp' sau đại dịch, mình bỗng giật mình khi nghĩ về viễn cảnh: giáo dục trong thời đại metaverse (vũ trụ ảo mà công ty Meta-FB đang hướng tới). Mình sẽ chia sẻ suy nghĩ ấy trong bài viết này.
- Trước tiên bạn hãy đọc bài viết trên vnexpress.net kia đã. Bởi nó chính là hiện tại của giáo dục. 1 xu hướng mới nổi và theo mình là sẽ bùng nổ trong thời gian tới.
- Tiếp theo là viễn cảnh về metaverser mà Mark xoăn vẽ ra. Bạn có thể đọc thêm 1 chút ở đây (do mình lười tìm nguồn, và các nguồn nói về metaverse cũng khá giống nhau nên mình thấy bài viết này nói khá đầy đủ):
Và rồi:
I have a pen, I have an apple. Ah, Apple-pen!

Những xu hướng phát triển của xã hội

Khái niệm lớp học ảo chẳng còn xa lạ nữa rồi. Có lẽ hầu hết chúng ta đều tham gia lớp học ảo (hoặc tham gia cuộc họp online) ít nhất 1 lần. Có thể hiệu quả của nó không giống như lớp học trực tiếp nhưng nó cũng đáp ứng được điều cốt yếu: học sinh học cùng nhau trong 1 môi trường, và có giáo viên truyền tải kiến thức.
Tuy có nhiều tranh cãi về tính hiệu quả cũng như cách thức vận hành của lớp học online, học qua video, học qua truyền hình... nhưng dần dần chúng ta đang thấy nó hiện hữu hàng ngày. Cái người ta bàn tới là làm sao tăng tính hiệu quả của nó chứ không nghi ngờ sự tồn tại của nó (hay đòi bác bỏ nó hoàn toàn).
Metaverse có lẽ là thứ giải quyết được điều này. Sẽ ra sao khi bạn chỉ cần kết nối tới thiết bị thực tế ảo, bấm nút là bạn sẽ thấy mình đang ngồi trong 1 lớp học ảo nhưng có thể 'chạm' vào người bên cạnh? Cơ thể bạn đang ở nhà, nhưng những gì bạn nhìn thấy, nghe thấy đều là trong lớp học như bạn đang học trực tiếp? Vậy thì có gì khác biệt giữa học online với học offline nữa đâu?
Và đến 1 ngày nào đó, bạn chẳng cần tới các thiết bị thực tế ảo cứng nhắc nữa, mà có thể toàn bộ 4 bức tường xung quanh nhà bạn biến thành không gian lớp học thì sao? Nơi bạn bè của bạn xuất hiện dưới hình ảnh 3D chân thực tới bất ngờ thì sao? Hãy xem sân khấu The Internaltional (giải đấu thể thao điện tử Dota2 lớn nhất thế giới được công ty Valve tổ chức), nơi mà các nhân vật trong game xuất hiện trong hình hài 3D chân thực, sống động thế nào. Tôi đã tới công viên USS (Universal Studios Singapore), thử chơi trò chơi hấp dẫn nhất tại khu Sci-fi, tôi đã bị choáng ngợp khi bước vào không gian ảo quá đỗi chân thật. Những hình ảnh, âm thanh, nhiệt độ, gió, nước... kết hợp nhuần nhuyễn khiến tôi có cảm giác như đó là thực. Lúc ấy tôi nhận ra thế giới thực hay ảo, có lẽ chỉ là do cảm nhận của giác quan mà thôi.
Có 2 thứ khó nhất cho 1 lớp học ảo: Công nghệ dựng lên lớp học ảo và cách truyền đạt nội dung.
Những người làm công nghệ có thể dựng lên lớp học ảo được, nhưng họ không thể truyền tải được các nội dung trong các cuốn sách, các video hướng dẫn, hay trong hoạt động mang tính chuyên môn của 1 dây chuyền sản xuất. Cái đó cần tới những người làm sư phạm có khả năng chuyển thể nội dung lên thế giới ảo. Họ không thể làm điều đó nếu không có 1 môi trường thuận lợi cho việc lưu trữ, bảo vệ, truyền tải nội dung.
Vậy khi Metaverse được hình thành thì sao? Nó như youtube lưu trữ hàng tỉ video nội dung mới được tạo ra bởi những nhà sản xuất content chuyên nghiệp. Nó như facebook lưu trữ tin tức, hình ảnh, cảm xúc, đối thoại của hàng tỉ người mỗi giây mỗi phút. Nó như google có thể giúp bạn tra cứu, tìm kiếm, đi tới bất cứ đâu trong kho dữ liệu khổng lồ. Đó chẳng phải môi trường tuyệt vời cho giáo dục ư?
Bài toán con gà - quả trứng có lẽ đã có lời giải. Chỉ cần 1 môi trường cho phép lớp học online phát triển, nhu cầu học online sẽ bùng nổ, giáo viên sẽ ra sức soạn bài online để cung cấp cho sự đói khát kiến thức trên vũ trụ ảo, và người học tha hồ tự chọn thứ họ muốn học trên đó.

Những cảm nhận từ bản thân

Bản thân tôi đang làm trong công tác giảng dạy online. Tôi nhận ra người ta hoàn toàn có thể tự học và học tốt được qua hình thức này. Tôi cũng học được rất nhiều kiến thức mới qua việc tự học trên google, youtube. Đã lâu lắm rồi tôi không tới các lớp học trực tiếp với vai trò người học (mà hầu như chỉ tới với vai trò người dạy), nhưng hàng ngày tôi vẫn tham gia các lớp học trực tuyến, vẫn học từ những người xa lạ chưa bao giờ gặp mặt. Những video, bài viết, bài giảng của tôi vẫn đang được rất nhiều người tiếp cận và xem nó, tìm kiếm nó. Họ phản hồi nó và nhờ vậy tôi tiếp tục cải tiến những sản phẩm mới. Hình thức có thể khá thô sơ so với những gì tôi tưởng tượng ra trong thế giới Metaverse, nhưng đó là khi chưa có metaverse.
Trước đây khoảng 10-15 năm tôi không bao giờ tin tưởng vào việc học online mà hiệu quả được. Nhưng khi thực sự trải nghiệm và được tiếp cận với những phương pháp giảng dạy mới, chuyên nghiệp hơn, tôi đã thay đổi suy nghĩ rất nhiều. 1 bài giảng online được chuẩn bị công phu cả về nội dung, hình ảnh, cách truyền tải, nó trở nên dễ tiếp thu hơn nhiều so với những bài giảng trực tiếp trên lớp. Chưa kể bài giảng online còn xem lại được nhiều lần và có thể học bất cứ lúc nào tôi muốn. Có thể giảng viên là người nước ngoài, họ nói tiếng anh mà tôi không hiểu hết, thì nhờ các công cụ dịch, phụ đề... đã khắc phục nhược điểm đó. Tôi cảm thấy không còn khoảng cách trong ngôn ngữ, địa lý, trong hình thức giao tiếp mà chỉ đơn thuần là tiếp thu kiến thức 1 cách chủ động mà thôi (với chi phí rẻ nữa).

Vấn đề đặt ra?

Nhưng có 1 vấn đề là vũ trụ ảo này đòi hỏi công nghệ phải có 1 bước tiến vượt bậc hơn nữa. Việc phụ thuộc vào kính hoặc tay cầm sẽ khiến trải nghiệm học bị mất đi tính chân thực như thế giới thực. Giống như đi xem phim 3D mà phải đeo kính vậy, khá là khó chịu. Phải đạt được mức không cần kính mà tự các hình ảnh ảo xuất hiện xung quanh mình, không cần tai nghe mà tự âm thanh sống động như thật, không cần cảm biến mà tự tay chạm vào ảnh 3D cũng tương tác được như thật. Điều đó có làm được không? Chắc là có nhưng sẽ lâu lắm, và chi phí thì đắt lắm.
Hồi xem phim Avatar 3D, tôi khá khó chịu với việc đeo kính, và đạo diễn James còn khẳng định: Avatar phần 2 trở đi sẽ không cần đeo kính mà vẫn xem được 3D. Đó quả là điều tuyệt vời, là thứ tôi mơ ước và nó sắp thành hiện thực. Chẳng bao lâu nữa điều này sẽ trở nên phổ biến, đặc biệt phổ biến trên Metaverse chăng?
Một yếu tố nữa là các chính phủ có chấp nhận nó không? Bởi giáo dục vẫn phụ thuộc vào các chính phủ. Bộ giáo dục phê duyệt các nội dung kiến thức nào được giảng dạy, cách thức giảng dạy và đánh giá học sinh. Họ liệu có chịu để học sinh muốn học gì thì học? Họ liệu có chịu để học sinh chọn học bởi các giáo viên nước ngoài, còn trong nước thì chẳng ai ngó tới? Liệu giáo dục có còn phổ cập không khi nó phụ thuộc vào công nghệ nhiều đến thế? Những người nghèo sẽ bị phân hóa giáo dục ở mức độ nghiêm trọng hơn nữa, nó tạo ra sự bất công, bất bình đẳng nghiêm trọng hơn. Có thể nói là nó đi ngược với phương châm giáo dục của rất nhiều nước (trong đó có nước ta). Vậy metaverse có tồn tại hình thức học như thế thì cũng để làm gì đâu?
Bản thân tôi không coi giáo dục trong thời đại metaverse là ảo tưởng, mà coi nó là tất yếu, là tương lai của giáo dục. Những sản phẩm mang tính giáo dục online hiện nay rồi cũng sẽ phát triển tới đỉnh cao như đã nói ở trên thôi, bởi mình không làm thì người ta sẽ làm, chỉ cần hiệu quả giáo dục càng cao thì người ta càng đổ tiền ra mua, ra học. Như cái cách mà thế giới chấp nhận FB, google, youtube và những mặt trái mà chúng đem lại. Nó luôn song hành, bất chấp sự can thiệp bởi các tổ chức chính trị thì nó vẫn tồn tại như 1 tất yếu. Từ bây giờ tôi cũng đang chuẩn bị và hướng tới những sản phẩm giáo dục phục vụ cho metaverse, để con cái tôi sau này có thể tiếp cận được cách thức học mà tôi ao ước ở hiện tại.
---
11/11/2021