Nữ hoàng khoa học
Hồi học phổ thông, tôi yêu nhiều người, nhiều thứ. Tôi yêu Toán, yêu Lý, yêu Văn, yêu Thơ. Tôi cũng yêu mấy bạn của tôi nữa. Tình yêu...
Hồi học phổ thông, tôi yêu nhiều người, nhiều thứ. Tôi yêu Toán, yêu Lý, yêu Văn, yêu Thơ. Tôi cũng yêu mấy bạn của tôi nữa. Tình yêu lúc đó thật trong sáng và đẹp đẽ!
Bước chân vào đại học, tôi choáng ngợp trước vẻ đẹp rực rỡ, cổ kính và huyền bí của một cô gái. Đối với những ai yêu thích văn chương, cái tên của nàng cũng gợi lên sự tò mò khó cưỡng: Triết! Các bạn cũng biết quá nhiều về cô gái này rồi. Nàng có một vẻ đẹp thật là... cổ đại. Vẻ đẹp và trí tuệ của nàng rực rỡ và cao siêu, chiếm trọn tâm trí tôi. Tôi thích vẻ đẹp dịu dàng, nhưng nàng không dịu dàng tí nào, nàng lại cực kỳ kiêu ngạo và chảnh chọe nữa chứ. Lần gặp mặt đầu tiên, nàng nói với tôi: Em chính là khoa học của mọi khoa học! Chết cha chưa, mà khi đó tôi chỉ cần khoa học... thực phẩm thôi, hơi sức đâu mà tôi dám yêu nàng khi cái bụng kẹp lép!
Vậy mà tôi đã yêu, không những một lần mà đến ba lần. Nàng làm tôi khổ đau suốt những năm đầu đại học. Nàng có một vẻ đẹp cổ kính như Cleopatra, như Nefertiti. Trí tuệ của nàng thì đúng như nàng nói luôn: Nữ hoàng của mọi khoa học! Nàng dẫn dắt tôi đi từ phương Đông sang phương Tây, tôi mê mẫn khám phá vẻ đẹp và trí tuệ của nàng. Nàng đưa tôi vào thế giới cổ đại huyền bí của Ấn Độ và Trung Hoa đến những triết gia trứ danh từ cái nôi của nền văn minh nhân loại như Aristotle, Socrates, Plato, Kant, Hume, Derrida, Friedrich Nietzsche. Tôi cũng được gặp gỡ Karl Marx và Friedrich Engels nữa.
Bạn có nhớ Socrates không? Người mang triết lý xuống từ bầu trời và đưa vào cuộc sống của loài người? Người đã từ chối việc trục xuất khỏi Athens và sau đó tự sát bằng một ly thuốc độc? Tôi yêu thích câu nói này của ông: “Bạn nên kết hôn đi, nếu lấy được người vợ hiền thì bạn sẽ hạnh phúc; nếu không, bạn sẽ trở thành một triết gia!”. Khi đó, tôi muốn trở thành một triết gia! Tôi làm đề tài về Plato và nền cộng hòa lý tưởng của ông. Đó là một xã hội không tưởng.
Nàng Triết ơi, nàng đã cho tôi biết một điều quan trọng nhất, đó là mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại! Cho tôi thấy sự hình thành của các hệ tư tưởng, các đảng phái chính trị và sự hình thành Nhà nước, một tổ chức xã hội đặc biệt của quyền lực chính trị.
Lần cuối cùng, chúng tôi chia tay trong sự vui vẻ. Nàng có vẻ luyến tiếc, còn tôi mừng muốn... khóc!
Bao nhiêu năm chia xa, qua mọi nỗi thăng trầm, tôi vẫn nhớ và dõi theo hình bóng nàng. Nhờ có những lần hẹn hò và trò chuyện với nàng, tôi khoan dung với thế giới này hơn và nhìn nhận rõ quan điểm của bản thân mình. Nàng đã gợi mở, kích thích và là động lực mạnh mẽ đối với tôi trên con đường học tập, làm việc và nghiên cứu sau này. Tôi nhớ nàng!
Mới đây, có dịp xem chương trình giảng dạy ở một trường Đại học do cấp tỉnh quản lý, cũng thuộc loại khá lớn. Triết học không xuất hiện ở bất cứ ngành nào, dù đó là ngành khoa học xã hội, người ta thay thế nàng bằng một nàng khác, nghe có vẻ rất là… Việt Nam. Tôi định nói vài lời gì đó khi nghĩ đến vẻ đẹp cổ kính và những ưu tư sầu muộn của nàng nhưng rồi tôi lại câm nín khi nghĩ rằng nàng có thể còn tê tái hơn tôi.
Ôi nàng ơi! Người ta có thể đối xử với nàng như vậy sao? Tôi không phải là nhà triết học hay nhà nghiên cứu giáo dục. Tôi chỉ là một người yêu văn chương và triết học. Trong mọi trường hợp, tôi muốn mọi người suy ngẫm về câu này của A. L. Nikiforov: “Việc xua đuổi Triết học ra khỏi các trường đại học sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng trên con đường dẫn tới sự nô dịch tinh thần con người”!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất