Có bao giờ bạn coi đi coi lại một bộ phim cả trăm lần chỉ để xem lại một hay hai phân đoạn nào đó chưa. Bởi vì nó mang sức nặng của toàn bộ ý nghĩa xuyên suốt bộ phim, bởi vì lời thoại của nhân vật quá hay, bởi vì góc quay và cả âm nhạc quá hoàn hảo, vì nó là cảnh gỡ rối toàn bộ nút thắt một cách hợp lý, hay vì nó khớp với câu chuyện cá nhân của bản thân bạn, vì nó quá cảm xúc.

Series này sẽ tổng hợp những cảnh ấn tượng nhất trong các phim mà bản thân mình đã xem từ trước đến nay cùng giải thích ( nếu có thể và cần thiết).
Phần 1, phần 2phần 3 ở đây nhé.
Các cảnh xuất hiện trong series này hoàn toàn là Oscar tự phong chứ không hề dựa theo một danh sách nào. Cả cái tên Oscar cũng chỉ là vay mượn, do đây là giải thưởng đầu tiên mà mình biết đến trong lãnh vực phim ảnh, chứ không vì một lý do nào khác.

After all this time - Always - HARRY POTTER AND THE DEADLY HALLOWS (2011)


Khép lại hành trình mười năm của thế giới phù thủy được tạo ra dựa vào tiểu thuyết cùng tên của nhà văn J. K. Rowling là một trong những màn lật trứng kinh điển nhất từng xuất hiện trên màn ảnh rộng.
Khoảnh khắc câu chuyện của Severus Snape được hé lộ thông qua chiết tâm chi thuật không nằm ở tầm Oscar, nếu dùng ngôn ngữ của phù thủy để miêu tả thì nó phải nằm ở tầm của câu thần chú Sectumsempra (Khắc sâu mãi mãi) đối với tâm trí của những người yêu thích bộ truyện này. 
Nó thành công bởi sự chỉnh chu trong cốt truyện của nhân vật Snape cùng với diễn xuất không thể thay thế của bác Alan Rickman. Một phần vì tuyến nhân vật dày đặc của phim, thầy Dumbledore, Voldemort, hội phượng hoàng, điều đó khiến Snape chỉ cần xuất hiện những lúc cần thiết, hầu hết là lúc tương tác với bộ ba, và vì có Harry, ông luôn phải trưng ra bộ mặt lạnh như băng của mình với cậu. 

Ngay từ những ngày đầu tiên của Harry, Hermione Ron, Snape đã luôn là một ông thầy Dảk quá bủh mà không một đứa học sinh nào trong trường muốn được ông đứng lớp.
Ông phải đóng vai kẻ một kẻ phản diện, khiến mọi người xung quanh luôn bán tính bán nghi, một người mà những người khác tin ông chỉ vì thầy Dumbledore tin ông, ngoài ra không để lộ thêm điều gì khác.
Sau tất cả những chi tiết set-up qua 6 phần phim và chỉ bằng một từ duy nhất để lấy đi nước mắt của khán giả, Hoàng tử lai là nhân vật lần đầu tiên trên màn ảnh thay đổi hoàn toàn nhận thức của mình về tốt và xấu, trước Snape, đối với mình tốt là tốt và xấu là xấu, không hơn. 
Còn sau Snape, mình bắt đầu quan tâm đến những nhân vật có quá trình trưởng thành không thuận lợi, như một câu mình luôn nhớ trong đầu: "Để có thể hiểu một người, đôi lúc bạn phải cần một khoảng thời gian xấp xỉ bằng cả đời người đó."

WANDAVISION (2021) - CREATING THE HEX SCENE 


Show truyền hình đầu tiên về vũ trụ điện ảnh của Marvel ra mắt trên Disney+ đã thành công vang dội.
- Ê mày xem cái phim về con bé thích thằng người máy kia chưa?
- HondaVision ấy hả?

Ừ thì có mấy bạn nhầm tên tí nhưng phải thừa nhận đây là một series đã được làm chỉnh chu, hơi có mùi Game of Thrones do tập cuối cùng của series lại phải dùng để set-up cho những dự định trong tương lai của MCU - có lẽ sẽ cùng với Loki để tạo tiền đề cho Doctor Strange: Multiverse of Madness. 
Nhưng từ tập 1 đến 8 của WandaVision đã là một câu chuyện được viết xuất sắc. Đi cùng với cách xây dựng mới lạ ( như những bộ phim sitcom ), người xem đã có mọi thứ mà họ cần, họ được thấy cuộc sống đời thường của các siêu anh hùng trên màn ảnh rộng sẽ trông như thế nào. Cho dù có là một phù thủy toàn năng biến ra món ăn từ không trung, hay một android cơ thể bất hoại thì họ vẫn có những vấn đề phải lo, và những bối rối trong cuộc sống.
Được thấy quá khứ của một cô bé hồn nhiên mê những bộ phim sitcom từ nhỏ nhưng tinh thần đã bị tổn thương đến mức cô sẵn sàng ( mà không hề biết ) điều khiển gần 4000 người để tạo ra một thế giới có thể khiến đầu óc cô được nghỉ ngơi, dù chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.
Tất cả các chi tiết trong 8 tập phim đều chỉ để chuẩn bị cho một màn bộc phát sức mạnh duy nhất, và điều đó khiến cho nỗi đau của Wanda có một sức nặng đáng kể. 
Không bàn tới phân đoạn cô sử dụng VFX để tạo ra The Hex, mà là từ 1 phút 38 trong đoạn video mình đính kèm phía trên. Lúc Wanda nhìn thấy lại Vision online, à nhầm, back to life. Không hiểu sao diễn xuất của Olsen trong cảnh này - có thể nói là - tốt hơn tất cả những gì mình từng chứng kiến cô làm trong MCU từ trước đến giờ. 

Trong vòng 8 giây từ 1p38 - 1p46, cô vẫn đang rất nghi ngờ những gì đang diễn ra trước mặt mình, Wanda bước tới cực kỳ chậm. Rồi lại đúng 8 giây sau đó, khi đã đặt chân vào khung hình đen trắng, Wanda ngay lập tức mỉm cười, sau đó có 1 giây ngắn ngủi cô khựng lại.
Cứ như một con người đã mang trong mình cảm xúc hỗn loạn và đã tuyệt vọng tới nỗi người đó sẵn sàng chấp nhận bất kỳ thứ gì mà cuộc đời ném cho mình, cho dù nó là giả tạo, họ chỉ cần đúng 1 giây để cân nhắc và sẵn sàng diễn theo kịch bản đó, bất chấp, miễn là nó cho họ sự yên bình.

You shall not pass - LORD OF THE RINGS: THE FELLOWSHIP OF THE RING (2001)


Cảnh chiến đấu kinh điển giữa một phù thủy và một con quái vật trong hầm ngục, đây là giấc mơ của những cậu bé lớn lên cùng với những trò chơi Dungeons, Zelda hay Final Fantasy. 
Năm 2000 trở đi là thời kì phát triển cực kỳ thịnh vượng của điện ảnh và rất nhiều tác phẩm mà trước kia các độc giả chỉ có thể thấy trong tưởng tượng nay đã được đáp ứng qua hình ảnh, và Chúa tể của những chiếc nhẫn  là một tượng đài không thể đạp đổ trong những thế giới giả tưởng được dựng nên từ tiểu thuyết.

Rất nhiều các cảnh chiến đấu và thoại trong bộ ba tác phẩm kể về trung địa này được khán giả trên khắp thế giới yêu thích, điển hình có thể kể đến đoạn Gandalf chiến đấu với một con quỷ lửa tên Balrog khi đoàn hộ nhẫn đang đi tắt qua một khu mỏ bỏ hoang. 
Tưởng chừng như phe liên minh người-người lùn-tiên đã mất đi một phù thủy hùng mạnh ngay trong phần đầu của ba phim, nhưng Gandalf Áo Bạc đã được Eru mang trở lại sau khi thật sự đánh bại Balrog và nhờ hành động hy sinh thân mình, ông thậm chí còn mạnh hơn trước kia. 

Giai thoại này sau đó cũng đã gia nhập vào văn hóa đại chúng, trong các ấn phẩm liên quan đến thế giới của Tolkien, trong những trò chơi boardgame có sự xuất hiện của các chướng ngại vật, trong mấy tấm thảm chùi chân đặt trước hiên nhà và cả thế giới meme rộng lớn.

YOU WERE THE CHOSEN ONE! It was said that you would destroy the Sith, not join them - STAR WARS: REVENGE OF THE SITH (2005)


Thống trị màn ảnh rộng cùng thời với Chúa tể những chiếc nhẫn của Tolkien thì không thể bỏ sót chuỗi phim của nhà Lucasfilm - Chiến tranh giữa các vì sao.
Thần lực, điều khiển vật thể bay, tàu không gian, vũ trụ, và đặc biệt là những thanh kiếm ánh sáng đối với những đứa trẻ thậm chí có phần còn hấp dẫn hơn so với một Trung Địa già cỗi.
Mặc dù bộ phim đầu tiên đã xuất hiện từ năm 1977 nhưng giai đoạn Star Wars lan rộng ra toàn thế giới là từ phần phim thứ IV - V - VI, theo mạch truyện thì là I - II - III. Đặc biệt là phần III - Revenge of the Sith có lẽ là tập phim được làm chỉnh chu nhất nếu tính cả cốt truyện, hình ảnh, tình tiết và sự phát triển của nhân vật.

Chứng kiến người được chọn để dẫn dắt thế hệ tiếp theo của Jedi dần dần sa ngã vào phe của bóng tối là một trải nghiệm rất khó tả, đặt trong tình huống nhân vật Anakin Skywalker đã được phát triển rất tốt. Từ một cậu bé hiền lành yêu thương mẹ mình hết mực, bị ám ảnh rằng cậu đã không thể cứu được bà và cực kỳ sợ hãi rằng cậu sẽ lại mất thêm một người nữa tương tự như vậy. 
Bị bóng tối dẫn dụ bằng những quyền năng được-đồn-thổi-rằng có thể hồi sinh cả người chết, Anakin đã bị nỗi sợ khống chế, và đó là điều tuyệt đối cấm kỵ đối với một Jedi. Trong suốt chiều dài những bộ phim Star Wars, mình chưa từng thấy ai không bị ảnh hưởng bởi sợ hãi trừ thầy Yoda.
Trong trận chiến giữa Obi-wanAnakin, người chính tay đào tạo cậu cũng đã sợ phải chứng kiến cái chết của cậu và đã để mặc cho thân thể cậu bị thiêu đốt. Nếu như ông dứt điểm mọi chuyện ngay lúc đó bằng một nhát kiếm thì chúng ta đã không có Darth Vader, nhưng nó lại khiến các nhân vật trong bộ phim viễn tưởng này thật hơn bao giờ hết, con người - cho dù là ai đi nữa thì ít nhiều cũng có những nỗi sợ.