Phía sau nghi can X – Không đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết trinh thám
Nhắc đến tiểu thuyết trinh thám, hẳn nhiều người vẫn nghĩ đến những thứ khô khan, chỉ tuyền là giết người, suy luận logic, là quan...
Nhắc đến tiểu thuyết trinh thám, hẳn nhiều người vẫn nghĩ đến những thứ khô khan, chỉ tuyền là giết người, suy luận logic, là quan sát, phân tích, thì những thứ mà Higashino Keigo xây dựng trong “Phía sau nghi can X” có lẽ đã vượt tầm của một cuốn tiểu thuyết trinh thám đơn thuần.
Không giống như phần đa những tác phẩm mang chủ đề trinh thám, khi mà những manh mối được lần lượt được hé mở qua phát hiện và suy luận của người thám tử - kẻ mang nghĩa vụ vén bức màn bí ẩn, câu chuyện của Keigo được mở ra hoàn toàn khác. Hung thủ, nạn nhân, phương thức gây án, địa điểm gây án, mọi thứ được bày ra trước mắt người đọc. Nhưng không vì thế mà câu chuyện mất đi sự bất ngờ và cuốn hút.
Mở đầu câu chuyện, hình ảnh của các nhân vật hiện ra một cách chậm rãi, từ tốn như một thước phim lãng đãng trong một khung cảnh nhẹ nhàng và cao rộng của một sớm đầu tháng Ba. Và mọi chuyện chỉ thực sự bắt đầu khi thần chết xuất hiện. Cũng từ đó, người đọc chính thức đặt chân vào con đường cao tốc một chiều không lối ra mang tên “Phía sau nghi can X”. Tự lúc nào không hay. Để rồi cứ thế lướt trong những dòng suy nghĩ, những biến chuyển tâm lý tinh tế của từng nhân vật. Cứ thế, cứ thế lật những trang sách mà không thể đặt xuống được.
Mọi thứ đã được bày ra trước mặt, nhưng ta vẫn thấy điều gì đó băn khoăn và gờn gợn trước cái sự thật đó. Và liệu điều đó có thực sự là sự thật không? Hay là một phần của sự thật? Và một phần của sự thật, thì hẳn nhiên không phải là sự thật. Những câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu người đọc, đồng điệu cùng nhịp tư duy của nhân vật. Để rồi khi sự thật được phơi bày, có lẽ không ai có thể thoả mãn với sự sáng tỏ đó.
Không đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết trinh thám, “Phía sau nghi can X” dường như còn là một bộ phim tâm lý phức tạp. Ngoài những lập luận logic chặt chẽ và những câu chuyện thú vị về khoa học – vật lý – toán học, tác phẩm còn chứa vô vàn những chuyển biến, diễn giải tâm lý chân thật. Đó là cuộc đấu tranh nội tâm trong tuyệt vọng, là lựa chọn giữa việc chạy trốn hay đối diện với sự thật, là lựa chọn giữa những ngã ba đường, là hình ảnh của một con người tưởng chừng là một con búp bê Daruma lạnh lùng vô cảm, nhưng chỉ khi nhìn sâu vào bên trong ta mới thấy một tâm hồn thuần khiết, một trái tim nhạy cảm với những xúc cảm vô cùng tinh tế.
Dẫn dắt người đọc qua những chuyển biến tâm lý phức tạp kia là tài kể chuyện tài tình của Keigo. Người đọc được cầm tay, nhẹ nhàng kéo vào mê cung của suy luận, từ góc nhìn của nhân vật này, sang dòng tâm tưởng của nhân vật kia. Uyển chuyển. Linh hoạt. Như một sợi dây liên kết khổng lồ nối những mảnh đời, câu chuyện và chuyển biến tâm lý của những nhân vật xuất hiện trong tác phẩm. Một cách tài tình, những chi tiết tưởng chừng như rườm rà, thừa thãi, nhưng khi tấm màn sân khấu khép lại, một đoạn phim flashback chạy vụt trong đầu ta, người đọc mới thấy những chi tiết ấy bỗng chốc ráp nối liên kết lại chặt chẽ và sâu sắc với nhau.
Nếu như câu chuyện được mở ra vào một buổi sáng mùa xuân với tiết trời se lạnh trong không gian cao rộng nhưng lờ mờ phảng phất một điều gì đó như đang chuẩn bị ập tới. Thì kết thúc, khi mọi việc đã được sáng tỏ, lại là một không gian nhỏ hẹp với những tiếng vang vọng từ chính tiếng “dốc cạn linh hồn” của nhân vật.
Và cũng giống như nhiều tác phẩm phim ảnh hay tiểu thuyết khác của Nhật Bản, khi gập lại cuốn sách, “Phía sau nghi can X” cũng ít nhiều để lại trong ta những ám ảnh, suy tưởng và tiếc nuối trong một màu sắc man mác buồn. Như một thước phim với sắc xanh lợt lạnh lẽo.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất