Isle, Đảo, một chữ chứa trong mình ngồn ngộn cái cảm giác xa xăm, cô độc. Có những người vô tình bị lạc vào cô độc như Robinson Crusoe, cũng có người, ngây dại tìm về nơi vắng vẻ, bỏ mặc những người khôn tìm kiếm chốn lao xao. Nhưng, dường như, chính sự tồn tại của mỗi người, đã là một ốc đảo lẻ loi.
The Isle, Đảo, là sự pha trộn của nỗi buồn, ghen tuông, nhục vọng, mà từ đó, máu và nước mắt chỉ chực chờ tuôn ra. Xuyên suốt bộ phim với đầy hình ảnh đa nghĩa, trong đó, người ta gặp nhau, chạm nhau, dằn xé, và hợp nhất vào nhau trong cõi mơ hồ siêu thực.

Phim mở đầu với hình ảnh mặt hồ ảm đạm, bao quanh bởi sương mù, với những nhà bè tách biệt, mà người Nữ, chủ nơi đây, gọi là 섬, đảo (được ghi trên cửa tiệm, chữ màu vàng), với chữ màu trắng 좌대, nhà bè (nghĩa đen của chữ đảo). Với cảnh mở đầu, ta biết khái quát được rằng, người Nữ này cho thuê 대여 các đảo, và cung cấp cà phê 커피(chữ vàng đầu tiên), mì gói라면(chữ vàng thứ 2), vật dụng câu cá낚시 재료(chữ màu xanh). 


Người Nữ bán các thứ này cho khách hàng, thậm chí là bán cả thân xác của mình, cô đã đồng hóa bản thân mình với hồ nước nơi đây, cô nhận lấy tinh trùng của đàn ông và rửa chúng bằng chính nước hồ, tương tự như lòng hồ nhận lấy chất thải của người đời. 
Trong cảnh khách hàng yêu cầu cô phải nói một câu nào đó thì gã mới trả tiền, cô kiên quyết im lặng, và bị hạ nhục bởi việc ném tiền xuống mặt hồ. 



Cô nhìn bóng mình trên mặt hồ, loang lổ bởi tiền, về đến phòng, cô nhìn mình trong gương, và có lẽ thấy ở đó loang lổ quá khứ đau thương, loang lổ vết sẹo nơi gò má, cô thể hiện cảm xúc đầu tiên, xác quyết rằng cô vẫn là một con người, với một trái tim đang đập. Cô hòa với lòng hồ, và trả thù gã khách hàng thô kệch một cách nhẹ nhàng.






Người Nam nhớ về việc bị phản bội, nhớ về việc đã giết người, và khóc. Người Nữ trông thấy, và trầm ngâm. Cô nghĩ gì khi thấy một người đàn ông khóc. Đã bao lâu rồi cô chưa thấy hình thù nước mắt. Hay như một kinh nghiệm, những người tìm đến Isle, hoặc là giải trí vài hôm, hoặc là tìm nơi cô độc để từ giã cuộc đời. Chừng như, cô thấy chính bản thân mình trong tiếng nức nở kia. 









Cô cứu gã, hay nói đúng hơn, cô khẳng định với gã rằng, cô sẽ không cho phép gã tự giết mình.












Ngày tiếp theo là một ngày nắng đẹp, cô mặc trên mình chiếc áo màu đỏ tươi, không khí phim trở nên ấm áp hơn. Cô mỉm cười lần đầu khi gặp con cá nhôm của gã, sở thích khác lạ của người đàn ông này khiến cô thấy vui hơn. Cô giúp gã lần thứ hai khi cho mồi vào móc, và ngồi trên bờ hào hứng trông chờ gã hò reo. Nhưng gã lại thả cá đi khi vừa câu được, nụ cười của của cô tắt dần, thay vào đó là một ánh trầm ngâm trong mắt. Cô nghĩ gì? Gã đàn ông lạ kỳ thả dây nhưng không cần cá. Gã cần gì khi đến đây. Niềm thương cảm của gã với cá, chừng như đã đánh thức trong lòng cô một điều gì đã mất rất lâu. Hình ảnh cô ngồi xích đu đung đưa và dừng lại, với chữ vật dụng câu cá낚시 재료phía sau, như thể một con cá mắc câu giãy giụa mệt nhoài, như thể chính cô đang mắc vào hòn đảo chết tiệt của chính mình, và cả hai vừa được phóng sinh.




Cô cho vẹt ăn. Cái âm thanh đầu tiên mà cô phát ra trong phim, là một thanh âm vô nghĩa với con người, là một thanh âm nhằm giao tiếp với một sinh vật khác loài. Sau bao năm tháng, ngoài con chó tại ngôi nhà trên bờ, con vẹt này dường như là sinh vật đầu tiên cô chăm sóc. Gã tặng cho cô cái xích đu, món quà hiếm hoi mà cô được nhận. Bố cục một phần ba mô tả ba thế giới nhập nhằng vừa va chạm vào nhau, người nữ với chiếc ghe, gã đàn ông vô định với hòn đảo vừa thuê, và hồ nước xa xăm.









Cô tắm. Người đời nhìn vào chỉ thấy một người nữ bán móc câu 낚시, một người nữ bị móc vào hoàn cảnh sống này, nhưng khi ta nhìn gần hơn, kỹ hơn, rõ hơn, ta thấy một người nữ đung đưa trên chiếc xích đu, nở nụ cười tươi rói. Cô nhìn ra ngoài, thế giới được chia hai, một nửa là những người đàn ông đến và đi trong vô cảm, một nửa là gã đàn ông đang thắp lên trong cô niềm vui và hy vọng. Cô chơi đùa với chó, và có lẽ đây là lần hiếm hoi nó được thoát khỏi xiềng xích để vui đùa với cô chủ của mình. Cô tiếp tục giao tiếp với anh, không bằng giọng nói, mà bằng ánh nắng phản chiếu của chiếc gương.




















Hai cô gái điếm tới, quần áo một màu xanh chủ đạo, giống như màu áo mà người nữ mặc trong đêm đầu tiên của bộ phim. Cái màu xanh âm u của sương mù, của nỗi buồn không còn sức sống. Tuy nhiên, một trong hai cô gái vẫn mặc trong mình một chiếc áo hồng, đeo trên đầu một cột tóc hồng, cô nghịch nước trong sự khó chịu của người còn lại, trong cô có lẽ vẫn là một cô bé ngây thơ bị đời sống này xô đẩy vào bể khổ xanh xao.


Gã hỏi cô nơi vệ sinh trên nhà bè. Cô chỉ ra một chiếc hố giữa sàn, chừng như dễ thấy nhưng có lẽ chẳng ai chịu tìm, như thể đây là một đường ngầm bí mật giữa hòn đảo nửa lạ nửa quen.







Trời mưa. Cô uống rượu, một mình, dĩ nhiên, nhìn ngắm hy vọng màu vàng. Tông màu xanh từ cơn mưa, nhà cửa, đến áo váy của cô, nhuốm đậm một nỗi buồn. Cô ngồi đấy với hai chữ cho thuê 대여 lơ lửng trên đầu, phải chăng cô đang buồn bã với kiếp cho thuê đảo và cả thuê người bèo bọt bóng mưa của mình. Cô đến bên gã cùng chai rượu, rượu không phải cho việc bán buôn và người cũng chẳng phải để thuê. Cô chia sẻ cho gã một nốc rượu giải sầu, cô tìm kiếm một sự đồng cảm giữa tan nát mưa rơi, cái tâm hồn cằn cõi của cô đang dần kiệt quệ, cô chỉ cần một cái ôm, một nụ hôn để trở lại làm người. Nhưng đàn ông lại cần nhiều hơn thế, và cô kháng cự, từ chối.







