Phong trào “No Bra”: Góc nhìn từ văn hóa Hàn Quốc
Ngày 7/7/2019, Hwasa, một thành viên của nhóm nhạc Hàn Quốc Mamamoo, làm sửng sốt cộng đồng mạng cũng như giới báo chí Hàn Quốc khi không mặc áo ngực ra sân bay. Tuy nhiên, cô không phải là người nổi tiếng đầu tiên ở Hàn Quốc theo đuổi thời trang không áo ngực này. Sulli, cựu thành viên nhóm nhạc f(x), cũng thường xuyên đăng tải những bức ảnh “thả rông” của mình trên mạng xã hội. Hành động của hai nữ nghệ sĩ này đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi liệu rằng việc không mặc áo ngực có nên là sự tự do lựa chọn cá nhân, đặc biệt là với người nổi tiếng, những người có tác động đến công chúng.
Kết quả hình ảnh cho hwasa không mặc áo ngực
Hình ảnh Hwasa không mặc áo ngực ở sân bay gây nhiều tranh cãi. Nguồn: Internet
Kết quả hình ảnh cho hwasa không mặc áo ngực
Trước đó, Sulli cũng thường xuyên đăng những bức ảnh "thả rông" lên mạng xã hội. Nguồn: Internet
Sulli và Hwasa là những nghệ sĩ nữ Hàn Quốc tích cực ủng hộ cho phong trào “No Bra”. Phong trào này có tiền thân là một cuộc biểu tình phản đối cuộc thi Hoa hậu Mỹ vào những năm 1960 ở New Jersey vì coi trọng cơ thể người phụ nữ hơn là trí tuệ của họ. Nó được biết đến với tên gọi đầu tiên là “bra burning”, những người phụ nữ trẻ lúc đó đã cởi bỏ áo lót và những phụ kiện khác gắn liền với giới nữ khác như đồ trang điểm, thắt lưng, áo nịt ngực vào thùng rác. Không chỉ phản đối một cuộc thi sắc đẹp nói riêng, phong trào này là một nỗ lực chống lại sự bất bình đẳng giới cũng như quan niệm về nữ tính và vẻ đẹp truyền thống nói chung. [1]
Kết quả hình ảnh cho phong trào bra burning
Cuộc biểu tình "Bra burning" được cho là mở đầu cho phong trào "No Bra". Nguồn: Internet
Từ những năm 2010 trở lại đây, phong trào này ngày càng trở nên phổ biến. Chiến dịch “Free the Nipple” (Giải phóng nhũ hoa) là phong trào nữ quyền tiếp theo liên quan đến việc xóa bỏ áo ngực. Đạo diễn Lina Esco là người khởi xướng phong trào này vào năm 2012 trong quá trình tiền sản xuất bộ phim cùng tên công chiếu năm 2014. Mục đích của chiến dịch là chấm dứt sự kì thị của xã hội xung quanh cơ thể người phụ nữ và chống lại luật kiểm duyệt tại Mỹ khi có 37 bang nghiêm cấm phụ nữ để ngực trần xuất hiện tại nơi công cộng. Chiến dịch này nhận được sự ủng hộ của rất nhiều những nghệ sĩ nổi tiếng trên khắp thế giới như Miley Cyrus, Lena Dunham, Chelsea Handler, Rihanna và Chrissy Teigen. [2]
Kết quả hình ảnh cho phong trào free the nipple
Phong trào Free the Nipple được nhiều các ngôi sao nổi tiếng ủng hộ. Nguồn: Internet
Ngoài ra còn rất nhiều các cuộc biểu tình khác chống lại những yêu cầu ăn mặc phân biệt giới tính ở các trường học cũng như nơi làm việc, trong đó tiêu biểu nhất là yêu cầu phụ nữ phải mặc áo ngực, như No Bra No Problem và Go Topless. Không yêu cầu hay khuyến khích tất cả phụ nữ phải từ bỏ áo ngực, thay vào đó, nó nêu lên quan điểm rằng việc mặc hay không mặc nội y hoàn toàn là quyền tự do cá nhân của người phụ nữ chứ không phải một việc mặc định được xã hội gán lên những người phụ nữ.
Những phong trào này đã và đang tạo nên được những sự thay đổi nhất định trong cách nhìn nhận cũng như chính sách của các nước trên thế giới. Vào ngày 20/09/2019, tòa Phúc thẩm Vòng 10 của Mỹ đã ra phán quyết bác bỏ lệnh cấm phô bày công khai bộ ngực của phụ nữ và trẻ em gái trên 10 tuổi ở thành phố Ft. Collins, thuộc bang Colorado, điều này đồng nghĩa với việc phụ nữ của 6 bang tại Mỹ bao gồm Utah, Colorado, Wyoming, New Mexico, Kansas và Oklahoma từ nay được phép 'thả rông' ngực. [3] Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện ở luật pháp. Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, xã hội nói chung vẫn còn cái nhìn định kiến với chuyện phụ nữ cởi trần. Ví dụ như ở New York, luật pháp không cấm phụ nữ để ngực trần nhưng hành động cởi trần ở nơi công cộng sẽ bị cảnh sát ngăn chặn vì cho rằng điều đó là không đứng đắn [4]. Tại châu Á, mà cụ thể là Hàn Quốc, mặc dù cũng không có bất kì đạo luật cụ thể nào nghiêm cấm phụ nữ để lộ nhũ hoa nhưng vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh phong trào không áo ngực.
Những tranh luận xung quanh hành động của Sulli và Hwasa đã được tóm tắt trong một bài đăng trên diễn đàn trường quốc tế Seoul [5]. Cụ thể như sau
Những người phản đối Sulli và Hwasa cho rằng (1) việc phụ nữ để lộ ngực khiến người xung quanh cảm thấy không thoải mái và hành động này được xem như là ghê tởm và tục tĩu. Hai nữ nghệ sĩ bị cho là “buông thả”, “thích khoe thân”, “thích gây sự chú ý”. (2) Ngoài ra, họ tin rằng việc phụ nữ không mặc áo ngực sẽ cổ vũ cho việc tình dục hóa cơ thể người phụ nữ vì bộ ngực trần khơi gợi tình dục và là tín hiệu mời chào đàn ông. (3) Thêm vào đó, những người nổi tiếng như Hwasa và Sulli được hâm mộ bởi rất nhiều những bạn trẻ. Vì thế, việc mặc quần áo hở hang, mà cụ thể là để lộ nhũ hoa, sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển tâm sinh lí của các khán giả tuổi mới lớn.
Trong khi đó, những người ủng hộ phong trào No Bra tin rằng (1) cơ thể của con người là toàn vẹn và tự chủ. Chính vì thế, phụ nữ có quyền tự do đối với cơ thể của bản thân, họ có quyền được lựa chọn trang phục mà bản thân cảm thấy thoải mái nhất. "Tôi không hề cố tình. Tôi chỉ mặc những gì giúp bản thân cảm thấy tự nhiên và thoải mái" - Hwasa chia sẻ. Hơn thế nữa, đây là (2) một bước tiến dũng cảm chống lại những kì vọng xã hội, chuẩn mực giới và là lời cổ vũ dành cho những người phụ nữ hãy tự tin thể hiện bản thân mình. Trong quan điểm của họ, áo ngực chỉ đơn thuần là một thứ phụ kiện và phụ nữ có quyền lựa chọn không mặc. Khi được hỏi tại sao đăng tải những bức ảnh không có áo lót lên mạng, Sulli trả lời: "Lần đầu tiên đăng hình, có rất nhiều người bàn tán. Tôi đã sợ hãi và có ý định xóa nó đi. Nhưng tôi đã không làm vậy, bởi tôi muốn thay đổi định kiến của mọi người. Một phần trong tôi cũng muốn nói rằng đây không phải vấn đề nghiêm trọng". Sulli cũng chia sẻ thêm: “Áo ngực chỉ là phụ kiện. Nó có thể phù hợp với một số bộ quần áo, nhưng có món đồ không đẹp khi có áo ngực. Vì vậy tôi không mặc”[6]
Sự phản đối phong trào “No Bra” nói chung và hành động của hai nữ nghệ sĩ nói trên là một ví dụ cho sự không dung thứ (intolerance). Sự không dung thứ, theo nhóm tác giả John R. Balwin trong cuốn Intercultural Communication for Everyday Life, định nghĩa, là “bất kể suy nghĩ, hành vi, chính sách hay chế độ xã hội mà đối xử với mọi người một cách không bình đẳng dựa trên sự phân định nhóm người”. [7] Ở đây, sự không dung thứ tồn tại dưới dạng các định kiến, mà cụ thể là định kiến về giới. Có thể thấy, trong cuộc tranh luận không hề có nhắc đến sự xuất hiện của nam giới mà cụ thể là các nghệ sĩ nam. Trong thực tế, xã hội nói chung không có bất cứ phản ứng tiêu cực với việc đàn ông cởi trần đi ngoài đường. Một nam ca sĩ Hàn Quốc, Song Mino, hôm 08/06 cũng từng xuất hiện ở sân bay khi không mặc áo bên trong chiếc áo blazer và để phanh ngực trần. Tuy nhiên, bình luận dưới bài báo về nam nghệ sĩ đa số là tích cực với những tính từ như “sexy” và “swag”. [8] 
Kết quả hình ảnh cho song mino không mặc áo ngực
Hình ảnh Song Mino xuất hiện ở sân bay khi phanh ngực trần. Nguồn: Internet
Thực tế, làng giải trí xứ Hàn luôn có sự phân biệt đối xử khá khắc nghiệt giữa idol nam và idol nữ. Các ca sĩ nam thường trình diễn khi không mặc áo hay xé áo để khoe body khi đang diễn. Điều này còn được mọi người tung hô vì họ cho rằng đấy là cách biểu hiện của sự ngầu và nam tính. [9] Khác với trường hợp của nghệ sĩ nam, kể cả khi nghệ sĩ nữ “vô tình” để lộ da thịt, khán giả vẫn ném đá gay gắt “sự cố trang phục”, coi việc đó là “hớ hênh”, “chiêu trò khoe cơ thể” [10]. Mặc dù cùng là những nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng và có những người hâm mộ thuộc độ tuổi mới lớn, nhưng không mấy ai lo rằng việc để ngực trần của các ca sĩ nam sẽ “gây ảnh hưởng tiêu cực” đến sự phát triển tâm sinh lí cho thanh thiếu niên.
Kết quả hình ảnh cho nam idol trình diễn cởi trần
Việc xé áo khi trình diễn của các idol nam ở Hàn Quốc không còn là điều lạ lẫm. Nguồn: Internet
Kết quả hình ảnh cho sự cố trang phục lộ vòng 1 idol nữ
Sự cố trang phục được coi là hớ hênh của các idol nữ. Nguồn: Internet
Sự bất bình đẳng giới trong việc để lộ ngực trần càng được thúc đẩy bởi sự khác biệt trong việc thể hiện hình ảnh nam giới và nữ giới ở các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính điều này đã vô hình chung tạo nên và duy trì “khuôn mẫu giới” trong nhận thức của công chúng. “Khuôn mẫu giới” là những đòi hỏi văn hóa và xã hội đối với giới, xác định điều nào là đúng là sai trong cách hành xử. [11]
Các phương tiện truyền thông đã thể hiện rõ “gender bias” (phân biệt giới) khi gắn liền ngực phụ nữ với những từ ngữ liên quan trực tiếp đến tình dục. Khi tìm kiếm thử từ khóa “no bra” trên Twitter thì những từ khóa liên quan sẽ xuất hiện là “exposure” (sự lộ hàng) và “pornography” (sự khiêu dâm). Đặc biệt, trên các trang tìm kiếm của Hàn Quốc, khi tìm kiếm cùng từ khóa, thì một bảng thông báo sẽ hiện ra “Search results that are inappropriate for young people to be exposed to have been excluded.” (“Những kết quả không phù hợp với khán giả nhỏ tuổi đã được xóa bỏ”). [12] Vì thế, công chúng dễ có nhận định rằng ngực của phụ nữ là thứ khơi gợi tình dục, không phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng, do đó, cần được che lại ở những nơi công cộng. Điều này là hoàn toàn sai lệch bởi vì theo khoa học, ngực là bộ phận sinh dục thứ cấp (secondary sex organs), nó không có đóng góp trong quá trình sinh sản, nhưng lại hoàn thiện phát triển sau dậy thì song song với các bộ phận sinh dục sơ cấp (primary sex organs) [13]. Vậy nên việc tình dục hóa ngực của phụ nữ là không hề có cơ sở. "Ngực của phụ nữ không phải là thứ khiêu dâm. Bộ ngực không có gì liên quan đến tình dục, trừ khi bạn nghĩ như vậy", một 9X chia sẻ. [14]
Đặt trong bối cảnh Hàn Quốc, hình ảnh người phụ nữ không mặc áo ngực luôn được gắn liền với những thân phận thấp kém trong các tác phẩm hội họa trong lịch sử. Vào cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19, họa sĩ Sungyok đã có tác phẩm "Women on Tano Day", khắc họa hình ảnh đối lập giữa hai tầng lớp. Theo như Hyung Gu Lynn trong “Fashioning Modernity: Changing Meanings of Clothing in Colonial Korea” (Hiện đại hóa thời trang: sự thay đổi ý nghĩa của quần áo ở Hàn Quốc thời kì thuộc địa), “...chỉ có những phụ nữ ở tầng lớp thượng lưu được mặc những chiếc áo choàng dài và che kín phần trên, được gọi là “chang-ot”. … Còn với những người phụ nữ bình dân làm việc ở ngoài trời, họ sẽ mặc “chôgori”, với thiết kế để lộ ngực trần để thuận tiện hơn cho con bú”. Những hình ảnh của gisaeng (kĩ nữ thời Goryeo) và những người thợ lặn nữ của đảo Jeju trở thành đối tượng phổ biến trên các bưu thiếp và ảnh cho khách du lịch, thường được khắc họa với hình ảnh ngực trần. Trong thời kì đó, sự xuất hiện của khái niệm “Modern Girls” và “New Women” từ Nhật Bản cùng với hình ảnh phụ nữ mặc hanbok để lộ ngực trần bị coi là chính sách mị dân của Nhật Bản, thúc đẩy một hình ảnh tân tiến, hiện đại của Nhật Bản bên cạnh hình ảnh lạc hậu của Hàn Quốc. [15] Có lẽ vì thế, bộ ngực trần trở thành điều cấm kị của người dân xứ sở kim chi. Việc gắn liền hình ảnh ngực phụ nữ với những người phụ nữ ở tầng lớp hạ lưu khiến cho người phụ nữ cởi trần bị xem là thấp kém và không đứng đắn.  
Bức tranh "Women on Tano Day" của họa sĩ Sungyok. Nguồn: Internet

Hình ảnh những phụ nữ xuất hiện trên bưu thiếp và ảnh cho khách du lịch. Nguồn: Internet
Ngoài ra các trang mạng xã hội như Instagram cũng có những luật lệ thể hiện rõ sự phân biệt về giới trong kiểm duyệt. Những bức ảnh/tranh vẽ để lộ đầu ti nữ thường bị làm mờ do “chứa nội dung khiêu dâm”. Tuy nhiên, những bức ảnh có nội dung tương tự của nam giới lại được giữ nguyên. 
Kết quả hình ảnh cho insta censor breast
Chính sách kiểm duyệt của Instagram gây nhiều tranh cãi. Nguồn: Internet
Lí giải cho việc kiểm duyệt của mình, nguyên tắc cộng đồng trên Instagram ghi rõ: “…vì nhiều lý do khác nhau, chúng tôi không cho phép đăng hình ảnh khỏa thân trên Instagram. Các hình ảnh này bao gồm ảnh, video và một số nội dung được tạo bằng kỹ thuật số thể hiện sự giao hợp, khoe bộ phận sinh dục và ảnh cận cảnh khoe vòng ba hoàn toàn trần trụi. Nội dung này cũng bao gồm một số ảnh chụp núm vú phụ nữ. Tuy nhiên, ảnh chụp sẹo sau phẫu thuật cắt bỏ ngực và ảnh phụ nữ chủ động cho con bú thì được phép. Hình ảnh khỏa thân trong ảnh chụp nghệ thuật và tượng cũng được chấp nhận.” [16] Như vậy, sự khác nhau trong phản ứng của phương tiện truyền thông ngầm thể hiện quan điểm rằng đầu ti của phụ nữ là cái đánh dấu cho sự khác biệt giới tính và vì thế cách nhìn nhận đối với ngực của phụ nữ hoàn toàn khác đối với ngực của đàn ông. Tuy nhiên, không hề có căn cứ cho quan điểm này. Khoa học đã chứng minh rằng đầu ti của phụ nữ và đàn ông không khác nhau về mặt cấu tạo và chức năng sinh học: đầu ti của nam giới có chung các đặc điểm như mô vú, ống dẫn sữa và thậm chí có thể sản sinh ra sữa như nữ giới [17]. Tiêu chuẩn kép trong việc kiểm duyệt hình ảnh khỏa thân của Instagram đã gặp nhiều sự chỉ trích. Một tài khoản Instagram @genderless_nipples đã làm một thí nghiệm xã hội bằng cách thử đăng tải những bức ảnh cận cảnh núm vú của cả nam và nữ để kiểm tra chính sách kiểm duyệt của Instagram. Sau đó, một bức ảnh đã được xóa khỏi mạng xã hội, vào theo như tài khoản này, đó là bức ảnh núm vú của đàn ông. [18]
Kết quả hình ảnh cho genderless nipple
Genderless Nipple đã khiến cho mọi người phải nhận định lại về nguyên tắc cộng đồng của Instagram. Nguồn: Instagram
Những sự thể hiện trên của ngực phụ nữ trên phương tiện truyền thông đã phản ánh một định kiến khắc sâu trong xã hội của chúng ta rằng ngực phụ nữ đã bị “vật hóa" và coi như đồ vật tình dục. Việc cấm phụ nữ không được để ngực trần nơi công cộng sẽ càng làm cho định kiến ấy trở nên sâu sắc. Bởi vì những nơi ngực của phụ nữ có thể được nhìn thấy giới hạn ở những trang web tình dục hay những nội dung sex. Điều này sẽ hình thành tâm lí rằng ngực của phụ nữ chỉ nhằm mục đích khiêu dâm. Như vậy, phụ nữ không được quyền quyết định cơ thể của mình được thể hiện ra sao, mà phải chịu đựng những định kiến về cơ thể của họ trên các phương tiện truyền thông.
Song, trong trường hợp của Sulli và Hwasa, những người phản đối cũng có cái lí của họ nếu cân nhắc về khái niệm “cultural relativism” (thuyết tương đối văn hóa). Theo đó, mỗi nền văn hóa trên thế giới có những giá trị và tiêu chuẩn xã hội nhất định mà các cá nhân trong nền văn hóa đó phải tuân theo [19]. Việc cố gắng “khuôn” các hành vi con người theo các chuẩn mực của thuần phong mỹ tục thể hiện, phản ánh mong muốn trong xã hội về việc duy trì các nề nếp được coi là chuẩn mực. Nếu như người ở phương Tây coi trọng cá thể và việc thể hiện cái tôi của bản thân, con người Á Đông có ý thức cộng đồng rất mạnh, họ sống trong mối quan hệ với cộng đồng và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cộng đồng. Không chỉ vậy, ở các nước Á Đông, thuần phong mỹ tục được đề cao, người phụ nữ bị ràng buộc bởi những chuẩn mực về đạo đức nhất định như “công – dung – ngôn – hạnh”. Ngay từ khi còn bé, họ đã được dạy phải biết giữ gìn tiết hạnh của mình, phải ăn ­mặc kín đáo đoan trang nơi công cộng, nếu không sẽ bị coi là dung tục thấp kém và bị lên án quở trách. Đặc biệt ở Hàn Quốc, có những qui định bất thành văn liên quan đến female modesty (sự đoan trang trong cách hành xử và ăn mặc của người phụ nữ) ở nơi công cộng. Theo đó, người phụ nữ không nên để lộ khe ngực và vai trần, những bộ áo khoét sâu hay lộ vai cũng không được ủng hộ tại quốc gia này. Trong khi đó, họ có thể thoải mái mặc váy ngắn hay quần short [20]. Điều này từng được chia sẻ bởi một phụ nữ ở Mỹ khi đến Hàn Quốc làm việc: “Tiêu chuẩn ở Hàn Quốc: nếu bạn để lộ dù chỉ là 1 cm nhỏ nhất khe ngực của bạn, bạn được coi là ăn mặc không phù hợp ở chỗ làm việc. Vai cũng phần lớn là điều cấm kị …” [21] Như vậy, có thể thấy ở Hàn Quốc, phụ nữ được dạy phải che đậy phần thân trên của mình. Sulli và Hwasa là những nghệ sĩ ở Hàn Quốc, họ được trông đợi phải tuân theo những chuẩn mực đó. Vì thế, đánh giá việc “thả rông” của hai nữ nghệ sĩ phải được dựa trên cộng đồng xã hội mà họ đang sống, mà ở đây là Hàn Quốc, thay vì những tiêu chuẩn được tạo ra bởi nền văn hóa khác.
Kết quả hình ảnh cho korean modesty
Sự khác biệt trong chuẩn mực về ăn mặc của Hàn Quốc và các nước phương Tây. Nguồn: Internet
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra ở đây là liệu cứ theo đuổi những chuẩn mực về đạo đức đó, xã hội có thể sẽ trở nên lạc hậu hay không? Bởi vì quá đề cao sự khác biệt về văn hóa, đạo đức tương đối phớt lờ đi xu thế hội nhập và toàn cầu hóa cũng như sự tác động văn hóa ngày càng mạnh mẽ của thời hiện đại. Thuyết tương đối đã vô tình cho phép những việc làm rõ ràng vi phạm những quyền cơ bản của con người được coi là “culturally acceptable” (chấp nhận được ở một cộng đồng văn hóa cụ thể). Điều này không chỉ gây hại cho một số thành viên nhất định trong xã hội (ở đây là phản ứng gay gắt và những bình luận công kích trên mạng với những người theo đuổi phong trào, điều được tin rằng đã dẫn đến cái chết của Sulli), mà về mặt lâu dài, nó sẽ làm cho xã hội trì trệ và không phát triển. Khi mọi người đều tin vào chuẩn mực riêng của họ, nhu cầu phải thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn cũng sẽ được xóa bỏ. Định kiến rằng cơ thể của phụ nữ là tục tĩu hơn cơ thể nam giới sẽ ngăn cản các nước Á Đông xây dựng một xã hội bình đẳng. Cái nhìn này truyền tải tới phụ nữ một thông điệp rằng họ phải cẩn trọng hơn với cơ thể của mình để được “chấp nhận” như đàn ông. Tuy nhiên, John R. Balwin et al từng đưa ra quan điểm rằng văn hóa là yếu tố liên tục vận động và phát triển qua sự truyền bá và tiếp biến văn hóa mới. Quá trình này được gọi là quá trình “cách tân” (innovation), khi mà ai đó trong một cộng đồng văn hóa tạo ra ý tưởng mới làm thay đổi chính văn hóa của người đó. [22] Nếu cân nhắc đến chuyện vào những năm 1930, ngực của đàn ông từng bị cấm ở những nơi công cộng và từ năm 1936 đến nay đã được xã hội chấp nhận [23], chúng ta có thể trông đợi vào một ngày nào đó trong tương lai, phụ nữ cũng có thể dành được quyền tự do với cơ thể của mình dù rằng đây sẽ là một quá trình đầy khó khăn nhằm thay đổi những tư tưởng đã hằn sâu trong một xã hội trọng nam khinh nữ như Hàn Quốc.
Kết quả hình ảnh cho men nipple banned
Đàn ông cũng từng bị cấm xuất hiện với ngực trần ở những nơi công cộng. Nguồn: Internet
Có thể nói, việc không mặc áo ngực của Sulli và Hwasa nói riêng và trào lưu No Bra nói chung đi ngược lại với những quan điểm trước đây của xã hội về người phụ nữ. Vì vậy, không có gì là ngạc nhiên khi hành động này nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, ý kiến phụ nữ có quyền lựa chọn trang phục mà họ cảm thấy tự tin và thoải mái cho mình là hoàn toàn hợp lí. Không nên có bất kì sự phân biệt đối xử nào giữa phụ nữ và đàn ông. Nếu những người đàn ông có quyền tự do cởi trần khi ra ngoài, thì phụ nữ cũng có quyền lựa chọn không mặc áo ngực khi xuất hiện ở những nơi công cộng. Thêm vào đó, xã hội cần có những sự thay đổi mang tính tiến bộ hóa, trong đó quyền con người và người phụ nữ được đề cao và trân trọng.

 
Tài liệu tham khảo:
[1] [14]. Huệ Lâm (2019). Thả rông là quyền phụ nữ nhưng họ nghĩ tôi đang bị soi mói cơ thể. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ https://news.zing.vn/tha-rong-la-quyen-phu-nu-nhung-ho-nghi-toi-dang-bi-soi-moi-co-the-post986569.html
[2]. Emma S. Webster. (2019). Why you don’t have to wear a bra. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ https://www.teenvogue.com/story/you-dont-have-to-wear-a-bra
[3]. Vĩnh Sưởng. (2019). 6 bang của Mỹ cho phép phụ nữ 'thả rông' ngực. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ https://baomoi.com/6-bang-cua-my-cho-phep-phu-nu-tha-rong-nguc/c/32263164.epi
[4]. Đăng Nguyễn. (2019). Phụ nữ ngực trần diễu hành ở New York, đòi quyền được “thả rông”. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ https://www.24h.com.vn/phi-thuong-ky-quac/phu-nu-nguc-tran-dieu-hanh-o-new-york-doi-quyen-duoc-tha-rong-c159a1078180.html
[5]. [TTADMIN]. (2019). K-pop stars go braless. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ https://ttonl.org/k-pop-stars-go-braless/
[7]. John R. Balwin et al. (2014). Intolerance – acceptance – appreciation: How can we make the world a more tolerant place. Intercultural communication for Everyday Life. Johnson Wiley & Sons Ltd, 114.
[8]. Midori. (2019). Mino phanh ngực giữa sân bay, fan quả quyết: "Chắc anh bị dị ứng áo phông rồi!" Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ http://ttvn.vn/thoi-trang/mino-phanh-nguc-giua-san-bay-fan-qua-quyet-chac-anh-bi-di-ung-ao-phong-roi-212019146224834300.htm.
[9]. Hoài Thương. (2019). 2 thành viên WINNER mặc áo như không, lộ đồ lót trên sân khấu. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ https://baomoi.com/2-thanh-vien-winner-mac-ao-nhu-khong-lo-do-lot-tren-san-khau/c/32733451.epi
[10]. Minh Hạnh. (2019). 'Đỏ mặt' với trang phục hớ hênh của sao nữ Hàn Quốc. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ https://baomoi.com/do-mat-voi-trang-phuc-ho-henh-cua-sao-nu-han-quoc/c/31565835.epi
[11]. John R. Balwin et al. (2014). Culture, communication, and media: How do media shape our views of others?. Intercultural communication for Everyday Life. Johnson Wiley & Sons Ltd, 212.
[12]. Lee Yu-jin & Oh Yeon-seo. (2019). Actress Sulli goes on air to explain why she thinks bras are unnecessary. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ http://www.hani.co.kr/arti/PRINT/899111.html
[13]. 17.80 Female Reproductive System Organs – Advanced. CK-12. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ https://www.ck12.org/book/CK-12-Biology-Advanced-Concepts/section/17.80/?fbclid=IwAR217eoQJawpLqa4jdJJL9DrC21GI_AHJxjCJEr-hjcDdM8hijLH0pasCdo
[15]. Free The Nipple in Korea? Why Not? Uncovering the history of a taboo (2017). The Grand Narrative. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ https://thegrandnarrative.com/2017/06/19/free-the-nipple-korea/amp/?fbclid=IwAR1kVqhTsSAphPcpRRcnLD6IS2UpRlz3BcwQJKFnyAQCjhJSidczwrggFHg
[16]. Nguyên tắc cộng đồng. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ https://www.facebook.com/help/instagram/47743410562111
[17]. Leslie Selcer. (2018). Selcer: Regarding the moral panic of women’s nipples on Instagram. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ https://www.dailyemerald.com/opinion/columns/selcer-regarding-the-moral-panic-of-women-s-nipples-on/article_14e7a5ae-f99d-51fe-ba33-456f4a14ab7b.html
[18]. Amar Toor. (2016). Genderless Nipples exposes Instagram’s double standard on nudity. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ https://www.theverge.com/2016/12/6/13852900/genderless-nipples-instagram-censorship-policy
[19]. John R. Balwin et al. (2014). Action, ethics, and research: How can I make a difference?. Intercultural communication for Everyday Life. Johnson Wiley & Sons Ltd, 29.
[20]. Adelane. (2017). Six Things You Should Know About Modesty in South Korea. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ http://www.koreners.com/bbs/board.php?bo_table=blog&wr_id=587
[21]. [I’m no Picasso]. (2010). Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ http://imnopicasso.blogspot.com/2010/11/i-new-english-teacher-and-now-i-getting.html
[22]. John R. Balwin. et al (2014). Origins: Where does our “culture” come from?. Intercultural communication for Everyday Life. Johnson Wiley & Sons Ltd, 57.
[23]. Gina Vaynshteyn. (2014). Why Do We Sexualize Nipples Anyway?. Truy cập vào ngày 09/12/2019, từ https://hellogiggles.com/lifestyle/sexualize-nipples-anyway/