"Biết người biết ta, trăm trận, trăm thắng"

Binh pháp Tôn Tử


Tứ bề thọ địch

Hãy nói qua về tình hình chiến trận của Chiến tranh thế giới thứ Hai cho tới lúc này, tháng 5 năm 1942.

Ở mặt trận châu Âu, người Nga thua ở Kharkov. Một lần nữa, con dao đang kề tới tận cổ các chiến sĩ Xô Viết, khi giờ đây những lực lượng dự bị cuối cùng của họ cũng phải đem ra chiến trường để phòng thủ trước Đức Quốc Xã hùng hậu; và mặc dù chịu thiệt hại rất lớn cùng với việc kế hoạch Barbarossa sụp đổ trước ngưỡng cửa Moskva, họ vẫn còn rất sung sức. Ngành công nghiệp khoẻ mạnh và hiện đại của Đức tiếp tục bù đắp những tổn thất chiến tranh, và do nước Đức đang ở trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật với Mỹ, nên quân đội Đức lại càng không có thời gian để trù trừ. Phải nhanh chóng tiến về phía Nam nước Nga, về Kavkaz và Baku, nơi những mỏ dầu của chính quyền Xô Viết đang tồn tại - tiện tay thì đập bẹp thành phố biểu tượng Stalingrad luôn. Mất biểu tượng mang tên lãnh tụ và nguồn dầu mỏ quan trọng, Liên Xô rất dễ sụp đổ trong sớm chiều; sau đó, Đức sẽ quay lại tính sổ liên quân Mỹ - Anh.

Chiến dịch Blau của Đức, thay thế cho Barbarossa đã thất bại. Mục tiêu được nhắm đến ở đây là "cái bụng" của Liên Xô


Ở Thái Bình Dương, người Mỹ đang chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Với việc mất Lexington, họ chỉ còn trong tay 4 tàu sân bay hạm đội có thể hoạt động ngay lập tức : Saratoga, Enterprise, Wasp và Ranger, trong khi Lexington đã bị mất trắng còn Yorktown bị hư hỏng rất nặng. Những thành công của Nhật khiến Mỹ và đồng minh Australia yếu ớt đang bị đẩy khỏi vùng biển của mình; tuy nhiên, chiến thắng lớn gần nhất của Nhật ở vùng biển San Hô không đem lại lợi thế chiến thuật to lớn nào. Không thể tiếp tục tấn công vào phía Nam, Nhật phải quay sang phía Bắc, nơi có căn cứ Trân Châu Cảng vừa bị đập nát cách đó không lâu. Để có thể lấy được Trân Châu Cảng, họ phải vượt qua tháp phòng thủ yếu ớt - Midway.


Kế hoạch của Yamamoto, đã đăng trong kỳ trước. Trận đánh ở Coral Sea chiến thắng về mặt chiến thuật nhưng dậm chân tại chỗ về mặt chiến lược, nên kẻ chịu đòn tiếp theo sẽ là Midway - và sau đó, là Hawaii.


Nước Mỹ lúc này chìm trong bế tắc chiến tranh, từ cả hai bờ Đông Tây và bốn phía đều có kẻ địch. Đất nước không biết mùi vị chiến tranh có nguy cơ phải nếm mùi chiến tranh, nếu Đức rảnh tay với Liên Xô còn Nhật giải quyết xong Hawaii.


Sức mạnh của công nghiệp 

Giống như Liên Xô, toàn thể dân Mỹ được huy động. Để chiến đấu, và để cầm súng. Để sản xuất, và để lao động; để tiền tuyến "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".

à chết, hình như mình lộn chủ đề....

Nhìn cái gì ? U.S. Army đang cần những người lính.
Hãy đăng ký ngay lập tức ở trạm tuyển quần gần nhất!


Toàn bộ sức mạnh công nghiệp của cường quốc kinh tế này được kêu gọi hết mức có thể. Người dân được khuyến khích mua trái phiếu để đóng góp vào nỗ lực chiến tranh của chính phủ....


Không muốn lính Nhật cho em này đóng phim thì mua trái phiếu đê !


Thế đồng chí muốn con đồng chí làm nghề gì ?

Các bạn chỉ việc đóng tiền mua máy bay, còn việc lái cứ để bọn tôi !


Lương thực thực phẩm cũng là vấn đề sống còn. Các gia đình được khuyến khích trồng rau củ quả, tự túc dự trữ thực phẩm lâu dài; và cũng nên nhớ là mua hàng thì phần cho người sau với, xin đừng có tích trữ đầu cơ!


Ai cũng nên có phần !

Việc tự trồng trọt và đóng hộp dự trữ thực phẩm được khuyến khích


Giặc đến nhà, thực phẩm cũng đánh !


....và siêu anh hùng thì cũng nên dành thời gian đi trồng rau !


Quan trọng nhất, là tất cả các cơ chế công nghiệp đều được quy về một mối để phục vụ sản xuất thiết bị quân sự, khí tài chiến tranh. Đừng ngạc nhiên khi thấy bất kỳ tập đoàn công nghiệp hàng không nào của Mỹ cũng đều có mẫu máy bay tiêm kích của riêng mình trong thời kỳ Thế chiến, còn Ford hay General Motor lại đang cùng sản xuất mẫu sản phẩm mang tên "M4 Sherman".


Những chiếc Sherman trong công đoạn kiểm tra cuối ở nhà máy của Ford, năm 1942


Còn đây là ở nhà máy của General Motor ở thủ phủ ngành xe hơi Detroit, Michigan

Hàng loạt khung thân F4F Wildcat của Grumman chờ lắp động cơ, tại Long Island

Dây chuyền lắp rắp ở Long Island :D


Hải quân cũng không ngoại lệ. Chương trình Đóng tàu Khẩn cấp được đưa ra vào cuối năm 1940 bởi tổng thống Roosevelt, cho phép trưng dụng toàn bộ các cơ sở đóng tàu "có thể sử dụng được" - và phải đóng càng nhiều tàu mới càng tốt, càng nhiều nhà máy đóng tàu mới càng tốt. Không có sự chậm trễ hay hoài phí nào được cho phép ở đây. 


Tuần dương hạm hạng nhẹ USS Cleveland trong nhà máy đóng tàu ở New York

Các nữ thợ hàn người New York. Tất cả mọi người, miễn là có đủ trình độ, đều có thể tham gia



Tin tốt từ quê nhà : chúng ta có thêm xe tăng, máy bay, tàu bò, và súng ống


Cỗ máy công nghiệp chiến tranh khổng lồ Hoa Kỳ đã được khởi động và làm nóng. Việc còn lại, là xem những người ở địa đầu chiến tuyến làm ăn như thế nào.


Chuẩn bị thượng đài

Nhằm trả thù cho vụ Trân Châu Cảng nhục nhã, người Mỹ tung ra chiến dịch không kích Doolittle - một chiến dịch rất hoành tráng với việc cải biên 16 máy bay ném bom tầm trung B-25 Mitchell để có thể phóng được chúng từ tàu sân bay, sau đó tấn công vào nội địa Nhật Bản. Ý tưởng hoành tráng nhưng ảo vọng, còn kết quả thì tồi tệ : cả 80 người trên những chiếc máy bay ném bom đều phải nhảy dù xuống đất Trung Quốc hoặc Nhật Bản trong khi không gây được thiệt hại lớn nào. Tuy nhiên, Doolittle Raid lại là cú xốc lại tinh thần cho người Mỹ : "Chúng ta đã chạm được vào Nhật Bản, chúng ta có thể chiến thắng cuộc chiến này".


Những máy bay ném bom tầm trung B-25 trên tàu sân bay Hornet

Một chiếc B-25 Mitchell được phóng từ Hornet


Cuộc tấn công không gây thiệt hại gì mấy, nhưng lại khiến người Nhật lo sợ về khả năng bị tấn công từ phía Thái Bình Dương vào trực diện chính quốc - họ điều toàn bộ số tàu sân bay của mình về phía Bắc để sẵn sàng phòng thủ, sau đó thực hiện Chiến dịch AF mà mục tiêu chính là Midway.

Người Nhật cũng tin rằng người Mỹ không có quá 2 tàu sân bay để đánh chặn nếu lực lượng Nhật Bản tấn công tiền đồn Midway, thế nên Shoukaku được sửa chữa một cách khá "từ tốn", còn Zuikaku thì nằm nghỉ xả lảng mà không phải lo nghĩ gì nhiều; 4 tàu sân bay còn lại của Nhật Bản là quá đủ.


Các thành viên đội kiểm soát thiệt hại xem xét thang nâng bị hỏng của Shoukaku


Trong khi đó, người Mỹ đem tất cả những gì mình có được để chuẩn bị cho trận giáp mặt sắp tới. Yorktown, theo dự kiến, cần tới 3 tháng để có thể sửa chữa mọi thiệt hại - và ngay cả nếu có sửa được đi chăng nữa thì "tiền sửa cũng quá tiền mua". Những thợ hàn ở căn cứ Trân Châu Cảng không bỏ cuộc : ưu tiên sàn đáp, hangar và hệ thống động lực là thứ cần phải sửa chữa đầu tiên, tiếp tới mới là hệ thống điện, khu vực tiếp liệu cho máy bay và các thiết bị kiểm soát thiệt hại; phòng ngủ và khu vực sinh sống của hải đoàn là thứ được ưu tiên sau cùng. Nhưng thế vẫn là chưa đủ, nên sau cùng, chỉ có hangar và sàn đáp là được khôi phục hoàn toàn, hệ thống động lực và năng lượng của tàu còn nhiều thiệt hại chưa được bổ sung. Con tàu giờ đây "đã có thể cất phóng và thu hồi máy bay".

Đống sắt vụn đang chờ tháo dỡ đã quay trở lại trở thành tàu sân bay chỉ trong vòng 72 giờ, ngắn hơn 30 lần so với thời gian dự tính. Đó là kỳ tích chưa từng có, dù rằng nó vẫn chỉ đang chạy khập khiễng mà thôi.



Hangar máy bay "tan nát" của Yorktown trước khi sửa chữa


Yorktown, sau khi hoàn thành sửa chữa trong ụ tàu của Trân Châu Cảng.


Tình báo cũng là một thành công nữa của Mỹ. Do bảng mã kiểu D của Hải quân Nhật Bản (mà người Mỹ gọi nó là JN-25b) đã bị giải mã gần hết, nên người Mỹ có thể biết trước được những kế hoạch cơ mật của Hải quân Nhật trên chiến trường. Khi đô đốc Nimiz và cấp trên của mình tranh cãi về mục tiêu của chiến dịch AF là Midway hay quần đảo Aleut, đơn vị tình báo mật mã của Nimiz đã thiết lập kế hoạch "thử và sai" khá khôn ngoan : yêu cầu Midway nhắn về căn cứ Trân Châu Cảng qua radio rằng "ở đây gặp vấn đề về nước sạch". Không lâu sau, họ bắt được điện mã hoá của Nhật "AF hết nước sạch, cần chuẩn bị trước để đổ bộ".

Vậy là, AF đã được xác định là Midway, và Nimiz đã thắng trong trò "mindgame" này - thắng cả người Nhật lẫn chỉ huy của ông.


Mã hải quân Kiểu D của Nhật Bản

Quần đảo Midway - "tàu sân bay khổng lồ cố định" của Hải quân Mỹ. Ảnh chụp năm 1942.


Khác với đội ngũ thông minh của Nimiz, càng tới giờ quyết chiến, các chỉ huy cấp dưới của Yamamoto càng thể hiện sự ẩu đả của mình. Một chiến dịch do thám được dự định tung ra bởi người Nhật  sử dụng các thuỷ phi cơ tầm xa 4 động cơ Kawanishi H6K "Mavis" cùng các tàu ngầm tiếp liệu và tàu ngầm tấn công để xác định các tàu sân bay của kẻ địch; nhưng vị trí để thuỷ phi cơ này đáp và tiếp liệu trên mặt biển đã bị Hải quân Mỹ kiểm soát trước đó nên kế hoạch này nhanh chóng bị huỷ bỏ. Lực lượng tàu ngầm trinh sát cũng đánh mất cơ hội tìm thấy các tàu sân bay Mỹ do quá rề rà.


Một chiếc thuỷ phi cơ 4 động cơ Kawanishi H6K của Hải quân Nhật Bản


Sai lầm cuối cùng của Nhật Bản, là cặp đôi Shoukaku - Zuikaku. Số máy bay trên đất liền cũng như trên Shoukaku thừa sức để bù đắp ngay lập tức cho những thiệt hại của Zuikaku, tuy vậy, người Nhật quyết định giữ Zuikaku cùng 3 tàu sân bay hạng nhẹ ở lại để "phòng thủ nếu bị tấn công bất ngờ". Chưa hết, việc tu sửa Shoukaku lẽ ra có thể đã được đẩy nhanh hơn nữa, nhưng có vẻ không có ai trong Hải quân Nhật muốn làm điều đó. Học thuyết tàu sân bay của Nhật Bản đòi hỏi cả hai tàu sân bay trong cùng một Không đội Hải quân phải được hoạt động cùng một lúc để tránh bị úp sọt từng chiếc một - nghe thì có vẻ hợp lý, tuy nhiên cần nhớ rằng lúc này lực lượng tàu ngầm của Mỹ chưa phải là mối đe doạ đáng sợ cho cả hai con tàu sân bay này. Lẽ ra, khi Nhật đang ở thế thượng phong thì họ phải tấn công tổng lực đè bẹp kẻ địch; đằng này họ lại chỉ đưa ra một nửa già lực lượng và cho số còn lại "phòng thủ diện rộng".

Người Mỹ nắm rõ từng đường đi nước bước của Nhật, còn Nhật thì giống như kẻ mù màu. Tương quan cả hai là như nhau khi Nhật có 4 tàu sân bay Akagi, Kaga của Không đội 1 và Soryuu, Hiryuu của Không đội 2; Mỹ có căn cứ Midway với hơn 200 máy bay các loại, 1 tàu sân bay bị hỏng hóc đã được cứu tạm thời Yorktown cùng 2 tàu sân bay Enterprise Hornet. Quan trọng nhấtngười Nhật đã nắm thế chủ động về thông tin để rồi lại đánh mất nó hoàn toàn, và họ sẽ phải trả giá.


Thảm hoạ của sự cứng nhắc và ngu ngốc

Ngày 4 tháng 6, đô đốc Chuichi Nagumo đã đặt chân tới điểm hẹn, và bắt đầu tấn công quần đảo. Những kẻ phòng thủ Brewster F2A Buffalo ngay lập tức là những kẻ ăn hành đầu tiền - chúng to béo, nặng nề, chậm chạp, và thậm chí còn không thể tay đôi với máy bay ném bom Aichi D3A1 "Val" chứ đừng có nói là những chiếc Mitsubishi A6M2 Zero hiện đại. Nhận thấy lực lượng phòng không của địch còn khá mạnh, và cần phải ngăn chặn các máy bay ném bom chuẩn bị xuất kích trên đảo, Nagumo ra lệnh "bồi" thêm một lượt tấn công nữa sao cho bọn này "chết mà không ngắc ngoải" luôn thì thôi.


Sân bay trên đảo bị trúng bom; ảnh được chụp bởi phi công Nhật. Có thể dễ dàng thấy 
những đợt tấn công nữa đang được tung ra

Một kho xăng dầu trên đảo đang bốc cháy


Cùng lúc đó, những chiếc TBF Avenger, B17 Flying Fortress và B-26 Marauder từ Midway mang ngư lôi tấn công vào hạm đội của Nagumo. Chúng to lớn, chậm chạp và nhanh chóng bị bắn hạ trước khi tiếp cận hiệu quả tới những tàu sân bay Nhật Bản. Ngay lúc quay về, chúng không thể hạ cánh lên Midway được nữa - đường băng đã bị phá huỷ nghiêm trọng. Tàu ngầm Nautilus của Mỹ nổi lên ngắm bắn thiết giáp hạm nhanh Kirishima nhưng xí hụt, và nó còn mém chết khi bị lực lượng Nhật đuổi theo thả mìn sâu chống ngầm.


Akagi bị tấn công bởi B-17


Nagumo, mặc dù đã tung ra khoảng 2 cuộc tấn công lên Midway, nhưng vẫn giữ nửa lớn lực lượng chủ lực ở lại tàu sân bay, sẵn sàng chờ thời điểm thích hợp để tung ra cú phản công sau khi người Mỹ tấn công thất bại. Chỉ huy của Không đội Hải quân 2, đô đốc Yamaguchi, yêu cầu được phép tấn công hạm đội Mỹ ngay lập tức; và Nagumo trù trừ. Lực lượng tấn công đầu tiên của ông vừa mới về xong, họ cần được tiếp liệu và vũ khí để tiếp tục tấn công đợt 3 lên Midway. Lúc 7h15 phút, Nagumo ra lệnh trang bị cho các phi đội B5N2 và D3A1 dự trữ bom để tấn công Midway nhưng tới 7h40 phút, tuần dương hạm mang thuỷ phi cơ Tone báo cáo về sự xuất hiện không rõ ràng của "một hạm đội địch có khoảng 10 tàu chiến" nên lệnh này được huỷ. Tới 8h40, lực lượng tấn công Midway trở về. Những chiếc Aichi D3A1 được hạ xuống hangar, và hàng loạt máy bay ném ngư lôi Nakajima B5N được mang lên cùng với trang thiết bị, vũ khí và xăng dầu.

Điểm yếu chết người của hạm đội Nhật là ở lúc này. Đô đốc Nagumo cho rằng : những chiếc Aichi D3A1 dù có khả năng tự bảo vệ tốt, tấn công bổ nhào chính xác nhưng lại chỉ mang được tải trọng bom hạn chế ở mức 250kg. Chiếc B5N2 có tải trọng lên tới 800kg, dù không chính xác bằng, nhưng lại hiệu quả hơn nếu tấn công trúng; nó đòi hỏi Nagumo phải thay máu lực lượng của mình, điều sẽ đòi hỏi của Nagumo từ 30 tới 45 phút, thậm chí 1 tiếng đồng hồ nếu biển động. Học thuyết tàu sân bay của Nhật Bản cũng đòi hỏi việc tiếp liệu và trang bị vũ khí cần được thực hiện ngay trên mặt sàn đáp hoặc hangar để tăng tốc độ chuẩn bị, vô hình chung lại làm tăng độ nguy hiểm khi hai sàn trên cùng của tàu giờ đây ngập tràn những bom, ngư lôi, nhiên liệu dễ cháy nổ; còn máy bay tiêm kích thì không thể phóng ngay lên được. Sàn đáp của cả 4 con tàu cũng đều không được bọc giáp tử tế, không giống như Shoukaku hay Zuikaku.


Hai quả ngư lôi Kiểu 91 trên sàn tàu của Akagi


Lúc 9h20, phi đội VT-8 gồm những chiếc TBD Devastator của tàu sân bay Hornet tiếp cận hạm đội Nagumo; trong lúc này, nhưng chiếc SBD Dauntless của Hornet lại "đi lạc" về hướng Bắc khiến chúng không thể yểm trợ máy bay ném ngư lôi. Lực lượng Tuần tra và Chiến đấu trên không gồm vài chiếc F4F Wildcat của hạm đội Mỹ bị những chiếc D3A1 không mang bom đánh chặn; còn những chiếc TBD cũ kĩ và chậm chạp trở thành mồi ngon cho súng phòng không cùng tiêm kích A6M2 Zero. Toàn bộ phi đội ném ngư lôi VT-8 bị tiêu diệt hoàn toàn, chỉ duy nhất một máy bay TBD của thiếu uý George H. Gay Jr. sống sót và cố gắng tấn công Soryuu. Nhưng cuối cùng thì anh cũng xịt và bị bắn hạ nốt - phi công của chiếc máy bay xấu số này đã phải ở trên mặt nước lạnh giá 30 tiếng đồng hồ trước khi được cứu.


Thiếu uý George H. Gay, Jr, (bên phải) cùng với xạ thủ phía sau và chiếc Devastator của mình, ngay trước khi lên đường tấn công vào ngày 4 tháng 6. Anh là người duy nhất sống sót của phi đội VT-8


Đội TBD thuộc phi đội VT-6 của Enterprise cũng không kém phần long trọng. Tất cả bị bắn rụng trừ 5 chiếc, số còn lại tập trung vào chiếc Kaga và không thành công, Kaga không trúng quả ngư lôi nào. VT-3 thì thành công hơn, mặc dù tập trung vào chiếc Hiryuu và cũng trượt hết, nhưng họ lại vô tình trở thành mồi nhử sống thu hút những chiếc Zero, kéo dãn thời gian cho đội SBD tấn công. Trên hết, nó ngăn cản việc hạm đội của Nagumo có thời gian thu hồi bom, vũ khí và nhiên liệu đang tràn làn khắp cả 4 con tàu, biến đó thành những mục tiêu dễ dàng.

VT-3 của Yorktown hy sinh toàn bộ. Bù lại, Kaga trúng 3 quả bom 250kg và 1 quả 454kg, Soryuu cũng trúng 3 quả, và Akagi trúng duy nhất một quả bom phá huỷ hoàn toàn thang nâng, xuyên thẳng xuống hầm chứa máy bay. Ngư lôi, bom, và những chiếc B5N2 nạp đầy xăng dầu bên trong hangar bị kích nổ trên cả 3 cô nàng, gây nên những thảm hoạ - không còn gì nghi ngờ nữa, đó hoàn toàn là thảm hoạ thực sự.


Những chiếc SBD bổ nhào ở Midway



Kaga bị hai quả bom 250kg rơi trúng hai đầu tầu, phá huỷ toàn bộ số máy bay cũng như kích nổ hơn 35 tấn đạn dược và xăng dầu, Quả bom nặng nhất, rơi chính giữa tàu, phá huỷ bồn chứa xăng máy bay cùng các ống dẫn nhiên liệu, đồng thời vô hiệu hoá hệ thống kiểm soát thiệt hại; trong khi đó, quả bom cuối cùng đánh trúng khu vực cầu tàu, giết chết toàn bộ sĩ quan cao cấp bao gồm cả hạm trưởng. Đám cháy trên Kaga hoàn toàn không thể kiểm soát được nữa. Những người sống sót nhảy xuống biển và được hai tàu khu trục Hagikaze - Maikaze vớt lên; sau cùng, chính Maikaze phóng loạt ngư lôi kết liễu con tàu xấu số, lúc 19h25 phút.

Akagi chỉ trúng một quả bom, nhưng thế đã là quá đủ. Quả bom 454kg kích nổ hầm chứa máy bay, huỷ diệt toàn bộ khu vực này. Ngay cả khi cô may mắn hơn Kaga khi hệ thống chữa cháy vẫn hoạt động, hệ thống đó vẫn không thể ngăn cản được hoả hoạn càng lúc càng đốt cháy cô trên biển; do đó, hầm đạn được làm ngập nước. Thêm một quả bom "suýt trúng" ở đuôi tàu phá huỷ luôn chân vịt, khoá chặn góc bẻ lái của cô nàng. Tới 13h50 phút thì động cơ ngừng hoạt động, thuỷ thủ đoàn bắt đầu di tản trừ hạm trưởng Taijiro Aoki và đội sửa chữa - kiểm soát thiệt hại. Bằng mọi giá, họ phải cứu được cô nàng.

Soryuu cũng giống như Kaga : hai quả đầu, một quả giữa, xuyên thẳng xuống khoang chứa và kích hoạt. Nồi hơi nổ tung, phá huỷ nghiêm trọng hệ thống động lực, và tới 10h55 phút thì thuỷ thủ của cô bỏ tàu. Nhưng cô vẫn chưa chìm cho tới lúc chiều tối, khi tàu khu trục Isokaze quyết định đánh đắm con tàu bằng một loạt ngư lôi. Thuyền trưởng Yanagimoto quyết định ở lại cùng với con tàu của mình.


Akagi bốc cháy; ảnh được chụp từ người chị em của cô, Kaga


Soryuu chống chọi trước kẻ địch


Hiryuu là niềm hi vọng cuối. Không để lỡ mất thời cơ, lúc 10h58 phút, cô phóng lên phi đội đầu tiên gồm 18 chiếc D3A1 ném bom bổ nhào và 5 chiếc A6M2 Zero; hơn 2 tiếng đồng hồ sau, cô phóng lên thêm 10 máy bay ném ngư lôi B5N2 cùng 9 chiếc Zero. Yorktown trở thành mục tiêu của cuộc tấn công này - cô trúng 3 quả bom và 2 quả ngư lôi. Một trong số những quả bom xuyên thẳng qua sàn đáp, phá huỷ những nồi hơi của cô; những đám cháy đã có thể gây nên những thảm hoạ nếu như đội kiểm soát thiệt hại của cô không làm việc quá mức xuất sắc.

Hiryuu quyết tâm trả thù cho người chị em Soryuu của mình và đã thành công : hai quả ngư lôi đâm thẳng vào mạn trái của Yorktown, phá huỷ hệ thống điện cùng hệ thống động lực. Yorktown nghiêng dần, mọi thiệt hại ngập nước và cháy giờ đây đều trở nên vô phương cứu chữa vì điện đã mất. Thuỷ thủ được ra lệnh bỏ tàu.

Yorktown sau khi bị tấn công bởi những chiếc B5N2 "Kate"

và bị bỏ lại


Nhưng thuyền trưởng thì chưa cho phép mình rời đi. Cùng với ông, 29 sĩ quan và 141 thuỷ thủ tình nguyện quay lại tàu trong những nỗ lực cứu vớt tàu sân bay hạm đội quý giá của người Mỹ. Các phi công của Yorktown không thể quay trở lại tàu, thế nên cũng với phi công trên cô em Enterprise, cả 2 cũng nhau tìm kiếm tàu sân bay Hiryuu. Chỉ có 13 chiếc Zero đang bảo vệ Hiryuu, và cuối cùng, lực lượng máy bay hùng hậu từ cả hai chị em nhà Yorktown đã đánh trúng Hiryuu bằng 4 quả bom 454kg.


Tất cả đều gục ngã

Akagi đã dừng lại giữa biển, nhưng chưa chìm hẳn. Thuyền trưởng Aoki quyết tâm cứu lấy Akagi của mình bằng mọi giá, và mặc dù đội sửa chữa đã chiến đấu suốt đêm với ngọn lửa, nhưng con người vẫn không thể chống lại hoả thần trong tuyệt vọng. Cuối cùng, Aoki đành đau xót ra lệnh bỏ tàu hoàn toàn, và cho đánh chìm con tàu. Mỗi khu trục hạm Arashi, Hagikaze, Maikaze Nowaki đều phóng 1 quả ngư lôi duy nhất vào chính mũi tàu, như là để kỷ niệm những năm tháng oai hùng của tàu sân bay hạm đội đầu tiên trực thuộc Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Akagi trúng ngư lôi và chìm lúc 4h56 phút sáng ngày 5 tháng 6 năm 1942.


Akagi đang chìm dần (hình ảnh chỉ mang tính chất.... minh hoạ)



Hiryuu tưởng chừng như có thể sống sót được, nhưng cuối cùng cũng đành nối gót người chị em của mình. Lúc 21h23 phút tối ngày 4 tháng 6, động cơ của cô ngừng hoạt động. Các thuỷ thủ rời tàu vào rạng sáng hôm sau, còn Đô đốc Yamaguchi, chỉ huy của cả Hiryuu lẫn Soryuu đã đi theo cả hai chị em tàu sân bay để bảo toàn khí tiết. Ông đã đúng khi xin lệnh tấn công ngay lập tức, nhưng sai lầm của chỉ huy đã kéo theo thất bại của cả hạm đội, và ông không thể chống lại những mệnh lệnh của cấp trên.

Tàu khu trục Makigumo đánh chìm Hiryuu bằng loạt ngư lôi lúc 5 giờ sáng, và cô chìm vào lúc 9h12 phút, mang theo một trong những đô đốc xuất sắc nhất của Hải quân Nhật Bản.


Hiryuu đang chìm dần.....


Yorktown suýt nữa thì được cứu thoát. Tới sáng ngày 6 tháng 6, cô vẫn còn nổi, đủ để cho đội cứu hộ tàu đưa con tàu trở lại trạng thái hoạt động cơ bản. Máy bay bị đẩy ra khỏi tàu, các lỗ thủng được vá lại, nước ngập được bơm ra ngoài. Tàu khu trục USS Hammann, con tàu từng cứu thoát các thành viên của Lexington và hỗ trợ việc giải cứu Yorktown lần trước, tiếp tục có mặt ở đó để tiếp ứng cho cô nàng tàu sân bay.


Nhưng họ thì đang bị rình rập. 15h36 phút, các thuỷ thủ nhìn thấy 4 quả ngư lôi đang rẽ nước tiến về phía mình; chúng do tàu ngầm I-168 của Hải quân Nhật phóng ra. Hammann tiến ra và dùng pháo phòng không 20mm đánh chặn những quả ngư lôi, nhưng không hiệu quả lắm, nên cuối cùng, chính cô đã đỡ một quả ngư lôi cho Yorktown. Cô ngay lập tức bị đánh chìm.


Tàu khu trục Hammann, hi sinh khi đỡ đạn cho Yorktown


Yorktown chịu 2 trong số 3 quả ngư lôi còn lại. Những quả mìn sâu rơi ra từ Hammann bị kích hoạt và nổ dưới nước, càng tác động vào những vết thương hiện có của Yorktown - đồng thời, nhiều thành viên trong đội cứu hộ bị thương nặng. Nỗ lực cứu hộ phải được dừng lại.

Các thuỷ thủ thiệt mạng của cả 2 con tàu đều được mai táng, còn các tàu khu trục khác lao vào hỗ trợ những người bị rơi xuống biển. Nhiệm vụ cứu vớt con tàu sân bay cuối cùng không thể thực hiện được, và Yorktown ngoan cường cuối cùng cũng tự chìm vào 7 giờ sáng ngày 7 tháng 1.


Kết thúc

Người Nhật đã mất cả 4 tàu sân bay hạm đội. Không còn gì có thể diễn tả thiệt hại khủng khiếp ấy; đó là một cú sốc quá nặng nề với toàn bộ Nhật Bản. Lực lượng hải quân mà họ gầy dựng 20 năm, giờ đây biến mất chỉ sau vài giờ đồng hồ.


Thực ra, người Mỹ cũng đã mất tới 3 tàu sân bay lớn từ đầu cuộc chiến tới giờ : Lexington, Yorktown, và chiếc Hornet mất vào tháng 10 năm 1942. Nhưng lúc này, Hải quân Mỹ đã đặt lườn tới 6 tàu sân bay mới lớp Essex có tính năng tương đương lớp Shoukaku của Nhật Bản cùng 7 tàu sân bay hạng nhẹ lớp Independent, còn Nhật chỉ bổ sung được hai con tàu Hiyou Junyou được chuyển đổi từ tàu chở khách với tính năng hạn chế. Sau trận Midway, Nhật Bản phải cấp tốc khởi đóng lớp Unryu - vốn là thế hệ sau của Soryuu Hiryuu - một cách nhanh chóng, cùng với việc chuyển đổi bất cứ lườn tàu đang đóng dở nào trở thành tàu sân bay.



Nếu không có Midway, người Nhật có thể thắng được không ? Không. Chắc chắn là không. Nhưng Midway vẫn là cú sốc khổng lồ : nó chỉ ra mọi yếu kém trong kế hoạch tác chiến máy móc và sự thiếu chuẩn bị cho chiến tranh Nhật Bản. Họ đã để lộ gót chân của mình.

Các bài trước trong series :

#1 Đứa con của thần mặt trời trên biển

#2 Mikasa và câu chuyện "người Á Châu quật đổ con gấu trắng"

#3 Chia tay với Anh Quốc, và tứ đại chị em lớp Kongou

#4 Từ Trân Châu Cảng tới Midway : Không đội Hải quân 1 

#5 Từ Trân Châu Cảng tới Midway : Không đội Hải quân 5