Trong ngành thiết kế nói chung, Game hóa là một thử thách vĩ đại. Đó là nghệ thuật đưa các yếu tố trò chơi vào trong một hệ thống không hề có tính trò chơi nhằm thúc đẩy tương tác với khách hàng. Bên cạnh việc nắm chắc các vấn đề lí thuyết, việc vận dụng phân tích những ví dụ cụ thể sẽ giúp bạn có thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích.
Ngày hôm nay, Janaki Kumar của SAP sẽ cùng chúng ta phân tích Vampire Hunter, một hệ thống trò chơi được sử dụng bởi SAP để thúc đẩy quá trình phát triển bền vững trong doanh nghiệp.

Vampire Hunter

Vampire Hunter là một phần trong dự án nghiên cứu của Janaki Kumar kết hợp với SAP Labs tại Palo Alto. Cùng với Aaron Marcus và đồng sự, họ tạo ra một ứng dụng thúc đẩy quá trình phát triển bền vững, với đối tượng được nhắm đến là các nhân viên trong công ty.
"Đừng tìm lỗi sai. Hãy tìm cách sửa sai."
Henry Ford, nhà sáng lập ngành công nghiệp xe hơi
 Ý tưởng cốt lõi của Vampire Hunter là tìm hiểu xem những nhân viên (đồng thời cũng là khách hàng và đối tác) sẽ đóng góp như thế nào vào sự phát triển bền vững của một tổ chức thông qua hành vi của họ.
Trò chơi Vampire Hunter.
Trò chơi Vampire Hunter.

Nghiên cứu dành cho Vampire Hunter

Dưới đây là những nghiên cứu quý giá được tổng hợp nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng Vampire Hunter.
Phân tích nội dung đa phương tiện: Nhóm nghiên cứu khảo sát những tin tức hàng đầu về một vấn đề cụ thể, tìm kiếm các dấu hiệu thể hiện thái độ và cảm xúc của đám đông trước vấn đề đó, sau đó đối chiếu các dấu hiệu này trong những hình thức truyền tải khác nhau, đồng thời thống kê tần suất của những tin tức đó trên các nền tảng đa phương tiện.
Phỏng vấn người dùng: Nhóm nghiên cứu đưa ra năm câu hỏi để xem người dùng cảm thấy thế nào về một dự án phát triển bền vững. Những câu hỏi đó là:
- Hiện nay vấn đề phát triển bền vững được đề cập rất nhiều trên các bản tin và các phương tiện truyền thông. Bạn nghĩ sao về việc này? Theo bạn phát triển bền vững là như thế nào?
- Bạn có mối quan tâm đặc biệt nào về vấn đề phát triển bền vững không?
- Bạn có dự định tạo ra bất cứ thay đổi nào để giải quyết vấn đề phát triển bền vững của riêng bạn không?
- Bạn có bất cứ nguồn thông tin nào hướng dẫn bạn tạo ra những thay đổi ở trên không? Bạn tìm thấy những nguồn thông tin đó ở đâu?
- Bạn có bao giờ đọc hay nghe thấy những điều nghe có vẻ ngớ ngẩn về vấn đề bạn đang quan tâm không?
Phỏng vấn nhóm: Tương tự với phỏng vấn người dùng, nhóm nghiên cứu đặt câu hỏi tương tự như trên cho các nhóm gồm mười người.
Khảo sát: Những bài phỏng vấn dành cho cá nhân và nhóm được thực hiện tại Mỹ, cộng thêm 76 người thuộc 17 quốc tịch khác nhau. Mục đích của việc tiến hành khảo sát là tìm ra những mức độ liên hệ vượt ngoài biên giới quốc gia.
Một điều rõ ràng là những người chơi khác nhau sẽ có những nhu cầu khác nhau khi tương tác với Vampire Hunter.
Một điều rõ ràng là những người chơi khác nhau sẽ có những nhu cầu khác nhau khi tương tác với Vampire Hunter.

Nguyên tắc thiết kế

Nguyên tắc thiết kế của Vampire Hunter được thể hiện rất rõ ràng qua những nghiên cứu kể trên:
Tập trung vào điều mọi người thực sự làm thay vì điều mọi người nói rằng họ quan tâm: Khi được hỏi về vấn đề phát triển bền vững như là dầu mỏ hay tầng ô-zôn, mọi người đều thể hiện thái độ quan tâm rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, những điều họ thực sự làm để góp sức vào quá trình phát triển bền vững này thì lại khá đơn giản; họ tái chế rác thải, họ đạp xe, họ bắt xe buýt đi làm, họ mua đồ ăn hữu cơ hoặc sản phẩm được sản xuất tại địa phương.
Thúc đẩy người chơi tới một cách làm việc hiệu quả: Để người chơi nhìn thấy thành quả trong công việc họ làm.
Khai thác sự hợp tác cộng đồng: Ý tưởng là cho phép một mức độ "áp lực bạn bè" (Peer Pressure) vừa phải để tạo ra sức ép cạnh tranh giữa những người chơi, khiến họ gắn bó lâu hơn với chương trình phát triển bền vững. Vấn đề này cần được quản lí một cách cẩn thận để nó không phá vỡ ranh giới giữa cạnh tranh lành mạnh với áp đặt và bắt nạt.
Xây dựng lòng tin: Điều quan trọng là tạo ra sự gắn bó và thấu hiểu giữa những người chơi, để họ có thể dễ dàng chia sẻ những ý tưởng và nhận được sự thấu hiểu từ bạn bè và cộng đồng.
Bản chất Game hóa của hệ thống: Đội nghiên cứu muốn người chơi được cạnh tranh trong môi trường lành mạnh, được tặng thưởng cho những thành công, và được đưa ra những chỉ dẫn dễ hiểu mà không bị áp đặt theo kiểu "mẹ là số một".
Sử dụng những nguyên tắc trên, đội nghiên cứu xây dựng những bối cảnh phù hợp và đặt vào trong đó những ứng dụng mini.
Điều quan trọng là trong suốt quá trình thiết kế, nhiệm vụ cốt lõi của dự án phải được bảo toàn, đó là thu hút nhân viên tham gia vào quá trình phát triển bền vững của công ty. Nhóm cũng đưa ra một loạt sáng kiến để mọi người trong công ty có thể dẫn dắt và lôi kéo những người khác cùng tham gia.
Ý tưởng về Vampire Hunter vượt trên tất cả những ý tưởng SAP và được phát triển thành một dự án trò chơi.
Ý tưởng về Vampire Hunter vượt trên tất cả những ý tưởng SAP và được phát triển thành một dự án trò chơi.
Vampire Hunter là một trong những ý tưởng xuất hiện trong quá trình nghiên cứu này. Vampire, hay ma cà rồng, biểu trưng cho những vật dụng tiêu thụ năng lượng, ngay cả khi chúng đã được tắt nguồn. Tại Mỹ, thống kê cho thấy những “ma cà rồng hút năng lượng” này đã làm quốc gia thiệt hại tới ba triệu đô la mỗi năm. Giảm thiểu những nguồn tiêu thụ này sẽ làm hạ thấp chi phí của doanh nghiệp, từ đến thúc đẩy một môi trường làm việc trong sạch và an toàn hơn.
Trò chơi Vampire Hunter giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép mọi người xác định những con “ma cà rồng” đó trong chính môi trường của họ và tìm cách tiêu diệt chúng.

Cách hoạt động của Vampire Hunter

Nhân viên trong công ty được khuyến khích lập nhóm với nhau để "săn lùng ma cà rồng" trong môi trường làm việc của họ. Trong thực tế, điều đó có nghĩa là họ sẽ tìm kiếm những "nguồn lãng phí năng lượng" và xử lí chúng theo cách phù hợp.
Những yếu tố Game hóa trong Vampire Hunter thúc đẩy khả năng hợp tác của người chơi.
Những yếu tố Game hóa trong Vampire Hunter thúc đẩy khả năng hợp tác của người chơi.
Bản chất của việc "săn lùng ma cà rồng" chính là săn lùng những rác thải tồn đọng trong môi trường công sở. Nhân viên tạo nhóm với nhau để tìm kiếm trong chính không gian làm việc của mình những thứ như bóng đèn đời cũ có hiệu suất tiêu thụ cao hay máy móc bị treo thường xuyên mà không sử dụng… Nhân viên được yêu cầu chụp ảnh lại những "ma cà rồng" mà họ tìm được và gửi về cho hệ thống.
Thông qua những ảnh chụp "ma cà rồng", hệ thống Vampire Hunter sẽ tính toán lượng năng lượng tiết kiệm được khi loại bỏ những "ma cà rồng" kia và chuyển chúng về lại cho những đội săn lùng như một dạng điểm thưởng. Điều này đã cho phép nhân viên đóng góp đáng kể vào chính sách phát triển bền vững của công ty, bao gồm việc cắt giảm các loại thuế, giảm thiểu chi phí phát sinh và nâng cao thái độ bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, quá trình làm việc theo nhóm sẽ phá vỡ trạng thái cô lập và thiếu hợp tác trong tổ chức, cho phép nhân viên được mở rộng các mối quan hệ tại nơi làm việc.

Kết luận

Vampire Hunter, một dự án Game hóa của SAP, được xây dựng dựa trên những nguyên tắc thiết kế vừa truyền thống vừa hiện đại. Nó bắt đầu với việc nghiên cứu người dùng và sau đó trải qua thiết kế lấy người chơi làm trung tâm trước khi được phát triển và phát hành vào môi trường doanh nghiệp. Vampire Hunter đã mang lại những kết quả tuyệt vời trong việc nâng cao ý thức của đội ngũ SAP với vấn đề bảo vệ môi trường trong khi vẫn mang đến niềm vui khi giải quyết những vấn đề đó. Việc nghiên cứu và áp dụng những công thức của Vampire Hunter là một cách tuyệt vời để bạn hoàn thiện những thiết kế Game hóa của chính mình.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa: