Càng yêu sách, mình càng thờ ơ với những ngày hội sách, hay các trào lưu kêu gọi đọc sách trên mạng xã hội. Khi nhìn vào đó, mình không còn thấy hào hứng, hay thèm muốn được kết nối với những người có cùng đam mê nữa. Trái lại, mình chỉ thấy những hư ảo phi thực tế.
Sách là vũ khí mạnh nhất để khai minh con người. Nhưng cũng giống mọi loại vũ khí khác, càng mạnh thì càng dễ gây tổn thương cho người sử dụng. Khi cầm trong tay 1 con sao sắc mà không biết dùng, ta sẽ tự làm đứt tay. Khi cầm trong tay 1 cuốn sách hay mà không biết dùng, ta sẽ tự hủy hoại tâm trí mình.
Cả sách và dao đều có thể hủy hoại người sử dụng.
Kiến thức có gánh nặng của nó. Tâm trí cần đủ mạnh để lĩnh hội. Cùng 1 thông tin, mỗi người sẽ ghi nhận theo 1 cách khác nhau, tùy thuộc vào khả năng tư duy đến đâu. Cái đầu nông cạn sẽ diễn giải lời của bậc hiền triết theo lối nông cạn. Bởi vậy, đọc sách khi chưa có chiều sâu tư duy sẽ dẫn đến hiểu sai, làm sai, tự hủy hoại bản thân.
Lý luận và thực tiễn phải luôn song hành. Thiếu lý luận, ta trở thành ếch ngồi đáy giếng, không biết rằng bên ngoài kia còn vô vàn thứ mình chưa được trải nghiệm. Những thứ đó, ta chỉ có thể biết đến thông qua sách vở. Thiếu thực tiễn, ta đón nhận kiến thức từ sách bằng cái đầu ngây ngô. Để rồi hiểu sai làm sai, dẫn đến "tẩu hỏa nhập ma".
Hiện tượng "tẩu hỏa nhập ma" như trong truyện kiếm hiệp là có thật.
Dạo gần đây, mình tận mắt chứng kiến những người bị "tẩu hỏa nhập ma" như thế. Nhắc đến sách nào cũng biết, tác giả nào cũng từng đọc qua, phát biểu đâu trúng đấy chuẩn bài. Nhưng mình vẫn thấy ở họ có cái gì đó sáo rỗng, ngây ngô.
Có bạn cả đời chưa từng vất vả lại hùng hồn nói về giá trị của khó khăn. Có bạn phân tích cuộc sống dưới góc nhìn của Đức Phật dù bản thân chưa chạm đến gót chân Người. Có bạn nói về Socrates, Khổng Tử, Lão Tử thuộc làu làu, nhưng bị góp ý 1 chút là vùi đầu vào rượu, chê trách người đời sao không hiểu ta. Có bạn kinh sử nắm vững, nhưng lại không dám tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, luôn tìm cách thoái thác cho người khác. Khi ta nói về những thứ ta chưa từng trải qua hoặc làm được, lời ta nói không phải là tri thức. Chúng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi.
Sách - thứ trang sức đời mới của không ít người.
Sách đang bị sử dụng sai quá nhiều. Phần lớn coi nó như 1 loại trang sức mới, đọc để khoe chứ không phải đọc để thấm. Số khác giống như những ví dụ phía trên. Họ ham học, nhưng lại không đủ thực tiễn để đón nhận các bài học sâu sắc mà bậc thánh hiền để lại. Chỉ một số ít có đủ trải nghiệm thực tiễn để làm chủ sách chứ không cho sách làm chủ mình. Những thứ tinh túy không dành cho số đông.
Ngoài ra, cũng cần hiểu rằng ta không bao giờ có thể thực sự hiểu tác giả. Hình ảnh trong đầu họ được mô tả bằng ngôn ngữ. Từ ngôn ngữ đó, ta vẽ nên 1 hình ảnh trong đầu mình. Hai hình ảnh đó không bao giờ giống nhau hoàn toàn.
Không có cách nào để truyền đạt ý nghĩa nguyên vẹn thông qua con chữ. Hay như Lão Tử nói: "Đạo mà dùng lời để diễn giải thì không còn là đạo nữa." Bởi vậy, tuyệt đối không được ảo tưởng rằng mình hiểu bậc hiền triết dù đã đọc sách của họ đến mức thuộc lòng.

Đúc kết lại

Nên đọc sách chứ không nên tôn thờ sách. Muốn rèn rũa 1 người, hãy đưa anh ta sách. Muốn hủy hoại 1 người, hãy đưa anh ta thật nhiều sách.