Ngày nay rất nhiều người nói về các hiện tượng huyền bí và có tính tâm linh, tuy nhiên các khái niệm và ý tưởng nhiều khi chưa thực sự hệ thống và lý tính hoá (dù có những khái niệm không thể thấu biết theo lý tính). Nên dễ gây ra những ngộ nhận hay hiểu vấn đề nửa vời, hiểu nhầm, hiểu sai, làm sai. Dựa trên những gợi mở của Jung bằng những gì ông viết, tôi hệ thống các khái niệm để làm cơ sở cho các bài viết sau này về tâm linh cũng như các mối quan hệ và vấn đề xoay quanh.
Sơ đồ tâm hồn và ranh giới, tương quan các khái niệm.
Sơ đồ tâm hồn và ranh giới, tương quan các khái niệm.

Nhìn vào hình bên ta hình dung quá trình tri giác và ý thức diễn ra như sau: vật chất thuần tuý tác động vào giác quan cơ thể, và cơ thể (đồng thời với các Nguyên mẫu) có các bản năng của nó, kích thích vào vùng Psychoid (Cận tâm) và đi vào Ý thức ở đây là Tâm trí của Bản ngã.

Psychoid - Cận tâm.

Psychoid là Cận tâm thần (giống như tâm thần). Ranh giới psychoid xác định vùng mờ giữa những mặt hoạt động của con người - cái có khả năng biết được và cái hoàn toàn không thể biết được - cái có khả năng kiểm soát được và cái hoàn toàn không thể kiểm soát được.
Những ngưỡng psychoid cho thấy tác động mà Jung gọi là “tâm thần hóa”: thông tin phi tâm thần được tâm thần hóa, được chuyển từ vùng không thể biết sang vùng không biết (tâm thần vô thức) và sau đó hướng tới vùng biết (bản ngã ý thức).
Các tần số âm thanh mà tai người có thể nghe được có phạm vi từ 20 đến 20.000 dao động một giây; bước sống ánh sáng có thể được mắt người nhận biết có phạm vi từ 7.700 đến 3.900 đơn vị angstrom. Sự tương tự này khiến người ta có thể nghĩ rằng có một ngưỡng cao cũng như một ngưỡng thấp cho các sự kiện tâm thần và do đó mà ý thức, hệ thống tri giác đặc biệt, có thể so sánh được với thang âm thanh và ánh sáng có thể tri giác đo được, và giống như chúng, có một giới hạn trên và dưới. Có lẽ sự so sánh này có thể mở rộng cho tâm thần nói chung, mà không phải là không thể nếu có những quá trình giống tâm thần “psychoid” ở hai đầu thang đo tâm thần. Jung, Toàn Tập, Tập 8, đoạn 367.
Bộ máy tâm thần con người, nói một cách ngắn gọn, có một khả năng tâm thần hóa các nội dung từ hai cực: thân thể và tinh thần.

Tâm Thần (Tâm thức) [Psyche]

Tâm thần tồn tại trong khoảng giữa thân thể thuần túy và tâm trí siêu việt, giữa vật chất và tinh thần, và “những quá trình tâm thần dường như là sự cân bằng của dòng năng lượng giữa tinh thần và bản năng”. Jung Tổng Tập, Tập 8, đoạn 407.
Tâm thần “hoạt động giống như một cái thước mà dọc theo nó, ý thức ‘trượt’ trên đó. Khi thì nằm trong phạm vi bản năng và chịu ảnh hưởng của bản năng; lúc khác, nó lại trượt qua cực bên kia nơi tinh thần ngự trị và thậm chí đồng hóa những quá trình bản năng đối lập hoàn toàn với nó” Jung Tổng Tập, Tập 8, đoạn 408.
Tâm thần nằm trọng khoảng giữa vật chất thuần túy và tinh thần thuần túy, giữa thân thể con người và tâm trí siêu nghiệm, giữa bản năng và cổ mẫu. Tâm thần là nơi vật chất và tinh thần gặp nhau.
Jung chỉ ra rằng Tâm thần kéo dài giữa hai đầu của phổ có những chỗ mở tại hai đầu đó cho phép sự nhập thông tin vào tâm thần. Tại hai đầu của tâm thần là miền psychoid tạo ra những hiệu ứng gần giống tâm thần như những triệu chứng tâm thể và những hiện tượng cận tâm lí. Khi thông tin được truyền qua miền psychoid này, nó được tâm thần hóa và chuyển dạng thành tâm thần.
Trước tiên những gói thông tin này được truyền vào vô thức tập thể, ở đó chúng hơi hòa lẫn với những nôi dung khác đã có sẵn trong vô thức và cuối cùng chúng có thể xâm nhập ý thức dưới hình thức những trực giác, hình tượng, giấc mơ, tri giác, các động cơ bản năng, hình ảnh, xúc cảm và ý tưởng.
Có một sự dao động vĩnh cửu giữa phần cấp thấp và phần cấp cao, giữa cực bản năng và cực tinh thần - cổ mẫu của tâm thần.

Một mặt, ý thức của ta nỗ lực chống lại khỏi bị nuốt chửng bởi bản năng nguyên thủy và mặt khác nó cũng chống lại sự chi phối hoàn toàn của những sức mạnh tinh thần (tức là sự loạn tâm).

Tuy nhiên, khi được điều phối, cổ mẫu sẽ đưa ra hình thức và ý nghĩa cho bản năng và bản năng cung cấp năng lượng sinh học thô cho các hình ảnh cổ mẫu để hỗ trợ chúng nhận biết rõ.

Bản Ngã (Ego).

Bản ngã phải xem xét với những nội dung vô thức mới xuất hiện bằng cách đưa ra những nhận định về những giá trị của chúng và thỉnh thoảng là những quyết định về việc liệu có nên tác động lên chúng hay không. Gánh nặng chọn lựa đặt lên bản ngã ý thức khi xem xét trên khía cạnh đạo đức những xâm phạm từ nội tâm này.

Bản năng.

Bản năng hoạt động rất chính xác bởi vì chúng được định hướng bởi những hình ảnh và được định hình bởi những hình thức, mà cũng tạo nên ý nghĩa của bản năng.
Các bản năng và cổ mẫu luôn luôn được thấy trong một hình thức hỗn hợp và không bao giờ đứng một mình. Hai phần cổ mẫu và bản năng của phổ tâm thần kết hợp với nhau trong phần vô thức, ở đó chúng đấu tranh với nhau, hòa lẫn và thống nhất để hình thành nên những đơn vị năng lượng và động cơ mà sau đó xuất hiện trong ý thức như là những xung lực, nỗ lực, ý tưởng và hình ảnh. Những gì chúng ta trải qua trong tâm thần trước hết được tâm thần hóa và sau đó được kết cầu trong vô thức.
Hãy tưởng tượng có một đường thẳng chạy qua tâm thần và gắn bản năng và tinh thần tại hai đầu của nó. Đường thẳng này gắn với cổ mẫu về một phía và bản năng về phía kia. Nó chuyển thông tin và dữ liệu qua miền psychoid vào vô thức cá nhân và tập thể. Từ đó, những nội dung này tìm đường xâm nhập ý thức.
Những nhận thức bản năng và biểu tượng cổ mẫu là dữ liệu của kinh nghiệm tâm thần thực tế, không phải là chính các bản năng và cổ mẫu. Không phần nào của phổ tâm thần có thể được kinh nghiệm một cách trực tiếp vì không phần nào là tâm thần cả.

Cổ mẫu.

Các cổ mẫu có thể hoạt động như các bản năng.
Những hình ảnh cổ mẫu và những ý tưởng phát sinh từ chúng có một tác động đặc biệt làm xoay chuyển ý thức, mỗi phần đều mạnh tương đương với các bản năng có thể nhận biết. Điều này đã khiến Jung nghĩ là các cổ mẫu không bị giới hạn bởi các bản năng, tâm thần không thể quy giản về thể xác và tâm trí không thể quy giản về bộ não.
“Bất chấp hoặc có lẽ do sự gắn bó với bản năng, mẫu tượng phản ánh yếu tố xác thực của tinh thần, một tinh thần (Spirit) không bị đồng nhất với trí tuệ con người, bởi vì mẫu tượng là Spiritus Rector (giám sát tinh thần) của trí tuệ”. Jung Tổng Tập, Tập 8, đoạn 406
Cổ mẫu “là những cấu trúc tâm thần biến đổi luôn hướng ngược trở lại một hình thức cơ bản “không thể phản ánh được”” về bản chất. Tất cả những hình thức thông tin có tính cổ mẫu đều xuất phát từ một nguồn duy nhất, một thực thể vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người mà Jung dùng thuật ngữ tự ngã (hay toàn thức) (The Self). Hình thức cơ bản này “được đặc trưng bởi những yếu tố hình thức nhất định và bởi những ý nghĩa căn bản nhất định, mặc dù chúng chỉ có thể được hiểu biết tương đối”. Jung Tổng Tập, Tập 8, đoạn 408

Tinh thần (Spirit).

Bản năng mất sự kiểm soát đối với tâm thần ở một điểm nhất định, những nhân tố khác bắt đầu kiểm soát và định hướng nó. Những nhân tố này Jung gọi là “tinh thần”, dịch từ tiếng Đức “geistlich”. Chúng có thể hoạt động giống như các bản năng, theo nghĩa chúng kêu gọi ý chí hoạt động và thậm chí chúng có thể làm cho cơ thể tiết ra hormone.
Ảnh: Jungcurrents.com
Ảnh: Jungcurrents.com
Sự khác biệt giữa tinh thần và trí tuệ dễ bị nhầm lẫn, do vậy Jung cố gắng khẳng định rõ ràng rằng ông không nói về chức năng tư duy mà về spiritus rector (hướng dẫn tinh thần) định hướng bản ngã và những chức năng của nó. Bị chi phối bởi một cổ mẫu, chức năng suy nghĩ của một người có thể dùng để duy lí hóa những ý tưởng cổ mẫu và nhận thức nó thấu đáo. Một người thậm chí có thể trở thành một nhà thần học! Khi bị chi phối bởi các ý tưởng cổ mẫu, các nhà thần học sẽ đưa ra những lập luận chi tiết nhằm hòa nhập những ảo ảnh và ý tưởng cổ mẫu vào khuôn khổ văn hóa. Nhưng đó không phải là chức năng tư duy đã chi phối và thúc đẩy những nỗ lực đó của họ mà đúng hơn đó là yếu tố ảo ảnh có nguồn gốc về mặt cổ mẫu trong “nous” đã định hướng chức năng tư duy.
“Tinh thần, giống như Thiên Chúa, biểu thị một đối tượng của kinh nghiệm tâm thần mà không thể chứng minh là tồn tại trong thế giới bên ngoài và không thể được hiểu dưới một cách lý tính. Đây là ý nghĩa của nó nếu chúng ta dùng từ 'tinh thần' theo nghĩa đúng nhất. Khi mà chúng ta đã giải phóng bản thân khỏi các định kiến cố hữu, ta cũng phải đề cập đến các khái niệm về kinh nghiệm ở bờ bên kia hay là các tri thức tiên nghiệm, lúc đó chúng ta mới có thể chuyển toàn bộ sự chú ý và tò mò sang một vùng lạ kỳ chưa biết mà ta gọi là tinh thần.” Spirit and Life - Collected Works 8, Paragraph 626.
Lí thuyết cổ mẫu khiến bản đồ tâm thần của Jung có tính Plato nhưng sự khác biệt giữa ông và Plato là ở chỗ Jung nghiên cứu “ý niệm” như là những yếu tố tâm lí học chứ không phải là những hình thức vĩnh cửu hay sự trừu tượng.
Cấu trúc và năng lực của mẫu tượng nơi con người có tính đa phương và đa tầng, vượt hẳn lên trên ba chiều không gian và thời gian vật lý để đi đến những chiều siêu cá nhân (trans-personal), siêu tâm linh (trans-mental).
“Mục tiêu tinh thần hướng tới là bản chất tổng thể mà mọi con người cố gắng đạt tới; nó là biển nơi tất cả các con sông đổ về, là phần thưởng mà người anh hùng đạt được từ cuộc đấu tranh với quỷ dữ”
Jung, Toàn Tập, Tập 8, đoạn 406.