Đây là một câu hỏi khó. Trong nhiều trường hợp, rất khó. Nếu như tôi nói chuyện với một người chuyên dịch sách, phần lớn thời gian tôi sẽ nghe được cái thuật ngữ có tên gọi là “dịch có hồn” đi kèm với hàng tỷ (không, không phải theo nghĩa đen) thứ kỹ thuật liên quan thuần túy đến ngôn ngữ  như: chuyển ngữ thế nào cho “đẹp”, dịch thành ngữ làm sao cho “hay”, từ này phải dịch sang thế nào cho “chuẩn”. Tôi đồng ý với những thứ này. Ở đây giọng điệu có thể có chút mỉa mai, nhưng thực sự là tôi đồng ý với những thứ này. Có điều câu hỏi tiếp theo là câu hỏi mà phần lớn những người chuyên dịch sách không đem lại cho tôi câu trả lời hài lòng:
  • Vậy, thế nào là “đẹp”, “hay”, “chuẩn”?
Nếu như bạn là một dịch giả thành danh và yêu văn học nghệ thuật, thì khả năng cao những thứ “đẹp”, “hay”, “chuẩn” này đã ăn vào máu rồi. Bản dịch của bạn đã được công chúng đón chào nồng nhiệt đi kèm với một điều rất quan trọng là bạn đã kiếm được nhiều tiền rồi. Nhưng nếu giả sử bạn, với những định nghĩa về “đẹp”, “hay”, “chuẩn” đó ngồi với một dịch giả thành danh không kém bạn, với những định nghĩa về “đẹp”, “hay”, “chuẩn” khác, liệu hai bạn có thể nói chuyện với nhau mà không bao giờ xỉa xói nhau hay không? Tôi xin để câu trả lời này cho các bạn yêu văn học nghệ thuật trả lời.
Tiếp theo, đối với những người mới bước vào nghề dịch, họ có thể học được gì từ những thứ định nghĩa “đẹp”, “hay”, “chuẩn” đó? Ở đây là trong trường hợp họ không có tố chất và sự hấp dẫn tự nhiên của những dịch giả thành danh. Khi đó thì đôi khi vấn đề chỉ đơn giản là họ đang muốn tìm kiếm một con đường có định hướng rõ ràng cho mình trong ngành dịch. Vậy thì họ phải làm gì? Đi dịch báo online? Rồi sau đó lại đi dịch sách? Rồi một ngày đẹp trời trên mạng có bình luận nào đó nói rằng bản dịch của họ là một bản dịch có chất lượng tồi? Rồi họ sẽ nghi ngờ bản thân và đi ra cầu Long Biên? Trước khi đi ra cầu Long Biên thì hãy đọc thử bài này đã nhé.
"If you cannot measure it, you cannot improve it." 
- Lord William Thomson Kelvin (1824-1907)
Tạm dịch:
“Nếu như bạn không thể đo lường, bạn sẽ không thể cải thiện được.”
Vậy làm thế nào để một dịch giả đo lường chất lượng công việc của mình, biết mình đang ở đâu để tìm cách cải thiện? Thông thường, câu trả lời là “theo tiêu chuẩn đo lường của khách hàng”. Nhưng tiêu chuẩn đo lường của khách hàng sẽ như thế nào?
Ngôn ngữ là một phương diện khó đo lường, bởi ngôn ngữ có tính ngữ dụng. Nói một cách nôm na thì “kẻ nói vô tình còn người nghe thì hữu ý”. Nhưng ngôn ngữ cũng có rất nhiều quy chuẩn, quy chuẩn về ngữ pháp, ngữ âm, cú pháp, và đôi khi là cả nghĩa. Vậy nên xây dựng công cụ đo lường cho ngôn ngữ là điều hoàn toàn có thể.
Đo lường luôn là một phần quan trọng trong ngành công nghiệp phần mềm, và khi ngành công nghiệp phần mềm kết hợp với ngành ngôn ngữ để ra ngành bản địa hóa, thì rất nhiều tiêu chuẩn của ngành phần mềm cũng được thay đổi để từ đó có thể đo lường được chất lượng đầu ra của sản phẩm đã bản địa hóa cũng như chất lượng dịch vụ của một nhà cung cấp dịch vụ/dịch giả trong ngành bản địa hóa. 
Phần tiếp theo của bài viết này, tôi sẽ giới thiệu một số yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng của ngành bản địa hóa cũng như cách thức để đo lường để những ai đã/đang/mong muốn làm trong ngành này có được một cái nhìn tổng quan hơn về mặt cải thiện chất lượng.
Xin lưu ý rằng bài viết này sẽ không đi sâu vào cách xây dựng các quy chuẩn như thế nào, bởi đấy là việc mà đến bây giờ tôi cũng mới chỉ biết… lý thuyết là chủ yếu chứ cũng không thực sự thực hành nhiều lắm. Tôi sẽ chỉ giới thiệu về một số quy chuẩn mà những người làm về ngành dịch thuật chuyên nghiệp sẽ gặp phải trong quá trình làm việc với các kiểu khách hàng khác nhau.
Khách hàng trong ngành bản địa hóa thường sử dụng đánh giá LQA (Linguistic Quality Assurance) để đánh giá chất lượng các bản dịch. Thông thường LQA sẽ được phản ánh thông qua một số tiêu chí chính sau (các tiêu chí này có thể thay đổi tùy thuộc vào khách hàng của bạn):
  • Error Rate: Tỷ lệ lỗi
  • Translation Quality Index: Chỉ số chất lượng dịch
  • Delivery: Có đúng deadline hay không

ERROR RATE (TỶ LỆ LỖI CHUNG)
  • Tỷ lệ lỗi được tính theo công thức sau:
ER = Total Error / Total Weighted Word count
(Tỷ lệ lỗi = Tổng số lỗi / *Số lượng từ theo trọng số)
Khái niệm Số lượng từ theo trọng số có thể được tìm thấy ở đây
  • Từ tỷ lệ lỗi, sẽ có bảng đánh giá chung ví dụ như sau:
Điểm
Tỷ lệ lỗi (%)
Định nghĩa về điểm
A
0~ 0.29
  • Rất ít lỗi
  • Người dịch không cần phải giải trình về quá trình dịch
B
0.30 ~ 0.50
  • Thi thoảng có lỗi
  • Bản dịch được chấp nhận
C
0.51 ~ 0.70
  • Thường xuyên có lỗi
  • Bản dịch được chấp nhận, nhưng cần phải cải thiện
D
0.71 ~ 1.3
  • Chất lượng bản dịch không tốt
  • Người dịch không đạt chất lượng
  • Người dịch cần phải giải trình về quá trình dịch, và phải đưa ra kế hoạch cải thiện
F
1.3 ~
  • Chất lượng bản dịch không chấp nhận được
  • Người dịch không đạt chất lượng
  • Người dịch cần phải giải trình về quá trình dịch, và phải đưa ra kế hoạch cải thiện
  • Người dịch sẽ bị phạt bồi thường chất lượng nếu như thường xuyên ở mức này

  • Ví dụ về tỷ lệ lỗi:
Nếu như bản dịch có 3000 từ (có trọng số), và bản bạn dịch có 20 lỗi, tỷ lệ lỗi sẽ là 0.6% và ở mức C. 
TRANSLATION QUALITY INDEX (CHỈ SỐ CHẤT LƯỢNG DỊCH)
  • Translation Quality Index (TQI) là phương pháp đánh giá chất lượng bản dịch bằng cách phân loại lỗi thành các nhóm khác nhau, đánh giá mức độ nghiêm trọng (severity) của các nhóm đó, và gán trọng số cho các nhóm. 
  • Nhóm các lỗi trong phương pháp đánh giá TQI thường bao gồm: 
1. Lỗi về độ chính xác:
 - Dịch sai
- Dịch thiếu 
- Thiếu chính xác
- Thiếu độ đồng nhất
- Typo/Chính tả
2. Lỗi về ngôn ngữ và phong cách
- Ngữ pháp/Cú pháp
- Thứ tự của từ
- Diễn đạt
- Phân biệt đối xử
- Hướng dẫn về phong cách từ khách hàng
- Tiêu chuẩn quốc gia
3. Lỗi về thuật ngữ chuyên ngành
- Sai nghĩa
- Sai tiêu chuẩn ngành
- Thiếu chính xác, nhầm lẫn
- Không đồng nhất về thuật ngữ
  • Đối với mỗi lỗi sẽ có các mức độ nghiêm trọng khác nhau, ví dụ:
Mức độ nghiêm trọng
Điểm trừ
Định nghĩa
Nghiêm trọng
10
Các lỗi không chấp nhận được về mặt kỹ thuật dịch thuật như: dịch hoàn toàn sai, thay đổi nghĩa của văn bản gốc
Lớn
5
Lỗi không gây ảnh hưởng về nghĩa, nhưng không theo tiêu chuẩn về phong cách, thuật ngữ, tính đồng nhất
Nhỏ
1
Các lỗi về kỹ thuật nhỏ như bị hai dấu cách, sai dấu phẩy…

  • Công thức tính điểm TQI:
TQI = 100 - Weighted Error Rate
Trong đó:
Weighted Error Rate = [Minor +(Major ×Multiplier Major) + (Critical ×Multiplier critical)] / Weighted Word count
(Tỷ lệ lỗi có trọng số = {Nhỏ + (Lớn x Trọng số Lớn) + (Nghiêm trọng x Trọng số Nghiêm trọng}/ Tổng số từ (có trọng số)
* Ở đây, Nhỏ = Số lượng lỗi nhỏ, Lớn = Số lượng lỗi lớn, Nghiêm trọng = Số lượng lỗi nghiêm trọng
Từ đó sẽ có bảng đánh giá cụ thể giống như bảng đánh giá chung.
Và thông thường, bản dịch tốt về mặt chất lượng nói chung là những bản có điểm TQI >= 96%. Một số khách hàng rất khắt khe sẽ đòi hỏi phải có TQI >=98%
DELIVERY (CÓ ĐÚNG DEALINE HAY KHÔNG)
  • Công thức tính điểm Delivery:
Delivery = Total Delayed Deliveries / Total Assigned Projects
(Bằng Tổng số giao sai hẹn/Tổng số dự án được giao)
Sau khi có được 3 chỉ số trên, các bạn sẽ được khách hàng đánh giá chung, kiểu như sau: 
ER = x%
TQI = y%
Delivery = z%
Đi kèm với một đống nhận xét, đại loại là cần đã làm tốt cái này cái kia, chưa tốt cái này cái kia, có những lỗi này nhiều, nên thay đổi. Nên giao sản phẩm đúng hạn hơn, v.v và v.v...
Tôi hi vọng các bạn đã hình dung được, bản dịch tốt là bản dịch thế nào theo một cách cụ thể hơn. Có thể đọc xong bài này các bạn vẫn lờ mờ, nhưng khi đi vào dự án cụ thể thì các bạn sẽ cần những kiến thức này. Hoặc tôi có thể làm một dự án dạng thử nghiệm ngay trên này cho những ai muốn tìm hiểu tham gia.
Các bài khác cùng chủ đề: