Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 8 (4)

47. Những thứ bên ngoài không phải là vấn đề. Mà vấn đề là sự đánh giá của ta về chúng. (Nếu những đánh giá nhận định ấy là sai lầm) ta có thể xóa nó đi ngay lúc này.
Nếu vấn đề là một thứ nằm trong nhận thức, hay tính cách của ta, thì ai có thể cản ta khỏi việc chỉnh đốn tâm trí mình cho ngay thẳng, đúng đắn trở lại?
Và nếu vấn đề là vì ta đang không làm một thứ mà ta nghĩ ta nên làm, tại sao không đơn giản là thực hiện nó?
Nhưng có những chướng ngại không thể vượt qua.
Vậy thì nó không phải là vấn đề. Nguyên nhân của việc ta không thể thực hiện được điều cần phải làm nằm ngoài bản thân mình.
Nhưng làm thế nào ta có thể sống mà để nó không được hoàn thành?
Vậy hãy rời bỏ, với lương tâm thanh thản, như thể ta đã hoàn thành nó, và thậm chí hãy trân trọng cái chướng ngại ấy.
48. Nhớ rằng khi nó có thể rút vào trong và tìm kiếm sự thanh thản ở đó, tâm trí là vẹn toàn và không thể bị tổn thương. Nó không làm gì trái với ý chí của nó, ngay cả khi sự ngoan cố của nó có là phi lý. Vậy nếu những xét đoán của nó là thận trọng và có cơ sở logic <...> ?
Tâm trí mà không để những cảm xúc - dù mạnh mẽ mãnh liệt đến thế nào - chế ngự thì thực sự là một pháo đài. Không có nơi nào an toàn hơn. Một khi ẩn náu ở đấy, ta sẽ luôn luôn an toàn. Không thấy điều này là vô minh. Thấy, nhưng lại không tìm đến với sự an toàn ấy thì chẳng khác gì bất hạnh. 
49. Không gì khác ngoài ấn tượng đầu tiên mà ta thu được. Ví dụ như việc ai đó lăng mạ ta. Đúng - nhưng điều đó không có nghĩa là sự lăng mạ ấy có bất cứ tai hại nào thực sự đến ta. Sự thật rằng con trai ta đang đau ốm - điều đó ta có thể nhận thấy. Nhưng "nó có thể sẽ chết vì căn bệnh ấy", thì không. Giữ mình gắn với ấn tượng đầu tiên mà thôi. Đừng suy diễn thêm. Và không gì có thể xảy đến với ta.
Hoặc cứ suy diễn thêm. Nhưng phải chắc chắn chúng đến từ cái hiểu rằng mọi thứ đều có thể xảy ra trên thế gian.
50. Quả dưa chuột bị đắng? Vậy hãy vứt nó đi.
Có những bụi gai trên đường? Thì hãy đi vòng qua để tránh chúng.
Đó là tất cả những gì ta cần biết. Không gì hơn thế. Đừng đòi hỏi phải hiểu "tại sao những thứ đó lại có thể tồn tại". Bất cứ ai hiểu về thế giới sẽ cười vào ta, giống như người thợ mộc nếu ta cảm thấy bị sốc khi tìm thấy mạt cưa trong xưởng của anh ta, hay như anh thợ đóng giày với những mẩu da thừa trong xưởng.
Hiển nhiên, họ có chỗ để vứt những thứ ấy, trong khi tự nhiên đâu có cửa để quét những thứ như quả dưa chuột đắng hay bụi gai trên đường đi. Nhưng điều tuyệt vời trong công việc của tự nhiên là làm cách nào, khi đứng trước hạn chế ấy, nó có thể thâu nhận mọi thứ trong nó, dù đã gãy vỡ, cũ nát và vô dụng, chuyển hoá chúng thành một phần của nó, và tạo ra những thứ mới từ chúng. Để mà có thể không cần đến những nguyên liệu vật chất từ bất cứ nguồn nào khác bên ngoài, hay cần chỗ nào đó để xử lý những thứ dư thừa. Nó dựa vào chính mình trong mọi thứ nó cần: không gian, vật chất, và nỗ lực thực hiện công việc.  
51. Ta không được bất cẩn trong các hành động của mình. Không mập mờ trong ngôn từ. Không thiếu chuẩn xác đúng đắn trong suy nghĩ. Không quá hài lòng đến tự cao với linh hồn bên trong mình, hay thậm chí để sự tự cao đó tràn ra ngoài. Cũng đừng quá bận rộn.

Giả sử họ giết ta, chặt ta thành nhiều mảnh với dao kiếm của họ, hay để ta tắm trong những lời nguyền rủa. Bằng cách nào những thứ ấy có thể ngăn tâm trí ta khỏi tiếp tục duy trì sự rõ ràng, minh mẫn, tự kiềm chế và luôn công bằng?

Một người đứng bên dòng suối nước trong mát ngọt lành và nguyền rủa nó. Trong khi dòng nước tinh khiết vẫn trào lên. Hắn có thể đổ bùn, hay phân vào nó, và dòng nước sẽ cuốn đi tất cả những thứ đó, và rửa trôi chúng, mà chẳng bị nhơ bẩn bởi chúng.

Làm thế nào để có được nó: không phải là một bể nước, mà là một dòng suối cứ chảy mãi không ngừng?
Bằng cách cố gắng, nỗ lực để đạt được sự tự do đích thực. Từng giờ từng giờ một. Thông qua sự kiên trì, trung thực, và khiêm nhường.
52. Ai không hiểu biết về thế giới thì cũng sẽ chẳng thể hiểu được vị trí của mình.
Ai không hiểu tại sao thế giới tồn tại thì cũng sẽ chẳng thể hiểu bản thân mình là ai. Và bản chất của mình là gì.
Ai không hiểu bất cứ điều gì trong những điều ấy thì cũng không thể hiểu mục đích của mình ở đây là gì.
Và ta sẽ nghĩ gì về những kẻ quan tâm đến sự tán dương ngợi ca của những người như thế, những người không hiểu cả vị trí lẫn bản chất của họ?
(Lời người dịch: Cái hiểu biết về thế giới mà Marcus đề cập ở đây nên được hiểu là cái nhận thức về lý trí toàn thể - logos, một thứ rất tương đồng với Đạo của Lão Trang - thay vì cái hiểu biết kiểu khoa học mà thời đấy còn sơ cấp).
53. Ta muốn nhận sự tán dương tôn vinh từ những người "tự vả vào mồm mình" mỗi ngày, sự chấp thuận của những người tự căm ghét chính bản thân họ (Liệu một người phải hối tiếc về gần như tất cả những việc anh ta làm thì có thể coi là dấu hiệu của lòng tự trọng hay không?)
54. Không chỉ hoà nhập vào bầu không khí xung quanh ta - qua hơi thở, mà còn vào cái lý trí toàn thể bao trùm mọi vật - qua tư tưởng, suy nghĩ. Lý trí cũng có mặt ở khắp nơi, và được phát tán rộng rãi trong những người chấp nhận nó như cách không khí được lan tỏa qua việc hít thở vậy.
55. Sự tồn tại của cái ác không làm hại thế giới. Và một hành động xấu không làm hại nạn nhân. Chỉ một người duy nhất bị hại bởi nó - chính là kẻ mà lựa chọn làm việc xấu nằm trong khả năng lựa chọn của hắn, và ngay khi mà hắn lựa chọn thực hiện hành động ấy.
56. Ý chí của người khác thì cũng độc lập với ta như hơi thở và cơ thể họ vậy. Sự tồn tại của chúng ta có thể là vì nhau, nhưng ý chí của ta kiểm soát, làm chủ địa hạt của chính nó. Nếu không thì sự xấu xa độc ác của họ có thể gây hại cho ta. Đó không phải là ý định của Chúa - để hạnh phúc của ta nằm trong tay kẻ khác.
57. Chúng ta nói rằng ánh sáng mặt trời "đổ xuống chúng ta", và "tràn lên chúng ta" theo mọi hướng. Nhưng nếu xét kỹ ta sẽ thấy nó đâu có bao giờ đổ hay tràn ra. Vì nó không phải thực sự đổ xuống, mà là mở rộng ra. Những chùm tia sáng (aktai) được gọi như thế vì sự mở rộng của nó (ekteinesthai).
Để có thể nhìn nhận bản chất thật của ánh sáng mặt trời, hãy xem cách ánh sáng chiếu qua một khoảng hẹp vào trong căn phòng tối. Nó mở rộng theo đường thẳng, đập vào bất cứ vật rắn nào chắn trên đường đi của nó và ngăn không cho nó tiếp tục vươn ra. Và khi đó nó sẽ dừng lại - mà không tan biến, hay mờ nhạt dần.
Đó là cách mà sự toả ra - hay lan rộng - của suy nghĩ nên được áp dụng: không phải trút ra, mà là mở rộng ra. Và không đập vào các vật chướng ngại một cách giận dữ và bạo lực, hay mờ nhạt đi trước chúng, mà giữ vững chỗ đứng của nó và chiếu sáng những vật tiếp nhận nó.
Thứ gì không truyền ánh sáng thì tự tạo ra bóng tối cho mình.
58. Nỗi sợ chết là nỗi sợ sự mất cảm giác, hay sợ những cảm giác mới lạ mà chúng ta sẽ phải trải nghiệm. Nhưng nếu chúng ta mất đi cảm giác, thì ta sẽ không thể cảm nhận thứ gì tồi tệ hết. Còn nếu có những cảm giác mới lạ khác mà ta chưa từng trải nghiệm, thì sự tồn tại của ta cũng sẽ thay đổi cùng nó - thay đổi, chứ không phải dừng lại.

59. Con người tồn tại là vì chính những người đồng loại của mình. Ta có thể hướng dẫn họ, hay kiên nhẫn chịu đựng họ.

60. Mũi tên chuyển động theo một cách, nhưng tâm trí chuyển động theo cách khác. Ngay cả khi phải tạm ngưng, hay cân nhắc những kết luận, thì đó cũng vẫn là những chuyển động tiến lên của tâm trí, tiến đến mục tiêu của nó.
61. Hãy thâm nhập vào tâm trí của người khác, và để họ làm tương tự với ta.

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)