Phần 1: Sự thật là gì?

Morpheus nói với Neo:“Isn't it worth fighting for? Isn't it worth dying for?” khi cố thuyết phục anh tin vào sự thật, một sự thật nằm ngoài sự tưởng tượng đơn thuần của con người. Vấn đề lớn nhất đặt ra giữa sự cân bằng mong manh giữa “sự thật và không phải sự thật” ở đây là gì?
Có một câu chuyện cười vô cùng nổi tiếng mà thoạt nghe có vẻ ngớ ngẩn, tuy nhiên nếu xem xét kỹ nó lại nói tới điều cốt lõi của triết học kinh nghiệm chủ nghĩa Anh rằng những việc, những sự vật mà chúng ta tin cậy có thật sự đáng tin cậy khi nằm dưới dạng thông tin được nhận biết như sau: “Anh chàng Morty về nhà, thấy vợ đang trần như nhộng trên giường với người bạn chí cốt của mình là Lou. Trong khi Morty còn chưa kịp há miệng ra thì Lou đã nhảy khỏi giường và kêu lên, này bạn vàng, trước khi mày nói bất cứ điều gì, hãy thử xem mày tin vào cái gì, tin tao hay tin vào mắt mày?”.
Như vậy, qua câu chuyện trên, chúng ta đặt ra 2 câu hỏi lớn như sau:
- Liệu những thông tin được chúng ta định dạng dưới các dạng thông tin mà các giác quan cảm nhận được (bao gồm 5 giác quan chính: thính giác, khứu giác, thị giác, vị giác, xúc giác) có thật sự đáng tin cậy để đánh giá bản chất của một sự vật, sự việc?
- Sự thật liệu có khác nhau khi đứng dưới quan điểm của những người khác nhau tiếp cận sự thật đó?
Đầu tiền chúng ta hãy quay lại nội dung chính của bộ phim. Anh em nhà Wachowski đã tạo ra một siêu phẩm hành động, đột phá về kỹ xảo năm 1999. Tuy nhiên, ẩn trong một bộ phim hành động đơn thuần là một triết lý cổ của triết học phương Đông và phương Tây đều quan tâm, đó là có thực sự chúng ta đang tồn tại và làm chủ chính bản thân mình hay còn một thế lực to lớn hơn, song song đang đi cùng chúng ta? Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Platon, người được công nhận là cha đẻ của triết học phương Tây từng nói lên quan điểm của mình về hiện thực hay sự thật như sau: “Hiện thực/sự thật có thể chỉ là một chiếc bóng trong hang và người ở trong đó, chưa từng ra khỏi cái hang, có thể không nhận thức được điều đó”. Như vậy, với quan điểm của Platon, ông đã nghi ngờ về sự thật hay hiện thực đang tồn tại. Platon chỉ ra rằng, con người và các sinh vật khác, được tồn tại dưới một chủ thể, tồn tại và cảm nhận mọi thứ qua năm giác quan chính đã giới hạn nhận thức của bản thân khiến chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một phần bóng mờ của hiện thực và sự thật.
Vậy sự thật là gì? Có phải sự thật của hiện thực là chính những gì chúng ta đang cảm nhận bằng năm giác quan của mình hay không? Hay thực tế, sự thật và hiện thực với mỗi con người, mà với họ, mỗi một cách tiếp nhận khác nhau, thông qua những giác quan ẩn hay những nhận thức tâm linh thì sự thật và hiện thực sẽ khác nhau?
Morpheus nói tiếp: “I didn't say it would be easy, Neo. I just said it would be the truth.
“Đó là sự thật”, Morpheus nhấn mạnh.
Trong bộ kỳ thư Kinh Hoa Nghiêm có viết một câu: “Vạn vật trong vũ trụ, thực chất chỉ là một.”
Bộ não của chúng ta được thiết kế để lưu trữ, ghi nhớ và tái tạo ý nghĩa thông qua sự kết hợp của năm giác quan với nhau. Ví dụ, khi ta được nhìn thấy một quả chuối và được người khác nói kia là quả chuối, bộ não lúc này ngay lập tức ghi nhớ hình dạng- màu sắc của quả chuối (thị giác), mùi vị của quả chuối (vị giác và khứu giác), cảm nhận khi chạm vào quả chuối (xúc giác) và cuối cùng là câu nói “kia là quả chuối” mà ta nghe được (thính giác). Như vậy, với một động thái hết sức đơn giản, năm giác quan của cơ thể người ngay lập tức tạo ra một chuỗi các sự kiện đưa thông tin tới não bộ và lưu trữ. Vì vậy trong học thuyết triết học Marx và Engels đã chỉ ra rất rõ con người nhận thứ thế giới khách quan qua thế giới chủ quan vốn tồn tại trong chủ thể mỗi con người.
Vậy sự thật chính là những gì chúng ta cảm nhận từ thực tế, hay nói cách khác theo quan điểm của triết học quy hồi, sự thật là những gì được não bộ chúng ta phân tích dựa trên những kinh nghiệm đã có sẵn được lưu trữ trong não bộ. Vì vậy, chúng ta thường tiếp nhận sự thật hay hiện thực dưới những góc độ khác nhau do kinh nghiệm nhận thức của bản thân khác nhau. Hay nói một cách khác, chúng ta không nhìn thấy toàn bộ sự thật mà chỉ nhìn thấy một phần của sự thật. Điều này hoàn toàn đúng với tư tưởng của triết học Platon rằng chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một phần bóng mờ của hiện thực và sự thật.

Phần 2: Bản chất tương đối của sự thật, số phận và ma trận

Nhà tiên tri nói với Neo: “It means know thy self. I wanna tell you a little secret, being the one is just like being in love. No one needs to tell you you are in love, you just know it, through and through.”
Kiến Trúc Sư nói với Leo: “Hope, it is the quintessential human delusion, simultaneously the source of your greatest strength, and your greatest weakness.”
Nhà tiên tri nói về tình yêu và Kiến trúc sư nói về tình yêu, niềm tin và sự hy vọng. Thực tế, trong thế giới của Ma trận khi trải qua 3 phần phim và bản chất tồn tại và xây dựng nên con người (theo cách hiểu của AI), tình yêu chính là hy vọng mà con người mong muốn đạt được, đấu tranh, hy sinh để bảo vệ nó. Đó là nền móng cho việc xây dựng Ma trận của AI.
Trong quan điểm triết học Marx-Engels có nói như sau: “Vận động hiểu theo nghĩa chung nhất bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí đơn giản cho đến tư duy.”
Đây không phải lần đầu tiên Ma trận được hình thành mà là lần thứ 6. Kiến trúc sư nói, trong thế giới đầu tiên tôi tạo ra, đó là một thế giới hoàn hảo, nhưng bản chất con người không chấp nhận điều đó và thế giới đầu tiên của Ma trận sụp đổ. Điều đó giúp AI học được rằng, để con người tồn tại và thích nghi trong Ma trận, họ cần có chút đau khổ, mất mát, họ cần đấu tranh để bản thân họ cảm thấy mình đang được sống và tin rằng thế giới trong Ma trận là thế giới thực, nơi con người là những nguồn pin của AI. Từ đó AI cũng học được một điều rằng, từ sâu trong tâm khảm mỗi con người, họ khao khát được đấu tranh để khẳng định bản thân và tìm sự tự do. Vì thế Kiến trúc sư chấp nhận sẽ có một số người thoát ra khỏi Ma trận, để xây dựng Zion và cũng sẽ có một số chương trình vượt quá hoặc nằm ngoài tầm kiểm soát của mình để đối đầu với con người. Như vậy, con người cần “vận động” để “tư duy” (vận động chuyển sang nhận thức). Từ đó họ cảm nhận rõ được quá trình vận động của mình, tạo động lực tiếp tục đấu tranh và phát triển, thúc đẩy và tiến hóa. Cuối cùng, Kiến trúc sư- người thao túng và xây dựng Ma trận, sẽ học được những sai lầm và tiến hóa đó để tiếp tục reload lại Ma trận, cải tiến nó trở nên tốt hơn với mục đích nguyên thủy sử dụng con người.
Quay lại về sự nổi dậy của Zion. Đây là yếu tố then chốt cho sự vùng dậy của con người chống lại máy móc dưới sự cho phép của Kiến trúc sư. Để làm được điều này, Kiến trúc sư sau mỗi thời kỳ tái nạp sẽ tạo ra Người được chọn để dẫn dắt loài người. Sự nổi dậy của Zion sẽ được cho phép tới một giới hạn nào đó mà máy móc cảm thấy sự đe dọa đó là cần thiết và đủ để mình tái nạp lại các chương trình, Kiến trúc sư sẽ tái nạp lại Ma trận của mình để xây dựng lại một Ma trận mới thông qua Người được chọn. Anh ta/ Cô ta sẽ phải lựa chọn, một lựa chọn duy nhất để có thể hoặc sẽ tiêu diệt Zion để tái nạp lại Ma trận, sau đó con người sẽ tiếp tục được đặt dưới quyền kiểm soát của máy móc và tiếp tục vận động đấu tranh. Hoặc họ sẽ có những lựa chọn khác, mà ở sự lựa chọn này Ma trận sau ít nhiều sẽ có sự thay đổi.
Vấn đề tiếp tục nảy sinh ở đây rằng, tại sao con người có thể lựa chọn trong khi Kiến trúc sư hoàn toàn có thể chỉ đưa ra một quyền lựa chọn duy nhất là tái nạp lại Ma trận và tiêu diệt Zion?
Theo Lý thuyết sự lựa chọn hợp lý của George Homans rằng: “Lý thuyết lựa chọn hợp lý là kết quả hành vi xã hội tổng hợp từ các hành vi của các diễn viên cá nhân, mỗi người được quyết định cá nhân của họ. Do đó, lý thuyết tập trung vào yếu tố quyết định sự lựa chọn cá nhân (cá nhân luận)”. Như vậy, mỗi con người vốn dĩ đã tồn tại sự lựa chọn cho riêng mình. Sự lựa chọn là một quá trình máy móc không thể can thiệp vào vì nó thuộc về phần tiềm thức của loài người. Đây là điểm khiến cho Ma trận trở nên rắc rối. Và để mọi thứ đi đúng quỹ đạo, để Zion bị tiêu diệt và việc tái nạp Ma trận được diễn ra, Nhà tiên tri là người sẽ dẫn dắt loài người.
Bản chất của Nhà tiên tri là một dạng phần mềm xây dựng nhằm định hướng, dẫn dắt loài người tới điểm cuối cùng của kế hoạch tái nạp. Như vậy có nghĩa, Nhà tiên tri thực sự không nhìn thấy trước tương lai hay tiên tri. Ma trận không phải thế giới phép thuật. Nhà tiên tri đơn giản là một phần mềm và để con người cảm thấy thật hơn, bà cho họ cảm giác mình có thể đoán định được tương lai và số phận. Thực tế, bà ta xây dựng một kế hoạch vĩ đại nhằm phục vụ cho yêu cầu của Kiến trúc sư dẫn những người nổi dậy bị tiêu diệt, dọn dẹp Ma trận và bắt đầu cho một thời kỳ tái nạp mới. Nói cách khác, Kiến trúc sư chính là cha đẻ của Ma trận và Nhà tiên tri là mẹ của chương trình này. Bà cho chúng ta sự lựa chọn, phủ định những điều có thể xảy ra, tạo động lực cho con người tin vào điều mình muốn tin. Đó là lý do tại sao bà nói với Trinity rằng cô sẽ yêu Người được chọn, dù chưa biết người đó là ai. Bà nói với Neo rằng anh không phải Người được chọn. Điều đó khiến Neo tin rằng mình không phải Người được chọn cho đến khi Trinity thổ lộ tình cảm với anh. Để đảm bảo việc này đi đúng hướng, Nhà tiên tri đưa cho Neo chiếc bánh và với cách đó, một dòng code ẩn đã được cài đặt vào Neo để anh ta có niềm tin vào Trinity. Mã code này, mà theo lời Kiến trúc sư, đã giúp anh mạnh hơn, có những khả năng chưa từng có trong 5 Ma trận trước như khả năng bay lượn, kết nối với Ma trận ngay cả khi đang ở thế giới bên ngoài Ma trận.
Nhà tiên tri đã tiêm vào ý thức Neo những lời nói dối để anh nhận ra kết quả cuối cùng không phải những gì mình tin mà là những gì mình làm. Đây là cơ sở để Neo đi ngược lại những Người được chọn trong 5 Ma trận trước khi không tiêu diệt Zion. Tất cả mọi sự kiện trong phim sau khi được sáng tỏ đều chỉ về một ván bài mà Nhà Tiên Tri đang chơi nhằm giải phóng tất cả (loài người và các chương trình) tự do.
Tất nhiên việc Nhà tiên tri làm những việc này đã đi ra khỏi giới hạn và mục đích của bà ta trong Ma Trận và là một ván bài đầy những rủi ro. Nhưng đó là điều mà bà ta luôn ý thức được. Khi tất cả đã an bài vào cuối 3 phần phim, Kiến trúc sư nói với Nhà tiên tri: “Bà đang chơi một trò chơi nguy hiểm đấy”và bà ta đáp lại: “Thay đổi luôn là như vậy.”
Xuyên suốt cả bộ phim, chúng ta tưởng đó sẽ là cuộc chiến của Neo với máy móc nhưng thực tế đây lại là cuộc chiến của Kiến trúc sư và Nhà tiên tri. Cuối cùng, bà ta là người chiến thắng.
Đó chính là bản chất tương đối của sự thật và của Ma trận, đó là khi chúng ta tưởng mình tự do, nhưng không. Chúng ta nghĩ rằng mình có quyền quyết định số phận mình, nhưng không. Chúng ta tin vào sự tiền định của số phận, nhưng không.
Tất cả chỉ là sự tương đối của chúng ta khi chúng ta "tin" vào những gì chúng ta “muốn tin” mà thôi. Đó chính là thứ chúng ta vẫn gọi là “số phận”.

Bài viết có sự tham khảo từ:

- “Triết lý Ma Trận”, tác giả không rõ, nguồn: https://sites.google.com/site/reviewphim/phim---movies/cam-nhan/triet-ly-ma-tran
- “Platon và con thú mỏ vịt bước vào quán bar…”, của Thomas Cathcart và Daniel Klein, xuất bản năm 2018.
- “Lịch sử triết học”, của Bùi Thanh Quất và Vũ Tình, xuất bản năm 2001.
- “Con người không thể đoán trước”, của Andre Bourguignon, xuất bản năm 2004.