Phân tích Đây Thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mạc Tử
Một nhà văn đã từng nói:"Hàn Mặc Tử viết thơ như có máu nhỏ trên đầu ngọn bút, như chắt lọc nỗi đau từ trong tâm can về cuộc đời, về...
Một nhà văn đã từng nói:"Hàn Mặc Tử viết thơ như có máu nhỏ trên đầu ngọn bút, như chắt lọc nỗi đau từ trong tâm can về cuộc đời, về con người, về tình yêu". Thơ của ông viết về những vẻ đẹp của quê hương, của con người trong đó. Nhưng để hiểu thơ ông thì phải cảm nhận bằng cả tâm hồn, phải đặt mình vào hoàn cảnh của vị thi nhân thì mới hiểu hết được. Không may ông đã mắc phải bệnh phong - căn bệnh được coi là một bệnh nan y thời bấy giờ. Trong lúc ông phải chịu những đau đớn điên cuồng cả về thể xác lẫn tâm hồn thì ông đã nhận được một lời hỏi thăm an ủi sâu sắc từ mối tình đơn phương vụn vỡ của mình kèm theo một bức ảnh thôn Vĩ xứ Huế. Nó là làm khơi dậy trong ông những kỉ niệm và cảm xúc khó quên một thời trong ông. Và bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" đã ra đời và những ngày cuối cùng của một hồn thơ có tình yêu tha thiết với trần đời.
Hesiod từng viết: "Một nửa tốt hơn toàn thể". Hàn Mặc Tử đã miêu tả một nét, một góc rất nhỏ về Huế. Nhưng từ một nét, một góc rất nhỏ đó, Hàn Mặc Tử đã nói rất nhiều về Huế. Với khổ thơ đầu tiên, tác giả đã dùng những hình ảnh và từ ngữ siêu thực để tả cảnh thôn Vĩ dưới ánh bình minh:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che nghiêng mặt chữ điền.
Tác giả mở đầu với một câu hỏi tu từ:
"Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"
Câu hỏi hiện lên trong đầu của tác giả khi nhìn thấy cảnh vật quen thuộc. Sao anh không về? Có ai mà không xuyến xao với một một lời êm ái mặn mà cơ chứ. Đây có thể là một lời gọi với giọng điệu trách móc nhẹ nhàng của cô gái thôn Vĩ, như thể có một người luôn chờ đợi, ngóng trông ông quay về thăm lại nơi xứ Huế thơ mộng. Nhưng đây là thơ ca của thi sĩ họ Hàn, trong từng thi phẩm của ông là những tiếng gào thét của nỗi đắng cay, buồn tủi da diết và uất ức đến nghẹn ngào, bài thơ này cũng không phải là ngoại lệ. Bởi thế nên ta nhận ra một sự thật cay đắng rằng ở nơi đó không có cô gái nào gọi mời ông cả, mà là do tiếng lòng của ông tự cất lên đặt câu hỏi cho chính ông. Ở đây tác giả không dùng "về thăm" mà ông lại dùng từ "về chơi" vì đối với tác giả về chơi có cảm giác gần gũi hơn là về thăm. Ta cảm thấy hành động về chơi đó nhẹ nhàng biết bao về mọi người đều có khả về chơi thôn Vĩ bất cứ lúc nào có thể,nhưng trái lại đối với tác giả đó là một thứ gì đó cực kỳ xa vời. Cũng như ông đang nhận thức được hoàn cảnh éo le của ông khi ông dùng từ "không về" thay cho từ "chưa về", ông biết rằng mãi mãi sẽ mình sẽ không còn có thể đến đó nữa. Vì ông đang phải sống cô đơn lẻ bạc với bốn bức tường, cách ly hoàn toàn với cuộc đời. Vị thi sĩ đang dần bị nhấn chìm vào nỗi tuyệt vọng. Thứ đang kéo ông xuống là sự cô đơn, là bệnh tật, là khao khát đã không còn, là cuộc đời đời đang khép lại. Ngay lúc này đây, về chơi thôn Vĩ cũng như là về lại với cuộc đời mà Hàn Mặc Tử sắp phải chia xa. Không để lại một chút vương vấn vì ông cũng nhận ra rằng mình không còn cơ hội nào nữa. Bởi vậy cho nên câu hỏi mà tác giả tự đặt ra với chính mình nghe thoang thoảng nỗi quặng đau như cứa vào tâm can. Tiếp sau đó là những câu thơ miêu tả cảnh thôn Vĩ Dạ tràn đầy sức sống dưới ánh nắng bình minh:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Ở mỗi thôn làng miền quê mà chúng ta tới, cây cau là loài cây đầu tiên mà chúng ta có thể nhìn thấy vẻ đẹp của nó toát lên. Cây cau thân dài mảnh, thẳng tắp và đặc biệt vút cao lên trời cao. Chính vì thế nó cũng là loài cây đầu tiên đón lấy thứ ánh nắng mặt trời tinh khôi và trong trẻo, nó đã gây ấn tượng vào lòng nhà thơ đầu tiên, từ "nắng" lặp lại 2 lần như thể ông reo lên và ông gọi nó là nắng hàng cau. Không phải là "nắng" và "hàng cau" mà lại là "nắng hàng cau". Nắng hàng cau là một ánh nắng đặc biệt, những cây cau đã được gột rửa bởi màn sương đêm nhẹ nhàng hứng lấy ánh sáng dịu dàng ban mai từ mặt trời buổi bình minh. Ánh nắng đó được phản chiếu đến ánh mắt trong tâm hồn của nhà thơ và đó là một ánh sáng óng chuốt, tinh khôi và trong trẻo lạ thường. Cái nhìn của nhà thơ hạ từ trên cao xuống thấp và bắt đầu bao quát hơn ở chiều rộng:
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Ánh nhìn đó bắt đầu chạm khẽ vào sắc màu của sự vật và làm ông thốt lên với vẻ ngạc nhiên thẫn thờ. Cái sự trù phú, non tươi, mỡ màng đầy sinh khí của thôn Vĩ làm cho tác giả như lại muốn reo lên lần nữa "mướt quá", ôi sao mà đẹp quá vườn nhà xứ Huế. Những tia nắng ban mai chiếu rọi trên những tán lá làm cho nó không chỉ có màu xanh thông thường mà là màu xanh như ngọc, là màu xanh trong trẻo, tinh khiết và đầy quý giá như ngọc ngà đá quý. Sự xuất hiện của con người đại từ phiếm chỉ ai làm cho bức tranh cảnh vật trở nên có hồn và tình tứ hơn cả. Từ đó, nó làm nổi bật lên vẻ đẹp con người nơi đây với bút pháp “thi trung hữu họa” của văn học trung đại để vẽ lên cái nét đẹp thanh thót của lá trúc xen lẫn vào đó là nét đẹp duyên dáng, phúc hậu của người con gái thôn Vĩ Dạ.
Những hình ảnh ban mai rực rỡ ánh nắng, căng tràn sức sống khép lại. Tác giả lại đưa người đọc đến cảnh sông đêm xứ Huế cô đơn và tịch mịch nhưng cũng đầy hình ảnh mang tính chất trữ tình:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mở đầu là hình ảnh quen thuộc mà các thi nhân hay sử dụng trong thơ ca: gió và mây. Trong những thi phẩm trữ tình, gió thổi mây bay, ta thường thấy gió và mây quấn quýt với nhau, hiếm khi tách rời nhau. Nhưng trong câu thơ “Gió theo lối gió, mây đường mây” chúng được tách đôi ra bởi nhịp thơ ba bốn, gió thì thổi một đường, mây thì trôi một ngả. Câu thơ tạo cảm giác chia lìa, hụt hẫng của tác giả. Bây giờ là sự xa cách của ông với chốn địa đàng nơi trần gian thôn Vĩ và con người ở nơi ấy, là khoảng cách trở về với trần đời, là khoảng của cái tử đang gần kề chứ không là khoảng cách địa lý đơn thuần hay khoảng cách của tâm hồn con người nữa. Dòng sông trôi lững lờ, buồn thiu, bằng biện pháp nghệ thuật nhân hóa dòng sông Hương- biểu tượng của xứ Huế được nhiều thi sĩ đưa vào thơ ca-để phản chiếu lên nỗi sầu muộn, lo lắng về tương lai bi thương của mình. Sự lay của hoa bắp là một hành động nhẹ nhàng, hững hờ, nó không gợi lên cảm xúc vui buồn nào cả. Nhưng trong hoàn cảnh này, nó khiến ta có cảm giác ôi sao mà đượm buồn ảo não bởi cái không gian lạnh lẽo hiu hắt mà Hàn Mặc Tử mang đến cho chúng ta. Nó như là cuộc đời của ông bây giờ, nhạt nhòa, buồn tẻ, lặng lẽ đến chán chường. Nhà thơ lại sử dụng những thi liệu phổ biến tuyệt đẹp trong thơ ca là thuyền, sông và trăng để miêu tả vẻ đẹp của sông Hương xứ Huế trữ tình nhưng cũng thấm đẫm nỗi sầu bi. Ông đang chìm dần vào ảo mộng, những hình ảnh trước mắt ta bây giờ như một giấc chiêm bao nhưng lại thực tế lạ lùng. Ánh trăng trên cao như tan như hòa vào trong dòng nước, làm cho con sông trở thành dòng sông trăng thơ mộng. Một lần nữa đại từ phiếm chỉ ai lại xuất hiện để chỉ một ai đó, mơ hồ vô định trong khoảng không gian mờ mịt, mờ mịt như cuộc đời của Hàn Mặc Tử trong những ngày tháng này vậy. Thuyền trên dòng sông bây giờ chỉ còn trong mộng tưởng, thuyền không chở người mà lại chở ánh trăng. Nhà thơ đang mất phương hướng, chìm vào cõi hư vô. Ông không bồn chồn lo lắng, không biết liệu tối nay thuyền có chở trăng về kịp không, nhưng kể cả ông cũng không rõ “tối nay” là buổi tối nào nữa. Như cuộc đời ông, không còn biết được nhìn ánh bình minh ban mai nữa không, hay bị lỡ chuyến đò ở đó mãi cùng ánh trăng vàng tỏa sáng.
Thật tiếc thay cho con người có một tình yêu mãnh liệt với dương gian trần thế, có đôi mắt tâm hồn ngọc ngà để chiêm ngưỡng nét đẹp của thiên nhiên tựa như chốn bồng lai như vậy. Chỉ bằng những hình ảnh quen thuộc, giản dị của quê hương mà ông như đã vẽ lên một bức tranh tràn đầy sắc xanh của sự sống mới và vẻ đẹp diễm lệ của dòng sông Hương. Nhưng đồng thời cũng phải nao lòng với những giọt lệ rơi ngược vào tâm can khiến ta cảm thấy nhói đau lòng mình. Mặc dù Hàn Mặc Tử đã ra đi trong hoàn cảnh khốn khổ nhất, nhưng tâm hồn ông vẫn luôn bất diệt với vẻ đẹp vĩnh cửu của nó.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất