Có bao giờ bạn coi đi coi lại một bộ phim cả trăm lần chỉ để xem lại một hay hai phân đoạn nào đó chưa. Bởi vì nó mang sức nặng của toàn bộ ý nghĩa xuyên suốt bộ phim, bởi vì lời thoại của nhân vật quá hay, bởi vì góc quay và cả âm nhạc quá hoàn hảo, vì nó là cảnh gỡ rối toàn bộ nút thắt một cách hợp lý, hay vì nó khớp với câu chuyện cá nhân của bản thân bạn, vì nó quá cảm xúc.

Series này sẽ tổng hợp những cảnh ấn tượng nhất trong các phim mà bản thân mình đã xem từ trước đến nay cùng giải thích ( nếu có thể và cần thiết).
Vào luôn nhé!!!
Nếu các bạn chưa xem phần 2 thì có thể nghía qua nó ở đây, hoặc phần 1 tại đây nhé.
À quên, phải ghi lại câu này nữa, các cảnh xuất hiện trong series này hoàn toàn là Oscar tự phong chứ không hề dựa theo một danh sách nào. Cả cái tên Oscar cũng chỉ là mượn, do đây là giải thưởng đầu tiên mà mình biết đến trong lãnh vực phim ảnh, chứ không vì một lý do nào khác.

I could have saved one more - SCHINDLER'S LIST (1993)


Cảnh Oskar rời đi trong Danh sách của Schindler đã luôn là một trong những cảnh gây ám ảnh đối với những người yêu thích các tác phẩm kinh điển.
Làm thế nào mà một nhà tư bản người Đức - Oskar Schindler - một người coi trọng kinh doanh hơn tất cả (điển hình như việc chỉ giao thiệp với các tướng trong quân đội và những người có địa vị cực cao trong chính quyền để củng cố việc làm ăn của ông) lại bật khóc khi nghĩ rằng ông đã không cứu được thêm một người Do Thái nữa giữa tình cảnh hỗn loạn của Đệ Nhị Thế Chiến.
Trong khi ông đã cứu tận 1200 người.

Nói là do hội chứng người tốt nghe lại không đúng lắm, cái lý thuyết bảo rằng khi bạn đã làm việc tốt, được người khác khen hoặc ngưỡng mộ, thì bạn sẽ càng muốn làm nhiều việc tốt hơn và đến một lúc sẽ không còn có thể dừng lại được nữa.
Ở trường hợp của Schindler, phần nhiều là ông đã thực sự hình thành liên kết tình cảm với những người Do Thái làm việc cho mình. Ban đầu đúng là ông cần họ cho công việc vì có thể thuê nhân công với giá rẻ, sau đó dần dần Oskar nhận ra tố chất trong những con người đó, song song với việc liên tiếp chứng kiến những bất công do tên phát-xít Amon Goeth gây ra (trong số đó có cuộc tàn sát 10.000 người tại một khu tập thể), toàn bộ những điều đó cùng một cơ số lý do nhất định khác nữa đã ảnh hưởng đến lương tâm của ông ít nhiều.

Schindler đã dần dần hình thành tình cảm đối với người Do Thái, bắt đầu từ tình bạn giữa ông và Itzhak Stern, gọi là tình bạn có thể hơi lạ vì vốn dĩ đây là quan hệ chủ tớ. Nhưng người xem có thể cảm nhận được rằng qua thời gian, thông qua quá trình làm việc cùng Itzhak, Oskar đã dần dần thay đổi góc nhìn của mình, họ vừa là những người thông minh, học nhanh và rất tận tâm đối với công việc, họ sở hữu tất thảy các tố chất mà một doanh nhân như Schindler cần. 
Thế là ông bắt đầu muốn cưu mang họ, làm tất cả mọi thứ để cứu sống những con người này, càng nhiều càng tốt, cho dù phải tiêu hết cả thảy tài sản của ông.

Love, TARS. Love. My connection with Murph is quantifiable, it's the key - INTERSTEALLAR (2014)


Chúng ta đang sống trong một không gian ba chiều và một dòng thời gian.
Vậy trong không gian 4 chiều thì thời gian sẽ như thế nào? Nó có như một con đường chúng ta đi mỗi ngày không?
Nếu nó như một con đường vậy có nghĩa là chúng ta có thể đứng ở bất kỳ điểm nào bản thân mong muốn? Có thể truy cập vào mọi điểm của tương lai và quá khứ trong cuộc đời cùng một lúc? Vậy sống trong không gian bốn chiều chúng ta sẽ làm gì? Đi tới đi lui và xem đi xem lại từng khoảnh khắc của cuộc sống? 
Tất nhiên là khoa học chưa thể trả lời được hết những câu hỏi đó nhưng không có nghĩa là con người không được phép tưởng tượng. Einstein từng nói rằng khoa học nếu thiếu đi trí tưởng tượng thì sẽ chẳng còn lại gì.

Trong khi những bộ phim có đả động đến dòng thời gian khác đa phần vẫn chỉ xây dựng nó trong một không gian ba chiều, chẳng hạn như Back to the future, Men in Black, Prince of Persia, hay thậm chí là Lucy. Bối cảnh sẽ luôn ở không gian ba chiều, nhân vật của chúng ta sẽ chỉ truy cập vào dòng thời gian trong một khoảnh khắc rồi lại trở về một nơi mà đầu óc con người có thể hiểu được, ở một mốc thời gian xác định mong muốn.

Thì Interstellar của Christopher Nolan là một phim đã thật sự cố gắng xây dựng không gian bốn chiều dựa trên những khái niệm khoa học mà con người chưa hiểu rõ, như Hố đen, lỗ giun hay chân trời sự kiện, ông còn cố gắng tạo ra cả một mô hình của khối Tessaract để tạo cảm giác thật cho những diễn viên, đồng thời giảm thiểu tối đa việc sử dụng VFX.
Bản thân mình có thể hiểu phân đoạn trọng lực bẻ cong không thời gian đã lấy đi 40 năm của Cooper (do Matthew McConaughey thủ vai) trong 7 phút tương đối rõ ràng, nhưng còn mô hình không gian 4 chiều này thì đến giờ vẫn mơ hồ mộng mị. 

Nói vậy không phải là do phim làm không tốt, mà là đã làm quá tốt, hai anh em Nolan cùng với các nhà khoa học tham vấn cho phim đã cho người xem thấy một chiều không gian mới thực sự tuyệt vời và mê hoặc. Các dây thời gian đan xen vào nhau có thể tác động đến quá khứ, những "hướng đi", các hình ảnh tầng tầng lớp lớp của Murph cách nhau chỉ 1 milisecond, giống như mỗi frame hình của một video vậy.

Bên cạnh việc gây được những tiếng vang lớn trong việc điện ảnh hóa những khái niệm khoa học mới lên màn ảnh rộng, Giữa những vì sao của Nolan còn cài cắm một chi tiết cực kỳ đáng được cân nhắc. Thông qua những lời thoại của nhân vật Cooper,
Love, TARS. Love. My connection with Murph is quantifiable, it's the key.
Cooper có thể tìm đúng khoảnh khắc trong dòng thời gian mà ông cần, ở đúng tọa độ mà ông cần, để gửi về quá khứ một chỉ dẫn cho con gái mình chính là nhờ liên kết không thể cắt đứt giữa ông với Murph. Nói cách khác, tình cảm của con người cùng một lúc là không thể - và có thể định lượng, và là một yếu tố cần thiết cho các giả thuyết khoa học trong tương lai.
Theo khái niệm mà Nolan đặt ra trong Interstellar, khoa học logic tình cảm con người có liên quan mật thiết với nhau, nó phải là như vậy, tựa như chừng nếu có một chiều không gian thứ 5 nữa thì người xem có thể thấy chính xác điều đó. Bạn không thể cứu trái đất chỉ bằng khoa học, đúng là bạn cần một cái đầu lạnh, nhưng đồng thời cũng sẽ cần một trái tim ấm áp.

Gajima - TRAIN TO BUSAN (2016)


Là một bộ phim mở đầu cho hàng loạt các phim dựa trên chủ đề xác sống ra mắt liên tục sau này của điện ảnh Hàn, như Kingdom, Alive, và cả Train to Busan phần hai với tựa đề Bán đảo Peninsula
Train to Busan ra mắt vào năm 2016 gần như vẫn là phim làm về xác sống thành công nhất của xứ sở kim chi, không chỉ bởi vì mạch phim chặt chẽ, gãy gọn và rõ ràng, những phân đoạn kịch tính khi một hằng số nhỏ các nhân vật phải tìm cách sống sót giữa bầy xác sống trên cùng một chuyến tàu, mà còn vì nó đã phác họa thành công một đức tính tốt của con người, là biết hy sinh vì người khác.

Bạn bè bảo vệ bạn bè, chồng bảo vệ vợ, những người xa lạ bảo vệ nhau, và trong cảnh kịch tính cuối cùng của phim, chúng ta có một người cha hy sinh để bảo vệ con gái mình. 

Giống như những truyền thuyết thành thị, mọi người thường rỉ tai nhau rằng trước khi chết, những điều bạn yêu quý nhất trên thế gian này sẽ luân phiên vụt qua mắt của bạn, như thể bạn đang ngồi trong rạp chiếu bóng và các ký ức kia là những thước phim. Để bạn có được cảm giác thanh thản cuối cùng và có thể nở một nụ cười trước khi nhắm mắt.
Từ lúc vẫn còn bình tĩnh với những lời dặn dò gấp gáp sau cùng, sau đó nhân vật Seok-Woo của Gong Yoo cũng bật khóc vì ý thức được chuyện gì sắp xảy ra với mình, đến khi đôi mắt dần chuyển sang màu trắng đục và những cảnh flashback khi Soo-An vừa mới chào đời vụt qua ý thức anh. 
Không cần bất kỳ một câu thoại hay một lời giải thích thêm nào, hình tượng về người cha mải mê với công việc ở đầu phim bị đánh bay ngay tức khắc và khán giả có thể biết chắc chắn rằng đối với Seok-Woo, điều gì mới là quan trọng.

So we beat on, boats agaisnt the current, borne back, ceaselessly, into the past - THE GREAT GATSBY (2013)


Thêm một tác phẩm kinh điển nữa xuất hiện trong danh sách kỳ này, và có lẽ là một trong các phim được chuyển thể từ sách được làm chỉnh chu nhất.
Với dàn diễn viên chủ chốt toàn những thành viên kỳ cựu bao gồm Leo, Tobey Maguire (người nhện đầu tiên của Sony), Isla Fisher, Jason Clarke, Elizabeth Debicki (bà chủ tiệm net trong Vệ binh giải ngân hà 2, và gần đây nhất là một vai trong TENET) thì phần diễn xuất của các nhân vật gần như không có gì để bàn. Trừ Carey Mulligan trong vai Daisy Buchanan được giới phê bình đánh giá là vẫn chưa hoàn hảo. 

Với nội dung bám cực kỳ sát theo tiểu thuyết của F Scott. Fitzgerald, chỉ thay đổi trình tự và thêm vào một vài cảnh cho mục đích kể truyện. Điểm khiến các độc giả của Gatsby vĩ đại hài lòng nhất với tác phẩm chuyển thể này có lẽ nằm ở việc nó giữ nguyên hoàn toàn văn chương của Fitzgerald và sử dụng nó trong những đoạn dẫn chuyện với chất giọng của người nhện đầu tiên.







Bối cảnh được làm chỉnh chu đến từng chi tiết, từ một New York ảm đạm, dinh thự hoang tàn sau khi Gatsby mất đi, đến một sân vườn đầy lá không người quét và bến tàu Gatsby vẫn đứng mỗi ngày khi ông còn sống để nhìn sang một thứ ánh sáng xanh bên kia vịnh trên nền một thứ văn đầy mê hoặc cân bằng giữa việc sử dụng các từ ngữ thứ cấp, xa lạ, ngắt câu liên tục, cùng một chút VFX, khiến cho ngôn từ bay lượn giữa không trung, thoắt ẩn thoắt hiện, kết hợp với giọng dẫn của Tobey Maguire.
Một cảnh kết hoàn hảo cho một tác phẩm xuất sắc, mờ dần đi trong những khung hình cuối cùng là thứ ánh sáng xanh cuối cùng cũng phải vụt tắt như những hoài bão của một cậu bé xuất thân nghèo khó nhưng đã luôn muốn vươn lên từ năm 15 tuổi.