Phật giáo trong tôi phần 3 - NGŨ GIỚI VÀ VÀI ĐIỀU MỌI NGƯỜI THƯỜNG HAY HIỂU LẦM.
Bài viết sử dụng tư liệu từ cuốn sách “Phật học phổ thông” của HT. Thích Thiện Hoa, và bài pháp thoại “Ngũ giới” của sư cô Giác Lệ...
Bài viết sử dụng tư liệu từ cuốn sách “Phật học phổ thông” của HT. Thích Thiện Hoa, và bài pháp thoại “Ngũ giới” của sư cô Giác Lệ Hiếu. Mọi người có thể tìm hiểu thêm nếu cần nhé.
Ngũ giới là gì?
Ngũ giới là 5 điều ngăn cấm mà Phật đã chế ra, để ngăn những hành động bật chính, nói năng chẳng lành, tưởng niệm ác. (Thân, Khẩu, Ý)
Ngũ giới bao gồm 5 điều nào?
- Không được sát sinh.
- Không được trộm cướp.
- Không được tà dâm.
- Không được nói sai sự thật.
- Không được uống rượu.
Nếu không giữ được ngũ giới thì sẽ bị Thần Phật trừng phạt?
Câu trả lời là KHÔNG. Việc giữ hay không giữ nằm ở mỗi người, Phật không ép buộc, cũng không hăm dọa rằng phải giữ giới, không giữ giới sẽ bị Ngài trừng phạt.
Đây chính là điểm khác biệt của Đạo Phật với các Tôn giáo khác, trong Đạo Phật, Đức Phật không phải là quan tòa tối cao giữ quyền thưởng phạt. Mà tòa án ở đây chính là LUẬT NHÂN QUẢ, sự “thưởng phạt” sẽ do chính ta, ta gieo nhân nào sẽ gặt quả đấy, không ai có thể làm hại ai, không ai bị ai làm hại. Phật chỉ là người định hướng con đường đi giúp ta khỏi lao xuống vực mà thôi, còn đi hay không là tùy thuộc vào chính bạn.
Vậy nên, với tôi, Phật là bậc chánh đẳng chánh giác đáng tôn kính nhưng không phải theo kiểu là 1 vị thần tối thượng mang quyền sinh sát trong tay, mà như 1 người đi trước đã đạt được thành quả, sau đó truyền lại cái kinh nghiệm đó cho những người khác.
Trước khi đến phần kém hấp dẫn hơn, mình muốn nói trước điều này, phòng khi mọi người bỏ dở không đọc hết. Với mỗi người khác nhau, sẽ thọ giới và duy trì giới luật khác nhau. Với người đi tu phải giữ giới luật nghiêm ngặt, các Sa di phải giữ 10 giới, các sư thầy sư cô còn phải giữ đến vài trăm giới. Còn với những người tại gia, chúng ta còn nhiều mối quan hệ khác nhau, nhiều sự ràng buộc, vậy nên phải linh động, cố gắng để hoàn toàn giữ giới được là điều rất tốt, nhưng “tu” mà khiến người xung quanh khó chịu thì có lẽ bạn đã tu sai cách rồi. Ví dụ: bạn còn phải làm ăn, chuyện đi uống rượu bàn chuyện không tránh được. Nếu nhất quyết không uống vậy thì công việc ảnh hưởng, tài chính không còn, có thể từ đó khiến gia đình không hạnh phúc. Vậy cố giữ giới như thế nào? Chính là thay vì để rượu uống mình thì hãy biết giới hạn của mình ở đâu, giữ đầu óc tỉnh táo trong mọi trường hợp. Và hạn chế lạm dụng đến mức tối đa. (Đương nhiên, đừng bắt bẻ câu chữ rồi lấy lý do trên đó để lấp liếm cho hành động của bản thân nhé. Muốn sẽ tìm cách mà không muốn sẽ có hàng tỉ lý do).
Các chi pháp (yếu tố) cấu thành nên tội.
1. Không được sát sinh. (Lưu ý: tự mình làm hoặc bảo người làm thì tội cũng như nhau).
+ 5 chi phần tạo nên giới sát sinh:
- Chúng sinh đó có thức tính. (Vi trùng, vi khuẩn, rau, cỏ không phải
là chúng sinh có thức tính)
- Biết rõ chúng sinh có thức tính.
- Có tác ý muốn giết chúng sinh có thức tính ấy.
- Cố ý thực hiện hành vi giết chúng sinh ấy. Từ có tác ý (suy nghĩ
muốn giết) chuyển thành hành động (hành động này không chỉ là tự mình giết mà còn bao gồm cả việc bảo người khác giết.
- Chúng sinh đó đã chết vì hành vi của mình.
Phải đủ 5 chi phần này thì mới cấu thành nên tội sát sinh. Thiếu 1 trong 5 không cấu thành nên tội nhưng vẫn bị tổn phước. Không cấu
thành tội không có nghĩa thoát được quy luật nhân quả, phước đức không sao.
+ Ngắt cọng rau, cắt cỏ có được coi là sát sinh không? KHÔNG
vì rau không phải là chúng sinh có thức tính. Ngoài ra, khi ta cắt cỏ xong thì cỏ không chết và vẫn có thể mọc lại.
+ Đêm đi đạp trúng con gián thì sao? Người không nhìn thấy, không hề biết dưới chân mình có con vật gì, khi đi lỡ đạp trúng con kiến hay gián mà khiến chúng chết thì là do vô tình, do không biết ở đó có chúng sinh có thức tính.
+ Người không biết thì liệu có tội hay không? Người không biết về những giới luật này, không phân biệt được chúng sinh nào có thức tính, chúng sinh nào không có thức tính, khi sát sinh có phạm tội không?
Ngày xửa ngày xưa, khi mà con người chưa tìm ra quy luật trái đất quay quanh mặt trời và tự quay quanh chính nó thì trái đất có đứng yên hay không? Không đúng không! Vậy, việc bạn bạn có nhật thức được quy luật của tự nhiên hay không, không quan trọng, quy luật vẫn tồn tại và vận hành như thường. Khác với phần trên là bạn hoàn toàn không biết dưới chân mình có chúng sinh, thì trong trường hợp này là biết có chúng sinh đó (nhưng không có sự hiểu biết về giới luật này).
+ Những người bị tâm thần, đầu óc thiếu minh mẫn, không tỉnh táo thì sao?
Theo luật pháp, căn cứ theo Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần; một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả
năng điều khiển hành vi của mình; thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. Cũng như vậy, trong đạo Phật, nếu 1 người không tỉnh táo, không minh mẫn, khi họ thực hiện hành vi sát sinh hoặc vô tình sát sinh thì bản thân họ KHÔNG THỂ NHẬN THỨC được hành vi của mình. Vậy nên cũng không được tính là đã phạm giới.
+ Những người không tỉnh táo do dùng chất kích thích rồi từ đó thực hiện hành vi giết người thì sao? Những người này sẽ quy về phạm giới không được uống rượu. Và như đã nói ở trên, không hình thành nên tội nhưng vẫn không thể tránh khỏi quy luật nhân quả nhé.
2. Không trộm cắp.
Không lấy tài vật thuộc quyền sở hữu của người khác, mà không có sự ưng thuận hoặc dùng quyền lực, sức mạnh, lời nói cưỡng ép người ta, khiến người phải đưa cho mình, đều thuộc vào tội trộm cắp.
+ 5 chi kết thành nên tội trộm cắp:
- Vật có chủ sở hữu.
- Biết rõ vật có chủ sở hữu.
- Có tác ý muốn lấy.
- Cố ý thực hiện hành vi lấy.
- Vật đó đã bị dời chỗ do hành động của mình.
3. Không tà dâm.
+ Không tà dâm là hoàn toàn không được phát sinh quan hệ tình dục?
Câu trên chỉ đúng với những người xuất gia đi tu, còn những người giữ giới tại gia thì KHÔNG ĐÚNG.
Không phải không được phát sinh quan hệ tình dục mà là phải sống CHUNG THỦY với vợ hoặc bạn tình đây gọi là chánh dâm, không được lén lút lang chạ làm việc phi pháp với người khác phái. Việc phi pháp ở đây không chỉ là phát sinh mối quan hệ với người khác mà còn là cưỡng hiếp, có hành vi quấy rối tình dục đối với bất cứ người nào hay những hành vi trái với luật pháp (ví dụ: quan hệ với trẻ vị thành niên)
Vậy, việc giữ giới này trước tiên đã góp phần giúp cuộc sống hôn nhân, tình yêu của người đó được hạnh phúc. Mọi người tuân thủ luật pháp, xã hội cũng sẽ yên ổn hơn.
+ 4 chi kết thành tội tà dâm.
- Người nữ đã có sở hữu hoặc đang được bảo hộ.
- Có tâm muốn hành dâm.
- Cố gắng hành dâm.
- Có sự thích thú khi hành dâm. (chi cuối để tránh cho những người bị cưỡng hiếp).
4. Không nói sai sự thật.
+ Nói sai sự thật có bốn cách: Nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.
- Nói dối, nói láo: ý nghĩ lời nói việc làm trước sau mâu
thuẫn, trên dưới khác nhau, trong ngoài bất nhất, đều thuộc về nói dối cả.
- Nói thêu dệt: lời nói không đúng nghĩa chân thật, thêm bớt làm cho
người nghe phải loạn tâm, sinh phiền não, đều gọi là nói thêu dệt cả.
- Nói lưỡi hai chiều: nghĩa là đến chỗ này thì nói hùa với bên này để nói xấu bên kia, đến bên kia thì nói hùa bên ấy để nói xấu bên này, làm cho bạn bè đang thân nhau trở lại chống nhau, kẻ ân, người nghĩa chống đối, oán thù nhau.
- Nói lời hung ác: là nói những tiếng thô tục cộc cằn chửi rủa, làm cho người nghe phải đau khổ, buồn rầu, sợ hãi.
+ 4 chi kết thành tội nói sai sự thật:
- Có 1 điều sai sự thật.
- Có tác ý (có tâm) muốn nói sai sự thật.
- Đã nói sai sự thật.
- Khiến người nghe tin vào lời nói sai sự thật đó.
5. Không được uống rượu.
Tất cả những thứ có chất men làm say người, hay chất độc hại người đều không được uống. Chính mình không uống, mà cũng không được ép nài người khác uống. Ép nài, khuyến khích người khác uống, tội lại nặng hơn cả chính mình uống nữa.
2 chi kết thành tội:
- Có ý muốn uống.
- Đã uống qua khỏi cổ.
Giới không được uống rượu, mở rộng ra còn là không sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, thuốc lá, game, mạng xã hội,...
Những chất gây nghiện khiến tâm trí bị mê mờ, không tỉnh táo, khỗng giữ được trí tuệ, gây nên những hành vi phạm pháp. Vậy nên, nếu không thể giữ hoàn toàn thì hãy làm chủ được mình, có cũng được mà không có cũng không sao cả. Biết giới hạn của bản thân để uống rượu nhưng vẫn giữ được sự tỉnh táo. Sử dụng mạng xã hội như công cụ kết nối chứ không bị cuốn theo nó khiến tâm nổi tham, sân, si, rồi tự làm tổn thương chính mình hay dùng nó để làm tổn thương đến.
Tu tâm dưỡng tính là để khiến ta đạt được sự an lạc, cuộc sống tốt đẹp hơn, chứ không phải vì đọc những điều trên mà luôn sợ hãi chuyện này chuyện kia, mỗi bước đi đều lo sợ gây tội. Chỉ có người không làm gì thì mới không tạo ra lỗi, mà có lẽ chuyện không làm gì ấy cũng đã là 1 tội lỗi.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất