Để bắt đầu bằng bài viết về Phan Thanh Giản, tôi sẽ đi với các bạn từ câu chuyện liên quan đến Gia Long và Quang Trung.
Bởi vì đi từ uyên nguyên sâu xa rất phức tạp về sự thành lập của nhà Nguyễn những ngày đầu này, chúng ta mới hiểu được vì sao có hiệp ước cắt 3 tỉnh Nam Kỳ, cùng vụ án Phan Thanh Giản.
Vào thế kỷ 18, sau cuộc trường chinh từ Thuận Quảng đi tới mũi Cà Mau của các chúa Nguyễn, sân khấu chính trị của đất nước Việt Nam đã được “chuyển ngôi”. Qua rồi những nhân tài rực rỡ nhất thuộc về các vùng đất thuộc xứ Bắc Hà, chẳng hạn Ngô Quyền (Hà Nội), Đinh Bộ Lĩnh (Ninh Bình), Trần Hưng Đạo (Nam Định), Nguyễn Trãi (Hải Dương). Thế kỷ 18 là nơi phô diễn của hai con người thuộc xứ Đàng Trong – là xứ mới lập, sau các cuộc di cư của tổ tiên là Thanh Hóa và Nghệ An, thì Nguyễn Huệ (Bình Định) và Nguyễn Ánh (Gia Định – Sài Gòn) sẽ nắm bàn cờ mới của Việt Nam. Họ sẽ thực hiện cuộc san dọn mặt bằng (Nguyễn Huệ ), và sau đó là thống nhất về một mối (Gia Long).
Trong các hành động thống nhất và tiêu diệt này, chúng ta đều nhận thấy có một điểm chung trong việc làm của hai vị hoàng đế này:
- Báo thù lẫn nhau (Tây Sơn giết sạch các chúa Nguyễn), còn Gia Long cho quật mồ Tây Sơn.
- Nhưng đều dành sự tôn trọng cho nhà Lê và các sĩ phu Bắc Hà. Nguyễn Huệ cưới Ngọc Hân công chúa (con vua Hiển Tông), còn Nguyễn Ánh phong cho các tôn thất nhà Lê tước công, tước hầu để trông coi mộ phần họ Lê.
- Cả Gia Long và Quang Trung đều thực hiện các kế sách ngoại giao với nhà Thanh để nhận sắc phong.
Chính 2 việc làm đầu tiên khiến chúng ta thường thắc mắc không hiểu vì sao Quang Trung và Gia Long lại tàn ác lẫn nhau, mà lại rất mềm dẻo với nhà Lê. Và tại sao cả hai vị hoàng đế này lại cất công với Càn Long đến thế?
Câu trả lời liên quan đến hai chữ CHÍNH THỐNG.
Đất nước Việt Nam từ khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, chúng ta có một vị thế độc lập với Trung Hoa, tuy vậy trong 1000 năm tồn tại từ khi tự chủ. Đứng cạnh nền văn minh to lớn ấy, Việt Nam phải thực hiện hai việc ngoại giao để tồn tại và hạn chế xương máu của nhân dân. Hai việc làm đó chính là: cống phẩm và phong vương
Tất cả để đảm bảo cho chữ chính thống mà các vương triều Đinh Lý Trần Lê cần có để quản thiên hạ nước Nam.
Việc được hoàng đế Trung Hoa phong vương mang hai ý nghĩa:
- Ý nghĩa thứ nhất là về mặt an ninh quốc phòng: nếu tôi đồng ý với việc “thay triều đổi đại” của bạn. Đồng nghĩa với lá bài “không xâm lược” dành cho bạn. Còn ngược lại, với sự tham mưu của những người thuộc vương triều cũ, thì Trung Quốc sẽ đổ bộ xuống nước Nam. Các cuộc xâm lăng của Trung Hoa nhắm vào Hồ Quý Ly, Lê Đại Hành và Nguyễn Huệ là ví dụ cho chuyện này.
- Ý nghĩa thứ hai về mặt đối nội: việc phong vương chính là hợp thức hóa với tầng lớp sĩ phu và tầng lớp quan lại của chế độ trước nhìn về vương triều mới, và sẽ có được sự phục tùng của tầng lớp này.
