Tác giả: Faith Hill, Karen Yuan

Tom là một nhân viên nhà băng, nơi ông làm việc nằm gọn trong tầng hầm thứ hai của tòa giao dịch thương mại quốc tế Lloyds. Một ngày làm việc bình thường của ông luôn bắt đầu từ 9h15 sáng và tan tầm vào 5h30 chiều. Mỗi ngày, vào khoảng thời gian rỗi giữa các thao tác thường nhật bên dữ liệu và các bảng tính, ông thường viết.

Tom được biết tới nhiều hơn với bút danh T. S. Eliot. Vào giai đoạn ông bắt đầu trở thành nhân viên nhà băng năm 1917, hai bài thơ nổi tiếng nhất của ông - The Love Song of J. Alfred Prufrock  (Bản tình ca của J. Alfred Prufrock) và The Waste Land (Đất hoang) - đã được xuất bản và nhận nhiều lời tán dương. Dù là vậy, mặc cho khoảng tiền kiếm được từ công việc nhà băng hay được công chúng đương thời ca ngợi đến tận trời xanh, Tom vẫn phải khổ sở ra trò với vấn đề tiền bạc. Ông thường nhận các khoảng trợ cấp từ gia đình chỉ để mua pyjama và đồ lót, cho tới khi không lâu sau ông phải chuyển sang chuyên tâm cho các công việc học thuật khác vì không còn chịu nổi áp lực.
Thơ ca có thể thường tồn dưới dạng một loại hình nghệ thuật, nhưng để hỏi nó có thể trở thành công việc chuyên nghiệp với một người bình thường hay không thì xem ra với những người đã đứng trong hàng ngũ tượng đài của lĩnh vực này còn khó nói. William Carlos Williams là một bác sĩ. Wallace Stevens là giám đốc một công ty bảo hiểm. Còn Charles Bukowski thì có một danh sách dài dằng dặc những nghề nghiệp chẳng giống ai, từ một tay thợ rửa bát, tài xế xe tải, cho đến nhân viên cây xăng và nhân viên bưu điện. Cuộc đời của các nhà thơ kể trên thường xuyên phải vật lộn giữa hai phần bổn phận cấp thiết: kiếm ăn và sáng tạo nghệ thuật.
Nhưng trường hợp của Rupi Kaur thì lại hơi khác. Cô được xem như là một trong những đại diện tiêu biểu cho bước chuyển mình có phần kịch tính của thơ ca trong thế giới hiện đại. Nhà thơ 25 tuổi người Canada này là kẻ đã vượt mặt Homer cách đây 2 năm. Tuyển tập thơ đầu tiên của cô, milk & honey, đã được chuyển ngữ ra khắp 40 thứ tiếng và bán được 3.5 triệu bản, phá đảo cả ngôi vị bán chạy nhất của trường ca Odyssey vĩ đại.
Không đời nào cô tưởng tượng ra nổi những điều kỳ diệu như thế. Cô bắt đầu sự nghiệp của mình với những bài thơ tự post lên Tumblr vào 2012 và rồi chuyển sang Instagram, nhưng những dự định mang tính truyền thông kể trên rốt ráo cũng chẳng giúp đỡ vào nguồn thu nhập của cô được bao nhiêu. "Mindset của tôi lúc ấy là thơ chẳng bao giờ có thể giúp mình trả được khoảng thuê nhà hiện tại," cô nói. Nhưng không lâu sau khi tập thơ milk & honey được xuất bản vào năm 2014 thì đến năm 2016 nó đã lọt vào best-seller list của New York Times. Đến lúc này đây thì Kaur mới nhìn ra, "Hiện tượng ấy không hề ngừng lại và nó vẫn tiếp tục lan rộng tới chóng mặt. Có lẽ từ đây tôi có thể bớt lo lắng lại rồi." Thành công ngoài sức tưởng tượng ấy dường như vẫn chưa chịu dừng lại. Chỉ trong vòng một năm qua, cô đã một lần xuất hiện trên show truyền hình cùng với Jimmy Fallon, góp mặt trong 30 cái tên dưới 30 của Forbes, và bán sạch vé World Tour de Force. Vào tháng tới, cô sẽ hoàn thành cuộc chạy đua ráo riết cho American tour. Kaur hiện giờ có hơn 3 triệu lượt người theo dõi qua Instagram.
Kể từ khi tập thơ milk & honey ra đời, thơ ca trở thành thể loại có mức độ tăng trưởng cao nhất trong lĩnh vực xuất bản. Dựa theo một kết quả nghiên cứu cho biết 12 trong số 20 tập thơ bán chạy nhất năm ngoái đều có dấu tay của người dùng Instagram - những người tự tổng hợp lại các tác phẩm của mình và chia sẻ nó một cách công khai trên tài khoản cá nhân; gần một nửa lượng tác phẩm thơ được bán ra tại Mỹ vào năm ngoái đều được chắp bút bởi những nhà thơ online ấy. Vào năm nay, theo một khảo sát của National Endowment for the Arts và U.S. Census Bureau, có hơn 28 triệu người Mỹ đang dành thì giờ để đọc thơ - đó là con số cao kỷ lục kể từ hai thập niên vừa qua. Người chịu trách nhiệm xuất bản cho tập thơ của Kaur, Kirsty Melville, là người thấy điều gì đã diễn ra một cách trực tiếp nhất:" Những gì đã diễn ra với thơ ca đó chính là từ trước đó nó thường được xếp đâu đó đằng sau kho của một cửa hiệu và thường là nằm kế nhà vệ sinh, còn giờ đây nó chiếm trọn khu mặt tiền." Bà kể lại. "Và theo một cách tự nhiên nhất, các tập sách ấy được bán ra đều đều như thế. Không chỉ có dòng sách hiện đại mà cả những trước tác kinh điển cũng được hưởng lây."
Thật ra sự trỗi dậy của các nhà thơ Insta không hề bắt nguồn từ Rupi Kaur. Vào năm 2013, Melville đã nhìn thấy được tiềm năng nơi một nhà thơ trẻ mang hai dòng màu Cam-Úc Lang Leav khi những bài thơ của cô bắt đầu nổi tiếng trên mạng và bà là người đã liều lĩnh ký một hợp đồng với cô cho bên nhà xuất bản Andrews McMeel, nơi bà đang làm việc. Thành quả là Love & Misadventures ra đời và tập thơ đã bán ra được hơn 150 nghìn bản. "Điều đó khiến chúng tôi phải suy ngẫm, đây chắc chắn là một loại hình vô cùng tiềm năng... Đối với một tập thơ ca - nhất là với thể loại tình yêu - việc nó đạt tới được con số 150 nghìn bản thật đáng ghi nhận."
Năm năm từ sau sự khởi đầu như mơ ấy, lĩnh vực thơ ca liên tục xuất hiện vô số những anh tài. Ví dụ như với Cleo Wade, cô gái 29 tuổi được biết đến với những chân ngôn truyền cảm hứng (“You want love? Be love. You want light? Be light”), đã xuất hiện khắp nơi trên các bảng biểu ngữ từ Los Angeles cho đến Times Square. Atticus, anh chàng nhà thơ luôn đeo mặt nạ để che dấu danh phận thật của mình, nay có thể tự hào với những người hâm mộ cực kỳ nổi tiếng như Emma Roberts, Alicia Keys, và Karlie Kloss; chuyến lưu diễn mùa thu sắp tới đây của anh sẽ bao gồm 12 màn trình diễn khắp dọc các thành phố lớn nhỏ trải dài từ Mỹ đến Canada. Hay như với trường hợp của R.M. Drake, anh đã có những lần đầu tiên chia sẻ thơ của mình trên Tumblr và DeviantArt vào năm 2011, nay anh đã có hơn 1,8 triệu lượt người theo dõi qua Instagram; anh cũng đã cho xuất bản hơn 12 đầu sách, và đa số chúng đều thuộc hàng international bestsellers.
Vào năm 2010, một biên tập viên của tờ n + 1,  Chad Harbach, đã nổi tiếng với luận điểm chỉ ra hai luồng văn hóa khác biệt chính đã và đang đối đầu nhau tại Mỹ: một luồng thì được định hướng theo kiểu hàn lâm-thể chế của MFA còn một luồng thì được định hướng theo kiểu tự do-hiện đại của NYC. Nhưng giờ đây ta còn có thể xem xét thêm luồng thứ 3: nó cho ra đời tác phẩm với tốc độ nhanh hơn, tính dân chủ vô cùng cao và đặc biệt hơn nữa nó được phôi thai từ mạng lưới trực tuyến nên có tính truyền dẫn cực kỳ nhạy. Những nhà thơ với xuất phát điểm từ luồng văn hóa thứ 3 này thường không hề trải qua một khóa đào tạo bài bản nào, và những người chịu trách nhiệm xuất bản cho các tác phẩm của họ thì nằm rải rác trên khắp mọi miền đất nước. Ví dụ điển hình như Andrews McMeel, một nhà xuất bản độc lập có trụ sở chính nằm tại bang Missouri. Các phương tiện truyền thông cho đến nay được xem là đã có nhiều đóng góp hết sức tích cực cho việc thay đổi cái nhìn từ lâu đã trở nên lỗi thời và định kiến về thơ - luôn phải đi kèm với nó là những hình thái riêng biệt của tầng lớp tinh hoa, độc quyền, bí truyền và luôn phải noi theo những mô phạm quá sức trừu tượng. Nay tình trạng căng thẳng ấy đã được làm giãn ra và chúng ta có thể thấy cánh cổng thơ ca đang được mở rộng cho tất cả những người yêu thích nó từ đủ mọi hệ hình và sắc tộc.
Các nhà thơ online, những người sử dụng Instagram như một thứ công cụ marketing - khác xa với tuýp nhà thơ cổ điển, nay còn có thể góp mặt vô cả vai trò kinh doanh bằng chính công việc yêu thích của họ. Họ chủ yếu vẫn kiếm tiền xoay quanh việc xuất bản và có mặt thường xuyên bên các sự kiện lớn nhỏ, tuy nhiên sự đáng lưu tâm ở đây là việc công khai các tác phẩm của mình lên Insta cá nhân giúp họ mở ra nhiều cơ hội hơn cho cả hai điều vừa kể trên. Kaur, một nhà thơ - doanh nhân tài năng, cô đã mô tả hướng mà mình tiếp cận với thơ ca không hoàn toàn khác mấy việc điều hành một công ty. Một ngày bình thường của cô có thể xoay quanh bên những việc chính như viết lách và lưu diễn hoặc không thì, điều này dường như hiếm khi xảy ra với tuýp nhà thơ cổ điển, dành thời gian bên đội ngũ sản xuất để có thể giám sát và quản lý các dự án cá nhân.
Bằng bản sắc riêng của mình mà xây dựng thương hiệu, các nhà thơ hiện đại đều có thể từ việc nắm thế chủ động với công việc mình yêu thích mà bổ sung thu nhập. Một số nhà thơ hiện đại đã bắt đầu kinh doanh sản phẩm của họ ngay trên chính các tác phẩm [...]
Nhưng điều làm hạn chế nghệ thuật nơi Instagram đó chính là việc nó chỉ thực sự phù hợp với những tác phẩm có dung lượng vừa phải ví dụ như với những câu cách ngôn vô cùng gọn ghẽ hay những phần trích dẫn cực kỳ cô đọng. Hầu hết các bài thơ trên Instagram đều quá khuôn sáo với những thông điệp được lặp đi lặp lại như là làm sao để sống một cuộc đời tốt hơn, làm sao để vượt qua nỗi buồn, làm sao để lấy lại niềm tin hay làm sao để theo đuổi ước mơ [...]
Mới đây, trong một bài tiểu luận với thái độ phê bình cực kỳ gay gắt, nữ nhà thơ Rebecca Watts đã chỉ ra các tác phẩm của Hollie McNish, một nữ nhà thơ khác vô cùng được yêu mến trên Instagram, không phải được viết bởi mưu cầu của một nhà thơ mà chỉ đơn thuần "được viết bởi mưu cầu của một cá nhân". Cô chế giễu thơ ca của Instagram giống như các loại thức ăn nhanh, công nghiệp qua loa chỉ đủ để làm thỏa mãn những cái bụng đói tức thời của lớp thực khách đã quá quen thuộc với kiểu sống vội. "Đó là những tác phẩm thơ ca mang ít tính nghệ thuật nhất từng được bán ra," cô cho biết. "Đa số các tác phẩm ấy đều hướng về những người đọc đã chết hiện nay: nó tôn thờ những vị khách tiềm năng có xu hướng luôn tìm tới nó như những viên thuốc để nhập vào trạng thái thiền định ngay lập tức."
Nhưng thơ ca, cũng giống như sự tồn tại cho đến giờ của bao loại hình nghệ thuật khác, đều cần phải đổi thay để có thể thích nghi với xu hướng luôn chuyển dịch của con người hiện đại.
Thơ ca, theo một lối hình dung cụ thể, thường được tưởng tượng như những dạng mô thức trong thế giới chân không, và được những kẻ đã tiến sâu vào bên trong sự tồn tại hy hữu của bản thân kéo câu bằng những hình thức thể nghiệm lên các mẫu giấy, để tìm đến với những sự thật vĩnh hằng hay những bí mật then chốt kỳ vĩ của sự hiện hữu. Tuy nhiên trên thực tế, thơ ca giờ đây cũng đã hoàn toàn chịu ảnh hưởng bởi sự chuyển giao liên tục của đời sống công nghệ. Rachael Allen, biên tập viên thơ ca của nhà xuất bản Granta, cô cho biết đó cũng là lý do vì sao mà chúng ta không thể đổ hết hoàn toàn trách nhiệm lên Instagram. "Tính trạng của thơ sẽ luôn bị tác động mạnh mẽ bởi cái nền tảng mà nó đang dựa vào... Chúng ta còn có cả một tính trạng thơ rất đỗi xa lạ khác vào cái thời kỳ mà nó còn được viết lên những địa hình hay được khắc lên trên những tường hang động, bia đá." cô cho biết.
Theo Allen, các tác phẩm thơ ca có dung lượng dài hơn bình thường vẫn thường xuyên được gửi về Granta; họ vẫn thường đăng thơ ở những trang cuối, và có bài thì dài đến hơn 5 trang. Và Granta đã cho phép đăng xấp xỉ hơn 2000 bài thơ trong vòng 1 năm qua trên tổng số các tác phẩm mà họ nhận về. "Điều ấy cho thấy một đặc điểm then chốt," Allen giải thích, "Đó là tất cả các loại hình, các dạng đọc đều có thể bổ sung cho nhau một cách hài hòa." Nhờ có thơ ca mà những chương trình thuộc hệ đào tạo MFA cho đến giờ vẫn còn duy trì tốt. Elizabeth Willis, người chỉ đạo chi cục thơ của Hội thảo văn học Iowa, tuyển được 343 ứng viên vào năm 2018; giảm so với 426 vào năm 2010, nhưng nhìn tổng thể đó vẫn là một động thái lạc quan cho thấy những chương trình thuộc hệ đào tạo MFA chưa hết lỗi thời.
Khó mà nói trước điều gì, tuy nhiên cho đến chừng nào mà các nhà thơ đầu tiên của Instagram vẫn còn hoạt động tốt trên chính nền tảng của họ, thì những thành quả mang tính nghệ thuật từ sự kế nhiệm và chuyển giao vô cùng mới mẻ này, vẫn sẽ tiếp tục trường tồn và phát triển mạnh mẽ. Cho nên vinh quang dành cho các nhà thơ như Rupi Kaur  là không thể bàn cãi. Danh từ thơ ca (poetry) có từ nguyên là poesis từ tiếng Hy Lạp cổ, nó có nghĩa là một quá trình lao động miệt mài trên phương diện tinh thần để có thể cho ra đời những sản phẩm mới. Để rồi ngay từ khoảnh khắc ấy, nghệ thuật đã được loài người gán cho phần ý nghĩa lớn lao nhất của động từ lao động. Và cùng với bước chuyển mình vô cùng táo bạo này của thơ ca, những nhà thơ hiện đại có quyền yên tâm nhận lấy những gì mà họ xứng đáng.
A.Minh lược dịch