“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là 1 văn kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam, đánh dấu sự mở màn cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Và trong những ngày cận kề kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, tôi cũng muốn viết vài điều về tác phẩm này, 1 tác phẩm mà tôi cho là rất đặc biệt của lịch sử, cũng như của cá nhân tác giả, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dù đã đọc và nghe nhiều lần tác phẩm này, nhưng lần nào tôi cũng thấy hừng hực khí thế. Tác phẩm dài chưa đến 200 từ (tôi đoán vậy, chứ cũng chưa đếm :v ) nhưng lại truyền tải được trọn vẹn cái tinh thần sục sôi trong những ngày tháng lịch sử đó. Đó là cái tài của Hồ Chí Minh, ông luôn nói và viết khá ngắn, nhưng lại nói lên chính xác và đầy đủ tinh thần của cả dân tộc.

Và trong các văn kiện mà Hồ Chí Minh từng soạn thảo thì “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đặc biệt hơn những văn kiện lịch sử khác, vì nó ra đời trong 1 thời điểm lịch sử cực kì gấp rút. Nó cũng có thể là văn kiện ngắn nhất trong số những tác phẩm vốn đã rất xúc tích của Hồ Chí Minh, và câu từ của nó ko giống phải là 1 văn bản mà lại như những lời nói hàng ngày, nó hầu như ko có yếu tố nghệ thuật văn học hay lập luận khoa học thường thấy ở Hồ Chí Minh, mà chỉ cô đọng lại ở những câu từ sâu sắc để chạm đến trái tim yêu nước của người Việt Nam.

Ta sẽ phân tích từng câu từ nhé, vì như tôi đã trình bày, mỗi câu từ của nó đều cực kì đắt giá, mà chỉ có tầm vóc của Hồ Chí Minh và hoàn cảnh lịch sử khi đó mới có thể đúc kết lại đc tinh túy đến vậy.

“Hỡi đồng bào toàn quốc”

Cách mở đầu này cũng giống với cách mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập (“Hỡi đồng bào cả nước”) khi Hồ Chí Minh dùng 2 chữ đồng bào để xóa đi khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân dân, cũng như xóa đi khoảng cách giữa những người dân với nhau, bằng cách nhấn mạnh vào 1 điểm chung duy nhất: tất cả đều là người VN, đều là anh em. Những diễn văn kiểu này của Hồ Chí Minh bên cạnh mục đích cụ thể luôn được tận dụng để tạo sự đoàn kết trong toàn dân.

“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.”

Chỉ bằng 1 câu, Hồ Chí Minh đã chỉ ra tính chính nghĩa của Việt Nam khi đã đòi hỏi hòa bình, đồng thời chỉ ra thái độ ngang ngược và cậy thế của thực dân Pháp. Cho thấy rằng Việt Nam đã nỗ lực để níu kéo 1 nền hòa bình, dù là rất mong manh, và chỉ ra chính thực dân Pháp đã dập tắt hi vọng cho nền hòa bình đó. Ông cũng rất cẩn thận câu từ khi chỉ đích danh kẻ xâm lược là “thực dân Pháp” chứ không hề nói chung chung là Pháp hay quân Pháp (thực dân Pháp càng lấn tới; đứng lên đánh thực dân Pháp; chống thực dân Pháp cứu nước).

Câu này đã nói đúng tâm tư cảm xúc của mỗi người VN khi đó, họ đều cảm thấy mỗi hành động nhân nhượng cho hòa bình chỉ càng đẩy vị thế của mình thấp hơn, và càng khiến cho thực dân Pháp hung hãn hơn trong hành động. Sự nhẫn nhịn của phía VN đã bị thực dân Pháp đẩy đến giới hạn, tức là ko phải VN muốn chiến tranh, mà chính thực dân Pháp đã buộc họ phải chiến đấu, đó là sự lựa chọn cuối cùng của họ.

Và đặc biệt là đoạn “vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Hồ Chí Minh thực sự rất tinh tế ở đoạn này, ko chỉ là vạnh rõ dã tâm của Pháp, đó là cướp nước ta, mà còn là “cướp nước ta một lần nữa”. Điều này đã chạm đến lòng tự tôn của dân tộc Việt Nam, Trách nhiệm của chúng ta với lịch sử của dân tộc, với truyền thống của cha ông đc đặt ra ngay trước mắt, và gợi nhắc lại lịch sử đau thương của chúng ta và của cha ông ta, rằng thực dân Pháp đã từng cướp nước ta rồi đó, chúng còn chưa phải đền tội cho 80 năm độ hộ đất nước ta, mà còn dám liều mạng lặp lại tội ác đó. 

“Không!”

Chỉ 1 từ thôi: Không! Cực kì dứt khoát và quyết đoán. Hệt như cái cách ông trả lời phóng viên Pháp vào năm 1964. Với Pháp, lần này, nhất định không. Và với Trung Quốc, thậm chí là không bao giờ


“Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”

Đây là câu hay nhất của cả tác phẩm, nó lột tả đc toàn bộ và tận cùng cái tinh thần của người Việt Nam, tại thời điểm đó và trong suốt chiều dài lịch sử. Với người VN, Tổ quốc là trên hết, dân tộc là trên hết. Nhắc nhở ta rằng: Ko có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất nước, ko có nỗi nhục nào bằng nỗi nhục nô lệ. Một khi Tổ quốc bị lâm nguy, thì ko còn gì quan trọng bằng Tổ quốc nữa, chúng ta sẵn sàng đánh đổi tất cả, hy sinh tất cả, cho Tổ quốc.

Tinh thần của câu này thống nhất với câu trong bản Tuyên ngôn Độc lập trước đó: “Toàn thể dân tộc Việt Nam, quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” cũng như câu nói nổi tiếng sau này: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”. Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời mình luôn hướng đến 2 lý tưởng này, độc lập cho dân tộc và tự do cho con người. Đó chính là 2 điều mà ông và dân tộc ông sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giành lấy và gìn giữ lấy.

Ở câu này Hồ Chí Minh còn 2 lần sử dụng từ nhất định, một từ mà ta rất thường thấy trong lời nói và bài viết của ông
(-Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi;
-Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn.
-Ở Việt Nam Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua, sau khi thua trên bầu trời Hà Nội
)
Cái từ nhất định này nó thể hiện sự chắc chắn vô cùng, chắc hơn cả #surevkl hay #khalachackeo nữa. Chiết tự ra thì nó có nghĩa là chỉ 1 điều đã được định sẵn, đã được định đoạt, dù có thế nào đi chăng nữa cũng ko thể thay đổi được, vì nó chỉ có 1 mà thôi. Nó thể hiện 1 quyết tâm vô cùng lớn của Hồ Chí Minh, 1 quyết tâm không gì có thể lay chuyển được. Mất nước ư? Nô lệ ư? Nhất định không!

Và sau đó, là lời hiệu triệu:

“Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!”

Một lần nữa, Hồ Chí Minh lại nắm đúng tinh thần của mọi người dân VN (và chắc cũng là của chính ông luôn) để kích thích họ. VN so với Pháp từ đầu luôn ở thế thấp hơn. Trong hơn 80 năm đồ hộ, họ luôn bị “đè đầu cưỡi cổ”, đến sau khi giành đc độc lập, họ cũng luôn phải “nhẫn nhục” để nhượng bộ với Pháp. Và đúng thời điểm này, khi đã bị chèn ép đến nỗi ko thể chịu đựng đc nữa, Hồ Chí Minh kêu gọi họ “đứng lên”. Đó là 1 sự bùng cháy.

“Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.”

Ở đây Hồ Chí Minh lại cố gắng đoàn kết dân tộc và chỉ ra 1 mục tiêu chung duy nhất: cứu Tổ quốc. Và đặt trách nhiệm cứu nước đó đến mọi người dân VN, ở mọi tầng lớp, mọi độ tuổi, mọi phe phái. Trách nhiệm đó trước tiên thuộc về mỗi người dân, trước cả những lực lượng tự vệ, dân quân. Hồ Chí Minh đã xác định rõ ràng chiến lược ‘chiến tranh nhân dân’ ngay trong lời kêu gọi này. Và xác định cái tinh thần chiến đấu cho toàn dân, đó là tất tay, đó là all in. Dùng mọi thứ có trong tay để chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng. Tinh thần đó đc cụ thể ngay lập tức khi trên khắp phố phường Hà Nội, người dân vác hết giường tủ hòm xiểng ra lập chiến lũy, cảm tử quân thì ôm bom ba càng.

Người Pháp hẳn sẽ rất bất ngờ khi lần đầu họ đánh Hà Nội chỉ cần 300 quân để tát sml 7000 quân nhà Nguyễn trong chưa đến 1 giờ đồng hồ, thì lần này họ mất đến 60 ngày đêm mới giải quyết xong, trong khi đối phương toàn súng lởm với lựu đạn xịt. Tinh thần chiến đấu đã tạo nên sự khác biệt đó, và tinh thần đó đc tạo nên từ tính cách dân tộc, hoàn cảnh lịch sử cùng lời hiệu triệu đúng thời điểm.

Sau cùng, Hồ Chí Minh thể hiện niềm tin tuyệt đối vào cuộc kháng chiến: 

“Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.”

Vào thời điểm lên kèo, đó là 1 kèo quá lệch, chẳng ai tin vào 1 cửa thắng nào cho VN. Người Pháp không tin, thế giới không tin, mỗi Việt Nam tin. Và lịch sử đã lạnh lùng đẩy quân Pháp và cả chủ nghĩa thực dân ra đê.

Và như thế, sau 70 năm, ta vẫn cảm nhận đc tinh thần yêu nước và quyết tâm mãnh liệt của cả dân tộc trong những ngày tháng lịch sử qua lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã nắm bắt được thần khí của thời khắc lịch sử và nắm được tinh thần của toàn dân, để thay lời non sông, hiệu triệu toàn dân đứng lên cứu nước.