Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:



Trong lịch sử Việt Nam, mối nguy đến từ các thế lực phương Bắc đã luôn luôn hiện hữu. Không tính đến thời kỳ Bắc thuộc thì ngay từ thời điểm họ Khúc giành được quyền tự chủ, chúng ta đã luôn luôn phải chống đỡ những cuộc tấn công từ các triều đại phương Bắc. Trong những cuộc chiến tranh ấy, chúng ta có thắng, có thua, và có lẽ nhiều người cảm thấy tự hào nhất khi nhắc đến chiến công 3 lần đánh bại đế quốc Mông Nguyên tại thế kỷ 13 của triều đại nhà Trần. Có một sự thật không thể chối cãi là giữ vững được độc lập và tự chủ trước một thế lực hùng mạnh như đế quốc Mông Nguyên không phải điều dễ dàng. Thực tế là từ những bài học lịch sử sơ khai nhất lúc cấp 1, các thế hệ học sinh đã được dạy rằng nhà Trần 3 lần đánh thắng quân Mông Nguyên. Thế nhưng nếu tra cứu các nguồn tài liệu tiếng Anh, thi thoảng chúng ta sẽ bắt gặp một ý kiến cho rằng quân Mông Cổ lại đã khuất phục được Đại Việt trong cuộc chiến lần thứ nhất năm 1258.
Thất bại của nhà Nguyên trong hai cuộc chiến 1285 và 1287 - 1288 là điều không phải bàn cãi khi ngay cả các nguồn sử liệu phương Bắc như Nguyên sử, Minh sử cũng đều thừa nhận. Tuy vậy, với cuộc chiến tranh Mông Cổ - Đại Việt năm 1258 thì phải nói thật là mọi chuyện phức tạp hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Nói thẳng ra, cả hai phía - tức là phía quân Mông Cổ và phía triều đình nhà Trần - đều có lý do để tuyên bố phần thắng thuộc về mình, và điều đó dựa vào mục đích mà hai phía đặt ra trong cuộc chiến này.
Vậy thực hư mọi chuyện ra sao? Tại sao cuộc đụng độ lần 1 giữa đế quốc Mông Cổ và Đại Việt lại phức tạp như vậy dù thực tế nó diễn ra trong thời gian ngắn hơn các cuộc chiến lần 2 và lần 3 rất nhiều? Chúng ta hãy cùng một lần nữa đi vào phân tích những gì xoay quanh cuộc chiến này.


1. Uriyangqadai (Ngột Lương Hợp Thai) - một kẻ địch đáng gờm


Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu kẻ địch mà lúc đó vua tôi nhà Trần phải đối đầu là ai, hay nói cho chính xác hơn là Đại Việt lúc đó phải đối đầu với một tướng địch như thế nào?

Tổng chỉ huy quân Mông Cổ trong cuộc chiến năm 1258 chính là Uriyangqadai, hay như chúng ta hay đọc theo phiên âm là Ngột Lương Hợp Thai. Ngột Lương Hợp Thai là con của danh tướng Sube’tei (Tốc Bất Đài) lừng danh thuở trước. Những ghi chép chi tiết về ông không nhiều, nhưng chúng ta biết rằng Ngột Lương Hợp Thai đã tham gia cầm quân ở rất nhiều chiến dịch khét tiếng của đế quốc Mông Cổ. Ông từng theo cha tham gia chinh phạt Đại Kim và đế quốc Khwarezmia, theo Batu (Bạt Đô) tấn công Đức và Ba Lan, cùng với Hulagu (Húc Liệt Ngột) tấn công đế quốc Hồi giáo Abbasid Caliphate. Từ thời điểm năm 1252, Ngột Lương Hợp Thai cùng với Khubilai (Hốt Tất Liệt) đánh Đại Lý, Tây Tạng để chuẩn bị cho chiến dịch tấn công Nam Tống. Sau đó ông trở thành tổng chỉ huy cả chiến dịch khi Hốt Tất Liệt được giao trọng trách khác và cuối cùng thành công năm 1254 khi bắt sống được vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí. Cuối cùng đến năm 1256, Ngột Lương Hợp Thai đã bình định thành công toàn bộ vùng Vân Nam. 
Như vậy, có thể thấy Ngột Lương Hợp Thai có bề dày kinh nghiệm cầm quân rất đáng nể và uy quyền cũng rất cao khi lúc đó ông đang là thủ lĩnh quân Khiếp Tiết, lại còn là thầy của Mongke (Mông Kha) - Đại Hãn của đế quốc lúc bấy giờ. Nói không ngoa, Ngột Lương Hợp Thai có lẽ là kẻ địch nguy hiểm nhất mà các triều đại Việt Nam từng phải đối mặt.

2. Về lực lượng và chênh lệch sức mạnh giữa hai bên


Trước khi đi vào những điểm phức tạp cần phân tích về diễn biến và kết cục của cuộc chiến, chúng ta tất nhiên cần phải xem xét lực lượng của các bên tham chiến. Chúng ta cần biết quân số của các bên ước chừng khoảng bao nhiêu, tướng lĩnh tham gia cầm quân ra sao và chênh lệch sức mạnh thế nào. Đối với cuộc chiến năm 1258, đây cũng là một phần tương đối phức tạp và cần phải làm rõ.
Đầu tiên, khi bắt đầu tấn công Đại Lý thì Ngột Lương Hợp Thai và Hốt Tất Liệt có 10 tumen (thường hay dịch ra là vạn hộ - nhưng tất nhiên không phải lúc nào 1 tumen cũng có đủ 1 vạn quân), sau đó khi chiến dịch kết thúc thì Ngột Lương Hợp Thai còn khoảng 2 tumen. Tất nhiên con số 10 tumen này không phải toàn bộ lực lượng tham chiến ở Đại Lý mà chỉ là quân từ Hoa Bắc của Hốt Tất Liệt mà thôi. Về sau, khi chiếm được kinh đô Đại Lý, Hốt Tất Liệt cùng phần lớn thân binh của mình trở về phía bắc, để lại một số lượng quân và giao cho Ngột Lương Hợp Thai cùng một chỉ huy khác (có lẽ là để trở thành thám mã xích luôn) để hoàn tất việc bình định Vân Nam.
Thám mã xích (Tanmachi): mỗi khi Mông Cổ chinh phục được một vùng đất mới thì sẽ để các thám mã ở lại để giữ, người đứng đầu thám mã gọi là thám mã xích, thám mã xích có các vai trò như tuyển quân bản địa, lo các việc hành chính và quản lý sự thần phục của quý tộc địa phương.
Về quân số cụ thể được biên chế trong các tumen (vạn hộ), Nguyên sử - Binh chế có ghi:
Thượng vạn hộ phủ, quản trên 7000 quân
Trung vạn hộ phủ, quản trên 5000 quân
Hạ vạn hộ phủ, quản trên 3000 quân.
Như vậy, có thể hiểu là quân số của 1 tumen thường dao động trong khoảng từ 3000 đến 1 vạn khi 1 hạ tumen sẽ có từ 3000 - 5000 quân, trung tumen có từ 5000 - 7000 quân và thượng tumen sẽ có từ 7000 đến 1 vạn quân.

