TỨ DIỆU ĐẾ là gì?
- “Tứ” có nghĩa là bốn;
- “diệu” là diệu kỳ, màu nhiệm, quý báu;
- “đế” là sự thật, sự chắc chắn, rõ ràng, đúng đắn
=> Vậy Tứ diệu đế có nghĩa là bốn sự thật chắc chắn và quý báu.
Tứ diệu đế còn được gọi là Tứ Thánh Đế, Tứ Chân Đế, hay gọi tắt là Tứ Đế.
Theo sách Phật học phổ thông của HT. Thích Thiện Hoa định nghĩa:
“Tứ diệu đế là bốn sự thật chắc chắn, quí báu, hoàn toàn nhất, không có một giáo lý ngoại đạo nào có thể sánh kịp. Với bốn sự thật mà Ðức Phật đã phát huy ấy, người tu hành có thể từ địa vị tối tăm, mê mờ, đi dần đến quả vị giác ngộ một cách chắc thật, không sai chạy, như một ngọn đuốc thiêng có thể soi đường cho người bộ hành đi trong đêm tối đến đích. Vì cái công dụng quí báu, mầu nhiệm, vô cùng lợi ích như thế nên mới gọi là Diệu. Chữ Ðế còn có nghĩa là một Sự Thật lớn nhất, cao nhất, bao trùm tất cả các Sự Thật khác, và muôn đời bất di bất dịch, chứ không phải là sự thật hạn cuộc trong không gian và thời gian.”
Tứ diệu đế là giáo lý căn bản nhất của nhà Phật, nó là cái xuyên suốt, bao quát chung nhất, cho dù là giáo lý Đại thừa hay Tiểu thừa, Nam truyền hay Bắc truyền thì cũng nằm trong Tứ diệu đế. Bạn tu kiểu gì thì cũng không thể nằm ngoài Tứ diệu đế được.
TỨ DIỆU ĐẾ bao gồm: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế.
1. Khổ đế: Cho chúng ta thấy rõ ràng rằng cuộc đời này là khổ. Trong
cuộc đời, con người sẽ gặp phải những nỗi khổ về thân tâm như thế nào.
Lột trần bản chất cuộc đời này là khổ là bất như ý không phải để mọi người bi quan, và nhìn tiêu cực về cuộc sống này mà là để từ cái đó ta tìm ra nguồn gốc sự khổ rồi thực tập để diệt trừ cái khổ. Như bác sĩ chữa bệnh vậy, không xác định chính xác căn bệnh làm sao có thể chữa bệnh được. Rõ ràng là bụng có vấn đề nhưng lại chữa ở đầu, bước đi đầu tiên đã sai thì dù chữa thế nào cũng không thể khỏi được.
2. Tập đế: Trình bày những nguyên nhân dẫn đến sự khổ của ta.
3. Diệt đế: Trình bày những quả vị, những thành quả mà ta thu được
khi ta diệt trừ được hết khổ.
4. Ðạo đế: Là những phương pháp đúng đắn để ta có thể diệt trừ
khổ đau, đi đến giải thoát.
Tứ diệu đế thường được ví như là cách một người thầy thuốc (Đức Phật) chữa bệnh cho người.
- Ban đầu phải nói rõ cho người bệnh biết căn bệnh là gì? (Khổ đế).
- Sau đó nói cho người bệnh biết nguyên nhân dẫn đến căn bệnh đó là gì? (Tập đế)
- Tiếp theo là bản cam đoan của lương y nói rõ sau khi người bệnh lành thì sẽ ăn ngon, ngủ yên như thế nào, thân thể sẽ tráng kiện, tâm hồn khoan khoái ra sao? (Diệt đế)
- Cuối cùng là lời chỉ dẫn và toa thuốc chữa bệnh cho từng người tùy theo từng bệnh (Đạo đế).
Mọi người thường hay nghe cụm từ Tứ diệu đế và Bát chánh đạo đi kèm nhau. Thực ra, Bát chánh đạo là một mục nhỏ trong Đạo đế (cách tu tập để diệt khổ, đạt được giác ngộ).
Ngoài Bát chánh đạo, trong Đạo đế còn gồm có: Tứ niệm xứ, tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, ngũ lực, Thất bồ đề phần và Bát chánh đạo. Các phần trên đều là cách để quán chiếu, tu tập, những con đường để diệt khổ cho mọi người.
Bát chánh đạo là tám con đường chân chính để giúp ta diệt khổ. Bao gồm: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
Mình nghĩ Bát chánh đạo được nhắc đến và phổ quát rộng rãi hơn có lẽ vì nó là cái căn bản nhất trong đạo đế và dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ thực hành hơn đối với mọi người.
Đưa ra biểu đồ dài như vậy thật sự rất sợ mọi người thấy nhiều quá mà bỏ qua luôn không tìm hiểu sâu nữa. Nhưng mình hy vọng đưa đến cho mọi người cái nhìn đủ nhất. Tứ diệu đế là giáo lý căn bản nhất của nhà Phật, nó là cái bao quát chung nhất vậy nên cũng không thể ngắn được đúng không ạ.
Nếu mọi người muốn tìm hiểu sâu hơn về Tứ diệu đế thì hãy gõ tìm kiếm theo các nhánh thì sẽ dễ tiếp cận được thông tin hơn.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất