Hàn Mặc Tử đã đặt tên bài thơ của mình như vậy, như Phan Việt đặt tên sách của mình là Nước Mỹ, nước Mỹ. Sự trìu mến trong việc gọi tên là thứ tôi chưa từng thấy trong đời thực; tôi chưa bao giờ thấy ai gọi tên nhau hai lần, trừ trường hợp đang gọi zalo mà mạng yếu. Chưa từng một ai gọi “Tuân ơi! Tuân ơi!”. Thời buổi này đứa nào mà nói câu đó thì nghe muốn cảm lạnh. Thế nên đọc những câu thoại trong Tuấn, chàng trai nước Việt, hay Nửa chừng xuân, hay thậm chí gần hơn, Vòng tay học trò, tôi đều thấy có vẻ không thực. Nếu như đó là cách mà con người ta đã từng nói năng, hành xử, thì quả thật xã hội Việt Nam đã thay đổi nhiều, nói như Nguyễn Vỹ, là không còn phong độ thanh cao khương kiện nữa. Hoặc, tôi quá cynical nên đã tiêu diệt cái thực hành đó, dẫu rằng thỉnh thoảng trong những dòng viết của mình, tôi vẫn bất giác dùng lại những khuôn sáo ngày xưa. 
Phan Thiết với tôi, trừ những kỷ niệm cringey hơn mười năm trước, vốn đã phai mờ cùng những cảm xúc tuổi dậy thì, giờ đây không gì hơn một thành phố vừa vặn để sống. Không quá náo nhiệt cũng không quá vắng lặng. Sự chừng mực đó của thành phố đôi khi làm tôi thầm thán phục sự thức thời của bản thân vì đã có một lựa chọn không tồi một năm về trước. Nhưng ở đây, theo hiểu biết của tôi, vẫn thiếu vắng một nét thơ mộng chững chạc, của một kệ sách hay một bàn cờ tướng. Thành phố này vẫn còn vẻ thôn dã, lôi thôi, nhưng chính điểm này lại làm nó nhiều màu sắc và những món ăn. 
Phú Thủy, Phú Hài, Thanh Hải, Phong Nẫm, hay Hàm Tiến, nghe đến lần đầu ai cũng vô tri như một đứa không đọc bước vào cửa hàng sách cũ. Hiểu về một thành phố là khi mình bắt đầu có một cảm thức về các khu vực và các hướng. Khu vực gần Ngã Bảy với các hội quán, đền miếu, tiệm ăn về đêm, những kiểu nhà có kính bát quái hay bùa trước cửa, và tên đường làm tôi nhớ lại cảm giác lúc đi các con đường ở khu vực chợ Bình Tây. Cũng như tôi đã nhầm lẫn hướng đi Học Lạc hay Phùng Hưng, tôi cũng không nhớ đường đến một quán phở, một quán lẩu cá, hay một tiệm bánh mì khuya từng mua. Thế mới thấy ảnh hưởng của người Hoa ở nước ta thật sâu đậm. Thời Ngô Đình Diệm, thậm chí từ trước đó, đất Phan Thiết hình như đã là một nơi trù phú lắm. Cái tháp nước biểu tượng của thành phố chẳng phải đã xây từ trước năm 1945, như một biểu tượng của tình hữu nghị Việt Lào trong khối Đông Dương? Ông Diệm cũng từng được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng tỉnh Bình Thuận. Cũng đâu ngẫu nhiên mà chàng trai Nguyễn Trọng Trí, cũng như N.A.Q. đã đến đây một thời gian. Cái thương hiệu nước mắm Liên Thành của Phan Châu Trinh cùng các chí sĩ yêu nước miền Trung thời ấy cũng khởi nguồn từ nơi đây. Hình như sở dĩ N.A.Q. đến đây dạy học cũng là vì có liên quan đến tổ chức của Phan Châu Trinh. Tất nhiên giờ đây người ta không hiểu hết những thâm sâu phức tạp của lịch sử ngày xưa; có một tay còn viết hẳn một cuốn sách để chứng minh nhóm Ngũ Long chỉ là bịa tạc. Tôi từng cố tìm kiếm một mối liên hệ nào với Hàn Mặc Tử, như tôi đã từng thử tìm lại một số vị trí liên quan đến Hồ Hữu Tường khi đi Cái Răng và Nguyễn Vỹ cùng Nguyễn Tường Tam khi đi Đà Lạt, bằng cách ghé vào quán bánh flan Mộng Cầm. Và thật sự chẳng có gì ở đó cả. Tiền bất kiến cố nhân, hậu bất kiến lai giả, nghĩ trời đất vô cùng, một mình tuôn giọt lệ.
Phải chăng chính vì Phan Thiết từng có một mối lương duyên bền chặt với “phía bên kia”, nên ta mới có vụ việc như vậy vào năm 2018? Tôi không rõ. Chỉ biết sếp tôi là một người thực tế và ghét những trò lợi ích nhóm. Dẫu rằng ông ấy không thực sự quan tâm đến lịch sử, ông ấy có một cái đầu phân định đúng sai rõ ràng. Tỉnh Bình Thuận ngày xưa kỳ thi học sinh giỏi mà tôi từng tham gia gọi là kỳ thi Mười chín tháng Tư, hiển nhiên để kỷ niệm cái ngày vùng đất này đổi màu cờ. Tư liệu để lại cho tôi ấn tượng nhiều nhất về sự kiện ấy là lời kể của một người về lần gặp nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn sau ngày mười chín tháng tư. Ông Nguyễn Bắc Sơn có một số phận khá oan nghiệt khi cầm súng bắn cha mình bên kia chiến tuyến. Thế nên với Nguyễn Bắc Sơn xem chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi, suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí. Ông ấy kể đúng sáng ngày mười chín, trường Phan Bội Châu ở thị xã Phan Thiết đã tổ chức mít tinh để đón chào ủy ban quân quản (tình tiết này làm tôi nhớ đến những đoạn đầy cay đắng dở khóc dở cười trong Một khoảnh Việt Nam Cộng Hòa nối dài của Tạ Chí Đại Trường). Ông Nguyễn Bắc Sơn đi lên khán đài nói rằng: “Tôi rất cảm ơn cách mạng vì từ đây tôi không tốn một cắc hối lộ nào cũng có thể cởi bỏ bộ quân phục này. Thứ hai là từ nay tôi sẽ được nói cái điều tôi nghĩ. Và thứ ba là tôi sẽ được làm cái điều tôi nói”. Tôi không biết Nguyễn Bắc Sơn ở đâu, nhưng có đôi khi đi dạo trên đồi dương về đêm, tôi lại nhớ một vài câu thơ của ông, như cái câu về nhân vật trữ tình gào lên trước biển trong bài Những năm tâm hồn còn trữ tình điên mê vì thi ca và triết học, hay là Những điều cần nói khi thôi học 1963. Nguyễn Bắc Sơn thực sự đã bỏ học chỉ vì các giáo sư đã không giải đáp được cho ông ý nghĩa cuộc đời là gì ư? Nghe quả là một bài thơ còn nhiều bồng bột trẻ tuổi. Mãi sau này khi ông viết Một ngày nhàn rỗi, tôi mới thấy ông thật sự già:
Về đâu, đâu cũng là đâu đó Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ
Tôi đi giữa đường phố Phan Thiết, thành phố không có lấy một người bạn, ngoài những người đồng nghiệp, cũng như tôi đi giữa những chồng chéo các ngả rẽ cuộc đời của bạn bè quanh tôi ở tuổi ba mươi. Việc tôi ở đây hay ở đâu đến lúc này thực cũng không quan trọng nữa.