Quang Trung khen Ngô Thì Nhậm trong chiến dịch rút ra Tam Điệp khi quân Thanh tràn vào vì ông hiểu lòng dân Bắc Hà vẫn hướng về nhà Lê, và Tây Sơn của ông chỉ là kẻ xâm lăng từ vùng đất Đàng Trong đánh ra Đàng Ngoài (là nơi có Thăng Long nghìn năm văn vật tồn tại từ thời Ngô, thời Đinh). Tương tự các sĩ phu Bắc Hà cũng nhìn Nguyễn Ánh và dòng tộc họ Nguyễn chỉ la kẻ từ Đàng Trong đi ra. Cho nên Quang Trung và Gia Long – những người có tầm nhìn chính trị, đều tiến hành "vận động hành lang" để có con dấu thiên triều giúp chính quyền Phú Xuân có cái chính thống, và đẩy Thăng Long trở thành khu vực địa phương trực thuộc, ngoài chính thống.
Tại sao Quang Trung và nhà Nguyễn cất công đến thế? Có hai lý do:
1/. Khác với cái cách mà nhà Trần đổi ngôi nhà Lý ngay trong lòng Hà Nội, nên Trần Thủ Độ có thể “nhổ cỏ tận gốc” nhà Lý, thì Quang Trung và Gia Long từ trong Nam đi ra, họ rất cần tầng lớp sĩ phu này trung thành với mình để quản vùng Bắc Hà. Bởi có được họ, là có được tầng lớp văn thân ở bên cạnh dân. Đây là tầng lớp có uy tín trong dân, hiểu dân, quản dân và truyền mệnh lệnh từ vua đi xuống. Cho nên Tây Sơn và nhà Nguyễn cần những người này, để tạo cái gốc rễ xuống địa phương hòng đảm bảo triều đại mới của mình “ăn sâu bén rễ”trong lòng người dân vùng đất mới.
2/. Vào thế kỷ 18, vùng đất phía Nam mới chỉ tồn tại được khoảng 200 năm, dân số thưa thớt, nhân tài càng ít ỏi, đa số là võ tướng, còn những nhân tài trị nước xuất sắc nhất theo trường phái Khổng Giáo đều nằm ở Bắc Hà. Dân số Bắc Hà cũng đông hơn và “thuần” hơn trong Nam, nơi có quá nhiều tầng lớp di dân và đủ các quốc gia, tôn giáo khác nhau. Khi nhà Nguyễn và Quang Trung nắm được vùng đất này, họ cần lớp sĩ phu Bắc Hà quản lý.
Cho nên tầng lớp văn thân Bắc Hà này đóng vai trò vừa cho nhà Nguyễn cái chính thống, giúp quản được dân, quản được đất. Đồng thời, cũng chính tầng lớp này sẽ đe dọa sự tồn vong của vương triều Nguyễn vì học thức của họ, uy tín của họ trong dân.
Đó như một “bóng ma vất vưởng” khiến Nhà Nguyễn luôn cần họ mà cũng luôn đề phòng họ.
***
Phan Thanh Giản là người mà Minh Mạng và nhà Nguyễn cần vô cùng. Bởi ông chính là vị tiến sĩ đầu tiên của vùng đất Nam Kỳ trong lịch sử Việt Nam (ông quê Vĩnh Long). Trước ông, vùng đất Nam Kỳ chưa từng có ai đậu tiến sĩ. Bài thi của ông xuất sắc tới mức mà Minh Mạng phải tự thân đi xuống thi trường để đích thân hỏi, chứ không tin có người nào xuất sắc như vậy.
Rất nhanh chóng, Phan Thanh Giản thăng tiến rất nhanh trong nền chính trị của nhà Nguyễn. Người dân nhớ về ông không chỉ vì tài ba lỗi lạc (sinh thời Trương Đăng Quế, đại thần số 1 của triều Tự Đức còn phải nói “Thua xa Giản về tài văn học), mà điều ông được người dân yêu quý còn ở sự thanh liêm, bộc trực và thương dân bất chấp có thể khiến vua phật ý.
Đại Nam Thực Lục chép “Năm 1835, vua Minh Mạng cử Giản làm tổng đốc Quang Nam. Đến tháng 6/1836, vua muốn vi hành. Phan Thanh Giản thay vì xum xoe nịnh nọt như nhiều quan lại khác, lại gửi thư về thẳng Phú Xuân với nội dung “Tất cả dân chúng đều vui mừng vì có bệ hạ đến thăm, nhưng vào tháng 5 và tháng 6, người dân bận cấy lúa chiêm, thần e rằng việc nghênh đón bệ hạ khiến lỡ vụ mùa. Vì vậy thần cúi xin bệ hạ hoãn việc vi hành để dân chúng chăm lo cấy lúa.” Minh Mạng rất bực nhưng cũng đồng ý.
Đương thời, sau này, há được bao người có thể nói ra câu đó?
Phan Thanh Giản, nhờ tài năng và đức độ đã đi lên đỉnh cao vào năm Thiệu Trị thứ 7 khi ông là Hình Bộ Thương Thư và thuộc nhóm Cơ Mật Viện Đại Thần.
Một nhân tài đến từ Nam Kỳ là điều mà nhà Nguyễn rất mong có, và vì vậy Phan Thanh Giản được giao quản lý những công việc liên quan đến khu vực này cùng với Nguyễn Tri Phương (cũng thuộc Cơ mật viện – tức hội đồng giúp vua quản việc nước.)
Tuy nhiên, trong giai đoạn mà Phan Thanh Giản làm quan, thì bóng ma xâm lược của thực dân Pháp đã lởn vởn quanh dải đất chữ S. Những cuộc đụng đổ lẻ tẻ diễn ra cho đến khi cao điểm leo thang và liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã bao vây lấy Nam Kỳ cho đến khi “Hòa ước Nhâm Tuấn” được ký kết.
Chúng ta sẽ không bàn nhiều về hiệp ước Nhâm Tuất 1862, điều này các bạn đã được học trong SGK. Nếu các bạn quên, thì tôi nói lại sơ qua thế này: “Đây là Hiệp ước đã mở đầu cho "cuốn vong quốc sử Việt Nam" từ nửa đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Hiệp ước được ký ngày 5 tháng 6 năm 1862 tại Sài Gòn giữa chánh sứ Phan Thanh Giản và phó sứ Lâm Duy Hiệp với đại diện của Pháp là thiếu tướng Bonard và đại diện của Tây Ban Nha là đại tá Don Carlos Palanca Guttiere. Theo Hiệp ước này, Việt Nam nhượng lại vùng lãnh thổ Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, và Định Tường) lại cho Pháp.
Do hành động này mà dân gian có câu truyền "Phan Lâm mãi quốc, triều đình thí dân" (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước; triều đình bỏ dân chúng).”
Nhưng đó chỉ là cái vỏ bên ngoài, phía sau đó là rất nhiều vấn đề phức tạp mà chúng ta phải lật cả một trang sử.
***
Nhà Nguyễn tuy đã suy yếu dưới thời Tự Đức, nhưng xét trên bình diện quân sự đối chọi với quân nhà buôn, các giám mục của Pháp thì lúc này họ vẫn rất mạnh, và người Pháp cũng hiểu rằng họ chỉ đứng vững được ở Nam Kỳ trước cái ngày mà một vị tướng quan trọng của Việt Nam khi ấy được điều động.
Người tôi nói đến là Nguyễn Tri Phương. Nguyễn Tri Phương với hiểu biết quân sự (đánh giá quân viễn chinh không thể trụ lâu nếu ta đánh lâu dài), cùng với uy tín trong quân giúp ông chủ động thắng thế được lớp tàu buôn và lính viễn chinh (chứ chưa phải hải quân chính quy) của Pháp và Tây Ban Nha.
Và một âm mưu của Pháp được thực hiện để ngăn Nguyễn Tri Phương tấn công Nam Kỳ. Âm mưu này không chỉ giúp Pháp lấy được 3 tỉnh Nam Kỳ, mà còn triệt tiêu một vị đại thần tài năng của dân tộc cùng một nỗi oan kéo dài 150 năm.
Giám mục Retord, cùng các cố vấn quân sự Duval và Garnier dựng nên một nhân vật tên là Lê Duy Phụng (tên thật là Tạ Văn Phụng) cùng với lá cờ “phản Nguyễn phục Lê” (tôi tạm gọi như vậy). Với chiêu bài là con cháu của nhà Lê, Lê Duy Phụng có sẵn cái “chính thống” để kêu gọi người chống nhà Nguyễn đứng dưới lá cờ. Với sự ủng hộ của người Pháp, Lê Duy Phụng có lực lượng giáo dân ủng hộ. Nhờ đó, một cuộc khởi nghĩa lớn đã diễn ra ở khu vực Bắc Hà. Các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Nghệ An và hải tặc ngoài biển đều đi theo lá cờ này. Cần nhớ Lê Duy Phụng vốn họ Tạ, tên thật là Tạ Văn Phụng ông ta giả danh, nhưng chỉ bằng lá cờ họ Lê, ông ta đã thay chuyển cả cục diện.
Phú Xuân đứng giữa hai gòng kìm, Nam Kỳ với Pháp và Bắc Kỳ với Lê Duy Phụng. Tự Đức xem xét giữa hai mối nguy này, và ông ta chọn Lê Duy Phụng mới là cái cần đánh và hải quân Pháp – Tây Ban Nha cần phải hòa. Vì lẽ đó, Nguyễn Tri Phương thay vì vào mặt trận phía Nam đã phải điều ra phía Bắc, và Phan Thanh Giản lại được điều vào trong Nam để ký hòa ước Nhâm Tuất. 60 năm, 4 đời vua, cái ám ảnh về vùng đất Đàng Ngoài và tầng lớp sĩ phu Bắc Hà đi theo và ủng hộ đã luôn khiến nhà Nguyễn đề phòng và sợ mất đất. Như tôi đã phân tích ở đầu bài viết để dẫn nhập đến đây. Pháp đã đánh vào đúng tử huyệt của nhà Nguyễn và sự mâu thuẫn âm ỉ trong nội bộ người Việt về sự tranh giành lẫn nhau.
Có lẽ đến cả khi băng hà, Tự Đức cũng không hiểu, ông đã chọn sai phe cần đánh.
Phan Thanh Giản ký hiệp ước ấy trong thế bị Tự Đức yêu cầu, đấy là cần phải tạm hòa để rảnh chân đưa quân và lương ra Hà Nội chống lại phe của Lê Duy Phụng.
Bạn chú ý nhé: kế sách này tương tự với hiệp ước giữa Stalin và Hitler, giữa Nguyễn Nhạc và Hoàng Ngũ Phúc (vị tướng vượt lũy thầy ép nghĩa quân Tây Sơn vào thế gọng kìm giữa hai nhà Trịnh Nguyễn). Đấy là các hiệp ước “Hòa” để dọn đường “Chiến”. Nên chúng ta mới gọi là “Hòa ước Nhâm Tuất”. Xét các câu chuyện lịch sử từ Việt Nam đến quốc tế, thì ta hiểu tổng quát trên bàn cờ chính trị, đây là một âm mưu phù hợp của riêng kẻ đế vương. Hòa 1 chỗ để đánh 1 chỗ, và sau đó đánh tiếp. Vấn đề là kết quả vì “thắng làm vua thua làm giặc”. Nếu thắng, đấy là kế sách hòa hoãn để giữ yên bờ cõi, nếu thua, đấy là “cắt đất cho giặc.”
Tự Đức và hoàn cảnh nhà Nguyễn khi ấy không chỉ sai trong việc đánh giá sức mạnh của Pháp, hay ám ảnh Bắc Hà để chọn phe sai, mà còn bởi lực của họ nào có phải như Stalin hay Tây Sơn? Một bên lực lượng mạnh, đoàn kết và nhân tài như mây và bên kia thì suy nhược lắm rồi. Chính sách của Tự Đức và Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản ổn thì ổn nhưng lực của họ thì không. Đấy là lý do vì sao sau khi hòa hoãn được để dẹp loạn Lê Duy Phụng, thì nhà Nguyễn cũng không đòi lại được 3 tỉnh đã mất, để rồi kết cuộc, Phan Thanh Giản vì quá uất ức và đau khổ, cảm thấy có lỗi với dân, với vua mà tuyệt thực 17 ngày, rồi uống thuốc độc mà chết.
Người đương thời như Nguyễn Đình Chiểu thì vẫn hiểu cho cụ Giản, qua câu thơ dành tặng ngày cụ mất:
“Minh tinh chín chữ lòng son tạc,
Trời đất từ rày mặc gió thu.”
Có người bảo cụ Giản bắt tay với Pháp. Nếu mà bắt tay, thì cớ gì ông phải “tuyệt thực” mà chết? Nếu mà bắt tay, cớ gì ông trăn trối lại cho các con mình hãy chống Pháp, để con trai thứ hai là Phan Liêm, sau khi cha mất đã trở thành lãnh tụ kháng Pháp, và sát cánh bên cạnh tướng Nguyễn Tri Phương trấn giữ Hà Nội?
Lịch sử không hề nói dối về tấm lòng của ông, chỉ có sự nghiệt ngã của bánh xe lịch sử, chỉ có góc nhìn vội vã về chữ ký Nhâm Tuất mà không thấu được phía sau có gì đã khiến hậu thế bao người hiểu lầm về ông và để nỗi đau 150 năm còn ở lại. Đôi khi, cuộc sống của bạn cũng vậy mà, một chữ ký, một quyết định có thể khiến bạn bị hiểu lầm vô vàn nhưng ai hiểu cho phía sau đó cõi lòng của các bạn.
