Khái niệm
Khổ đế do chữ Dukkha mà ra.
- "DU", nghĩa là khó;
- "KKHA" là chịu đựng, khó kham nhẫn.
=> Dukkha nghĩa là đắng; nghĩa rộng là những cái gì làm cho mình khó chịu, mình đau đớn như: ốm đau, đói khát, buồn rầu, sợ hãi v.v..
- "ÐẾ" là một sự thật vững chắc, đúng đắn, hoàn toàn, cao hơn cả.
=> Khổ đế, là sự thật đúng đắn vững chắc cao hơn cả về sự khổ ở thế gian. Sự thật này rõ ràng, minh bạch không ai có thể chối cãi được.
Căn cứ theo kinh Phật ta có thể phân loại thành Tam khổ hoặc Bát khổ
Trước khi vào phần này, xin nói trước 1 câu. Khổ đế chỉ ra sự thật về những khổ đau mà chúng sinh phải chịu. Và hãy chỉ đọc để biết rằng có những sự khổ này tồn tại thật, chứ đừng tư duy và suy diễn ra theo lối: Biết sinh là khổ vậy mọi người đều không sinh đẻ nữa thì loài người chẳng bị tuyệt chủng sao? Thay vì nghĩ vậy thì hãy nghĩ theo cách: biết sinh khổ như vậy thì ta phải biết ơn người mẹ đã mang thai và sinh ra ta.
1. Tam khổ:
Tam khổ bao gồm: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.
a) Khổ khổ. Cái khổ chồng chất lên cái khổ, bản thân đã là khổ, mà hoàn cảnh chung quanh lại đè lên bao cái khổ khác: đó là "Khổ khổ"
b) Hoại khổ. Là cái khổ do hoại diệt mà ra. Tất cả mọi vật trên thế gian đều do duyên sinh vậy nên chắc chắn sẽ có hoại. Có thể ta khổ vì tự bản thân mình dần già yếu bệnh tất, hoặc khổ khi nhìn người mình quan tâm dần dần đau, già, bệnh, chết; cũng có thể là cái khổ, cái tức giận khi nhìn 1 vật gì đó mình yêu thích đổ vỡ, bị hủy hoại,...
c) Hành khổ. Về phương diện vật chất, ta bị ngoại cảnh, thời gian chi phối, phá hoại; còn về phương diện tinh thần, ta cũng không hề tự chủ, yên ổn, tự do được. tâm hồn ta thường bị dục vọng dằn vặt, lôi kéo, thúc đẩy từng phút từng giây. tư tưởng ta cũng luôn luôn biến chuyển nhảy vọt lăng xăng từ chuyện này sang chuyện khác, như con ngựa không cương, như con vượn chuyền cây, không bao giờ dừng nghỉ. Nếu xét sâu xa hơn nữa, ta sẽ thấy tâm hồn ta còn bị cái phần bên trong kín sâu, nằm dưới ý thức, là phần tiềm thức chi phối, sai sử một cách vô cùng mãnh liệt trong mỗi ý nghĩ, cử chỉ hành động của chúng ta. Ta giận, ta thương, ta ghét, ta muốn thứ này, ta thích thứ kia, phần nhiều là do tiềm thức ta sai sử, ra mệnh lệnh. Nói tóm lại, ta không được tự do, ta bị chi phối bởi những ý tưởng, dục vọng, tiềm thức, và luôn luôn chịu mệnh lệnh của chúng. Ðó là "Hành khổ".
2. Bát khổ:
Nếu chia theo cách này sẽ có 8 loại khổ: sanh khổ, lão khổ,bệnh khổ,tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ.
a) Sanh khổ: sự khổ của cả người sinh và người được sinh trong quá trình mang thai, sinh nở. Có nghĩa, trong quá trình mang thai, sinh nở thì cả mẹ và con đều phải chịu những sự khó chịu, sự đau đớn nhất định.
b) Lão khổ: Con người đến lúc già, thân thể hao mòn, tinh thần suy kém, nên khổ về cả thể xác lẫn tinh thần.
c) Bệnh khổ: Người bị bệnh bất luận là đau cái lặt vặt hay cái lớn thì đều cảm thấy khó chịu cả. Chưa kể tiền chữa bệnh có thể cũng là nỗi lo lắng của người bệnh và người nhà. Kế đó, nhìn thấy người thân chịu bệnh đau khổ, người nhà cũng sẽ cảm thấy lo lắng, buồn khổ theo.
d) Tử khổ: Trong bốn hiện tượng sinh, lão, bệnh, tử thì cái chết là cái khiến người ta kinh hãi nhất. Bản thân người đó sợ chết (khổ về tâm), cái chết đến phải chịu đau đớn (khổ về thân).
e) Ái biệt ly khổ: Hiểu đơn giản đây chính là nỗi đau về sự chia ly giữa những người yêu quý nhau. Sự chia ly có hai loại: sanh ly và tử biệt.
- Sanh ly: Sự chia ly giữa những người còn sống. Có thể là con cái đi học xa, cha mẹ lo lắng, mong nhớ. Có thể là vì công việc, vợ chồng phải chia xa. Có thể là yêu mà phải chia ly,...
- Tử biệt: Cái chết là sự chia ly sẽ không có ngày gặp lại, là nỗi đau khi có người mất.
f) Cầu bất đắc khổ: Sự khổ này chính là ở việc ta mong cầu nhiều mà không đạt được như mong muốn nên thất vọng, buồn khổ. Có thể là sự mong cầu về tình, tiền hoặc danh vọng, địa vị.
g) Oán tắng hội khổ: Ở trên đã có ái biệt ly khổ, có nghĩa thương nhau mà không được ở gần nhau là khổ. Vậy thì ngược lại, ghét nhau mà phải ở cùng với nhau cũng là 1 cái khổ não. Không cần đến mức lớn lao như ghét nhau như mặt trăng mặt trời. Chỉ cần là anh em hoặc vợ chồng khi xảy ra tranh cãi, tức giận nhau mấy ngày, thì trong mấy ngày đó nhìn thấy đối phương là khó chịu. Vậy cái khó chịu trong mấy ngày đó cũng là sự khổ sở khó chịu rồi.
h) Ngũ ấm xí thạnh khổ: Cái thân người gọi là thân ngũ ấm hay ngũ uẩn, gồm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vì vậy nên người chịu khổ vì cái thân ngũ ấm này.
- Bị luật vô thường chi phối không ngừng, từ trẻ đến già, từ mạnh đến ốm, từ đau đến chết, luôn luôn làm cho con người phải lo sợ, buồn phiền.
- Bị thất tình, lục dục lôi cuốn, làm cho con người phải đắm nhiễm sáu trần, phải khổ lụy thân tâm.
- Bị vọng thức điên đảo chấp trước, nên con người nhận thức một cách sai lầm: có ta, có người, còn mất, khôn dại, có không, và sanh ra sầu lo, khổ não.
Mình sẽ nói kỹ về ngũ ấm (ngũ uẩn) trong 1 bài riêng nhé.
Vì phần trên là khái niệm nên 80% câu chữ mình lấy từ cuốn sách Phật học phổ thông của HT. Thích Thiện Hoa. Phần dưới này mới là mình viết.
Mọi người nói đạo Phật bi quan yếm thế, đụng chỗ nào cũng thấy khổ, rõ ràng là muốn con người thoát khổ vậy sao Phật lại nói về cuộc đời bi quan đến vậy? Đáng ra phải bảo người phải lạc quan chỉ nhìn chỗ sáng thôi chứ, sao ngay đầu tiên đã giáng cho 1 cú “đời là bể khổ”? Trong Chủ nghĩa Khắc Kỷ có 1 kỹ thuật tâm lý là: Tưởng tượng tiêu cực - điều tồi tệ nhất xảy ra là gì?
Cái kỹ thuật này và Khổ đế trong đạo Phật có sự giống nhau về mục đích:
1, Hiểu được sự khổ, lường trước những điều tồi tệ nhất xảy ra để ta có thể nghĩ ra cách phòng ngừa và tránh. Có sự chuẩn bị và cố gắng chứ không phải là ngồi im chịu trận. Trong đạo Phật thì chính là việc tu hành để thoát khổ. Tu thân tâm để dù rơi vào hoàn cảnh nào cũng giữ được sự bình thản.
2, Không bị suy sụp hay quá sốc khi gặp phải những điều khổ hay những sự bất như ý trên đời. Bởi những sự khổ nêu trên đều là những cái khổ căn bản nhất ai cũng sẽ gặp phải. Đã sống ở cõi Tà - Bà này thì không tránh được việc chịu khổ, biết vậy để làm gì? Biết sự thật về khổ để thấy rằng mình không là duy nhất, để không trách mình, trách người, trách trời, trách phận. Chấp nhận nỗi đau mà không trốn tránh chính là bước đầu tiên để thoát khỏi nỗi đau.
Chấp nhận nỗi đau mà không trốn tránh chính là bước đầu tiên để thoát khỏi nỗi đau.
3, Thỏa mãn và biết ơn với hiện tại. Thỏa mãn với những gì bản thân đang có trong hiện tại, giảm bớt ham muốn thì bớt bị hoàn cảnh chi phối. Ví dụ: có người thì đâu cũng ngủ được, có người thì bắt buộc phải có đệm êm, phải có gối ôm, phải có điều hòa mới ngủ được. Giờ nếu cả 2 người cùng đến nơi không có đệm, không có điều hòa thì người thứ 2 lúc này chắc chắn phải khó chịu và không ngủ được, thêm phần bực dọc trong tâm nữa là cả tâm và thân cùng khổ.
Hay câu chuyện kinh điển: về người luôn khó chịu đau khổ vì việc bản thân không có đôi giầy nào để đi, cho đến khi anh ta nhìn thấy 1 người bị què chân thì anh thôi không còn than thở về việc không có giầy để đi nữa mà thầm biết ơn vì đôi chân của mình vẫn còn lành lặn, và mình vẫn có thể đi, chạy trên đôi chân của mình.
Cuộc đời từ xưa đến nay vẫn thế, chỉ có con người là tự làm khổ mình thôi. Nhiều lúc sự vui hay buồn, khổ hay sướng chỉ là trong 1 ý niệm.
4, Trân trọng những gì mình đang có. Biết là sẽ phải biệt ly, biết sẽ có ngày mất đi thì hãy trân trọng những thứ bạn đang có trong hiện tại. Biết cha mẹ rồi sẽ không còn thì ít nhất từ giờ hãy chăm điện về cho cha mẹ hơn, đừng chờ đến khi không còn cơ hội thì mới hối hận.