Hôn lễ

Lễ cưới hay gọi là hôn lễ. Theo tập tục ngày xưa thì đám cưới bao giờ cũng được tổ chức vào buổi chiều tối là buổi Dương qua Âm lại; âm dương giao hoán với nhau được thuần, cho nên dùng "hôn lễ", tức là thuận theo lẽ của trời đất.
Ngày xưa phân ra 6 lễ như sau:
Vấn danh (cầu thân)
Sơ vấn (dạm hỏi)
Đại đăng khoa (đám hỏi)
Sỉ lời (hỏi thăm nhà gái đòi hỏi những lễ vật, tiền nong,...gì?)
Lễ nạp tài và thăm con dâu
Lễ tiểu đăng khoa (lễ cưới được tiến hành)

Ông mai, bà mai

Trong một cuộc hôn nhân, người xưa thường nhờ cậy đến ông mai, bà mai.
Tục lệ ngày xưa ghi rõ:
Bên nhà trai ghi tên họ và tuổi của người con trai để ông mai sang nhà gái trao, nếu nhà gái bằng lòng thì cũng cho biết con gái mình tuổi gì, ngày sinh, tháng đẻ,... Ngày xưa 1 họ với nhau là đồng tộc, nếu gặp trường hợp này thì không bao giờ gả con cái cho nhau.
Sau lễ trao canh thiếp như đã nói ở trên, thì đến lễ vấn danh hay còn gọi là cầu thân. Tiếp là lễ sơ vấn, ông mai đến nhà gái cho biết nhà trai đã bằng lòng kết tình thông gia với bên nhà gái và xin cho biết ngày làm lễ đám hỏi (lễ Đại đăng khoa). Lễ đám hỏi người xưa được cho là quan trọng hơn lễ cưới, trong lễ này thường nhà trai đưa lễ vật dạm hỏi là đôi bông tai (đôi bông tai ví như cái hoa con gái), một mâm trầu câu và đôi đèn bạch lạp (đèn cầy). Nếu là người giàu có thường là đưa đôi bông tai bằng hột xoàn và sợi dây chuyền bằng vàng.

Lễ Đại đăng khoa

Hình ảnh lễ dạm ngõ truyền thống trong đám cưới Việt Nam ngày xưa
Hình ảnh lễ dạm ngõ truyền thống trong đám cưới Việt Nam ngày xưa
Lễ dạm hỏi bao giờ nhà gái cũng mời bà con thân thuộc đến dự và đằng trai lo đủ khoản tiệc ăn uống này.
Phía nhà trai qua nhà gái chủ yếu là bà con thân thuộc, nhất thiết phải có ông mai, bà mai, ông sui trai, bà sui trai. Lễ này cũng thường có người phù rể bưng khay trầu rượu có thêm bốn miếng trầu, hai cái chung để rót rượu. Chung rót rượu thường là miệng chung tròn có ý là "thuỷ chung như nhất".
Bộ khay hộp gồm có bốn miếng trầu (miếng trầu là đầu câu chuyện) và rượu. Chú rể phải bưng cái quả đỏ trong đó có đôi bông tai cho nàng dâu và cặp đèn cầy để đốt cúng ông bà bên nhà gái.
Khay rượu, trầu cau
Khay rượu, trầu cau
Lễ này ngày xưa cũng lắm nhiêu khê, mọi lớp lang phải chu đáo, tránh sơ suất, nếu không thì bị cho là điềm gỡ sau này.
Thứ tự vào nhà: ông mai, cha mẹ, họ hàng đằng trai. Chú rể vào sau cùng, đi chậm rãi, cúi đầu chào họ hàng nhà gái.
Khi bên nhà gái mời bà con xong, ông mai mới trình lên những lễ phẩm của nhà trai đem sang và chú rể thắp nhang đèn để cúng từ đường và họ hàng, rồi mới được ngồi xuống cạnh bà con thân thuộc của mình.
Ảnh Tri Thức Trẻ
Ảnh Tri Thức Trẻ
Trình lễ xong nhà gái mời người lớn tuổi nhất trong họ mở cái quả đỏ có đôi bông tai đeo vào cho cô dâu, Cho tới lúc này, người con trai mới được phép xưng hô con cái với bên nhà gái.
Xong lễ thì cha mẹ, họ hàng về trước, chú rể phải ra về sau, nhà gái cũng cho nàng dâu đưa tiễn chồng mình 1 đoạn.
Sau đám hỏi vài ngày, cô dâu phải qua nhà trai đáp lễ bằng cách mời trầu câu, quà bánh cho bà con lối xóm.
Ngày xưa, sau lễ dạm hỏi, người con trai phải qua nhà gái "ở rể" 3 năm, làm việc và lao động như 1 người con trai thực sự của gia đình, sau đó mới tiến hành đám cưới.

Lễ cưới

Sau khi ở rể được 3 năm, có khi thời hạn ngắn hơn tuỳ theo nhà gái thì hai bên cha mẹ chọn ngày lành tháng tốt tổ chức lễ cưới cho con cái mình.
Lễ cưới ngày xưa gọi là Tiểu đăng khoa. Trước khi làm lễ cưới thì có lễ viếng sui gia và thăm nàng dâu, nhà trai đem tặng lễ vật cho nhà gái như đã thoả thuận trong lễ dạm hỏi. Tuỳ theo khả năng tài chính mà lễ vật nhiều hay ít, tuỳ theo hảo tâm của nhà trai và sự rộng lượng của nhà gái. Có những gia đình bên gái đòi lễ vật quá cao như vòng vàng, xuyến bạc, lợn trâu, ruộng đất... nhưng cái gánh nặng của lễ vật này, sau này hai vợ chồng mới phải lo gánh vác.
Nói về ngày lành, tháng tốt để làm lễ hợp hôn, các cụ ngày xưa xem ngày xem tháng rất cẩn thận: xem trong sách Ngọc Hạp, Thông Thơ và lại tra lại giờ trong lịch Đại Bản, chọn được những ngày Nhân chuyên, Sát cống và Bất tường mới cho làm lễ cưới... Thường thì lễ cưới, chàng rể phải mặc áo rộng xanh, bịt khăn đen, có che lọng. Nàng dâu mặc áo rộng, đội nón thúng, cũng có lọng che, người ta gọi nôm na là "nón cụ quai tơ" và khảm vàng cạnh quai. "Còn duyên nón thúng, quai thao khảm vàng".
Lễ cưới có 1 đôi đèn, khay trầu, rượu. Thường có 6 miếng trầu, 6 miếng cau (có nghĩa là đủ 6 lễ) cộng thêm 1 mâm trầu câu và 1 choé rượu, mỗi mâm đều có 2 người khiêng đi. Tục lễ này hiện nay vẫn còn giữ, có khi còn làm đôi đèn chạm trỗ rồng phượng cầu kỳ. Làm lễ bái tổ tông xong thì nhà trai làm lễ rước cô dâu về nhà chồng với 1 tràng pháo nổ.

Rước dâu về nhà chồng

Ngày xưa muốn nghi lễ rước dâu được vẹn toàn, họ bày ra lắm luật lệ (ngày nay trai gái ít dùng đến) như đặt cái bàn thờ trước cửa có chưng bông hoa, nhang đèn và một mâm ngũ quả (đu đủ, mãng cầu, thơm, dừa, sung hoặc xoài). Cái bàn này mấy cụ gọi là Điện nhạn để cúng Hoàng Thiên và Hậu Thổ.
Chú rể và cô dâu trước khi vào nhà phải xá đầu khấn vái và thành khẩn quỳ lạy dâng hương... Trong lúc ông sui trai và sui gái đứng chứng kiến.
Sau khi 2 người đi 1 lượt, chú rể đi trước, cô dâu đi sau, dâng rượu chào họ hàng... Bà con cô bác cũng đáp lễ lại bằng cách lì xì cho cô dâu chú rể và chúc tốt lành.
Hình ảnh đen trắng thời xưa của một cô dâu xinh đẹp trong bộ váy cưới, kính rượu các vị trưởng bối hai bên gia đình
Hình ảnh đen trắng thời xưa của một cô dâu xinh đẹp trong bộ váy cưới, kính rượu các vị trưởng bối hai bên gia đình
Và lễ lên đèn (đèn bạch lạp) được tiến hành bởi 1 người gìa trong làng, được kính trọng, còn sống cả vợ chồng và có nhiều con cháu...

Lễ nhị hỉ

Sau lễ cưới, sáng sớm vợ chồng trở về bên nhà gái gọi là lễ nhị hỉ. Thông thường nhà trai mang qua một cặp vịt, lít rượu và trà bánh. Khi đến nhà ông bà nhạc, chàng rể phụ giúp vợ nấu nướng mời bà con thân thuộc đến ăn mừng. Chàng rể đích thân đi mời, và cô dâu đưa từng miếng trầu trong mâm trầu cau ngày cưới cho họ hàng thân thuộc để tỏ lời cảm ơn bà con đã giúp cho ngày vui của họ trọn vẹn.
Lễ nhị hỉ là dịp để chàng rể mới làm quen bà con cô bác bên đằng gái. Theo đúng nghi lễ thì có ông bà sui trai và ông mai cùng dự lễ nhị hỉ và chính tay ông mai giữ trầu cau.

Đầu heo và nọng heo

Đầu heo

Theo tục lệ, đám cưới nào cũng làm heo, người giàu sang thì làm cả trâu bò, nhưng có một điều là họ không bao giờ làm "dưa giá" sợ sau này đôi lứa có sự goá bụa.
Làm thịt heo xong, nhà trai liền đem biếu ông mai cái đầu heo và một đĩa lòng.

Nọng heo

Nọng heo thì kiến lễ cho ông thầy xem bói, xem tuổi và định ngày cưới. Nhưng cũng có ông thầy là người tu hành, thì làm trà bánh và dâng hương lễ Phật.

Lễ rót rượu

Rót rượu trong chung hay trong ly để cúng bái tổ tiên hay trình lễ làng, đây là sự ra mắt của cặp vợ chồng mới cưới đối với các bậc tiền bối trong làng xã.
Từ đây trở về sau, họ trở thành một gia đình nho nhỏ trong cộng đồng, có nhiệm vụ lao động, mưu sinh, sinh con đẻ cái, dạy dỗ chúng trở thành người có ích trong xã hội.
Cái nền tảng của đất nước, sự vững bền của văn hoá dân tộc dôi khi lại bắt đầu từ trong muôn vàn cái tổ ấm này.
Một cặp đôi thời hiện đại tổ chức đám cưới theo lễ nghi và phong tục truyền thống, tôn vinh giá trị và vẻ đẹp của đám cưới Việt Nam ngày xưa
Một cặp đôi thời hiện đại tổ chức đám cưới theo lễ nghi và phong tục truyền thống, tôn vinh giá trị và vẻ đẹp của đám cưới Việt Nam ngày xưa