Trời vẫn mưa. Cô thất thỉu, với mác 라면mì gói, một loại thức ăn nhanh, lơ lửng trên đầu. Ngôi nhà màu vàng chỉ là mơ mộng hão huyền, cô là một gói mì ăn nhanh không hơn không kém. Tại đây, áo màu đỏ và váy màu xanh thể hiện sự mâu thuẫn trong người cô, một nửa rạo rực lửa tỉnh, một nửa đã nguội lạnh mưa hồ. Cô gọi một cô gái điếm tới, và bằng một cú lia máy tuyệt vời thể hiện ba khung hình, tác giả đã thể hiện sự phức tạp giờ đây trong cô. Từ khung hình cô gái điếm tới đây, bước vào thế giới đảo 섬 của cô, đến khung hình cô gái điếm đứng ngang với cái mác mì gói, và cuối cùng kết thúc, khi cô dùng chính chiếc ghe của mình, chở cô gái điếm đi. Phân cảnh này thể hiện phức cảm tự cao (superiority complex) của cô, mà ở đó, cô hạ nhục người khác để có thể cảm thấy mình trở nên thanh cao hơn. Cô nhìn anh như muốn khẳng định, mình không là gái điếm, và nếu anh muốn quan hệ, cô sẵn sàng cung cấp cho anh. Hay là đâu đó sâu trong sâu thâm tâm cô, cô muốn trân trọng cảm xúc đã mất từ lâu này, không muốn cảm xúc này bị tình dục vấy bẩn. Hoặc, do hy vọng của cô về một tình yêu không nhuốm màu tình dục đã vỡ tan tành.




Phức cảm tự cao của cô thể hiện rõ nét thêm, bằng khung hình cô gái điếm vẫy gọi dưới hai chữ cho thuê 대여, nhưng cô mặc kệ, cô thỏa mãn khi cô gái điếm cho thuê thân xác kia vẫy vùng vô vọng giữa lòng hồ, cô có cảm giác rằng cô sở hữu vùng hồ này, với tất cả những đảo, những người trong đó.






Cô gái điếm trở vào trong, cần đi vệ sinh, gã chỉ cho cô đường hầm bí mật của hòn đảo, nhưng cô gái điếm lại ngại ngùng khi bị anh nhìn. Cô gái điếm ngây thơ mâu thuẫn trong nguyên tắc hành nghề, vẫn mặc chiếc áo hồng bao bọc trái tim thèm khát yêu thương, cô thích thú với chiếc xe đạp đồ chơi mà anh làm (một biểu tượng nữa của sự ngây thơ), và bỗng từ đâu đó một góc trong tâm hồn, trỗi lên khỏi bể khổ xanh xao, cô thấy một ánh lửa tình yêu, cô muốn được ôm anh, hôn anh.
Câu hỏi như một lời thỉnh cầu. Từ đây, quan niệm của phim về sự khác biệt giữa quan hệ tình dục và ôm hôn được miêu tả rõ. Quan hệ tình dục bằng việc cho thuê mua bán thể xác, khác với nhu cầu tìm kiếm ấm áp tình yêu bởi ôm hôn. Nghe nói, một số cô gái điếm, không cho phép hôn môi, vì đôi môi dành cho người yêu của cô ta. Một câu hỏi vô cùng trăn trở hiện lên, gái điếm có được phép tìm kiếm tình yêu, và đôi môi của đàn bà khác gì bộ phận sinh dục của họ.

Gã ma cô của cô gái điếm tới, và như đã chuẩn bị từ trước người nữ của chúng ta chủ động chở hắn lại nhà bè. Dùng từ chủ động, bởi vì trong một cảnh sau đó, cô lại chần chừ không chở. Tại sao cô lại chủ động. Cô muốn dày vò gã đàn ông mang hy vọng của mình, bằng cách phá bĩnh lúc anh làm tình, hay cô muốn lần nữa thể hiện sự tự cao của mình, bằng cách xác quyết lại rằng cô gái điếm kia vốn là gái điếm của một gã ma cô, còn cô thì tự do hơn ả.


Cô bỏ con chó lại trên một nhà bè. Cô tự do và cô khẳng định sự chiếm hữu của mình với mọi thứ trên hồ bằng cách này. Niềm đồng cảm, quan tâm giờ đây đã trở thành sự chiếm hữu. Hình ảnh con chó và gã đàn ông lẻ loi trên isle thể hiện rõ sự chiếm hữu này. Ánh nắng trước đây hợp nhất với niềm vui khi con tim sống dậy, giờ đây, ánh nắng cuối ngày gay gắt lại đồng nhất với sự chiếm hữu của cô.




Trời mù sương như đoạn mở đầu phim. Phim tiến vào hồi hai với sức nén đến từ mối quan hệ của cô và gã đàn ông.





Một cặp nam nữ đến. Gã đại gia câu được cá, tháo chiếc đồng hồ vàng trên tay để tiện việc lóc thịt con cá sống làm sushi, sau đó thả nó lại lòng hồ với vết thương nặng nề trên thể xác. Con cá đấy đại diện cho bao kiếp phụ nữ, bị đàn ông sử dụng tàn tệ, và cuối cùng bị vứt bỏ đi. Trong mắt của những gã đàn ông ở đây, cá và đàn bà chừng như là một.





Cô gái điếm trở lại, lần này là chủ động, tuy nhiên trong mắt cô chủ đảo, cô gái điếm vẫn mang trên mình cái mác 재료vật dụng, và người nữ lộ rõ thái độ ghen tuông, giận dữ của mình qua ánh mắt dành cho gã đàn ông, chừng như tất cả đàn ông chỉ cần tình dục. Bằng đường hầm bí mật trên isle, gã đã câu được cá, câu được người nữ, và cũng bằng sự tinh tế của mình, hay nói cách khác, cái duyên, gã “câu” được cô gái điếm ngây thơ nọ. Người nữ đã thực sự quan sát gã bằng đường hầm bí mật nọ, hay chính gã đang tưởng tượng ra bởi anh cắn rứt lương tâm, bởi sự sợ hãi khi bị chiếm hữu bởi cô.
Còn cô, cô ghen tuông, giận dữ, lần hai. Hy vọng của cô lại bị phá tan đi. Nếu chúng ta nhìn lại từ đầu phim, người đàn ông không có một bất kỳ một sự tán tỉnh nào dành cho cô, chính cô tự mình chìm đắm trong ảo tưởng, bởi những con cá, xích đu nhôm, bởi sự tinh tế và bởi anh như một sinh vật cùng đường hấp hối, từ đó cô mang trong mình phức cảm tự cao, tự thấy rằng mình có khả năng chiếm hữu anh.




Trở lại với cô gái điếm, cô tìm đến anh bởi anh là chàng thơ của cô ta, anh cũng là một hy vọng nhỏ nhoi của cuộc đời khốn khổ này, cái thứ hy vọng mà cô chủ đảo cũng đang ấp ủ. Vẫn là chiếc áo jeans xanh xao lạnh lùng khoác bên ngoài, nhưng bên trong vẫn có một góc hồng ngây thơ mơ mộng. Nhìn lại trang phục của cô chủ đảo, ta thấy rằng cô mang trên mình hai sắc thái chính, xanh xám và đỏ sẫm, liệu đâu đó trong quá khứ của cô, cô cũng từng khoác lên mình những áo váy hồng thơ mộng. Cô dường như đã trải qua hết tất cả hạnh phúc và đau thương, đã đi trước cô gái điếm này một đoạn cuộc đời, và đã ở bên kia sườn dốc của tuổi xuân, cũng bởi vậy, bởi muôn vàn mặc cảm, trong cô xuất hiện phức cảm tự cao, cô thấy rằng cô gái điếm với cái mác 재료vật dụng kia làm gì có tư cách đưa tiền cho cô, nhất là với lý do chăm sóc cho gã đàn ông nọ. Gã đàn ông đấy là của cô, và chính cô gái điếm thơ ngây kia mới là kẻ ngáng đường. Cô trở lại hôn và cắn gã đàn ông, đánh dấu rằng gã là của cô. Ở đây, nụ hôn là một ý nghĩa kép, vừa là sự đánh dấu, vừa chỉ ra rằng mỗi nụ hôn là một nỗi đau vượt trên thể xác. Cô cho phép gã hôn, nghĩa là gã đã chạm vào đến tâm hồn của cô, và bởi tâm hồn mong manh, một động chạm nhỏ cũng khiến tim người rỉ máu. Cô trở về bờ. Chiếc xe ngập  nước thể hiện rằng gã đã ở bên cô quá lâu, và cô khóc. Tại sao cô khóc? Vì cô không xứng đáng có được tình yêu? Vì gã như một tay câu mát tay câu được bao nhiêu là cá? Hay vì, cô nhớ lại một mối tình nào đó nửa đau thương nửa hạnh phúc của mình? Tại sao cô không nói gì và tại sao cô mang vết sẹo trên gò má? Tất cả những khả thể ngồn ngột mở ra trong trực giác và trộn lẫn vào nhau, tạo nên một người đàn bà căng thẳng (tension) và đầy mâu thuẫn, tưởng như có thể làm bất kỳ chuyện gì, bất cứ khi nào. Màu áo nâu sòng cùng với xác nhà cũ kỹ, càng khiến không khí của phim nén lại.



Cảnh sát đến, và gã lại một lần nửa tìm đường tự sát. Tự sát, theo Albert Camus bảo là khi người ta “chẳng còn chút ký ức nào về chốn quê nhà
đã mất lẫn niềm hy vọng về một miền đất hứa”. Chẳng còn ký ức và chẳng còn hy vọng, hay nói đúng hơn, là chẳng còn hy vọng nhưng quá khứ đau thương cứ bám riết lấy đời người, vậy là người ta phải tìm đến cái chết, nhưng có mấy ai có kinh nghiệm về tự sát, vậy là người ta chết hụt, quằn quại trong đau đớn, khiến cho tình trạng sống lắt lay trở thành sống không bằng chết.



Gã trốn bằng đường hầm ẩn, thứ đa vai trò xuyên suốt phim: Là nơi gã tự đi vệ sinh trong đảo của chính mình, nơi mà một cô gái điếm ngây thơ đi vệ sinh trước mặt một người đàn ông không phải khách hàng, nơi cô chủ bí mật thâm nhập để nhìn gã quan hệ với cô gái điếm, và cũng là nơi cô giấu gã khỏi quá khứ tối tăm.




Gã quằn quại trong đau đớn, và để giảm đau, cô quan hệ tình dục với gã. Quan hệ tình dục (have sex) đã trở thành làm tình (make love), mà tại đây, nói rõ hơn, cô ban phát cho gã tình yêu, mà không tự mình thụ hưởng khoái cảm nào. Một cảnh mang xu hướng bạo-khổ dâm, liên quan ít nhiều đến khái niệm Erotic Asphyxiation (Ngạt thở tình dục), trong đó đối tượng bị ngạt thở sẽ tăng khoái cảm tình dục do não tiết ra một vài chất như dopamine, serotonin, endorphins. Câu hỏi dấy lên: Vậy tình dục là niềm vui hay đau đớn, là tinh thần hay thể xác, hay sự trộn lẫn cả hai.




Trời nắng đẹp, cô và gã lần đầu bên nhau như một cặp đôi. Cô đưa gã đến một bãi cỏ mà chừng như là isle của cô. Nếu đối với nam, isle là một nhà bè khô khan nhô rõ khỏi mặt hồ (xin nhấn mạnh chữ nhô) dễ thấy, dễ vào dễ ra, thì isle của nữ là một bãi cỏ khuất xa, hài hòa mềm mại mà mà một cặp đôi có thể rẽ lối đi vào tìm kiếm niềm thư giãn.











Cô tháo nước bể cá, ngụ ý sự đổi mới. Nhưng tức khắc hy vọng lại bị thử thách. Cô gái điếm lại đến. Hai người, một người với các mác coffee ramen, một người với các mác cho thuê, đối diện nhau, và chính thức trở thành tình địch. Cảnh phim được nén lại bằng cảnh cô bẻ chiếc đũa và con cá thiếu nước giãy giụa, và bùng nổ khi cô gái điếm kia trầm mình xuống nước. Một nhà phê bình chỉ ra rằng, chưa có đủ động lực để cô gái điếm trầm mình xuống nước tự tử, nhưng nếu nhìn lại, thì hành động tự sát của cô là kết quả tất yếu. Cô vừa lê lết đến mép isle và khóc, và từ đó là sự bùng nổ bằng việc tự sát. Trước đó, hai nhân vật chính của phim cũng đã khóc:
Gã khóc khi nhớ về quá khứ, và quyết định chấm dứt đời mình, nhưng được cô chủ ngăn cản.
Cô chủ khóc nhưng vẫn có một cuộc sống thường nhật bình thường để quay lại.
Đối với cô gái điếm, cô vừa tìm thấy niềm an ủi của đời mình, nhưng đã bị cướp mất đi, và với sức nén mà việc bị giam cầm trong bóng đêm, sự mơ hồ thâm sâu mà mặt nước đưa ra, cô chọn việc tự sát. Phim không dành nhiều thời gian cho cô gái, không phải là thiếu sót, mà cảnh phim này muốn nói lên rằng, người ta có thể dễ dàng tự sát thế nào khi chịu đủ áp lực. Hình ảnh con cá nhảy khỏi bể và chết tự thuở nào là minh chứng.


Trời mù như lòng người rối mành tơ vò giữa yêu đương và thù hận.



Gã ma cô đến. Việc cô giết gã mang ý nghĩa kép: bịt đầu mối và kéo gã đàn ông chịu tội lỗi cùng mình.









Trời nắng. Cái nắng hạnh phúc giờ đây lại là cái nắng bất hạnh. Hy vọng giờ đây trở thành bất lực. Trong năm phút tiếp theo, nhưng bùng nổ li ti cứ thế vỡ ra từ một người chẳng còn dám tự sát, hay đúng hơn, bị cản đường tự sát.
Gã giải tỏa cơn khát tự sát bằng cách băm vằm những con cá khác. Trong cảnh này, có hai cách nhìn:
Từ một gã đàn ông tuy thèm khát cái chết nhưng vẫn thả cá đi khỏi móc câu, giờ đây, khi chẳng còn giết được mình, gã trút sự điên cuồng lên những sinh vật khác. Cô nhìn gã căm thù, chẳng thấy sự hấp hối dịu dàng của người sắp chết, mà chỉ là một gã đàn ông đầy giận dữ. Nhưng khi gã thấy chính mình trong hình hài con cá bị lóc thịt, gã trở lại bình thường, hay nói rõ hơn, gã trở lại là một sinh linh đáng thương hấp hối chẳng thể hại ai. Cô lại thấy được cơ hội trở thành đấng cứu rỗi gã, một dạng phức cảm tự cao, nặng nề tính chiếm hữu.
Hoặc là, cô sợ việc băm vằm cá sẽ bùng nổ thành sự tự giết mình. Và khi thấy gã thả con cá bị lóc thịt đi, cô thở phào nhẹ nhõm, biết rằng gã còn tự kiềm chế được bản thân mình.
Việc cô ném chiếc lồng chim xuống nước, bỏ mặc gã, hành hạ cá bằng điện, thấy cảnh cô gái điếm đang chìm dần xuống đáy hồ, chừng như củng cố cách nhìn đầu tiên.



