Nói về Gap Year một chút nhỉ...
Trong bộ phim "Ba chàng ngốc" có một câu nói rằng "Trong một kỳ thi, khi bạn ta trượt ta thấy buồn. Nhưng khi bạn của ta đứng đầu,...
Trong bộ phim "Ba chàng ngốc" có một câu nói rằng "Trong một kỳ thi, khi bạn ta trượt ta thấy buồn. Nhưng khi bạn của ta đứng đầu, ta còn buồn hơn rất nhiều." Nó mặc nhiên ném vào tôi một niềm an ủi cực kỳ to lớn rằng: trong nỗi buồn tê tái và sự thất bại thảm hại của bản thân, ta không thể chịu đựng nổi sự hoan hỉ trong niềm vui chiến thắng của bất cứ kẻ nào khác.
Bạn đã thấy bất cứ đứa bạn thân nào của mình dửng dưng với kết quả học tập của nó ở lớp chưa, đã thấy bất cứ thằng khờ nào chỉ kể về những trải nghiệm hay ho, thú vị bên ngoài và không ngại khoe khoang cái bảng điểm tệ hại và nát bét với đầy đủ A, B, C, D, F? Và ngược lại với thằng ngốc chỉ chăm chú cắm cúi làm thêm chỗ này chỗ nọ kia hay thằng cha luôn biện hộ rằng trường đời tốt hơn trường đại học, một cô bạn thân khác vừa nhận học bổng giúp nó chi trả tiền học phí đắt đỏ cho cả một kỳ, bạn cũng biết đôi đứa che dấu bảng điểm GPA chưa sứt mẻ, hao mòn lấy một li. Bạn là đứa trung bình nhất giữa đám đông quen thuộc đó, nỗi lo lắng của bạn không chỉ dừng lại ở điểm số mà còn mơ ước sau này của bản thân là gì. Rất nhiều người chờ lấy một tấm bằng đại học để trải nghiệm thứ gọi là duyên nghề, có những người thích học lên cao và có những người trước khi ra trường đã chịu những đợt khủng hoảng tinh thần không dễ vượt qua. Chưa bao giờ tôi thấy độ tuổi nào dễ lạc lỗi và dễ vỡ như tuổi 20, khi tất cả đều cố gắng trên chặng đua vươn về vạch đích mang tên "trưởng thành", hiếm ai đạp đôi chân trên con đường thẳng không mảy may một chướng ngại vật.
Trầm cảm hay chứng bệnh chán nản như một bệnh dịch. Chúng ta luôn biện hộ mình có quá nhiều thứ để làm, trong khi chúng ta không bận hơn bố mẹ chúng ta là mấy, không phải giám đốc của một công ty, không phải là chủ tịch của một tổ chức để phải chịu trách nhiệm về từng quyết định và việc làm của mình. Khi một ai đó cố gắng lôi ta ra ngoài, khi bạn bè hỏi thăm, chúng ta buột miệng nói câu "tao bận quá", nhưng chúng ta quên rằng tối qua bản thân đã nằm lỳ trên giường, ngồi trước màn hình internet replay hàng chục lần bài hát "look what you made me do" của Taylor Swift hay gậm nhấm loạt series Harry Potter và cuốn sách trên kệ kia mua đã vài ba tuần nhưng chỉ mới giở tới vài ba chục trang. Chúng ta mệt mỏi, thẫn thờ và đôi lúc tự mặc kệ cho những việc ngu xuẩn vô bổ mà mình đã làm. Thời gian trôi thấm thoắt một năm, hai năm, bạn bỗng trở thành sinh viên năm 2, năm 3, bạn nhìn lại quá khứ hào quang khi còn là một học sinh cấp 3, bạn bỗng chốc cảm thấy lớn lên bản thân thật ăn hại và thua kém. Quả thật có ra khỏi ao nhà mới biết mình chỉ là một gã tép riu không thể múa rìu qua mắt thợ. Đôi lúc cảm xúc cũng bấp bênh như chính con thuyền trên dòng nước lũ, chúng ta thiếu định hướng, chúng ta ước giá như có ai đó đủ thành công và kinh nghiệm để chỉ cho ta bước tiếp theo trên bàn cờ là gì để không lỡ lầm, nhưng hầu hết chúng ta đều phải tự mình nỗ lực chiến thắng.
Các bạn thân mến! Một trong số các bạn đã từng có suy nghĩ bỏ học, từng có ý định gap year, từng có định kiến không tốt với chính bản thân mình và nền giáo dục mà bạn đang trải nghiệm. Ngay cả một ông bố có niềm tự hào về nơi chôn rau cắt rốn này cũng phải tuyên bố sẽ không cho đứa con 2 tuổi của mình lớn lên học tập ở Việt Nam vì...mặt trời ở đây luôn màu vàng. Chúng ta cũng vì thế mà đổ lỗi cho toàn bộ hệ thống giáo dục thiếu sáng tạo đã ngăn cản bước tiến của bản thân, đã biến chúng ta trở thành những kẻ nhu nhược và thiếu táo bạo hơn. Nhưng thử lục lại ký ức, đã bao giờ bạn tự nhận lỗi về chính bản thân mình vì chính ngay cả bản thân cũng biết rằng có những người ngoài kia thậm chí chưa từng đến trường đã thành công vượt bậc. Nhưng những tấm gương đó cũng phần nào khiến chúng ta phạm một lỗi suy nghĩ sai lầm lớn. Chúng ta tưởng bở rằng bản thân cũng không nhất thiết có bảng điểm đẹp ở trường, thờ ơ với kiến thức ở giảng đường và tự đắc rằng bản thân vẫn có thể trở thành một ai đó. "Chúng ta" đó đã từng có "tôi", một "tôi" ung dung tự tại, một "tôi" có một bảng điểm tệ hại và không mấy khả quan ở trường, một "tôi" với niềm chắc chắn sẽ để lại một dấu ấn nào đó trên sa mạc rộng lớn kia. Nhưng rồi tất cả thối rứa và mục nát chỉ vì những cuộc khủng hoảng tinh thần và sự tệ hại của những mối quan hệ không cần thiết. Những ảnh hưởng tiêu cực luôn đến với chúng ta sớm muộn, chúng ta cần nắm vững một bài học rằng khi bạn mang gương mặt cười tươi đến trường sau cơn trầm cảm cả tuần nay thì nhiều người cũng đang đeo chiếc mặt nạ giống như vậy.
Thế rồi, gap year đến rất đơn giản: chỉ là tắt cây nến đang cháy dở ở đại học trong một khoảng thời gian đủ để bản thân ra ngoài hoàn thành mục tiêu bản thân đã đặt ra, hoặc thậm chí đôi lúc gap year chả có lấy một mục đích gì ngoài nghỉ ngơi hay lời biện hộ "tìm thấy bản thân mình", đó là một câu nói chung chung và nực cười không kém. Con gái của Obama vừa gap year trước khi vào đại học Harvard. Cô làm được rất nhiều thứ, đi được rất nhiều nơi, và chuyện gap year của cô cũng được đưa lên trang nhất của tờ báo nổi tiếng như Business Insider. Sinh ra trong một gia đình có gốc nổi tiếng sẵn cũng sẽ cho họ tiếng thơm lây, nhưng khi bạn gap year, thế giới vẫn nghĩ là bạn đang đến trường, chỉ là thiếu đi những cuộc gặp gỡ, chạm mặt mà thôi. Một vài người vẫn inbox cho tôi hỏi thuê trọ chưa, có đàn guitar ở nhà nữa không cho họ mượn, một vài người biết rõ tôi đang ở một miền đất xa xôi cách Hà Nội bạt ngàn cây số, con người chỉ quan tâm về chính bản thân họ và họ thì vẫn tìm kiếm sự đồng cảm và quan tâm của người khác trong âm thầm. Chúng ta không phải là con gái Obama, chuyện gap year của chúng ta chắc cũng không có cơ hội lên mặt báo của vietnamnet hay kenh 14. Chúng ta có thể tìm một công việc bồi bàn, đi một nơi nào đó và sống, tham gia một chương trình tình nguyện ở nước ngoài, thu nhặt tất cả số tiền trong lợn đất, đếm chúng qua xấp tờ tiền lẻ dày cộm nhưng chả được bao nhiêu để xem bước kế tiếp của bản thân là gì. Người có tiền làm gì chả được, nhưng bản thân ta đôi lúc bị khả năng tài chính ngáng đường. Chúng ta nào có thể dễ dàng đặt một chiếc vé máy bay từ Việt Nam qua Mỹ thăm thú, nào có thể đi đây đi đó thoải mái với số tiền mà ba mẹ còng lưng làm ra. Gap year của chúng ta vất vả và thử thách, không phải là những chuyến dã ngoại bên cạnh người bố từng là tống thống nước Mỹ, khoác tay ông trong chuyến thăm Indonesia. Gap year của chúng ta là những câu chuyện được kể ra bằng những giọt nước mắt, bằng sự hóa thân của chính mình vào nhân vật cô nàng lọ lem hay cậu bé đánh giày nào đó. Quãng thời gian ấy, chúng ta tự nhận thấy chính mình lớn lên, đôi lúc thật cô đơn, thật lạc lõng, chúng ta co quắp như một gã nghiện rượu trong mùa đông giá lạnh, chúng ta buồn thúi ruột như Chí Phèo nhớ Thị Nở, một nỗi buồn chẳng thể gọi thành tên. Nhưng nào đâu có ai hay biết, chúng ta tự xoay sở và gánh vác lấy phần đời còn lại của chính mình, vì chính chúng ta là người đã ký lên tờ giấy gap year đó.
Mỗi một buổi sáng thức dậy, chúng ta nhận thấy mình có một thời khóa biểu kỳ lạ nhất trần đời. Không còn lịch đến trường, không còn biết bản thân học ca 12 giờ trưa lon ton chạy ra khỏi phòng trọ lúc trời hãy nắng chói chang như thiêu như đốt, không còn lịch họp câu lạc bộ, không còn lịch thi, không còn những người bạn thân thuộc để cà phê chém gió cùng, trong căn phòng vắng teo quạnh hiu ấy, mình bạn biết rằng mình phải thức dậy và chiến đấu tới cùng với mục tiêu. Gap year mang đến cảm giác sợ hãi, có thể đôi lúc phấn chấn nhưng rồi bạn cũng đâu hay khi thời gian lặng lẽ trôi, và bất chợt ngoảnh lại bản thân chả làm được gì thay đổi chính mình hay một cú hích nào đó đủ để tự hào chút chút về quãng thời gian nghỉ học. Bạn đọc nhiều về câu chuyện gap year đầy lý thú của các bạn nước ngoài, 1 năm đi tới vài chục quốc gia, nhưng im lặng một chút nào, đã bao giờ trong một năm 365 ngày, bạn đủ tự tin để xách balo lên và đi tới Singapore để khám phá quốc đảo giàu có và thịnh vượng? Chúng ta khác các bạn nước ngoài, khác về tài chính và khác về nhiều thứ nữa. Anh bạn Andy đến từ Úc chộp một bức ảnh những quả thanh long chín mọng nước đỏ tươi trên chiếc xe tải có gắn biển "20.000 đồng/ 3 kg", với caption (ghi chú) " 1 $/ 3 kg :D''. Tôi kéo xuống xem bình luận, một vài người hô hào sẽ tới Việt Nam gấp, một vài kẻ bảo mọi thứ quá rẻ ở đây, tôi biết họ đang nghĩ gì về đất nước đang phát triển với cơ hội đầy béo bở cho người da trắng này. Tôi chẳng buồn nhưng thấy tủi, một cảm giác tủi thân cho chính những người dân của mình và cho chính mình. Đôi lúc sự khó khăn và tủi nhục khiến ta táo bạo hơn, mạnh dạn hơn, can đảm hơn và lỳ hơn. Thế rồi, chả bao giờ trong lòng tôi dấy lên cảm xúc hối hận vì mình đã dành 5 tháng qua ngoài địa phận trường đại học.
Một lúc nào đó, giữa giấc ngủ tưởng chừng như giấc mơ tươi đẹp sắp gõ cửa, bạn choảng tỉnh giấc, một mớ suy nghĩ hỗn loạn từ phương trời nào đến cướp đi sự bình yên trong tâm trí . Có đôi lúc, bạn tự dò hỏi lòng rằng quyết định của bản thân đúng hay không, có nên quay lại trường học hay tiếp tục theo đuổi niềm ước mơ ra biển lớn. Người thân, bạn bè, xã hội là những phần tử khiến bạn quan tâm, nhưng bạn cố gạt bỏ họ sang một bên và nghe theo quyết định xuất phát từ đáy lòng mình. Bạn nhận ra, cứ tiếp tục bước đi rồi xem mình sẽ đi đến đâu, chịu được cường độ thử thách nào. Các bạn thân mến! Các bạn đang đọc những dòng này như đọc một cuốn sách self-help vậy, nhưng thay vì các bạn đi đến bác sỹ tâm lý, thay vì giam mình vào trong mớ suy nghĩ hỗn độn và căn phòng bức bối của bản thân, hãy xem đây là một liệu pháp trị liệu cho cơn khủng hoảng tinh thần dù nặng hay nhẹ ấy. Vì sao đâu, chúng ta hãy còn trẻ.
Nguồn: Blog Trang Ps
Nguồn ảnh: Vỏ Cam (Fanpage)
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất