Gần đây tôi đọc được một chủ đề khá thú vị, đó là so sánh giữa Sherlock Holmes và Edogawa Conan, tác giả Conan Doyle sẽ thích ai hơn? Nguyên văn tiêu đề bài viết là POV: GIỮA EDOGAWA CONAN VÀ SHERLOCK HOLMES, ARTHUR CONAN DOYLE THÍCH AI HƠN? của fanpage Phuc Minh Books. Xin phép sử dụng cho tiêu đề bài viết này luôn. Chả biết bài viết ké fame hay chỉ đưa ra một chủ đề cho người khác bàn luận, trong khi lại đưa 2 truyện so sánh với nhau. Sự so sánh khập khiễng này ai cũng nhận thấy, nhưng khi đọc hoàn thiện bài, mình cảm thấy có lẽ đó là một cách nhìn nhận và tưởng tượng khác người, không đúng nhưng chẳng có gì sai. Cùng tôi cảm nhân nhé.
Edogawa Conan/ Kudo Shinichi - Sir Arthur Conan Doyle - Sherlock Holmes
Edogawa Conan/ Kudo Shinichi - Sir Arthur Conan Doyle - Sherlock Holmes

Bài viết gốc

"Phuc Minh đã từng hỏi: Bạn biết Conan qua đâu, phần đông nhiều người trả lời sẽ là về bộ truyện Thám tử lừng danh Conan. Nguồn gốc của cái tên Conan từ nhà văn trinh thám đại tài Conan Doyle.
Edogawa Conan là cái tên giả do Kudo Shinichi bị teo nhỏ bịa ra, dựa vào họ của 2 cái tên Edogawa Ranpo Sir Arthur Conan Doyle. Edogawa Ranpo là tiểu thuyết gia trinh thám Nhật Bản với nhân vật nổi tiếng Akechi Kogoro. Tác giả Arthur Conan Doyle là cha đẻ của nhân vật Sherlock Holmes - vị thám tử nổi tiếng nhất thế giới. Trong Thám tử lừng danh Conan, Sherlock Holmes là thần tượng của Kudo Shinichi, những chi tiết và những vụ án của Sherlock cũng được lồng ghép khéo léo trong series này.
Sherlock Holmes là nhân vật chính được cho là thám tử vi đại nhất thế giới. Holmes xuất hiện trong 4 tiểu thuyết và 56 truyện ngắn của Arthur Conan Doyle, phá giải hàng trăm vụ án khác nhau. Đứng trước bất cứ vụ án nào, Holmes thường bắt đầu với sự quan sát tỉ mỉ, từng chi tiết, sau đó vận dụng chúng để lập luận, kết nối thành một mạch logic hoàn chỉnh. Vị thám tử với tẩu thuốc được ghi nhận là nhân vật hư cấu có số lượng phim chuyển thể lớn nhất thế giới. Điều đó chứng minh sự nổi tiếng và sự yêu mến từ độc giả khắp nơi trên thế giới của Holmes. Tuy nhiên, có một sự thật là, Conan ghét chính đứa con do mình tạo ra. Ông đã “giết chết” nhân vật này trong 1 tập truyện đối đầu với kẻ thù. Sau cùng, do áp lực từ dư luận và fan của Holmes, ông hồi sinh nhân vật này. Cái tên Sherlock Holmes được người ta biết đến, nhớ đến nhiều hơn là tên tác giả Arthur Conan Doyle.Tất cả những ai yêu thích truyện trinh thám phần đông từ lứa tuổi thiếu niên và bắt đầu từ thám tử học sinh Conan. Sau đó khám phá đến cái tên, đến tác giả Conan Doyle và biết Sherlock Holmes với dung lượng các vụ án lớn, rắc rối và khó nhằn hơn. Nếu có một pov, liệu rằng tác giả Conan Doyle có bắt tay với Edogawa Conan, cảm ơn nhóc thám tử này đã đem cái tên của ông được nhiều người biết đến hơn là “đứa con” còn nổi tiếng hơn chính ông không? Nhưng có một điều khá chắc rằng, Conan Doyle sẽ yêu thích nhóc thám tử Conan hơn là Sherlock Holmes của ông."

Đánh giá về hình thức cách viết content

Dù có ké fame những nhân vật nổi tiếng hay làm một chủ đề tranh luận, hoặc như tôi tìm hiểu sâu là page sắp xuất bản một cuốn sách của Conan Doyle, thì cách lập dàn ý cho bài viết khá chắc tay. Câu hỏi mở rằng “Bạn viết Conan như thế nào?” trong khi quả thật lượng tương tác của page đa số là fan trinh thám trước đó là trả lời liên quan đến Thám tử lừng danh Conan. Tác giả dùng từ “phần đông”, không phải ý chỉ tất cả, một cách khẳng định khá an toàn.
Bình luận ở khảo sát "Bạn biết đến Conan như thế nào?"
Bình luận ở khảo sát "Bạn biết đến Conan như thế nào?"
Tiếp đến là giới thiệu về nhân vật và những cái tên. Đó là giới thiệu Thám tử lừng danh Conan là ai? Nhân vật Sherlock Holmes và cha đẻ của nhân vật này. Nhưng nên để phần giới thiệu về tác giả Conan Doyle và Sherlock Holmes lên trước mới đúng trình tự. 
Tiếp đến là lập luận về thích ai hơn? Đưa ra dẫn chứng về việc tác giả Conan Doyle ghét nhân vật Sherlock Holmes. Và đưa ra câu rằng "Conan Doyle bắt tay cảm ơn đứa nhóc Conan vì đã đưa tên tuổi của ông được nhiều người biết đến". Điều này quả thật ngớ ngẩn. Nhưng cái luận điểm ông ghét “đứa con” Sherlock Holmes đã khiến tôi phải tìm hiểu thật kỹ và suy nghĩ lại. Ừ thì ghét thì chính là không thích, đương nhiên việc ông Conan Doyle thích ai hơn khi đây là câu hỏi lựa chọn thì ông ý thích nhóc Edogawa Conan hơn, thì không có gì sai cả.

Phân tích và mổ xẻ nội dung lập luận trong bài viết

Khi tôi hỏi bất kỳ bạn trẻ nào hoặc chính như em trai tôi rằng biết Conan như thế nào, thì tâm lý những người được hỏi quả thật sẽ nói về Thám tử lừng danh Conan, không phải nói về Conan Doyle. Không nói đến độ nổi tiếng của Conan Doyle và Sherlock Holmes trên toàn thế giới, thì chỉ tính ở thị trường sách Châu Á sẽ trả lời như thế, nhất là đối tượng khách hàng hiện nay là các bạn trẻ, đa số sẽ đọc Thám tử lừng danh Conan trước, do sự phù hợp với lứa tuổi là lượng kiến thức truyền tải qua truyện tranh. Đến lứa tuổi trưởng thành hơn, từ việc đọc truyện Conan mà ham mê trinh thám thì cây đại thụ trong giới này đương nhiên là Sherlock Holmes của Conan Doyle là không một ai không biết. Vấn đề này không phải đánh đồng so sánh sự nổi tiếng của 2 bộ truyện, mà là thị hiếu khán giả và độ tuổi đọc thể loại này mà thôi.
Fan trinh thám ở lứa tuổi trưởng thành luôn biết đến Sherlock Holmes, Conan Doyle, Edogawa Ranpo,... - những tên tuổi lớn trong làng trinh thám. Trong khi truyện tranh Conan - bộ truyện tranh dành cho lứa tuổi thiếu niên, lứa tuổi 13+, khi nhân vật chính có cái tên lấy cảm hứng từ tác giả Conan Doyle và Edogawa Ranpo. Tác giả Gosho Aoyama của bộ truyện này cũng là người yêu thích trinh thám và vẫn được sáng tác đến thời điểm hiện tại. Edogawa Conan là lớp thế hệ thám tử sau này noi gương những nhân vật tiền bối, đem những suy luận để bảo vệ công lý và truyền cảm hứng, niềm yêu thích trinh thám cho nhiều người hơn nữa.
Sherlock Holmes là thám tử nổi tiếng nhất thế giới. Điều này ai cũng công nhận. Bởi nhân vật này được khẳng định là có số lượng phim chuyển thể nhiều nhất thế giới. Nhưng lập luận Conan Doyle ghét nhân vật này là đúng, và đó là sự thật.  
Sherlock Holmes với những lần lên màn ảnh
Sherlock Holmes với những lần lên màn ảnh

Conan Doyle ghét Sherlock Holmes như thế nào?

Conan Doyle bắt đầu các cuộc phiêu lưu của Holmes dưới dạng các cuốn tiểu thuyết dài, khởi đầu là cuốn “A Study in Scarlet” sáng tác vào năm 1887. Tuy nhiên, ông không chú ý lắm tới thể loại truyện của mình. Ông muốn viết về lịch sử và coi nó quan trọng hơn nhiều so với tiểu thuyết trinh thám. Thực tế, ông không đánh giá cao nhân vật Holmes. Tuy nhiên, nhân vật này đưa ông đến đỉnh vinh quang và từ đó ông tiếp tục viết các câu truyện về Holmes, đó các câu truyện ngắn vì chúng sẽ rất đắt khách trong một thị trường toàn các tạp chí. Nhưng dần dần, Doyle cảm thấy mệt mỏi với nhân vật của mình. Ông viết các truyện ngắn mà tất cả mọi người đều thích, nhưng với ông thì chúng lại chẳng phải truyện ngắn. Vì để viết nên thành công các cuộc phiêu lưu của Holmes là công việc rất khó khăn. Ông phải tốn rất nhiều thời gian, công sức vào một câu truyện ngắn do cốt truyện phức tạp và đầy bí ẩn. Thế mới nói, đằng sau nhân vật Holmes là bộ não và sự nỗ lực của tác giả, đi kèm với sự thành công là cũng là những áp lực khủng khiếp. 
Tháng 11/1891, ông đã viết trong một bức thư gửi mẹ mình, “con đang có ý định sẽ giết Holmes một lần và mãi mãi. Anh ta giữ tâm trí của con khỏi làm những điều tốt đẹp hơn”. Vào thời điểm ấy, Conan Doyle muốn tập trung viết các tác phẩm khác. Ông đã viết rất nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau, bao gồm tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết kinh dị, các tác phẩm hư cấu và phi hư cấu. Những tác phẩm đó hoàn toàn là những tác phẩm xuất chúng. Tuy vậy, Sherlock Holmes đã trở nên quá nổi tiếng, điều này khiến Doyle cảm thấy áp lực và dừng hẳn việc viết thêm các câu chuyện về nhân vật này để có thể thực hiện các tác phẩm khác. Trong nỗ lực muốn ngăn sự thèm khát các câu chuyện về Sherlock Holmes của các nhà xuất bản, Conan Doyle đã đưa ra một mức giá không tưởng để khiến họ nản lòng. Nhưng các nhà xuất bản sẵn sàng đáp ứng cái giá trên trời của Doyle, biến ông thành một trong những tác giả được trả lương cao nhất trong thời đại của mình. Bà Mary sau khi nghe ý định của con trai mình muốn kết liễu chàng thám tử nổi tiếng, bà ngay lập tức phản hồi lại một cách ngắn gọn, “Con không được phép giết anh ta, và cũng không thể giết anh ta”.  Không rõ là bà Doyle cũng là fan của Holmes hay người mẹ đó đã lường trước được hậu quả khi con trai mình làm điều này. 
Nhà văn Doyle đã kết thúc Holmes bằng trận chiến với kẻ thù không đội trời chung là tên James Moriarty tại thác Reichenbach.
Nhà văn Doyle đã kết thúc Holmes bằng trận chiến với kẻ thù không đội trời chung là tên James Moriarty tại thác Reichenbach.
Tới tháng 12/1893, Conan Doyle khiến cho Sherlock Holmes phải đối mặt với kẻ thù lớn nhất, và nguy hiểm nhất của mình, giáo sư Moriarty - được mệnh danh là Napoléon của giới tội phạm - trong tập truyện “The Final Problem”. Ông kết thúc tập truyện với sự kiện Holmes và Moriarty đấm nhau, để rồi cùng nhau rơi mất dạng xuống vực Reichenbach. Sau đó, Conan Doyle xác nhận với độc giả rằng Holmes đã chết trong cuộc chiến này. Không phải bàn tới sự nổi đóa của truyền thông và đại chúng khi ấy. Fan hâm mộ mặc áo tang và cầm di ảnh của Sherlock diễu hành khắp thành phố và dưới trụ sở của các nhà xuất bản. Những lá thư từ độc giả bắt đầu được gửi ồ ạt tới căn hộ của Conan Doyle. Nhẹ nhàng thì bày tỏ sự tiếc nuối và mong ông sẽ tiếp tục các câu chuyện của Sherlock Holmes, nặng nề thì dọa sẽ truy sát nếu ông không viết tiếp. Và sự thật là Doyle đã bị một người phụ nữ đánh tới tấp bằng ô vì đã giết chết nhân vật vĩ đại nhất của mình. 
Dưới sức ép của dư luận, gần 10 năm kể từ “The Final Problem”, Conan Doyle đã viết tiếp tiểu thuyết “The Hound of the Baskervilles”, xuất bản năm 1901, rồi chính thức hồi sinh Sherlock Holmes trong tập truyện “The Adventure of the Empty House” năm 1903. Doyle giải thích rằng Holmes đã giả chết để tránh khỏi sự săn đuổi của tổ chức Moriarty, đồng thời cũng để theo đuổi một kẻ nguy hiểm khác là Sebastian Moran. Pha đội mồ sống dậy của Holmes một lần nữa lại tạo ra cơn sốt cho toàn thế giới, đưa chàng thám tử vào danh sách một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tới văn hóa đại chúng đầu thế kỷ 20 cho đến hiện tại.
(bài viết tham khảo nhiều nguồn tư liệu từ Báo Dân Trí, bài viết của Minh HD trong Spiderum)
Tất cả những điều trên chưa chứng tỏ rằng Conan Doyle rất ghét Sherlock Holmes sao? Ông bị áp lực bởi phải viết những câu chuyện của Holmes, phải làm thỏa mãn người đọc bởi  kể cả từ xưa đến nay, fan trinh thám cực kỳ khó tính. Trong khi đó sự chuẩn bị và lượng kiến thức, tài liệu để có thể đưa vào một câu chuyện đã rất lớn, chưa kể đó là tiểu thuyết suy luận trinh thám thì phải nó đến sự “khổng lồ” này như thế nào. Ông Doyle ghét nhân vật nên cho Holmes chết, thật ra không phải vậy. Chỉ là bắc cầu lập luận cho việc Conan Doyle muốn tìm cách để không phải viết thêm câu chuyện về nhân vật này nữa thôi. Và đương nhiên, ông muốn mọi người biết nhiều đến thể loại khác ông đã viết, những thể loại ông coi là quan trọng và thích viết như là lịch sử, kinh dị, viễn tưởng, thơ,... Thế nhưng tất cả đều không chiến thắng được Holmes, ông đã hồi sinh Holmes một cách đầy ngoạn mục và để lại ấn tượng sâu sắc đối với độc giả và fan trinh thám toàn thế giới.
Có một điều ít ai để ý, ngoài việc những người đọc sách phản đối việc Holmes chết, tác giả còn bị quay lưng khi sau này viết thể loại tâm linh và kinh dị. Bởi bản thân nhà văn là bác sĩ, những tác phẩm của ông đôi khi còn nêu ra nhiều ý tưởng khoa học kỹ thuật hiện đại, sự quan sát tỉ mỉ, logic trong Holmes đều khiến người ta kinh ngạc. Tại sao tác giả lại tim vào thuyết kỳ ảo như thế, thậm chí những tác phẩm của ông từng bị cấm ở Liên Xô một thời gian. Sau cái chết của gia đình trong chiến tranh thế giới thế nhất, ông suy sụp tinh thần và cần một chỗ dựa để vực dậy tinh thần. Việc con người đặt niềm tin và các thế lực siêu nhiên để có cớ vượt qua cuộc sống là điều dĩ lẽ. Thế nhưng, nếu bạn tìm đọc những truyện kinh dị ông viết thời điểm đó có thể thấy tác giả vẫn là cây viết tài hoa khi ẩn chứa nhiều ý nghĩa, phản ảnh nhiều vấn đề mà không hề có sự mù quáng nào. Dù sao thì những thuyết tâm linh hay siêu hình dị tượng đến ngày nay người ta cũng không hề chứng minh được rằng chúng không hề tồn tại đâu.  

Kết luận

Tác giả bài viết chắc mơ mộng rằng nhóc Conan được gặp nhà văn Conan Doyle và có một cuộc trò chuyện thú vị. Quả thật là hơi điên nhưng "Conan Doyle thích Conan" lại thể hiện tính cách hào sảng của ông thì sao. Câu content gây cảm giác khó chịu nhưng đưa ra một hình ảnh khá thú vị. Thế giới của những cuốn sách có sự giao lưu dù trong tưởng tượng thôi cũng là một góc để fan thể hiện được sự yêu thích của mình. Tác giả bài viết khả năng đã lường trước sự tranh cãi nên để chữ POV một cách khá thông minh.  Trả lời cho câu hỏi Conan Doyle thích ai hơn giữa Holmes và nhóc Conan thì câu trả lời là nhóc Conan là đúng. Dù sao thì vấn đề người viết bài đặt ra cũng chỉ là so sánh nhân vật, thích ai hơn ai, không có ý so sánh 2 truyện với nhau, thì quan điểm này chả có gì bị chê bai cả. 
Những tác phẩm trinh thám nổi tiếng vẫn đi cùng với thời gian, sự bàn luận hay quan điểm xoay quanh đều chứng minh sự thành công của tác phẩm đó. Tôi là fan trinh thám, tôi biết đến cái tên Sherlock Holmes trước, sau đó tôi đọc truyện tranh Conan, và sau đó tìm hiểu rõ hơn về tác giả của Sherlock Holmes và cũng yêu mến nhân vật này. Ngoài ra, còn biết rất nhiều những cái tên nổi tiếng trong giới này. Conan Doyle, Sherlock Holmes, Edogawa Ranpo, Akechi Kogoro, Agatha Christie, Hercule Poirot, Edogawa Conan,... đều là những con người có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi thế hệ yêu thích trinh thám.