Hiểu cho tiền nhân, là hiểu cho chính mình.
***
Chuyện chưa bao giờ kể:
Chương sử rơi rớt chỉ dừng ở hiệp ước 1862, mà không kể cho chúng ta nghe về những nỗ lực của vua Tự Đức và Phan Thanh Giản hòng đòi lại 3 tỉnh Nam Kỳ đã mất sau Hòa ước Nhâm Tuất. Trong cuốn sách “Một người yêu nước khâm phục nước Pháp; Khảo luận về cuộc đời Phan Thanh Giản” của học giả Lê Thanh Tường có chép lại chi tiết về chuyện này, tôi kể hầu cho các bạn.
“Ngày 21/6/1863, một năm sau hòa ước Nhâm Tuất, ba sứ thần cùng đoàn tùy tùng nhà Nguyễn có 66 người xuất phát đi đến Paris. Họ cùng nhau bàn luận với đế chế Pháp về hiệp ước 1862, và vui mừng được biết đế chế Pháp sẽ giảm nhẹ tính khắc nghiệt của hiệp ước ấy. Sau thời gian lưu trú ngắn ngày ở Madrid, đoàn sứ thần trở về nước, vui mừng báo tin với vua.”
Trong quãng thời gian lưu trú ở Châu Âu, Phan Thanh Giản đã tiếp xúc với đại sứ Áo, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ để học hỏi về các vấn đề thuế khóa, ông đi tham quan các con đường lát đá, vũ khí, chú ý đến các vấn đề tài chính, giao thông. Ngày về nước, Phan Thanh Giản đưa ra cho Tự Đức những đề nghị duy tân, trong đó ông yêu cầu hoàng đế mở cảng phục vụ ngoại thương, cử thần dân đi học ở các nước văn minh, tiến hành nội trị theo gương nước Pháp. Ông kết luận: làm cho dân chúng có học thức hơn, vì đó là điều kiện không thể thiếu ở đất nước cường thịnh.
Hoàng đế ít chú ý đến bản tường trình và các quan lại thì không tán thành đề nghị của ông.
Phan Thanh Giản đã thốt lên qua những câu thơ có đại ý: tôi đi sứ ở kinh đô Pháp, tiếp xúc văn minh phương Tât để hiểu và khâm phục. Tôi ra sức kêu gọi đồng bào thức tỉnh, ra khỏi cơn mê nhưng chẳng ai tin những điều tôi nói là sự thật."
Ngày 15/7/1864, nỗ lực cuối cùng của Phan Thanh Giản đòi lại 3 tỉnh Nam Kỳ đã thành công khi ông và trưởng lãnh sự Pháp Aubaret tại Băng Cốc ký hiệp ước mới chấp thuận trả 3 tỉnh Nam Kỳ. Nhưng, tại quốc hội Pháp lúc này, những người ủng hộ chính sách bành trướng ở hải ngoại đã thắng thế. Bộ trưởng hải quân gửi sắc lệnh cho Aubaret ngưng cuộc thương thuyết. Những gì sau đó, hẳn các bạn đã biết.
Ngày 5/7/1867, Phan Thanh Giản trút hơi thở cuối cùng sau 17 ngày tuyệt thực, ông rơi nước mắt, nhìn lại quê hương lần cuối cùng, rồi uống chén thuốc độc. Mộ ông được an táng tại ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, tỉnh Bến Tre.
Lời kết:
Giáo sư người Nhật Bản Yoshiharu Tsuboï trong cuốn “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, 1847-1885” đã nhận định về Phan Thanh Giản thế này: “Cuộc xâm lược của Pháp đã đào hố sâu ngăn cách giữa triều đình và thần dân, một hố sâu không còn có thể lấp đi được nữa, và Giản, là người muốn đứng giữa, chỉ còn một giải pháp: tự tử, sự tự tử biểu lộ nỗi bất lực về chính trị nhưng đồng thời cũng chứng tỏ sức mạnh tinh thần của một vị đài thần sáng suốt của triều Nguyễn lúc bấy giờ. Trên bình diện chính trị, ông không thể chống lại nước Pháp, nhưng trên bình diện đạo lý, ông là người cao quý, có tất cả những đặc tính được người Việt Nam ngưỡng mộ.”
Người nước ngoài hiểu cho ông, cớ gì thế hệ sau không hiểu cho ông?
Bài viết được tham khảo từ nhiều nguồn và thể hiện góc nhìn của Dũng Phan