Cảnh cô ngồi trước gương nhìn lại mình và những hậu quả của mình, cùng chiếc xích đu gã tặng, như đang nhấn mạnh hậu quả của chính chiếm hữu của con người, sự chiếm hữu lại xuất hiện ngay cảnh sau, với cần câu từng đóng vai trò giúp đỡ trong tình huống cấp bách, giờ lại là thứ mà cô dùng để thể tính sự thượng đẳng của mình.



Gã đánh cô, và quan hệ với cô. Cơ thể đàn bà dao động từng nhịp khi bị đánh và khi quan hệ tương tự nhau. Người gã nhấp nhô và khóc nấc từng cơn chẳng khác gì nhau. Và một lần nữa, câu hỏi lại hiện ra: tình yêu và tình dục là gì, trong đó, đau đớn và niềm vui tỷ lệ thế nào. Cô ôm gã, trong đớn đau và hạnh phúc.





Trời mù sương.
Gã động lòng với cô, nhưng không thể nào chịu được sự gò bó này, và gã bỏ đi.
Cô hủy hoại bộ phận sinh dục của mình, vì thấy rằng chúng đã trở nên vô dụng, hay là sự tự trừng phạt chính mình để chẳng bao giờ còn có thể tìm kiếm tình yêu. Móc câu biểu tượng cho qua trình của một tình yêu: Lẻ loi, gặp nhau nơi thể xác, và cuối cùng hợp nhất trong tình yêu, xuyên suốt đó là máu và nước mắt.
Tại phân cảnh này, tôi có trực giác rằng, người nam sẽ hôn môi người nữ để xoa dịu nỗi đau của cô, nhưng hành động này lại không xuất hiện. Trước đó, gã bị thương ở họng (môi), cô đã cho gã tình dục để xoa dịu cơn đau. Vậy tại sao, tại đây, cô bị thương ở bộ phận sinh dục, gã lại không cho cô một nụ hôn đại diện của tình yêu. Hành động song song đối lập này chắc chắn không thể vô tình bị tác giả bỏ qua, mà nó được cố ý không thực hiện, chừng như để tuyên bố một lần nữa: đàn ông chẳng hiểu gì về tình yêu.

Cô mặc lại áo đỏ váy xanh, trên nóng dưới lạnh, và mỉm cười hạnh phúc, bộ đồ này từng được sử dụng khi trong cô xuất hiện mâu thuẫn giữa tình yêu và tình dục. Giờ đây, mâu thuẫn đã kết thúc, trái tim cô đã đập trở lại, gã đàn ông đã “go down” vì cô, không phải hùng hục ý muốn làm tình, mà để nâng niu, chữa lành vết thương của người phụ nữ.




Nắng vàng, ngôi nhà được sơn lại màu vàng, màu vàng tinh thần đối nghịch với màu vàng vật chất của gã đàn ông giàu có trong phân cảnh tiếp theo. Hai người chấp nhận kiếp người bèo bọt của mình, như hai con cá bị sóng đời xô đẩy.



Khi thực tại đau thương đi đến cùng cực, cô không tự sát, mà cùng gã rời khỏi cuộc đời một cách nhẹ nhàng. Động cơ máy móc kia từng dùng để kiểm soát hòn đảo của gã đàn ông, giờ đây hợp nhất với đảo. Đảo cố định là hòn đảo chết. Đảo là một trốn trú chân lang thang vô định, là một nhà bè người ta trốn khỏi cuộc đời qua ngày đoạn tháng, là một cồn cỏ của cá náu thân.
Người đàn ông đi vào bụi cỏ giữa hồ, như con cá tìm về trốn trú thân. Hay đổi chiều của một mối quan hệ cộng sinh, cá khiến cồn cỏ xanh rì trở lại.