10 phút để trở thành nghệ nhân chém gió.
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây: Chém gió hay còn gọi là trảm phong binh pháp vốn là một thứ...
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:
Chém gió hay còn gọi là trảm phong binh pháp vốn là một thứ nghệ thuật rất kén người chơi. Nhưng cỡ một thập kỉ trước, với sự phát triển vũ bão của internet, cụm từ chém gió bắt đầu lan tràn một cách tùy tiện trong ngôn ngữ hàng ngày của cư dân mạng. Bởi ít ai tìm hiểu cho rõ ngọn ngành, nên càng ngày tôi càng nhận ra sự cần thiết của một cuốn trảm phong binh pháp thực sự. Xin lỗi vì đây không phải cuốn sách cổ bí truyền nhiều đời như các bạn nghĩ, càng không phải của ông cha ta. Trò này tôi học của bọn Tây, giờ cố truyền tải lại bằng tiếng Việt thôi.
Tại sao lại là gió ? Gió cũng giống như một cuộc hội thoại, là thứ không để riêng ai cảm nhận, nhưng lại luôn để lại cảm nhận riêng cho bất cứ ai. Các bạn mở mồm ra nói ba thứ chuyện tầm phào, ấy không thể gọi là chém gió. Hầu hết các bạn không đi trà chanh “chém gió” mà chỉ là trà chanh “góp gió”. Nghệ sĩ chém gió phải là người có thân thể cường tráng và trí tuệ thâm sâu, phá tan cái vỏ tầm phào của câu chuyện bằng lưỡi kiếm ngôn từ. Chàng là người duy nhất có thể lôi ra những tầng nghĩa và cách hiểu mới cho câu chuyện. Chàng có thể nhẹ nhàng vỗ vào mặt bạn bằng sự châm biến, nhưng đôi khi thô bạo đập vào mặt bạn những lí lẽ đanh thép. Vì thế nên nghệ sĩ chân chính quả rất hiếm. Ở Việt Nam càng hiếm.
Nhưng cuối cùng tôi đã tìm được. Nếu chém gió là bộ môn Olympic và tôi là giám khảo, xin trao đồng huy chương vàng cho nghệ nhân Tuấn Saker và giáo sư Cù Trọng Xoay. Đứng thứ nhì tạm thời có thể là Hải Dớ của Trắng TV (chưa chắc lắm). Họ, dù mang những màu sắc hết sức khác biệt, Tuấn Saker với màu sắc sặc sỡ lấy cảm hứng từ những tab LSD, Cù Trọng Xoay với màu sắc nho nhã bác học hay Hải Dớ với màu sắc trưởng thành của người đã kết hôn, nhưng đều có khả năng vật nhau với ý nghĩ của khán giả theo những ngón không ngờ nổi. Vậy nên bạn có thể không thích phong cách của những cái tên tôi vừa nêu, tôi cá bạn vẫn sẽ cười nếu nhắm mắt nghe họ.
Lí do tôi dám bố láo đến độ làm giám khảo cho những nghệ nhân trên, vì tôi có học qua bộ môn Improv Comedy. Hiểu nôm na, trong buổi diễn improv, một hay nhiều nghệ sĩ trên sân khấu sẽ nhận mọi gợi ý từ khán giả và tung hứng thành một câu chuyện, mục đích chọc cười họ. Đây là thứ gần nhất với bộ môn trảm phong của người Việt, được mấy bác Tây lông đưa lên thành một nghệ thuật và thậm chí được khoa học nhìn nhận cực kì nghiêm túc. Hôm trước tôi đã với các bạn sẽ viết một bài về những kĩ thuật comedy để áp dụng trong hội thoại. Nhưng bản chất của comedy cũng chỉ là hội thoại (tôi sẽ giải thích dịp khác), vậy sao không lấy luôn talkshow của Việt Nam phân tích cho dễ. Sau những giờ đồng hồ ngồi xem Hỏi xoáy đáp xoay và Trắng News, xin gửi tới các bạn một nỗ lực khái quát nhất về những kĩ thuật giúp các bạn tiến bộ trong bộ môn này. Lưu ý lại, trong khuôn khổ bài viết tôi chỉ nhắc tới mục đích chọc cười chứ không phải tranh luận hay bán hàng đa cấp.
Gọi đây là bộ môn vì tôi coi nó không khác gì cầm kì thi họa, tức phải có luyện tập. Có điều nếu việc bạn vẽ hay hát sai lúc luyện tập là một nét văn hóa, thì bạn chém gió sai lại là một thảm họa. Nó gọi là đùa ngu. Quá trình tập luyện thường đồng nghĩa với việc bạn phải nói nhiều hơn, tức là khả năng bạn đùa ngu cao hơn. Khoảng thời gian này, nhiều người chuyển từ nhạt sang vô duyên hay thô lỗ, hay tệ hơn là cả ba. Họ thử nói đùa nhiều, nhưng khi không thành công, họ lại chui ngay vào chiếc vỏ ốc để khỏi phải nhận thêm tổn thương. Thế nên dưới đây là ba qui tắc để tránh cái bẫy “đùa ngu”.
1- Khi nói đùa trong những bối cảnh nghiêm trang hay đau buồn, điển hình là đám ma. Ngoài nơi đó, gần như óc hài hước đều có ít nhiều tác dụng trong giao tiếp. Khi sử dụng quen bạn cũng có thể tự cảm nhận điều này
2- Khi câu đùa của bạn công kích đến những đối tượng gần. Gần là gì? Gần bao gồm thời gian, vị trí vật lí, mức độ thân thuộc. Bạn thấy cả Việt Nam phản ứng ra sao trước trò đùa của Dan Hauer rồi chứ gì. Tại vì câu đùa đó đi ngược lại mọi nguyên tắc trên.
Thử nghĩ như sau:
Liệu các bạn có tức giận nếu như tướng Giáp là nhân vật mất cách đây vài trăm năm thay vì mới có 5 năm? Ấy là thời gian.
Liệu các bạn có tức giận nếu như thằng Dan ngồi ở Mỹ chứ không tới Việt Nam dạy tiếng anh ? Ấy là vị trí.
Liệu các bạn có tức giận nếu tướng Giáp không được truyền thông ca tụng, ít xuất hiện trên sách vở báo đài? Ấy là mức độ thân thuộc
3- Khi câu đùa của bạn công kích vào những điều con người khó thay đổi. Một lần trong giờ học văn, hình như là bài Muốn làm thằng cuội của Tản Đà cấp 2, tôi nói cô bạn cạnh tôi trông như trăng rằm. Cổ hỏi tại sao, tôi bảo vì mặt cổ lỗ chỗ như bề mặt trăng. Ai xung quanh cũng cười, riêng cổ thì không. Trò đùa năm lớp 8 ấy rất bố láo, vì làn da ở cái tuổi này thường bị những dòng hormone phun trào như nham thạch tàn phá. Thay đổi điều này đâu dễ, nên xin phép gửi lời xin lỗi dù muộn tới cô bạn tôi. Những chủ đề nên hạn chế công kích khi đùa là quê quán, họ tên, giới tính, quan điểm chính trị, ngoại hình, quần áo đang mặc… Tôi không nói là không được phép, nhưng phải thật khéo với thật đúng đối tượng, nếu không muốn nhận kết cục như Dan Hauer
Tôi hơi xấu hổ khi chia sẻ câu chuyện riêng tư. Vì tôi tin ai cũng đã từng đùa ngu trong quá khứ, nhiều khi không chỉ bạn bè chê nhạt mà người ta còn đánh đuổi. Nhưng những điều trong quá khứ không nhất thiết phải lấy đi của bạn óc hài hước ở tương lai. Dưới đây là một kĩ thuật tôi cóp nhặt được trong các bộ môn comedy khác nhau gửi tới các bạn
KĨ THUẬT YES, AND
Lí do tôi đặt lên đầu tiên vì đây không chỉ là kĩ thuật chính yếu nhất trong improv comedy, nó còn là mindset phải có khi chém gió. Yes tượng trưng cho sự lắng nghe và tiếp nhận, còn And tượng trưng cho sự bồi đắp vào ý tưởng. Nếu bạn muốn hiểu kĩ hơn thì có thể xem clip
Yes, and vốn chỉ là hai từ câu giờ trong improv, nhưng đằng sau đó là câu hỏi mà mọi nghệ sĩ luôn phải tự trả lời thật nhanh trong óc “If this is true, what else is true ?” (Xin giữ tiếng anh cho đúng kĩ thuật). Có rất nhiều cách viết khác nhau về kĩ thuật này trên mạng, nhưng mình tâm đắc nhất khi nhận được lời khuyên của ngài Steve Roye, về cơ bản đó là tư duy 3 bước
Bước 1: Tưởng tượng ra MỌI đặc tính ở mọi khía cạnh của sự vật được nhắc tới trong câu đối thoại. (Kích thước, hình dáng, tên gọi, màu sắc, công dụng,….) Áp dụng nhiều góc nhìn khác nhau với 1 sự vậtBước 2: Tìm những vật có đặc tính tương tự. Đặt ra câu hỏi: Nếu điều này đúng, điều gì khác cũng đúng.Bước 3: Liên tục đặt cho tới khi tìm được điều bất hợp lí, trái với luân thường xã hội.
Sau đây mình xin trích một đoạn hội thoại rất ngắn trong chương trình Hỏi xoáy đáp xoay để các bạn dễ hình dung, chứ nói như trên chưa đủ.
“ Xuân Bắc (Đọc câu hỏi): Thưa giáo sư, gần đây em được biết chú tê giác Java vừa bị chết, nguyên nhân do săn bắn trộm. Em cũng được biết giáo sư là một loài động vật bậc cao quí hiếm. Em vừa vận động các bạn trong hội những người phát cuồng vì giáo sư Xoay, đưa giáo sư vào sách đỏ để mọi người ra sức bảo vệ và nhân giống.XB: thưa các bạn, có thể bảo vệ thì được nhưng nhân giống phụ thuộc hoàn toàn vào giáo sư.XB: Tê giác Java là giống loài quí hiếm, giáo sư cũng tự nhận mình là động vật bậc cao quí hiếm, vậy tại sao giáo sư không thích nằm chung sách đỏ với tê giác?GSX (…) Đưa tôi vào sách đỏ thì tôi kịch liệt phản đối, tại vì tôi không thích bị săn bắn và ngâm rượu.
Để tôi thử hack vào não Đinh Tiến Dũng xem tư duy ba bước có thể áp dụng thế nào để viết ra kịch bản. Tất nhiên có thể anh Dũng chưa nghe tên phương pháp này, nhưng anh cũng không cần nghe vì trò này in sâu trong não ảnh rồi.
Đề bài: Chú tê giác Java vừa bị chết và cần đưa vào sách đỏ (cái này có lẽ là 1 thông tin random trên báo)
Bước 1: Tưởng tượng ra tất cả đặc tính của chú tê giác Java: to, có sừng, đen, là động vật quí hiếm, nằm sách đỏ,…Ở bước này bạn càng áp dụng nhiều góc nhìn xã hội vào, thì càng có nhiều đặc tính của loài tê giác. Vd như từ góc nhìn người ăn nhậu, tê giác là một món ngâm rượu. Nhìn từ góc độ nhà khoa học, tê giác là một loài cần nhân giống.
Bước 2: Tìm sự vật có ít nhất cùng 1 đặc tính như tê giác. Ví dụ: con người, con hổ, con gấu,… là động vật quí hiếm như tê giác. Ở bước này bạn phải liên tục đặt câu hỏi “Nếu điều này đúng, điều gì cũng đúng”
Ví dụ: Nếu tê giác và hổ cũng là động vật quí hiếm, thì tê giác nằm trong sách đỏ => hổ cũng phải nằm trong sách đỏ (mệnh đề 1)
Nếu tê giác và người cùng là động vật quí hiếm, thì tê giác nằm trong sách đỏ => người nằm trong sách đỏ (mệnh đề 2)
Bước 3: Tìm ra điều trái với luân thường xã hội
Với cách đặt câu hỏi ở bước 2, bạn có thể suy ra được 2 mệnh đề như trên. Tuy nhiên chỉ có mệnh đề thứ 2 trái với luân thường xã hội, vì không ai đưa người vào sách đỏ cả.
Vừa rồi là các bước tư duy để nghĩ ra lời thoại trong kịch bản. Tôi hiểu là phức tạp, nhưng đã đọc đến đây mà không thử thì tốn mất 10p cuộc đời. Chỉ cần 1-2 tuần luyện tập bạn có thể sử dụng nó thành thục trong não. Cách luyện tập tốt nhất là nhắn tin hay inbox, vì khi ấy bạn ở một mình và có nhiều thời gian nghĩ hơn. Nếu nhanh hơn thì có thể trò chuyện với bạn thân. Ai vốn là người hiểu biết nhiều, chỉ dẫn của tôi sẽ nhanh chóng biến bạn thành người mặn nhất trong cuộc trò chuyện
Tôi xin dọn cơm, sợ các bạn nghẹn. Các bạn ăn ngon thì nhớ upvote để xem có đáng bỏ công viết tiếp không. Nếu có thì bài sau sẽ mang tính kĩ thuật nhiều hơn hi.
.
.
.
Bonus một số ví dụ nữa về tư duy ba bước trong đoạn hội thoại ngắn như trên.
Nếu tê giác và giáo sư cùng nằm trong sách đỏ, thì tê giác cần bảo vệ và nhân giống => giáo sư cần bảo vệ và nhân giống (bất hợp lí vì loài người sinh sản qua hôn nhân chứ không phải nhân giống)
Nếu tê giác và giáo sư cùng nằm trong sách đỏ, thì tê giác dễ bị săn bắn và ngâm rượu => giáo sư cũng dễ bị săn bắn và ngâm rượu (khỏi phân tích tại sao bất hợp lí nhé)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất