Nô lệ của sự sở hữu
“Tôi là ai?” và “Tôi là ai trong xã hội này?” là hai câu hỏi hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, Sapiens hiện đại lại thường xuyên đánh...
“Tôi là ai?” và “Tôi là ai trong xã hội này?” là hai câu hỏi hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, Sapiens hiện đại lại thường xuyên đánh đồng hai câu hỏi, hai khái niệm này. Chúng ta đánh giá và bị đánh giá thông qua vai trò trong xã hội, vị trí trong cộng đồng. Xã hội phân tầng tưởng tượng này định vị con người thông qua nghề nghiệp, chức tước, hoàn cảnh gia đình, số dư tài khoản,... Trong bộ phim “Fight Club”, khi gặp Tyler lần đầu tiên trên máy bay, người kể chuyện đã hỏi: “Anh làm nghề gì?” thay vì “Anh tên gì?”. Không rõ từ bao giờ, chúng ta có xu hướng nhìn vào túi xách, giày, áo vest hay thắt lưng thay vì nhìn khuôn mặt người đối diện. Gặp lại những người bạn cũ, thay vì hỏi thăm tình hình sức khoẻ, chúng ta lại có xu hướng hỏi: “Mày đang làm ở đâu? Dự án nào? Dạo này kiếm được bao nhiêu?”. Ở bất cứ nền văn hoá nào trên thế giới, nghề nghiệp hay vị trí đang vô hình chung được đính kèm với tên riêng, trở thành định danh cho mỗi cá thể. Những cách gọi như luật sư Choi, thư ký Kim, mật vụ Peter, giám đốc Nam,... đã trở nên quá quen thuộc trong lối hành xử của người dân nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi cá nhân khi ra đường phải treo lên mình quá nhiều các nhãn mác, bảng hiệu để khẳng định sự tồn tại của bản thân.
Descartes từng có một câu nói huyền thoại: “Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại”. Nhưng có lẽ bây giờ, cư dân địa cầu hiện đại phải sửa câu nói ấy lại thành: “Tôi sở hữu nghĩa là tôi tồn tại”. Sự sở hữu ấy có thể là công việc, vật dụng, nhà cửa, đất đai, chức quyền. Càng nhiều sự sở hữu con người lại càng trở nên chậm chạp, ì ạch bởi nhiều thứ phải mang theo, phải khuân vác. Trước đây, người nguyên thuỷ có thể di chuyển liên tục theo bầy đàn. Tuy nhiên, từ sau cách mạng công nghiệp, con người bắt đầu phải tích trữ hạt giống, lương thực, sự đi lại vì thế trở nên khó khăn hơn. Đến nay, cuộc sống hiện đại hoá - công nghiệp hoá cũng đang vô tình “nhốt” chúng ta lại trong những căn hộ 30 mét vuông tại các tòa cao ốc ở các đô thị lớn. Tại đó, mỗi khi có hoả hoạn, không ít người đã phải bỏ mạng vì cố gắng vơ vét của cải, đồ đạc. Trong bản tuyên ngôn của Hoa Kỳ được thành lập ngày 4/7/1776 có nội dung sau: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Tự do vốn không chỉ là quyền mà còn là khát vọng bản năng của nhân loại. Vậy mà dường như xã hội sở hữu đã vô hình chung tước đoạt đi sự tự do vốn có của con người.
Biên giới càng mở, thế giới càng phẳng, sự dịch chuyển của con người lại càng khó khăn, nặng nề. Không khó để thấy tình trạng quá cân ở quầy dịch vụ cân đo hành lý tại hầu hết các cảng hàng không trên thế giới. Ít ai có thể tự tin tay không đến một vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới. Chúng ta dùng đồ đạc, vật dụng thay cho lời giới thiệu bản thân. Chúng ta hy vọng rằng mặc một chiếc váy LV, đi một đôi cao gót Dior sẽ nhận được sự phục vụ tận tâm hơn từ người bồi bàn đến từ quốc gia xa lạ. Chính những xa xỉ phẩm ấy đã trở thành sợi dây vô hình trói buộc con người vào một khuôn mẫu, một giai tầng chật hẹp. Trong khi các nhà truyền thông đang nỗ lực tuyên truyền về sự tự do của con người, khi các lệnh cấm vận dần được gỡ bỏ, giờ giới nghiêm không còn được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới; thì chính chúng ta lại “mua dây buộc mình”.
Thừa nhận đi, bất cứ ai trong số chúng ta đều đã từng mua những món đồ không cần để tìm kiếm cảm giác được coi trọng. Một bộ đồ ngủ satin của Victoria Secret, một tấm drap trải giường thương hiệu Givenchy có thể cho ta giấc ngủ ngon lúc cuối ngày mệt nhọc? Đôi giày Supreme có thực sự giúp những bước đi nhẹ nhàng hơn khi đầu óc còn vương hàng trăm ngàn mối ưu tư? Đồ đạc có thể lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn? Quay lại với bộ phim “Fight Club”, người kể chuyện là người có công ăn việc làm ổn định, sống trong một căn chung cư với nội thất cao cấp. Có thể nói, anh là tín đồ trung thành của Chủ nghĩa Tiêu dùng (Consumerism). Thế nhưng, đôi mắt anh ta lúc nào cũng trống rỗng, vô hồn và thâm xì vì mất ngủ. “Ý nghĩa cuộc sống” đối với anh ta là một khái niệm xa xỉ. Trong phim “Soul”, người xem lại nhìn thấy một cách thể hiện khác của sự sở hữu. Joe Gardner cho rằng nhạc Jazz chính là toàn bộ cuộc sống của ông. Ông luôn cho rằng: “Tinh hoả (Spark) là đam mê”. Tuy nhiên, đến khi chính thức trở thành nhạc công trong một ban nhạc Jazz, Joe lại thấy trống rỗng. Hoá ra danh hiệu “nhạc công” mà ông từng cho là vĩ đại vẫn không thể bù đắp những mảnh khuyết trong trái tim Joe.
Xét đến cùng, ít ai có thể thoát khỏi nhãn dán “nô lệ của sự sở hữu”. Vật ngoài thân lại trở thành cách chúng ta định nghĩa về bản thân. Cởi bộ đồ ấy ra bạn là ai? Từ bỏ công việc ấy tôi là ai? Chính câu hỏi này đã trở thành rào cản lớn khiếm hiếm ai trong chúng ta đủ dũng cảm để buông bỏ. Những lớp quần áo, trang sức màu mè, lòe loẹt đã đánh lừa cả thế giới và đôi khi cả chính chủ nhân của chúng. Bên trong lớp vải dệt tay thượng hạng là điều gì? Một chiếc hộp sắt rỗng kêu “leng keng”, một chiếc ly thủy tinh mỏng dính dễ vỡ hay một cành cây héo hon khô khốc? Để chiếc hộp sắt không còn kêu “leng keng”, phải làm đầy bằng những kí ức. Để ly thủy tinh khỏi bị vỡ, phải đổ vào đó dòng nước yêu thương ngọt lành. Để cành cây tươi tốt, phải để ánh nắng lý tưởng chiếu rọi, sưởi ấm.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất