Ơ thật ra Suy Nghĩ Tiêu Cực cũng có cái tốt của nó đấy chứ!
Người ta thường nói rằng, đứng trước một vấn đề, điều quan trọng nhất là chúng ta giữ được một thái độ lạc quan cùng với cách suy nghĩ...
Người ta thường nói rằng, đứng trước một vấn đề, điều quan trọng nhất là chúng ta giữ được một thái độ lạc quan cùng với cách suy nghĩ tích cực để vượt qua những khó khăn, trở ngại ấy. Bản thân tôi, và nhiều người mà tôi biết, cũng cho rằng sự tích cực luôn đem đến những điều tốt đẹp và hạnh phúc cho không chỉ từng cá nhân mà còn cả những người xung quanh họ; và ngược lại, sự tiêu cực, bi quan sẽ đặt chúng ta trong trạng thái chán nản, buông xuôi. Thế vậy nhưng, nếu như chúng ta suy nghĩ theo một chiều hướng khác với những gì mình luôn công nhận từ trước, thực ra, tiêu cực, trong một mức độ nhất định, cũng có thể đem đến sự tích cực.


Nếu như niềm hạnh phúc đạt được thông qua những suy nghĩ tích cực thoáng qua và dễ biến mất, thì ngược lại, những hình dung bi quan cho ta một sự bình tĩnh có căn cứ, một cách trấn an bản thân hiệu quả hơn.
Không chỉ là liều thuốc hữu hiệu để giảm bớt sự lo lắng, suy nghĩ về những viễn cảnh xấu nhất thúc đẩy bản thân cẩn trọng hơn, thực tế hơn và nhạy bén hơn. Trong quyển “The Positive Power of Negative Thinking” xuất bản năm 2002, Julie K. Norem đã giải thích khái niệm ‘Defensive Pessimism’- nghĩa là bi quan để phòng thủ; trong đó, qua việc hình dung ra các kết quả tiêu cực, những người này tìm cách đối phó, phòng tránh và ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra. Điều này đồng nghĩa với việc họ có khả năng lường trước được các tình huống xấu nhất, có tầm nhìn xa, nhạy bén và linh hoạt trong việc xử lý những sự cố phát sinh. Khác với sự bi quan thông thường, bi quan phòng thủ biến lo lắng thành hành động- và điều này không chỉ làm giảm sự lo lắng mà còn tăng hiệu suất làm việc của họ đến vượt trội. Trước một bài thuyết trình trước đám đông, người lạc quan thái quá sẽ tin là họ sẽ nói trôi chảy và không gặp bất cứ vấn đề gì, trong khi người bi quan phòng thủ sẽ bồn chồn lo lắng về những vấn đề có thể phát sinh: “Nhỡ mình quên lời? hay khát nước? hay quần áo mình bị xộc xệch?...” và thay vì ngồi một chỗ và lo lắng, họ sẽ chuẩn bị cách ứng phó cho mọi tình huống có thể xảy ra: họ cầm theo tờ ghi chú, mang theo chai nước, và là quần áo trước khi ra khỏi nhà.. để khi đứng lên bục thuyết trình, họ không còn phải quá lo lắng và có thể hoàn toàn tập trung vào bài nói của mình. Có thể nói, đối với những người bi quan để phòng thủ, họ đã tận dụng tối đa sự tiêu cực, khai thác tối đa sự lo lắng của mình, biến điều đó thành động lực để có thể làm việc hiệu quả hơn.
Khi tôi tìm hiểu về khái niệm giữa sự tích cực và tiêu cực ở trên mạng, hầu hết các bài báo và những trang thông tin đều phân biệt rạch ròi hai đối tượng bằng những định nghĩa hoàn toàn đối lập nhau và đều miêu tả sự tiêu cực như là một tính cách xấu xí cần được loại bỏ. Vậy nhưng tôi cho rằng, tích cực hay tiêu cực, lạc quan hay bi quan, vui hay buồn- những phạm trù tưởng như trái ngược như trong câu chuyện cốc nước đầy vơi, những trạng thái cảm xúc, những lối suy nghĩ tưởng chừng như mâu thuẫn- thực chất lại hoàn toàn có thể cùng song song tồn tại trong một con người; và giữa những “mâu thuẫn” ấy luôn tồn tại một vùng xám, một lằn ranh mờ, một điểm cân bằng của con lắc.

Điểm cân bằng ấy, theo trường phái khắc kỷ, là sự tĩnh tại trong tâm hồn; trong đó, sự tĩnh tại ở đây chỉ đạt được khi con người ta biết cách nuôi dưỡng thái độ điềm tĩnh và bình thản trước những sự việc xung quanh- và điều này thì đạt được khi con người ta biết cách nuôi dưỡng và xem xét kĩ những trạng thái tiêu cực thay vì lảng tránh chúng. Một người bạn của tôi từng nói rằng: “Chấp nhận một trạng thái tiêu cực lại là một trải nghiệm tích cực”- thật vậy, khi chúng ta sống đúng với cảm xúc thật của mình, khi cân bằng được mọi cảm xúc tưởng chừng như là mâu thuẫn, ta mới có thể sống một cách an nhiên, vô lo. Không có gì trên đời này là tốt hẳn hay là xấu hẳn; có lẽ chính vì vậy nên con người mới cần biết cách tận dụng và khai thác những mặt tốt trong cái khuynh hướng suy nghĩ mà bản thân thiên về. Ngược lại, cố gắng ép bản thân theo một lối mòn nhất định về tư tưởng và suy nghĩ có thể đưa chúng ta vào một trạng thái thần kinh căng thẳng liên tục, và trong một khoảng thời gian quá dài sẽ dễ dẫn đến nhiều bệnh về tâm lý, đặc biệt là trầm cảm
Suy nghĩ tiêu cực, có thể nói, có nhiều mặt tốt khi vừa khiến con người ta trân trọng hiện tại, đồng thời cũng vừa là liều thuốc hữu hiệu để triệt tiêu sự lo lắng bất an, giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Và để có thể tận dụng, khai thác tối đa những ích lợi này, chúng ta cần biết cách dung hòa những thái cực của cảm xúc một cách cân bằng, để từ đó có thể đạt tới sự tĩnh tại trong tâm hồn.
*Bài viết có sử dụng một số tư liệu từ http://tramdoc.vn/tin-tuc/hay-cu-sau-doi-tac-dung-tich-cuc-cua-suy-nghi-tieu-cuc-nZ3DW.html

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất