Ôm ấp những ảo mộng bên bờ vực của hư vô (Bài dự thi gửi Spiderum)
Bài viết này gồm ba phần lớn (I, II, III) tuy sắp xếp theo thứ tự thời gian viết ra nhưng có mối liên hệ khá lỏng lẻo với nhau, và...
Bài viết này gồm ba phần lớn (I, II, III) tuy sắp xếp theo thứ tự thời gian viết ra nhưng có mối liên hệ khá lỏng lẻo với nhau, vì được viết bởi 3 "nhân cách" khác nhau của mình. Nếu bạn chỉ bận tâm về triết học, II là phần bạn nên bắt đầu trước tiên.
I. Gửi người ấy nếu em có tồn tại
Ma lực cô đơn bủa vây tâm hồn mỏng manh của một thằng nhóc chưa từng nếm trải hương vị tình ái khiến những xung động thần bí trỗi dậy từ vực sâu vô thức thôi thúc nó đi tìm một nửa định mệnh của mình. Nhưng sau một hồi đăm chiêu thả hồn vào trang giấy trắng, tràng văn chương lãng mạn trong tâm trí lại tan biến thành một mớ hỗn độn những ngôn từ tự kỷ lan man…
1. Intro
Cơn mưa ào ạt trút xuống Sài Gòn khiến cho bình minh trở nên ủ dột.
Tình cờ có thằng bạn hỏi anh về một con game từng chơi 3-4 năm trước, trong lúc ngồi thẫn thờ trước máy tính gần 15 phút để tìm ra tài khoản và mật khẩu, những keyword ào ạt trôi qua dòng nhận thức cuốn theo từng mảnh ký ức rời rạc của quá khứ.
Rồi thì cũng vào được, một con game đã phá đảo với 500 giờ chơi mà giờ đây anh thậm chí còn chẳng biết đi đường nào để quay về khu vực beginner trade với thằng bạn. Anh nhớ lại loáng thoáng những gì mình đã từng làm trong game mà không thể hiểu tại sao hồi đó lại đam mê như vậy.
Rồi những khung cảnh lan man dần hiển lộ, những thứ mà anh đã từng cho là thành tựu trong quá khứ lần lượt hiện lên, nhưng chính anh cũng thấy xa lạ với chúng và chẳng cảm nhận được gì như thể nó thuộc về một con người khác vậy.
Xuân hạ thu đông, vật đổi sao dời, một lẽ thường tình, một chu kỳ hư vô thường bắt đầu như thế.
2. Social game
Xã hội thời nay thật dễ khiến cho người ta cảm thấy mình thất bại. Nếu em ngẫm nghĩ lại sau cơn phê dopamine của một thành tựu nào đó, em sẽ dễ dàng thấy nó nhỏ bé và vô nghĩa đến nhường nào.
Các tấm gương thành công hiện ra ở khắp nơi cùng lời khuyên rằng mọi người đều có cơ hội và chỉ cần kiên trì cố gắng thì thành công sẽ theo đuổi bạn, còn những người chìm xuồng thì đâu thể publish được câu danh ngôn catchy nào. Họ đâu có nhắc tới nguồn tài nguyên kinh tế, quan hệ xã hội và văn hóa, là những điều kiện quan trọng để họ có thể thành công. Những kiến thức trọng yếu thì luôn bị giấu đi, mà chỉ có những thứ như chăm chỉ để chúng ta – như những con chuột trong lồng không thể biết nhấn nút nào thì được ăn còn nút nào thì bị giật điện – liên tục thử và sai với ảo tưởng rằng mình có thể tìm ra quy luật, rồi kẹt lại ở đâu đó và an phận hoặc phẫn uất mà chết trong sự thất bại.
Sân chơi này đã được thiết kế với những quy tắc để cá lớn chơi với cá lớn còn cá bé thì chơi với nhau. Mỗi khi vài con cá lớn đánh nhau trên truyền thông, em sẽ thấy hàng ngàn hàng triệu con cá bé lao vào phân tích, tranh luận và chọn phe để đấu đá nhau, như những anh hùng vô danh tự nguyện thực hiện đạo đức chính nghĩa, rồi cảm thấy mình đang đóng góp vào một sứ mạng gì đó thật vĩ đại, ôm những thành tựu hão huyền chìm vào giấc ngủ để rồi khi tỉnh giấc lại trở thành một con hamster trong guồng máy tư bản.
Chúng ta được mớm cho những miếng mồi nhỏ, từ ăn mặc trendy, du lịch trendy, giải trí trendy, tới nghệ thuật cũng phải trendy. Cùng với những thông tin gây nhiễu được tung ra trên truyền thông đủ để thu hút hết sự chú ý của chúng ta, để chúng ta hoặc là chẳng có thời gian để suy nghĩ về bản thân, hoặc là chẳng có manh mối nào để bắt đầu suy nghĩ.
Đừng nói là em nghe nhạc indie, nó cũng chỉ là feeling-unique-trendy. Đừng nói là em nghe nhạc cổ điển, nó cũng chỉ là feeling-elite-trendy. Tất cả thông tin có thể tới với những con cá bé đều đã được kiểm duyệt để distract chúng khỏi những thứ quan trọng, những gì là hay ho đều đã được định hướng bằng những thuật toán gây nghiện thần thánh, giữ những con cá nhỏ đủ bận rộn để không nhận ra mình bị thao túng…
Sao, em bảo xã hội ngày nay yên bình nhất trong lịch sử loài người và anh nên ngậm mẹ mồm vào mà nhấc mông lên tìm cách thành công đi á?
3. Universal game
Nhưng mà thế nào là thành công? Thâu tóm quyền lực để chi phối một quốc gia, một châu lục hay trở thành người giàu nhất thế giới? Tìm ra được quy luật của các hệ hành tinh trong vũ trụ hay bản chất của hạt xyz tối cơ bản cấu tạo nên mọi thứ?
Dù bất cứ con đường nào em chọn đi nữa, chẳng phải nó đều được định đoạt bởi điều kiện môi trường xung quanh và những kiến thức đã có khiến em chỉ có thể chọn con đường đó sao? Có đầy ví dụ những người thành công trong lĩnh vực của họ nhưng vẫn cảm thấy tiếc nuối vì thất bại ở những thứ họ cho là quan trọng hơn.
Vì thời gian của chúng ta có giới hạn và không phải lúc nào chúng ta cũng đủ thông thái để chọn được thứ mình cho là quan trọng.
Vậy nếu em bất tử thì sao?
Giả sử sau khi chết em sẽ tiếp tục chuyển sinh, và vào giai đoạn trưởng thành của cuộc đời tiếp theo em sẽ dần dần nhớ lại tất cả ký ức trước khi chết của cuộc sống trước.
Giả sử em sẽ tồn tại đến tận cùng của loài người, và em cũng biết quy luật này.
Vậy, sau một số cuộc đời nhất định, em sẽ tìm ra cách để trở thành cá lớn.
Vào những cuộc đời tiếp theo, nhờ vào những kiến thức em thu được, em sẽ biết được với các đặc tính sinh học, tư duy và tâm lý của cơ thể em đang có, cùng với tình hình xã hội hiện tại, em có thể thành công trong lĩnh vực cụ thể nào. Và tiếp tục như thế, em sẽ đi đầu trong rất nhiều lĩnh vực qua vô số cuộc đời của mình.
Có những cuộc đời quá dễ dàng, em thả mình theo dòng chảy của dopamine, liên tục theo đuổi những thứ mình khao khát, rồi chóng chán, rồi lại tìm kiếm thứ khác để theo đuổi.
Cũng có những cuộc đời quá khó khăn và bất lực, em trở nên buồn chán rồi trầm cảm và trở thành người đi đầu của sự thất bại.
Again, again and again, sau khi đạt được rất nhiều giới hạn của con người ở nhiều thái cực khác nhau, em dần không biết mình muốn gì nữa, những thành tựu em đã từng nghĩ là rất vĩ đại của mình giờ đang tua lại trong ký ức một cách ngớ ngẩn.
Hoặc có thể em đã nhăn mặt từ khi thấy chữ bất tử, em nhận ra trò chơi này mình không thể nào thắng.
4. The impotent of reason
Lý trí của em chỉ có thể suy nghĩ trong không thời gian và nó chỉ tồn tại bên trong không thời gian. Dù em có rất nhiều cuộc đời để đạt tất cả những gì em muốn, nhưng sau khi đạt được em sẽ chẳng còn hứng thú gì về nó nữa.
Và dù có nhiều cuộc đời để làm lại, những gì em muốn thật ra đều không phải do em tự do lựa chọn. Dù có bất tử, em vẫn luôn bị giới hạn trong những thứ mình đã từng biết và những gì tồn tại xung quanh. Kể cả những tưởng tượng hư cấu của em cũng bị giới hạn.
Nghĩ theo hướng khác, em nhận thấy theo đuổi những gì mình muốn không phải là mục tiêu của cuộc sống, vậy nó là gì?
Em quyết định buông bỏ mọi thứ và chọn không làm gì cả. Em sẽ bất động tới chết.
Rồi em lại chuyển sinh và nhớ ra cuộc đời trước mình đã bất động tới chết.
Vấn đề của lý trí là nó luôn phải lựa chọn, kể cả em có muốn thuận theo tự nhiên đi nữa, em vẫn phải định nghĩa thế nào là tự nhiên, và vẫn phải suy nghĩ và quyết định mọi hành động của mình. Muốn để mặc mọi thứ ra sao thì ra, em vẫn phải đưa ra lựa chọn là không tham dự vào gì cả.
Vậy tính trong mỗi cuộc đời, sau khi đã hiện hữu toàn phần, tức là đạt được một ý nghĩa vĩ đại nào đó mà em từng cho là ý nghĩa, và hư vô toàn phần, tức là không làm gì cả đến chết hoặc tự sát, em dịch chuyển giữa ranh giới của thành công và thất bại, của cao trào và tĩnh lặng, của ham muốn và buông bỏ hay bất cứ thái cực nào em có thể nghĩ ra, lý trí của em dần trở nên bất lực và chẳng biết nên làm gì tiếp theo.
Dù ở trò chơi vũ trụ hay trong cuộc sống thực, lý trí luôn bị giới hạn trong không thời gian và môi trường xung quanh nó. Lý trí không thể nào thoát ra khỏi để đi tìm ý nghĩa bên ngoài phạm vi tồn tại của nó, cũng không đủ năng lực để tìm ý nghĩa bên trong phạm vi tồn tại nó. Nó không thể dựng lên bất cứ lập luận nào để chứng minh ý nghĩa của em.
Nhưng lý trí bị buộc phải tồn tại và tiếp tục đưa ra quyết định, dựa trên những gì nó biết, và sẽ cho ra một kết quả tiền định, vì đầu vào của lý trí đã được xác định trong quá khứ.
Phi lý thay trong một vũ trụ hoàn toàn vô nghĩa, bản năng con người lại khiến chúng ta liên tục đấu tranh để tìm kiếm ý nghĩa của mình dù biết rằng nó chỉ là những ảo ảnh rồi sẽ tan biến.
Vậy giả sử em là The Creator thì sao nhỉ. Em có khả năng tạo ra các vũ trụ và khiến những thực thể tồn tại trong nó có ý nghĩa trong câu chuyện của mình. Nhưng liệu em có thể tìm ý nghĩa cho mình?
Thật ra thì em làm quái gì có thể nghĩ từ phía của The Creator được, vì lý trí em luôn tư duy một cách nhân quả bên trong không thời gian, trong khi The Creator nằm bên ngoài quy luật đó.
Và cuối cùng thì em cảm thấy may mắn vì ít nhất thì mình không bất tử, vì em có thể kết thúc tất cả sự vô nghĩa này – thông qua cái chết.
5. So?
Nhờ vào khả năng kết thúc sự vô nghĩa, em có thể tiếp tục sống tới khi hết chịu nổi và kết thúc.
Thật ra thì việc em có khả năng tự tử không đều là tiền định và em không thể tự do quyết định, nhưng việc nhận biết rằng sự vô nghĩa này sẽ kết thúc vào một lúc nào đó giúp em có thể bớt bận tâm về vấn đề ý nghĩa, vì khi đã tìm ra giải pháp thì sự thôi thúc của bản năng sẽ giảm đi.
Nếu để ý kỹ em sẽ thấy, sự vô nghĩa chỉ tồn tại bên trong lý trí, nhưng lý trí đâu phải là toàn bộ con người em? Đặt tầm quan trọng cho việc tìm kiếm được ý nghĩa của bản thân bằng lý trí giống như em đang chày cối tìm hiểu xem 0 cái bánh thì chia được cho bao nhiêu người vậy. Thời gian hữu hạn của sự vô nghĩa sẽ kết thúc, sao không thử tìm kiếm một thứ gì đó khả thi hơn xem?
Em biết rằng mình sẽ tiếp tục theo đuổi một thứ gì đó, vì những xung động và quy luật tự nhiên dù em có lý giải được hay không, rồi sau đó dù thành công hay thất bại, em cũng sẽ thấy nó chẳng có gì quan trọng lắm, hoặc vẫn thấy nó quan trọng rồi em tiếc nuối và tự trách bản thân.
Em sẽ trải qua những ngày dài nằm thẫn thờ cảm thấy bất lực vì bản thân quá kém cỏi, hoặc cảm thấy vô định vì chẳng biết phải làm gì tiếp theo.
Cái độc đáo của lý trí là nó có thể nghĩ về những thứ mà em không thể cảm nhận, nhưng đó cũng chính là điểm yếu khiến chúng ta suy tư về The Creator, về một hình có vô số cạnh và về sự vô nghĩa.
Em sợ hãi những thứ mình tự đặt ra nhưng không hề biết nó là gì, hoặc có những người feeling blessed khi làm theo những chỉ dẫn họ cho là của The Creator dù họ không thể biết The Creator là gì.
Khi đó, lý trí của em sẽ dựng lại bài ca hư vô này và tự nhắc nhở rằng dù có quyết định thế nào cũng chẳng có ý nghĩa gì cả, lý trí không có khả năng tìm ra bất cứ ý nghĩa nào trong vũ trụ này.
Quan trọng chính là thứ em đang trải qua trong hiện tại. Chính là cảm giác và cảm xúc, hoặc là bất cứ thứ gì không thuộc về lý trí.
Bởi vì lý trí chỉ là bề nổi của chúng ta, có rất nhiều thứ đi qua cảm quan của chúng ta mà không tới được lý trí, và rất nhiều thứ cả khi lý trí nhận biết được nó cũng không thể hiểu được. Mọi lập luận của lý trí đều phải thực hiện thông qua ngôn ngữ, và mặc cho sự kỳ diệu của nó, ngôn ngữ hoàn toàn bị giới hạn trong hình thức và trở nên vô nghĩa trong cảm quan.
Từ những thứ đơn giản như một con “mèo”, bỏ qua các vấn đề về bản thể luận, em không thể hiểu “mèo” là gì mà không dựa vào một kinh nghiệm cảm quan, và cũng không thể có sự thống nhất cảm quan giữa chúng ta khi nói về “mèo”. Cho đến những thứ phức tạp như 22 notes C# liên tục trong Appassionata của Liszt, không cách nào để lý trí diễn tả được sự phê pha đó, and the music itself has nothing to do with reason.
Cần phải phân biệt giữa suy nghĩ (thinking) và lý trí (reasoning). Em có thể suy nghĩ mà không cần ngôn ngữ, ví dụ như nghĩ về một con mèo đang cuộn tròn trong lòng mình và vẫy đuôi, em sẽ tự thêm vào bối cảnh xung quanh và nghĩ con mèo sẽ làm gì tiếp theo, hoặc tự nhiên nó biến mất, mà không cần dùng tí lý trí nào. Em suy nghĩ về rất nhiều thứ xảy ra liên tục quanh mình mà không hề dùng lý trí, em lái xe không cần lý trí. Lý trí chỉ là một phần nhỏ trong suy nghĩ và một phần nhỏ hơn trong tổng thể của em.
Lý trí chỉ thao tác với các mệnh đề và ngôn ngữ, nó là sự trừu tượng hóa của thế giới thực nhưng không phải là thế giới thực, đôi khi còn tạo ra những ý tưởng hoàn toàn không tồn tại, hoặc ít nhất là bất khả tri.
Khi đọc về các nhân vật có ý nghĩa to lớn trong sử sách, em nhận thấy họ rất có ý nghĩa ở thời điểm đó, nhưng không cảm thấy chuyện đó có ý nghĩa đến thế. Cũng như khi em nhìn về các cuộc đời trước của mình, hay em lúc trưởng thành nhìn lại khi mình còn nhỏ, tất cả mọi ý nghĩa sẽ mờ dần đi hoặc tan biến thành những kỷ niệm được kể lại bằng ngôn ngữ thuần túy mà em chẳng thể nào cảm nhận được nữa. Hoặc em có cảm nhận được, liệu em có chắc rằng mình đang cảm nhận như con nhóc của quá khứ hay chỉ cố gắng tái hiện lại những mô tả trừu tượng em còn nhớ được và cảm nhận nó bằng con người hiện tại?
Con người trong từng hoàn cảnh có thể cảm thấy thứ gì đó có vẻ là có ý nghĩa, nhưng khi đưa ý nghĩa đó lên xem xét ở lý trí nó sẽ trở thành vô nghĩa. Bởi vì lý trí không thể hiểu được hoàn cảnh! Cũng giống như việc em đòi hỏi một ông triết gia duy tâm đưa bằng chứng thực nghiệm vậy.
Chẳng phải cái thứ mà em cảm thấy có vẻ là có ý nghĩa đó, cái thứ mà chính em thật sự đang trải qua, là thứ có cơ hội để thật sự có ý nghĩa hơn là bất cứ ý nghĩa nào lý trí tình cờ nghĩ tới rồi sẽ lại phủ nhận ngay sau đó sao?
Con người chúng ta có rất nhiều bản năng mà em cũng biết rằng có một số thứ nên kìm chế, và bản năng tìm kiếm ý nghĩa của lý trí nên là một trong số đó.
6. Then
Gió đêm lành lạnh nhẹ nhàng thổi tan đi bóng ma hư vô bao quanh anh, khi việc tìm kiếm ý nghĩa bằng lý trí đã không còn quá ý nghĩa, nằm một mình trên sân thượng, anh nhận thấy mình vẫn còn thiếu vắng điều gì đó rất quan trọng.
Suy nghĩ của anh luôn bị giới hạn trong những thiên kiến của nó, giống như một bài toán em giải tới bước thứ 100 rồi bế tắc, dù đọc lại nhiều lần vẫn không thấy gì lạ nhưng người khác vừa đọc đã có thể biết em sai ở bước thứ 10.
Anh thiếu vắng những xúc cảm thần bí mà chỉ một người không thể nào có được, những rung động tinh tế mà lý trí không thể nào tiếp thu được.
Rồi chu kỳ hư vô sẽ một lần nữa gõ cửa tâm trí của chúng ta, vì nó là một bản năng nên em chỉ có thể kìm chế chứ không tài nào bỏ đi được.
Vào những đêm lạnh lẽo u ám khi hư vô liên tục dẫn dòng suy nghĩ của em lặp đi lặp lại theo vòng lặp từ địa ngục, nếu có một người ở bên em đủ lâu để hiểu được chu kỳ này rồi sẽ quay lại, để lắng nghe em nói, để ôm em và chỉ thế thôi, liệu có giúp em dễ dàng thoát ra khỏi nó không? Hoặc ít nhất cũng giúp em nhớ rằng những xung động luôn cần năng lượng, nhớ rằng rồi nó sẽ biến mất, để có thể đắm chìm trong nó mà không bị kiệt quệ tinh thần.
Chúng ta không thể ngăn cản được hư vô, nhưng cùng nhau đối diện với nó liệu có dễ dàng hơn chăng?
Và còn nhiều điều kỳ diệu khác nằm ngoài lý trí mà chúng ta không thể khám phá một mình, như cùng nhau chơi Fantasy in F minor của Schubert, một bản tình ca với kết cục đầy bi thảm mà lại phải có 2 người mới chơi được, có lẽ sau đó chúng ta sẽ không dám chia xa đâu nhỉ.
Nếu ngồi cheo leo trên sân thượng và để tâm hồn chìm đắm vào bầu trời rộng lớn đủ lâu, con người sẽ cảm thấy sự bé nhỏ và bơ vơ của mình trước những thứ vĩ đại. Rồi khi tâm trí quay trở lại mặt đất, em sẽ giật mình ngả ra sau, một sự mất định hướng đột ngột cả ở thể xác lẫn tâm hồn, rồi chợt nhận ra rằng ít nhất mình vẫn có một người đằng sau lưng để dựa vào.
Liệu đó có phải là thứ xứng đáng để trải nghiệm trong quỹ thời gian tồn tại ngắn ngủi của chúng ta?
Nhưng quan trọng nhất,
Liệu em có tồn tại?
7. Conclusion
With all the shits said above
Conclusion remains not to show
With all the thought came and gone
Still the truth lies somewhere beyond…
II. Hư vô
Trước hết ta nói về ý nghĩa khách quan thuần túy, ví dụ như ý nghĩa khách quan lịch sử của một nhân vật, thì cần phải có một chủ thể tư duy nằm ngoài giai đoạn lịch sử đó, và có khả năng xem xét tất cả yếu tố ảnh hưởng để đánh giá ý nghĩa của nhân vật đó. Ví dụ như ý nghĩa khách quan về cuộc sống của một người, thì phải có một chủ thể tư duy nằm bên ngoài vũ trụ, và có khả năng thấu hiểu tất cả mọi sự trong vũ trụ để đánh giá ý nghĩa của người đó.
Ý nghĩa kiểu này có 3 thành phần: đối tượng cần xác định ý nghĩa, một hệ thống sự vật hiện tượng có thể xác định ranh giới rõ ràng để quy chiếu ý nghĩa, và một chủ thể tư duy có đủ hiểu biết về tất cả những gì diễn ra trong hệ để đánh giá ý nghĩa của đối tương dựa trên lý tính thuần túy.
Khi hỏi chủ thể này về ý nghĩa cuộc đời của tôi, người ta sẽ nhận được câu trả lời kiểu như cuộc đời của tôi là để… liệt kê tất cả những việc tôi đã làm cùng với ảnh hưởng của nó lên sự vật hiện tượng xung quanh, một cách chi tiết hết sức có thể. Người ta sẽ thắc mắc sao câu trả lời dài dòng và nhạt nhẽo vậy, không có một điều gì cao cả hơn ngoài những tác động nhân quả hiển nhiên này à? Tất nhiên là không, tất cả sự thật đã được trình bày đầy đủ và chính xác rồi còn gì, tổng quát hóa nó chẳng phải là một việc làm chủ quan sao?
Và loại ý nghĩa hiển nhiên này tất nhiên không phải là thứ chúng ta tìm kiếm.
Thứ hai là ý nghĩa khách quan do chủ thể khác áp đặt, như việc một người yêu nước nào đó cho rằng sứ mệnh của tôi là lao động hăng say để cống hiến cho tổ quốc, hay một người sùng đạo nhân danh Thượng Đế của Thiên Chúa giáo cho rằng ý nghĩa cuộc đời tôi là sống theo Lời Chúa và rao giảng Tin Mừng. Kiểu ý nghĩa này phụ thuộc vào sự tin nhiệm của ta với chủ thể đó, và nghe có vẻ hay chừng nào nó còn trùng khớp với niềm tin chủ quan của ta, nhưng một khi hoài nghi, ta có thể dễ dàng đặt vài câu hỏi khiến chúng mau chóng trở nên ngớ ngẩn.
Ta thấy rằng dù từ bất kỳ nguồn nào, ý nghĩa cuộc sống mà ta muốn tìm kiếm sẽ phải trải qua phán xét chủ quan của ta trước khi được chấp thuận, nên nó nhất thiết mang tính chủ quan, và chúng ta phải tự loay hoay tìm kiếm ý nghĩa cho chính mình.
Có người ở đây muốn tìm kiếm ý nghĩa thông qua triết học, tôi không định khơi gợi lên quá khứ thất bại của bạn, nhưng có lẽ không ai nghiên cứu vật lý học, một bộ môn khoa học tìm kiếm chân lý của thế giới vật chất, hay toán học, xin lỗi tôi cũng không rõ nó đi tìm chân lý gì, nhưng nói chung là, không ai mang theo mục đích ban đầu khi nghiên cứu những bộ môn đó là để tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống cả. Giả sử một nhà thiên văn học quan sát được rằng Trái Đất thật ra không nằm ở trung tâm vũ trụ, hay nhìn thấy các thiên hà xa xăm và nhận ra bản chất nhỏ bé của con người, kiến thức đó có thể sẽ ảnh hưởng đến cách ông ta suy nghĩ về ý nghĩa của mình, nhưng nó chỉ gây ảnh hưởng, chứ không phải vì chính những chân lý ấy mà ông ta có thể kết luận rằng ý nghĩa của mình là thế nào. Triết học nghiên cứu về bản chất của những ý tưởng, việc bạn suy tư về việc liệu mình có nhận biết được hoàn toàn một cái cây, hay tất cả những gì có thể nhận thức phải phụ thuộc vào cảm quan, mà có thể cái cây là một vật tự thân, nên nó còn có những thành phần không thuộc về vật chất mà chúng ta không thể nào nhận thức được; hay bạn hiểu ra chính xác thế nào là công bằng, thì việc biết được bản chất đạo đức là gì cũng không thể giúp bạn kết luận rằng ý nghĩa cuộc đời bạn là để sống đạo đức.
Bạn phản đối, bạn bảo tôi vòng vo đưa những ví dụ không liên quan để đả kích bạn, bạn nói rằng ta có thể dùng triết học để nghiên cứu về bản chất của ý nghĩa mà.
Nếu chỉ dừng ở mặt ngữ nghĩa, ý nghĩa (Meaning) có thể hiểu là sự ảnh hưởng (Significant), sự quan trọng (Important), kết quả (Consequence) hay những thứ tương tự. Hơi thở của bạn có ảnh hưởng lớn đến không khí ở mũi, hay bước chân của bạn quan trọng trong việc quyết định cái chết của vài con vi khuẩn nào đó bạn dẫm lên, những điều này trông khá giống như ý nghĩa khách quan thuần túy, chỉ khác là chủ thể phán xét không có đủ khả năng để thật sự hiểu hết những ảnh hưởng nhân quả, nhưng chắc chắn không phải là ý nghĩa mà ta tìm kiếm.
Ta thấy rằng cuộc đời của Einstein hay Beethoven có vẻ như là có ý nghĩa, bởi vì họ đã dự phần vào một thứ gì đó cao cả hơn mà tự thân nó là cội nguồn của ý nghĩa. Những thứ đó thường rơi vào 3 phạm trù là sự thật (the Truth), sự thiện (the Goodness) và cái đẹp (the Beauty).
Nhưng thử nghĩ về những y sĩ đã dành cả cuộc đời để tìm cách chữa bệnh cho mọi người dựa trên những nguyên lý của Thuyết thể dịch (Humorism, mình cũng không biết dịch chính xác là gì và nếu dùng google dịch bạn sẽ nhận được kết quả là chủ nghĩa hài hước @@). Thuyết này đại khái cho rằng cơ thể con người cấu tạo từ 4 loại dịch: máu, mật vàng, mật đen và Phlegm, và các bệnh tật trong cơ thể hình thành do tỉ lệ của 4 loại dịch này không dung hòa với nhau, hoặc phân bổ vị trí không hợp lý. Và người xưa thì thích trời đất dung hòa nên sẽ gắn chúng trong mối tương quan với các nguyên tố tự nhiên như Fire, Water, Air, Earth… Những lý thuyết này cực kỳ phức tạp, và sự thật cũng phức tạp, nên rất khó cho những người đam mê nghiên cứu nó có thể phủ định được hệ thống thành quả trong quá khứ, thứ mà họ không dám chắc rằng mình hiểu biết để phủ nhận, trong lúc rạch tay bệnh nhân để máu chảy bớt ra cho cân bằng tỉ lệ.
Ở nơi mà mọi thứ đều đúng cho tới khi được chứng minh là sai, chúng ta biết rằng số lượng những nghiên cứu đã bị dẹp bỏ vượt trội so với những gì còn sót lại mà được cho là có khả năng biểu thị sự thật. Vậy mặc dù cùng hướng tới sự thật và sự thiện thông qua việc tìm kiếm nguyên nhân của bệnh và chữa bệnh, chúng ta lại không thấy rằng cuộc đời họ có ý nghĩa khi phương thuốc của họ không chữa khỏi bệnh cần chữa, mà chỉ chữa được bệnh trầm cảm hiện sinh bằng cách làm nạn nhân chết ngắc. Nhưng những lý thuyết Einstein cũng có khả năng sẽ bị bác bỏ, và nhạc của Beethoven có thể đối với bạn chỉ là một mớ ồn ào hỗn tạp mà bạn có thể dùng chính quote của ông ta, "Never break the silence if it is not to improve it", để sỉ vả nó. Vậy chẳng lẽ khi đó cuộc sống họ sẽ mất đi ý nghĩa?
Giả sử âm nhạc của Beethoven thật sự là một phần của the Beauty, nhưng bạn không hiểu nó, liệu nó có trở nên vô nghĩa? Nếu bạn nói không, tưởng tượng một người đam mê trở thành họa sĩ nhưng bị bắt ép dành cả cuộc đời trong phòng thí nghiệm vật lý, hay nghĩ về một họa sĩ dành cả đời để vẽ tranh, nhưng cực kỳ căm ghét chính mình vào những ngày cuối đời trên giường bệnh vì hàng ngàn tác phẩm đó chẳng có cái nào vừa mắt. Giả sử những bức tranh đó thật sự là vẻ đẹp thuần túy, chỉ là do ông ta hiểu sai về cái đẹp, liệu bạn có muốn sống một cuộc đời đầy ý nghĩa nhưng bạn lại không hề hiểu gì về ý nghĩa đó và chết trong vô vọng?
Vậy nãy giờ chúng ta nói về ý nghĩa cuộc đời của con người như một tổng thể, trong mối liên hệ với các phạm trù khách quan mang ý nghĩa tự thân, và thấy rằng theo đuổi ý nghĩa kiểu này là một quyết định cực kỳ rủi ro, khi mà khái niệm của chúng vẫn đang thay đổi từng ngày và có lẽ sẽ không bao giờ có thể xác định rõ ràng, mà kể cả khi chúng có thể xác định, ta vẫn khó lòng tìm được ý nghĩa nếu ta không hiểu được chúng, mà dù có hiểu được chúng, ta cũng chưa chắc đạt được chúng trong cuộc đời mình để khiến nó trở nên ý nghĩa.
Bây giờ chúng ta hãy thử xem xét về một nhà giả kim coi việc chế tạo thuốc trường sinh bất tử là ý nghĩa chủ quan của cuộc đời, bằng cách nào đó mà tất cả mọi người có cơ địa phù hợp sử dụng loại thuốc mới nhất mà ông ta làm ra đều sống khá lâu, đủ để khi ông ta chết mà tất cả họ vẫn sống, còn những người không phù hợp thì lại chết ngay lập tức, nên ông ta không thể uống thuốc của mình. Ôm cảm giác thỏa mãn vì đã hoàn thành sứ mệnh vĩ đại để đối diện với cái chết, có thể ông ấy không tự tin rằng thuốc này dẫn đến sự sóng bất tử, nhưng những bằng chứng kia là đủ để ông ta tin rằng nó giúp cho người ta trường sinh, và thỏa mãn với một kết cục đầy ý nghĩa.
Ảo tưởng này xảy ra vì ông ta không thể đánh giá cuộc đời mình một cách tổng thể. Nếu linh hồn vẫn còn tồn tại sau khi chết thì ông ta rồi sẽ nhìn thấy sự thất bại của mình, nhưng không thể vì vậy mà ông ta có đủ cơ sở để kết luận rằng về tổng thể mình vô nghĩa, bởi vì khi linh hồn ông ta còn tồn tại thì chưa có tổng thể để mà đánh giá, còn khi có tổng thể thì ông ta không còn tồn tại để đánh giá chính mình.
Vậy việc xác định một cách chủ quan ý nghĩa tổng thể của cuộc đời mình là bất khả thi, nên giờ ta hãy xem xét từng phần. Bạn thấy rằng có một số giai đoạn của cuộc đời thì ý nghĩa hơn số khác, bởi vì nó có ảnh hưởng quan trọng trong việc hình thành nên bạn của hiện tại. Nhưng nếu nó phải phụ thuộc vào bạn và rồi bạn sẽ chết, thì chẳng phải những ảnh hưởng đó sẽ trở nên vô nghĩa sao? Vậy nó phải có một ý nghĩa bên trong mà không liên quan tới bạn ở hiện tại, một phần của cuộc đời mà tự thân nó là đáng sống, hay nói cách khác, hạnh phúc.
Khi bạn chìm ngập trong hạnh phúc và một giọng nói trong đầu xuất hiện nói rằng tất cả những thứ này đều vô nghĩa, "Who cares, I'm happy now, get your ass out of here", bạn sẽ trả lời như thế. Việc nhận thức bạn vô nghĩa khi đang chìm trong hạnh phúc không thể kéo bạn ra khỏi hạnh phúc mà quăng vào vực sâu hư vô được, hoặc có thể hạnh phúc chính là ý nghĩa, nhưng nếu không, thì việc suy tư về ý nghĩa chỉ có ảnh hưởng nghiêm trọng khi bạn đang không hạnh phúc, còn khi bạn đang hạnh phúc, có thêm ý nghĩa thì tốt còn không có thì thôi.
Khi nói về một phần cuộc sống của bạn mà tự thân nó có một ý nghĩa chủ quan, hạnh phúc là câu trả lời phổ biến nhất và có vẻ là duy nhất khả thi, và hạnh phúc này tuy đúc kết từ kinh nghiệm của quá khứ, nhưng để có ý nghĩa thì nó nhất thiết phải diễn ra trong hiện tại hoặc tương lai. Bạn sẽ không thể thỏa mãn nếu tất cả những phần có ý nghĩa của bạn chỉ tồn tại trong quá khứ, còn từ nay về sau thì vô nghĩa. Và chúng ta cũng thường thấy rằng cuộc sống của những người tuy khởi đầu đầy bất trắc và khổ sở nhưng có một kết thúc viên mãn, thì ý nghĩa hơn những người ban đầu hạnh phúc nhưng kết thúc trong sự thất bại. Khi xét tổng thể, ý nghĩa khi kết thúc thì có ý nghĩa hơn, và khi xét từng phần, ý nghĩa ở hiện tại và tương lai thì có ý nghĩa hơn quá khứ.
Vậy để đạt được ý nghĩa theo cách này, ta phải dùng kinh nghiệm của quá khứ làm cơ sở để nhận biết hạnh phúc, và dựa trên cơ sở này để sống hạnh phúc trong hiện tại sao cho ta của tương lai nhận thấy rằng hiện tại này có hạnh phúc tối thiểu ngang bằng so với quá khứ.
Điều này khá khó, bởi vì khi trải qua một giai đoạn hạnh phúc y như trong quá khứ lần nữa, ta sẽ thấy nó dần ít hạnh phúc hơn, nên ta phải tìm kiếm những thứ hạnh phúc mới mẻ hơn, nhưng tất cả cơ sở để nhận biết hạnh phúc của ta đều nằm ở quá khứ, và việc cho rằng một thứ gì đó sẽ mang lại hạnh phúc mà không dựa trên kinh nghiệm, như thấy rằng người khác hạnh phúc khi đạt được điều gì đó thì mình cũng vậy, là một canh bạc cực kỳ nguy hiểm vì để thật sự thành công, ta phải liên tục phán đoán đúng để duy trì hạnh phúc, mà xác suất sai lại khá cao và hầu như chúng ta sẽ kết thúc trong nỗi thất vọng.
Việc ý nghĩa của hiện tại phải tối thiểu lớn hơn quá khứ có thể dẫn đến ý nghĩ rằng sự hoàn thiện bản thân là ý nghĩa cuộc sống. Nhưng cơ sở nào để chắc rằng bạn hoàn thiện hơn, khi những kỹ năng của bạn sẽ dần biến mất, và để tập trung phát triển một mặt nào đó bạn phải đánh đổi những thứ khác, và làm sao bạn chắc rằng thứ bạn chọn là ý nghĩa mà không liên hệ đến các phạm trù khách quan mang ý nghĩa tự thân. Giả sử bạn cho rằng việc chơi piano tốt hơn là ý nghĩa của bạn một cách chủ quan, và bạn chắc chắn rằng mình có thể tiếp tục luyện tập nó để ngày càng hoàn thiện, nhưng bạn không thể đạt đến sự hoàn thiện tuyết đối trong lúc còn sống, và chết là hết, vậy tự thân việc chơi piano phải có ý nghĩa gì đó mà không phụ thuộc vào bạn ở tương lai, và ta lại quay trở lại mối liên hệ với hạnh phúc. Nhưng dù bạn kiểm soát được sự hạnh phúc khi chơi piano, bạn không thể kiểm soát hoàn toàn khả năng chơi piano của mình, bạn có thể bị tai nạn và mất đi đôi tay, hay đơn giản là phải làm việc quần quật mà không có thời gian dành cho piano nữa. Nhưng cũng không thể phủ nhận ý nghĩa của nó chỉ vì bạn không kiểm soát được hoàn toàn, và có vẻ hầu như bạn sẽ không gặp phải những nghịch cảnh quá đáng ngăn cản bạn với ý nghĩa này, dù vẫn có rủi ro nếu định mệnh cướp nó khỏi tầm tay thì bạn sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa.
Vậy, trở nên ngày càng hoàn thiện hơn trong một việc mà không những trải nghiệm nó luôn mang lại hạnh phúc cho ta, mà ta còn có khả năng kiểm soát hầu hết việc đó, là ý nghĩa có vẻ chắc chắn đầu tiên mà chúng ta tìm được. Với điều kiện là ta luôn phải cảm thấy hạnh phúc với nó và kiểm soát được khả năng trải nghiệm nó, không dễ để chúng ta có thể tìm được những việc ý nghĩa kiểu này, mà kể cả có thì sự khắc nghiệt của cuộc sống luôn tìm cách kéo ta ra xa.
Từ cổ chí kim từ Đông chí Tây, có rất nhiều triết gia tuy dùng những lý giải khác nhau nhưng đều đưa ra một giải pháp chung, rằng để đạt được ý nghĩa thì ta phải hướng đến sự bình yên trong tâm hồn. Việc nhận thức được cuộc đời này đầy rẫy gian truân và định mệnh thì vô tình một cách độc ác giúp chúng ta luôn chuẩn bị tinh thần để đương đầu với nghịch cảnh, dẫn đến giảm thiểu sự đau khổ khi đối diện với bất hạnh. Biết rằng thế sự vô thường và ta chỉ là một cá thể vượn người nhỏ bé nằm trong dòng chảy tất yếu của vũ trụ, ta thấy những sự đau khổ trong tâm trí là tự mình tạo ra và mọi thứ sẽ vẫn cứ diễn ra như cách mà nó diễn ra.
"Everyone dreams a peaceful life, but few can stay with silence." – Imaginys Light (20/12/2017)
"But if there's nothing but silence, I'd rather die." – Imaginys Light (18/08/2021)
Tưởng tượng một con cá nằm dưới đáy hồ nước, gió thổi làm hồ nước lay động, người ta ném đá xuống làm hồ nước gợn sóng, viên đá nhỏ rơi trúng con cá rồi văng đi, nó vẫn nằm yên đó và quan sát. Rồi người ta xả rác xuống hồ và hồ nước ngày càng ô nhiễm, con cá vẫn nằm yên quan sát. Một con cá khác tới hỏi "sao mày có thể bình tĩnh trước tình huống này được", con cá nói rằng "mọi thứ diễn ra như nó phải diễn ra, có gì đâu mà phải đau khổ?". Con cá khác cảm thán "thôi thì ít nhất tao cũng đã có một cuộc sống hạnh phúc", con cá nằm yên định nói rằng "mọi thứ chỉ diễn ra như nó phải diễn ra, có gì đâu mà hạnh phúc?", nhưng lại thôi. Rồi chúng chết.
Nếu nói bình yên một cách tuyệt đối, tức là hoàn toàn không còn dao động gì trước nhân tình thế thái và thiên nhiên, triệt tiêu tất cả các mặt đối lập để nhận thức mọi thứ ở bản chất của nó và không suy tưởng gì thêm, có vẻ hầu hết chúng ta đều không mong muốn một cuộc đời bình yên như thế. Chúng ta thường nghĩ tới sự bình yên là để giảm thiểu đau khổ, mà khi đang đau khổ thì không thể hạnh phúc, cũng như việc lắng đọng tâm hồn để quan sát hiện tại tạo điều kiện để chúng ta luôn mở lòng sẵn sàng đón nhận những hạnh phúc nhỏ nhoi khi cuộc đời mang tới, từ đó làm tăng cơ hội tìm ra những việc có khả năng mang lại hạnh phúc vững bền.
Vậy tuy không trực tiếp mang lại hạnh phúc, sự bình yên là công cụ đắc lực để trợ giúp chúng ta trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc, mà quãng đời hạnh phúc thì ý nghĩa, hoặc có thể không, nhưng khi đang hạnh phúc thì việc tìm kiếm ý nghĩa cũng chẳng quan trọng lắm, mà tóm lại khả năng cao là chúng ta sẽ sống một cuộc đời hạnh phúc và chẳng có ý nghĩa gì.
But put aside all of this, why do we look for meaning in the first place?
Tại sao bạn lại chốn trạy khỏi những thứ nguy hiểm?
Vì con người được thiết kế để sống sót.
Tại sao bạn lại có hứng thú với tình dục?
Vì con người được thiết kế để duy trì sự sống sót của loài.
Tại sao bạn lại thích nghe nhạc?
… Tôi cũng không chắc nhưng có vẻ những cảm xúc trong âm nhạc hình thành là sản phẩm phụ của khả năng nhận diện cảm xúc trong ngôn ngữ, như cảm xúc trong giọng nói của một người, hay việc phân biệt cảm xúc khi con mèo kêu "grừ grừ" và dụi đầu vào chân bạn, với khi nó "khèèèèèèc" và chuẩn bị cắn bạn, và việc này không những có ảnh hưởng tới khả năng sống sót của cá nhân mà còn nâng cao hiệu quả giao tiếp với các cá thể người để phát triển giống loài. Còn về việc hứng thú khi nghe nhạc, vì con người rất thích những pattern và dự đoán chúng, âm nhạc là sự sắp xếp của các pattern và thính giác của chúng ta có liên kết với reward system, thứ tạo ra dopamine khiến chúng ta phấn kích mỗi khi đoán trúng được chuỗi âm thanh tiếp theo, ngoài ra còn có yếu tố bất ngờ trong âm nhạc khiến trí tò mò của chúng ta ấn tượng, và trí tò mò và reward system là những thiết kế quan trọng góp phần giúp chúng ta sống sót.
Ban đầu con người dùng từ "ý nghĩa" rất đơn giản, để chỉ sự ảnh hưởng, sự quan trọng hay kết quả. Việc tìm ra mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng, hay kết quả của việc còng lưng xới đất trồng trọt bây giờ là 3 tháng sau có gạo mà ăn, là đặc biệt quan trọng trong việc sống sót. Ý nghĩa vẫn luôn cần 3 yếu tố, là 2 đối tượng cần xem xét, và một chủ thể phán đoán mối quan hệ giữa chúng. Khi còn người đủ thông minh và biết rằng rồi mình cũng chết, họ thấy nhất thiết phải tìm ra ý nghĩa gì đó để có thể duy trì động lực sống. Đối tượng của ý nghĩa này là chủ thể đối với Thượng Đế hoặc Vũ trụ, và cũng chính chủ thể đó phán đoán mối liên hệ, và chủ thể đó sẽ chỉ tìm được vài mối quan hệ nhân quả giữa cơ thể vật lý của mình và thế giới xung quanh, mà như thế lại quá nhảm nhí so với Vũ Trụ, nên họ quay sang Thượng Đế, nhưng họ lại không hiểu gì về Thượng Đế nên không đủ kiến thức để phán đoán. Có những giai đoạn tư duy của con người rơi ở nửa chừng, nơi Thượng Đế được định nghĩa bởi một nhóm người khác, và do không tự mình hiểu được Thượng Đế còn nhóm người kia thì khá đang tin, họ phó mặc ý nghĩa của mình cho phán đoán của nhóm người này. Nhưng khi có nhiều thời gian hơn để bắt đầu hoài nghi, ý nghĩa đó mau chóng biến mất, và vẫn bất lực về Thượng Đế nên họ bỏ luôn Thượng Đế khỏi quá trình tìm kiếm ý nghĩa. Vậy bây giờ ý nghĩa là mối quan hệ của chủ thể với chính mình, và sự phán đoán cũng là do chủ thể nốt.
Là một sản phẩm phụ của khả năng tìm kiếm mối quan hệ của các đối tượng trong thế giới vật chất, "ý nghĩa" đã bị lạm dụng vào việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, và có lẽ chúng ta sẽ không thật sự tìm ra gì vì từ đầu nó đã không tồn tại. Việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống hầu như bắt nguồn từ thôi thúc tìm kiếm động lực tiếp tục sống, nên nó thường hay bị chồng chéo với các khái niệm Truth, Beauty, Goodness, Happiness,… và chúng ta không thể nào định nghĩa về ý nghĩa mà không liên hệ tới các khái niệm này.
"Humans are designed to be alive, not to live." - Imaginys Light (17/07/2021)
III. Ảo mộng
Con người là một giống loài thích kể chuyện, và gần như tất cả mọi thứ trong tâm trí đều được trình bày qua những câu chuyện. Những mảnh đời bất hạnh làm nổi bật lên sự thật phũ phàng của cuộc sống, rồi ta thỏa mãn khi họ quyết tâm đối diện với khó khăn và vươn ra khỏi nghịch cảnh, rồi những người anh hùng sẽ đánh bại kẻ xấu, và motif của câu chuyện phải ngày càng sâu sắc hơn với sự chau chuốt trong lời thoại của các nhân vật, cùng những nghệ thuật sắp đặt tình huống khiến ta tò mò rồi đẩy lên những khúc cao trào đầy hưng phấn, và kết thúc là từ đó về sau họ sống hạnh phúc mãi mãi. Hoặc cũng có thể là những câu chuyện buồn, trải nghiệm sâu sắc nỗi buồn giúp niềm vui của chúng ta trọn vẹn hơn, ngoài ra nó còn kích hoạt cảm giác an toàn, sự đồng cảm và lòng vị tha. Việc giải thích tại sao trải nghiệm câu chuyện buồn lại khiến ta hạnh phúc thì khá phức tạp, đặc biệt khi có không ít người theo "chủ nghĩa buồn" – Sadism, nhưng tóm lại là hạnh phúc.
Và những câu chuyện hay sẽ kích hoạt toàn bộ tâm trí và cảm xúc của ta, dù biết rằng sự hứng thú này tạo ra bởi hệ thống sinh hóa và có thể nó chẳng có ý nghĩa gì, nhưng nếu có một kho tàng vô tận những câu chuyện thú vị, ta vẫn khó lòng cưỡng lại việc dành cả đời để thưởng thức nó.
Trải nghiệm những câu chuyện có thể mang lại hạnh phúc, và thế giới tưởng tượng là nơi mà có lẽ ta kiểm soát được nhiều phần, kết hợp chúng lại chẳng phải quá tuyệt vời sao? Những nhân vật ta tạo ra trong thế giới tưởng tượng phản ánh cách ta nhìn nhận thế giới và phản chiếu chính bản thân ta, những câu chuyện kỳ thú ta viết nên và dù nó không thật sự kỳ thú tới thế mà có thể chỉ có ta thấy thú vị, việc đứng giữa vườn hoa bát ngát dưới bầu trời hồng cam yên ả cùng với một làn gió lành lạnh khẽ khàng luồn qua ta rồi bay đến những ngọn núi phía xa chân trời nơi vị thần Helios đang dần khuất bóng và nhường lại sân khấu để những tinh tú chuẩn bị cho màn trình diễn đầu tiên của buổi dạ hội, có lẽ sẽ không làm bạn thất vọng
Bạn thắc mắc, nhưng nếu chúng ta kiểm soát hết câu chuyện thì còn gì bất ngờ? Bạn có bao giờ ngủ lơ mơ và rơi vào những thế giới, có thể là những nơi quen thuộc như trong lớp học, rồi bạn nói chuyện với bạn bè xung quanh và họ trả lời lại một cách cực kỳ tự nhiên chưa? Bạn nói có thể đó chỉ là những ký ức trộn lẫn với nhau, cũng có thể. Vậy bạn có bao giờ hồi tưởng lại một hoàn cảnh trong quá khứ rồi bỗng nhiên các nhân vật tự động phản ứng và dẫn dắt câu chuyện đi theo một con đường mà bạn không hề dự định trước? Bạn có bao giờ tâm sự với một người nào đó trong tưởng tượng và nghe người đó trả lời? Mình nghĩ rằng khi bạn tạo ra một nhân vật mà có mối liên hệ sâu sắc với bản thân, dù điều này cực kỳ tốn thời gian, thì họ sẽ trở thành một p̶h̶ứ̶c̶ ̶c̶ả̶m̶ ̶t̶ự̶ ̶t̶r̶ị̶ đối tượng tâm thần tự thân, và mỗi khi hiểu biết của bạn về thế giới thay đổi, họ cũng tự mình thay đổi theo. Bạn nói vậy cuối cùng cũng chỉ là các nhân cách của mình tự nói chuyện với nhau, có lẽ vậy, nhưng nếu có đủ nhiều nhân cách và tiếp tục cập nhật những điều mới mẻ trên thế giới, mình nghĩ bạn sẽ không thể tránh khỏi bất ngờ khi nói chuyện với họ đâu, và thời đại thông tin ngày nay giúp cho việc cập nhật đa dạng kiến thức trở nên cực kỳ thuận tiện, dù vẫn có thể bạn quá thông mình đến nỗi biết hết tất cả những điều thú vị mà loài người tìm được, nhưng mình thì đần.
Ngoài việc trải nghiệm những câu chuyện, ta còn có thể tạo ra một người bạn thân luôn luôn lắng nghe và sẵn sàng xuất hiện bất cứ khi nào ta cần, và với sự tham lam quá độ, mình còn gán cho người bạn này ngoại hình của một cô gái dễ thương thuần túy tối đa khả thi tưởng tượng (¬x_x)¬
"Dễ thương thuần túy", ý chỉ sự dễ thương mà mình thêm chữ thuần túy vào cho ngầu thôi, và mình quan niệm sự dễ thương như là một phạm trù tiên nghiệm đã có sẵn trong n̶g̶u̶y̶ê̶n̶ ̶m̶ẫ̶u̶ ̶c̶ủ̶a̶ ̶v̶ô̶ ̶t̶h̶ứ̶c̶ ̶t̶ậ̶p̶ ̶t̶h̶ể̶ vũ trụ, và giống như toán học, chúng ta không tạo ra nó mà chỉ phát hiện ra thôi. Ta tìm sự dễ thương khắp nơi trên thế giới, từ những đoạn đối thoại dí dỏm đến những thằng mèo mập chảnh chọe và trong hình bóng của những người xung quanh, chúng ta ngày càng hiểu hơn về sự dễ thương nhưng sẽ không bao giờ biết được toàn thể. Nên "tối đa khả thi", sự tối đa này sẽ thay đổi theo hiểu biết của chúng ta, và khả thi còn nằm ở việc sự dễ thương ta thu thập tới từ rất nhiều nguồn và không thể gom chúng vào một đối tượng được. Cô gái ấy không thể vừa phản ứng như tsundere vừa như kuudere trong một hoàn cảnh, cũng không thể kết hợp đôi mắt hút hồn của mèo lên khuôn mặt của cô ấy, và có một số con vật càng mập càng dễ thương nhưng có vẻ cô ấy thì không. Sau khi đã tìm ra đủ nguyên liệu để xây dựng một cô gái dễ thương thuần túy tối đa khả thi, ta còn phải ghép tất cả sự dễ thương này vào một đối tượng hoàn chỉnh có thể cảm nhận được trong tưởng tượng, và ở giai đoạn này bạn sẽ thấy sự kiểm soát của mình đối với tưởng tượng tệ đến thế nào, và vì thế mình gắn thêm từ tưởng tượng ở cuối để làm rõ rằng cô ây không thể nào đạt tới mức hoàn thiện như hình thức mà mình đã xây dựng trong ý tưởng.
Thôi lại lan man rồi, tóm lại là, sự kết hợp giữa những câu chuyện thú vị và thế giới tưởng tượng hình thành một phương pháp tìm kiếm hạnh phúc mà ta có vẻ như kiểm soát được phần lớn, và để tiếp tục có những câu chuyện thú vị thì ta phải cập nhật về thế giới, để xây dựng những nhân vật sâu sắc thì ta phải có những hiểu biết sâu sắc về con người. Phần đầu ta có thể tự mình tìm hiểu, nhưng việc hiểu biết về tâm trí của những cô gái, đặc biệt là kiến thức về các mối quan hệ nhân quả tạo nên từ tác động vật lý giữa hai cá thể người có giới tính đối lập, không thể chỉ dừng lại ở lý thuyết mà nhất thiết phải tiến hành nghiên cứu ở thế giới thực mới có thể mang lại những kinh nghiệm cảm quan đúng đắn.
IV. Lời kết
Dưới áp lực của việc phải hoàn thành bài viết trong thời gian ngắn, khi đã hơn một năm mình không còn đụng tới triết học và thậm chí cũng chẳng đọc sách, bài viết này chắc hẳn rất lủng củng với những lập luận lỏng lẻo và dẫn chứng lan man, nhưng dù sao mình cũng đã hứa sẽ tham gia cuộc thi, và vì rất hiếm khi viết, đây cũng là một dịp phù hợp để thông báo về việc mình cần tìm kiếm thứ mình đang tìm kiếm.
Ngoài 4 phạm trù ý nghĩa nêu trên, nếu bạn còn tìm được ý nghĩa cuộc sống ở nơi nào khác, mình rất hân hạnh được tiếp nhận ý tưởng và đừng ngần ngại để lại nó ở phần bình luận bên dưới nhé.
Còn giờ thì,
Good night.
À không mình hay nói là
^_^ Have a nice dream. ^_^
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất