Hướng nội, ngụy biện và dán mác
Cấp 3 đổ xuống, tôi luôn tránh các buổi tiệc tùng của lớp, thậm chí, cũng chưa từng tự tổ chức sinh nhật cho mình lấy một lần nào....
Cấp 3 đổ xuống, tôi luôn tránh các buổi tiệc tùng của lớp, thậm chí, cũng chưa từng tự tổ chức sinh nhật cho mình lấy một lần nào. Đây cũng là lần đầu tiên tôi chia sẻ sự thật về việc tôi chưa bao giờ mong muốn sinh nhật của mình là một dịp gì đó đặc biệt với tôi hay bất cứ ai vây quanh cuộc sống của tôi, tôi hi vọng đó chỉ là một ngày hết sức bình thường như bao ngày bình thường khác trong năm. Nhưng, với bạn bè tôi, ai cũng được người thân của họ tặng quà và chúc mừng trong dịp lễ quan trọng này.
Tôi còn nhớ hồi cấp 1, mỗi lần sinh nhật của lớp trưởng, bạn ấy đều mua thiệp mời, viết tên từng đứa trong lớp rồi gửi đến tận tay cho từng bạn. Sinh nhật hôm ấy không những có chiếc bánh gato thật to mà còn bánh kẹo, hoa quả, nhạc, nước trái cây,… đầy đủ giữa hai chiếc chiếu trải rộng, đủ để chứa từ 30 tới 40 người. Bạn lớp trưởng thực sự làm chủ buổi tiệc hôm đó, mọi người cùng hát bài Chúc mừng sinh nhật, cùng chúc bạn ấy mọi điều tốt đẹp nhất trên đời khiên một đứa như tôi trong khoảnh khắc bất chợt nào đó bắt buộc phải ghen tỵ và cảm thấy tủi thân. Tôi nhận ra đám đông chưa bao giờ dành cho mình. Tôi thích là người đứng sau, và là người nổi bật âm thầm hơn là thể hiện vẻ hào nhoáng cho mọi người cùng biết.
Lên đại học, tôi mới dán cho mình chiếc mác “người hướng nội” để ngụy biện cho việc tôi không thể nào phù hợp với tiệc tùng, đám đông hay cũng tự cho bản thân là một người nhạy cảm và sâu sắc tự bên trong nhưng không thể hiện cho người khác thấy điều đó. Gần như tôi đưa mọi quan niệm và định nghĩa của người hướng nội mà người ta viết trên báo chí, truyền thông để dãn nhãn cho mình. Như thể, người ta bước vào siêu thị, thấy gói ô mô và comfort, họ biết ngay công dụng của chúng và không thể dùng comfort để giặt đồ hay ô mô cho việc xả vải. Bản thân người hướng nội đôi lúc cũng muốn dãn cho họ chiếc nhãn “người hướng nội” trên trán để những cá nhân xung quanh nhận ra “công dụng” lẫn “đặc điểm” của họ để “sử dụng” đúng cách.
Nhưng, bản chất con người là một thực thể mâu thuẫn, chúng ta hành động để rồi giật mình nhìn lại bản thân thay đổi để trở thành một con người hoàn toàn khác cách nghĩ của ta về chính bản thân ta của ngày hôm qua. Giống như vậy, dù luôn miệng bảo với cả thế giới rằng “tôi là người hướng nội”, tôi luôn cố gắng thoát ra khỏi vùng an toàn bằng cách làm quen với nhiều đám đông và thể hiện bản thân trước hàng trăm ánh mắt đang đổ về phía mình. Mỗi người chúng ta đều đang tiếp cận nhiều môi trường khác nhau trong ngày, và chính 24 giờ đó đã mang đến cho ta nhiều sự mâu thuẫn trong cách ứng xử. Tôi có quen một cô bạn bằng tuổi mình, cô hỏi tôi: “Làm sao để duy trì động lực liên tục?” Tôi mới hỏi cô ấy đang dành thời gian cho những mối quan hệ nào và mô tả kì vọng của họ trong cuộc sống. Cô mới kể là cô chơi với bạn bè hồi cấp 3, cấp 2 của mình là chính, họ là những cá nhân ham ưa cuộc sống ổn định, tốt nghiệp xong đi tìm việc, lập gia đình, sinh con để cái, tóm lại, đó là một cuộc sống rập khuôn theo cách nghĩ và hành động của thế hệ đi trước. Nhưng, cô ấy lại là người ham đọc sách và sách phát triển kĩ năng sống là thể loại cô ấy ưa thích, thi thoảng tham gia các chương trình sự kiện về nhiều đề tài hay ho. Tôi nhận ra vì cô ấy đang dành thời gian cho hai thế giới hoàn toàn khác nhau nên mới xảy ra mâu thuẫn như vậy. Khi ở cùng bạn bè thuở nhỏ của mình, cô ấy cũng chỉ muốn cuộc sống và tương lai của mình ổn định và yên bình như vậy, động lực tiến bộ của cô giảm xuống. Nhưng khi đọc sách hay dành thời gian giao lưu cùng những cá nhân ưu tú, cô ấy lại thúc đẩy bản thân mình phải cố gắng hơn nữa. Động lực của cô là một đồ thị biến thiên mạnh, lúc chạm tới đấy, lúc lên tận đỉnh, và khi từ đỉnh rớt xuống đáy, cô mới hoang mang và mâu thuẫn tràn trề. Thầy tôi đã từng bảo tôi rằng đến một lúc nào đó chúng ta không còn cùng quan niệm sống với những người bạn từng rất thân với mình chỉ vì kỳ vọng của hai người hoàn toàn khác nhau.
Bởi thế, nếu muốn tiến độ, hãy dành quỹ thời gian của mình cho những người đã hoặc đang vươn tới kỳ vọng ấy của ta. Hãy xét xem, bạn đang dành quỹ thời gian nhiều nhất cho ai?
Nhưng, ngay cả khi bạn đã nhận thức được việc bản thân mình cần cố gắng và nỗ lực thì bạn vẫn ngụy biện và dán mác bản thân hết sức vô thức. Vào năm nhất, tôi đỗ vào Câu lạc bộ Truyền thông, ban viết lách. Thật không ngờ, đến 95% thành viên trong ban đấy đều là những người hướng nội. Chúng tôi ngại đám đông và thường tránh những buổi tiệc tùng. Ban chúng tôi từ đời này qua đời khác có truyền thống ẩn dật, đến không ai biết, về không ai hay. Tất cả đều không biết cách gây sự chú ý giữa đám đông, thường ngồi ở một góc nào đó và xin được về sớm khi buổi họp gần kết thúc và mọi người chuẩn bị kéo nhau đi ăn. Thậm chí, tôi đã từng từ chối nhiều cuộc hẹn vào buổi tối vì muốn dành thời gian đó ngồi ở nhà một mình, viết lách hoặc đọc sách. Người hướng nội sạc năng lượng trong yên tĩnh, đó là khoảng thời gian họ lấy lại sinh khí cho mình. Tôi luôn nghĩ như vậy, để rồi thật hiếm khi tôi đi đâu đó vào buổi tối, kể cả những lúc tôi du lịch ở nước ngoài hay trong nước.
Ngụy biện sẽ dẫn đến hành động nhãn mác và đó là tiến trình thật sự nguy hiểm cho bất cứ cá nhân nào, và nếu sự tự dán mác này xảy ra mạnh mẽ, việc lay động họ để họ thay đổi trở nên thách thức và khó khăn hơn rất nhiều. Dán mác mình là người hướng nội, tôi trở nên nhạy cảm hơn, nhát đám đông hơn, và không cho phép bản thân mình thoát ra khỏi những đặc điểm vốn dùng để miêu tả một kẻ hướng nội điển hình. Ở trường, ở lớp, chúng tôi chưa bao giờ được dạy về tâm lý học nói chung và hướng nội, hướng ngoại nói riêng, vì thế, khi nghe về khái niệm này, tôi mới tự mò mẫm tìm hiểu. Đọc xong thì chột dạ vì có lý nào, sách vở, chữ nghĩa lại nhìn thấu bản chất của mình hay đến như vậy. Đọc đến đoạn những người thành công hướng nội, tôi mới ngớ người ra: Albert Einstein, Rosa Parks, Bill Gates, Steven Spielberg, Sir Isaac Newton,… đều nằm trong danh sách đó. Họ được xem là những nhân vật vĩ đại trên thế giới. Nhưng nhiều người hướng nội nhìn vào danh sách này để rồi trao tặng niềm tự hào, hứng khởi cho chính cá nhân họ và họ tin “mình cũng là người hướng nội, cũng có thể thành công như ai.” Nhưng đó hoàn toàn là một suy nghĩ vô cùng nông cạn và thiếu tính logic.
Hướng nội đơn giản chỉ là bản chất của những cá nhân vượt trội trong danh sách đó, họ phải bộc lộ năng lực khác và tận dụng tối đa ưu thế hướng nội của mình để đi lên. Nhưng, tôi thấy nhiều người có những cách ngụy biện tương tự như vậy. Những người muốn bỏ học chỉ muốn đọc về những người bỏ học đã thành công. Những người thất bại chỉ muốn đọc về sự thất bại của người thành công khác. Họ muốn thấy ai đó thành đạt đã từng trải qua hoàn cảnh giống như mình để rồi tạo ra nhiều sự ngụy biện. Bill Gates bỏ đại học Harvard để tạo nên Microsoft nhưng điều đó không thể kết luận rằng “Ông thành công vì bỏ học Harvard”. Sau Harvard, Bill Gates liên tục chinh phục những chặng đường gian nan khác mà nhiều cá nhân ở trường học không thể nào đồng cảm được nỗi vất vả mà thử thách mà ông đã trải qua. Vì thế, bỏ đại học Harvard đơn thuần là một lựa chọn, một lối rẽ mà Bill Gates đã chọn thay vì đi theo con đường là học hết đại học như nhiều bạn bè của mình. Nhưng khi bỏ đại học, có vô vàn lối rẽ khác nhau, còn Bill Gates nhận thức được lối rẽ của ông có những gì đang chờ mình ở đó. Theo một cách ví von, Bill Gates đã tự xây trường, tự làm thầy và tự trở thành học trò trong ngôi trường ấy của ông. Ông tự tạo ra cho mình một thế giới và thoát ra khỏi vùng an toàn của cá nhân ông dù bản chất…ông là một người hướng nội. Như vậy, tư duy phản biện đã chống lại cách tư duy theo lối mòn và trả về một câu trả lời hợp lý và thuyết phục hơn: hướng nội hay hướng ngoại đều không thể tự tạo ra thành công.
Tôi đã từng quen rất nhiều người năng động hết mức nhưng bản chất của họ là những kẻ hướng nội. Họ tham gia tiệc tùng nọ kia, quán nhậu, quán bar đều đã trải nghiệm, họ ăn nói sành sỏi, mạch lạc, tự tin vô cùng trước đám đông,... Và họ đưa về một câu trả lời khiến tôi hứng thú: luyện tập và giả vờ cho tới khi nó thành sự thật. Họ vứt cái nhãn dán “hướng nội” ra khỏi cơ thể và lý trí của họ, họ vượt ra khỏi vùng an toàn của mình. Họ bắt đầu từ những thứ mà người ta nghĩ tiêu cực về người hướng nội: nhút nhát, tự ti, ngại đám đông, sợ tiếng ồn, … rồi đặt bản thân họ vào trong tất cả mọi tình huống đó cho tới khi nào họ cảm thấy ổn. Họ đưa ra một kết luận: hãy cẩn trọng môi trường mà bạn dành thời gian tối đa bởi vì bạn sẽ không thể nhận ra sức ảnh hưởng của nó như thế nào cho đến khi bạn thấy mình bị thay đổi dần vì nó.
Nguồn: trangps.com
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất