Cũng không lạ khi người dịch tác phẩm này không dám để tựa đề tác phẩm ứng với cái tên gốc đầy mẫu tính: phồn thực và no đủ. Có lẽ vào thời điểm tác phẩm được xuất bản tại Việt Nam, những gắt gao về mặt kiểm duyệt, cũng như việc lo rằng người đọc sẽ có một đánh giá sai lạc về tác phẩm mà người dịch đã chọn cho tác phẩm một cái tên khác: Báu vật của đời.
Nhân vật chính trong tác phẩm tên là Kim Đồng, một anh chàng con lai nửa Trung Quốc nửa Tây, có mái tóc vàng óng ả và vóc dáng cao ráo của người phương Tây nhưng giọng nói và tính cách lại đặc sệt Cao Mật, hệt như người bố của anh: ông mục sư Malôa vậy. Và bi hài làm sao, Kim Đồng lại mắc một chứng bệnh kỳ lạ: nhũ thực – chỉ có thể tiêu hóa được sữa mẹ, bất kỳ loại ngũ cốc nào anh ăn vào cũng đều bị nôn ra cho kỳ hết. Cả cuộc đời Kim Đồng, hoàn toàn dựa vào bầu vú mẹ mà sống. Trên anh, có tám người chị gái. Bảy người chị đầu: Lai Đệ (em trai đến), Chiêu Đệ (mời em trai), Lãnh Đệ (nhận em trai), Tưởng Đệ (mơ em trai), Phán Đệ (mong em trai), Niệm Đệ (nhớ em trai), Cầu Đệ (cầu em trai) do mẹ anh Thượng Quan Lỗ Thị chung chạ với những người đàn ông khác nhau: ông chú dượng, tay bán vịt, gã bán thuốc rong, tay đồ tể thịt chó, hòa thượng và một anh lính thất trận đẻ ra. Còn người chị gái út là chị em sinh đôi với Kim Đồng tên Ngọc Nữ cùng là con của mục sư Malôa.
Có thể nói tác phẩm đã khái quát cả một giai đoạn lịch sử hiện đại của Trung Quốc từ những ngày Bát quốc liên quân cho tới những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, mỗi giai đoạn trong lịch sử lại gắn liền với những đổi thay về số phận những thành viên trong gia đình nhà Thượng Quan mà nhân vật trung tâm là Kim Đồng và mẹ của anh Lỗ Thị.
Tác phẩm cũng có vài ba lớp nghĩa rõ ràng, không quá khó để người đọc nhận thấy: đầu tiên nó phản ánh lịch sử nói chung, tác phẩm cung cấp cho ta một lượng thông tin khổng lồ về văn hóa con người, những sự kiện xảy ra tại Trung Quốc trong gần 100 năm.
Thứ hai, tác phẩm tôn vinh sức sống và vẻ đẹp của con người nói chung và phụ nữ nói riêng, mà biểu trưng ở đây là Lỗ Thị - người phụ nữ với bầu vú chưa bao giờ ngừng tiết sữa. Bà trải qua bao thăng trầm biến cố của cuộc đời, từ cảnh mồ côi cha mẹ từ nhỏ đến việc bị gia đình chồng nhất là mẹ chồng đày đọa đánh đập không thương tiếc vì không đẻ được con trai mà nguyên nhân chính là do anh chồng bất lực, rồi những đau thương mất mát, đói khổ trong thời chiến, nhìn những người con của mình lần lượt ra đi rồi chết đi nhưng bà vẫn sống, bầu vú của bà vẫn tiết sữa, không chỉ nuôi dưỡng những đứa con mà còn nuôi lớn cả những người cháu do con gái bà bỏ lại. Bầu vú ấy là biểu tượng cho sức sống dai dẳng, cho sự vĩ đại, cho mẫu tính trường tồn trong mỗi người phụ nữ.
Thứ ba, tác phẩm là một dòng chảy của nhân quả tuần hoàn. Tôi tin rằng tác giả đã rất vất vả mới có thể đưa những đứa con tinh thần của mình hòa vào vòng xoáy nhân quả đến như vậy. Hai chị em Lai Đệ, Chiêu Đệ được sinh ra từ mối tình loạn luân giữa Lỗ Thị và ông chú dượng và sau này lớn lên hai chị em gái lại chung chồng với nhau, chồng chị em hưởng ké, chồng em chị cũng hưởng ké. Lãnh Đệ là con gái của người bán vịt sau này lấy Hàn Chim (anh thợ săn chim), khi phát điên hóa thành Tiên Chim nhảy xuống vực tự tử, con trai cô sau này cũng lại làm nghề nuôi chim cảnh. Tưởng Đệ là con người bán thuốc rong chịu chung phận giang hồ lang bạt, từ nhỏ đã tự bán mình nuôi các em mà thành gái bán hoa. Phán Đệ con của người đồ tể thịt chó – hạng người thấp kém nhất trong xã hội – sau cách mạng trở thành người đứng đầu vùng đất Cao Mật như cách vô sản đứng lên vậy. Trong số các chị em trong nhà, cô là người bạc bẽo cũng như thô lỗ nhất. Niệm Đệ là con một nhà sư hành khất, sau này lấy một anh học giả người Tây, rời xa hầu hết những sự kiện trong tác phẩm. Cuối cùng là Cầu Đệ, vốn là con một người lính thất trận, giống như bố của mình cô khởi đầu với xuất thân cao, được một nhà giàu trên thành phố nhận nuôi nhưng cũng như bố mình bị thất trận, trong thời cách mạng cô – một thanh niên tri thức – bị đẩy xuống một xã nghèo để lao động, rồi bị chính cái đói hiếp dâm đến chết.
Kết quả hình ảnh cho bird fairyLãnh Đệ (xin hãy tưởng tượng một khuôn mặt Châu Á =)) )
Cuối cùng, là những ẩn dụ mang tính chính trị trong tác phẩm, vừa phản ánh đúng lịch sử cũng vừa giễu nhại sâu cay. Lỗ Thị đại diện cho đất nước Trung Hoa đẹp đẽ, trù phú nhưng bị cai trị dưới ách phong kiến thối nát bất lực như anh chồng chị vậy. Chị muốn đổi đời đi lên nên tìm đến những người đàn ông khác: họ như những luồng tư tưởng nội sinh trong đất nước. Nhưng chẳng ai, hay chẳng luồng tư tưởng nào giúp được Lỗ Thị cả: cũng như không có tư tưởng nội sinh nào kéo Trung Quốc ra khỏi vũng lầy nô lệ. Phải cho tới khi chị giao hợp với một người Tây, một ông Tây nói tiếng Cao Mật vanh vách, một ông Tây – một luồng tư tưởng phương Tây đã được Trung Quốc hóa thì mới có kết quả thực sự: chị sinh đôi một nam một nữ. Chẳng phải rõ ràng nó là chủ nghĩa Tam Dân và chủ nghĩa Cộng sản đó sao? Đúng Kim Đồng Ngọc Nữ chính là đại diện cho hai thứ chủ nghĩa xã hội của phương Tây được du nhập vào Trung Quốc góp phần “giải cứu” đất nước này. Nhưng nàng Ngọc Nữ xinh đẹp lại yểu mệnh, nàng chết vào những năm 50 giống như sự thất bại của Quốc Dân Đảng trước Đảng Cộng Sản Trung Hoa rồi từ ấy chỉ có mỗi Kim Đồng là đứa con độc nhất còn xót lại của chị Lỗ, của Trung Quốc. Thế nhưng, cái anh chàng con lai giữa phương Đông và phương Tây sinh ra từ những ngày đầu đã luôn run rẩy đứng nhìn người xung quanh bị hành hạ. Anh ta cả đời dựa vào Lỗ Thị. Không thể rời xa Lỗ Thị. Anh ta quá yếu ớt và lạc loài giữa xã hội toàn những kẻ ăn thịt, những kẻ chỉ biết tới tiền, những bần nông vênh mặt lên sướng khoái với xuất thân của mình. Tới đây có lẽ không nên nói thêm gì nữa!
Đó là một số suy nghĩ và phân tích của mình về Phong nhũ phì đồn. Mong rằng nó sẽ giúp các bạn hiểu hơn về tác phẩm.
P/s: Bạn nào không muốn đọc thì đừng đọc. Tác phẩm dài đọc oải lắm. =))