Với việc còn lại 2 tumen quân Mông Cổ dưới quyền Ngột Lương Hợp Thai, đồng nghĩa với việc quân Mông Cổ sau chiến dịch bình định Vân Nam có lẽ là chưa đến 2 vạn. Như vậy, quân số tham chiến ở Đại Việt sau đó rốt cuộc là bao nhiêu? Các nguồn sử liệu đều chỉ nhắc đến Ngột Lương Hợp Thai là chỉ huy chính, vậy ít nhất chúng ta có 1 tumen Mông Cổ tham chiến (tumen còn lại có lẽ phải giữ lại ở vùng Vân Nam). Một văn bia ở Đại Lý cho biết Đoàn Hưng Trí dẫn theo 2 vạn quân người Di cùng tham chiến, vậy chúng ta có khoảng gần 3 vạn quân, tức là khoảng 3 tumen. 
Chép về việc Ngột Lương Hợp Thai đánh xuống Đại Việt, Rashid ad-Din (1247 - 1318), một nhà sử học của Ilkhanate (Hãn Quốc Ý Nhi) sau này có ghi rằng:
Trước đó, Hãn Mông Kha đã phái một đạo quân gồm 3 tumen đến một hướng khác của Nam Tống. Chỉ huy của họ là Uriyangqadai, con trai của Sube'tei Bahadur. Ngoài ra, Hãn còn gửi đi theo họ 50 thân vương ở cánh quân trái, và trong số các hậu duệ của Chagatai, có một người tên Abishka. Vì đường xá khó đi, địa hình và thành lũy khó vượt qua, họ liên tục tham chiến và tiến lên rất vất vả. Hơn nữa, do khí hậu và thời tiết độc hại, rất nhiều binh sĩ ngã bệnh rồi chết, để đến cuối cùng tổng cộng chỉ còn 5000 người sống sót.
Vậy, ta có thể tạm kết luận rằng quân số mà Ngột Lương Hợp Thai đem đi tấn công Đại Việt có gần 3 vạn. Nhà sử học Hà Văn Tấn ước định con số vào khoảng nhiều hơn 2,5 vạn. Những ước định này phù hợp với ghi chép của Rashid ad-Din - có lẽ là nguồn duy nhất đáng tin cậy về số lượng quân của đế quốc tham chiến ở Đại Việt. Con số này cũng phù hợp khi xét đến chiến lược quen thuộc của quân Mông Cổ trong các chiến dịch trước đó - một mũi tiến công thọc sâu vào lãnh thổ quân địch.
Mũi tiến công thọc sâu: khi quân Mông Cổ phải chạy đua với các lực lượng thù địch mà không có sự đảm bảo về hậu cần lẫn viện quân, lúc đó thì tốc độ sẽ được ưu tiên hơn là số lượng, con số 3 tumen trở xuống là phù hợp với chiến lược này, nhưng có một trường hợp cá biệt là trong cuộc xâm lược nước Kim 1231, thì mũi tiến công thọc sâu của Sube'tei (Tốc Bất Đài) và Tolui (Đà Lôi) được ghi lại là “dưới 4 vạn quân”.
Về quân số phía Đại Việt, không có một ghi chép cụ thể nào về con số chính xác, cho nên ta chỉ có thể ước chừng. Thời điểm đó, nhà Trần có thể huy động được khoảng hơn 10 vạn quân trên cả nước (tất nhiên đó là khi tổng động viên, còn con số thực tế khi tham chiến ở Bình Lệ Nguyên thì chắc chắn phải ít hơn, có lẽ khoảng từ 6-7 vạn). Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, xét về mặt số lượng thì Đại Việt là bên chiếm thế thượng phong.
Tuy nhiên, số lượng chưa bao giờ là yếu tố tiên quyết trong một trận chiến, hoặc một cuộc chiến cả. Ngoại trừ yếu tố số lượng và địa hình sân nhà ra, thì Đại Việt thực sự không có bất kỳ lợi thế nào so với kẻ địch. Chúng ta nên nhớ Mông Cổ lúc đó đang là đế quốc mạnh nhất thế giới, và binh sĩ Mông Cổ cực kỳ thiện chiến. Quân của Ngột Lương Hợp Thai đã chiến đấu ở Đại Lý suốt 3-4 năm liền, nên dù ít quân hơn nhưng vẫn thừa sức đánh quy ước với địch. Mà thực tế thì chính trận Bình Lệ Nguyên đã chứng minh cho điều đó, khi quân Mông Cổ đã đánh bại quân Đại Việt tương đối dễ dàng và sau đó còn nhiều phen suýt bắt được vua Trần Thái Tông, khiến cả triều đình phải rút chạy khỏi thành Thăng Long.

3. Mục tiêu của các bên trong cuộc chiến và ghi chép trong các nguồn sử liệu


Về diễn biến của cuộc chiến, tất cả các nguồn sử liệu hiện có đều đồng ý ở những điểm sau: Tháng 8 năm 1257, chủ trại Quy Hóa là Hà Khuất báo tin có sứ Nguyên sang. Vua Trần Thái Tông không nghe lời dụ hàng, xuống chiếu ra lệnh đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, lệnh cả nước sắm sửa vũ khí. Ngột Lương Hợp Thai chia quân làm hai cánh, một cánh do mình chỉ huy và cánh quân còn lại do Cacakdu (Triệt Triệt Đô) chỉ huy, chia đường tiến xuống sông Thao ở vùng Kinh Bắc. Ông cử con trai là Aju (A Truật) sang giúp và điều tra tình hình quân Đại Việt. Nhà Trần bày nhiều lớp phòng thủ, A Truật trở về báo, liền tiến quân đi gấp, sai Triệt Triệt Đô làm tiên phong, A Truật ở sau làm đoạn hậu. Đến tháng 12, 1257, hai đạo quân hợp lại với nhau và bắt đầu xâm lấn Bình Lệ Nguyên, vua Trần Thái Tông tự mình dẫn theo sáu đạo cấm quân, cộng thêm sương quân ở các địa phương gần kinh thành để chống lại. Hai bên giáp chiến ngày 17/1/1258. Mặc dù có lợi thế về số lượng, lại có cả tượng binh nhưng quân Đại Việt vẫn không chống nổi trước sự thiện chiến của kỵ binh Mông Cổ. Cuối cùng vua Trần Thái Tông lệnh rút quân và ngay sau đó truyền lệnh bỏ kinh thành Thăng Long chạy đi.

Như vậy, việc Đại Việt bại trận ở Bình Lệ Nguyên là điều không phải bàn cãi, việc phải rút chạy khỏi Thăng Long cũng là vạn bất đắc dĩ (nhà Trần không hề tính trước việc này, cho nên nói Đại Việt thực hiện vườn không nhà trống ngay từ đầu ở cuộc chiến lần 1 là sai). Nhưng kể từ sau việc nhà Trần rút khỏi Thăng Long, các nguồn sử liệu bắt đầu khác nhau và trở nên tương đối loạn, khiến những người nghiên cứu đau đầu khi không biết đâu mới là sự thật.
Về các nguồn sử liệu, ở đây chúng ta xét đến 3 nguồn chính: Đại Việt sử ký toàn thư (biên soạn dưới triều Lê, do Ngô Sĩ Liên chủ biên), An Nam Chí Lược (biên soạn bởi Lê Tắc, gia thần của Trần Ích Tắc - tông thất nhà Trần đầu hàng quân Nguyên trong cuộc chiến lần 2) và Nguyên sử (được biên soạn dưới triều Minh, dựa trên Nguyên Thực Lục và Kinh Thế Đại Điển).
Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau:
Ngày 24, vua và Thái Tử ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đón đánh, cả phá được quân giặc. Quân Nguyên chạy trốn về, đến trại Quy Hóa, chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người Man ra tập kích, lại cả phá bọn chúng. Khi ấy, người Nguyên mới lấy được Vân Nam, bọn du binh cướp đến, không có ý đánh chiếm, nên bây giờ người ta gọi chúng là "giặc Phật".
An Nam Chí Lược chép như sau:
Tháng 12 năm Đinh Tỵ (1257), đời Đại Nguyên, đại súy Ngột Lương Hộp Đãi đem binh từ Vân Nam đi qua biên ấp An Nam. Người trong nước kháng cự, bị quan quân đánh phá, sợ phải đầu hàng. 
Nguyên sử chép như sau:
[…] Nhật Cảnh (tức Trần Thái Tông) chạy trốn ra hải đảo. Trong ngục (Thăng Long) tìm thấy hai sứ giả đã sai đi từ trước, đều bị trói bởi dây thừng tre, hằn sâu vào da thịt, lúc cởi trói thì một người đã chết. Vì vậy nên giết sạch dân trong thành. Quân Nguyên lưu lại ở đó chín ngày, vì khí hậu khắc nghiệt nên đem quân về. Lại sai hai sứ giả đến dụ cho quy hàng. Nhật Cảnh quay về, thấy quốc đô đều đã bị hủy hoại, rất căm phẫn, bắt trói hai sứ giả đuổi về.
Ở một đoạn khác, Nguyên sử chép:
Ngột Lương Hợp Thai tiến vào Giao Chỉ, định kế trú lâu dài, quân lệnh nghiêm túc, không hề xâm phạm dân chúng. Quá bảy ngày, Nhật Cảnh xin nội phụ, thế nên ban rượu thưởng binh sĩ, đem quân quay về thành Áp Xích.”
Ta có thể thấy rằng, theo Nguyên sử thì Thăng Long vẫn còn người, chứ không hề vắng sạch bóng như nhiều người nghĩ. Điều này cũng đúng, bởi vì như đã nói ở trên, nhà Trần ban đầu hy vọng có thể cản địch ở Bình Lệ Nguyên nên đã không tính đến việc lệnh toàn thành di tản. Sau khi bại trận rút lui mới gấp rút lệnh dân chúng trốn đi, nhưng rõ ràng là không thể kịp để toàn bộ người trong thành biến mất. Không rõ chính xác trong thành Thăng Long có bao nhiêu người tại thời điểm đầu năm 1258, nhưng ta có thể ước chừng. Trong khoảng năm 1100, Thăng Long có khoảng 3 vạn dân, những năm 1300 có khoảng 4 vạn dân (dẫn theo cuốn "3000 years of Urban Growth" của Tertius Chandler) thì vào thời điểm năm 1258, có lẽ Thăng Long có khoảng trên dưới 3,5 vạn dân. So với các kinh thành của những nước lớn như Lâm An của Nam Tống hay Bắc Kinh của Đại Kim thì con số này quả là khiêm tốn, nhưng xét quy mô dân số Đại Việt thời Trần chỉ có khoảng hơn 3 triệu dân thì 3,5 vạn dân cũng khá đáng kể. Quan trọng hơn là, việc di tản ngần ấy người chỉ trong vài ngày ngắn ngủi sau trận Bình Lệ Nguyên là bất khả thi. Mặc dù bản thân Nguyên sử có sự sai khác trong hai đoạn trích trên, nhưng dù số phận thành Thăng Long có ra sao thì cũng có thể khẳng định tại thời điểm Ngột Lương Hợp Thai vào thành, nơi ấy vẫn còn người.

Như vậy, các nguồn sử liệu đã có sự sai lệch khi chép về những diễn biến tiếp theo của cuộc chiến. Vậy làm sao để ta lọc ra được đâu mới là thông tin gần với sự thật nhất? Chúng ta phải hiểu được mục đích của các bên trong cuộc chiến này.
Với nhà Trần, câu trả lời khá đơn giản: giữ được độc lập, tự chủ của quốc gia, có thể thành chư hầu, nhưng tuyệt không chịu để Mông Cổ cai trị.
Với quân Mông Cổ, mục đích của cuộc chiến lần 1 năm 1258 này lại là một điểm phức tạp nữa. Đại Việt sử ký toàn thư thì ghi là “du binh đến cướp phá”, Nguyên sử thì ghi là “định kế trú lâu dài”. Vậy đâu mới là mục đích thật sự của quân Mông Cổ khi phát động chiến dịch năm 1258?
Trước tiên chúng ta hãy xem xét ý kiến của Toàn thư khi cho rằng mục đích của Ngột Lương Hợp Thai trong chiến dịch năm 1258 là "du binh đến cướp phá". Nếu nghĩ kỹ, chúng ta có thể thấy mục đích như vậy là không hề thực tế với quân Mông Cổ tại thời điểm đó. Ngột Lương Hợp Thai vừa mới chinh phục được toàn bộ vùng Vân Nam, nghĩa là có cướp phá thì cũng cướp phá chán chê ở đất Đại Lý rồi, hà cớ gì phải vất vả tiến quân xuống Đại Việt chỉ để cướp phá thêm nữa? Tiến hành cả một chiến dịch, đem theo một lượng quân khá đáng kể là 3 tumen chỉ để cướp phá thì tương đối không thỏa đáng. Với trường hợp của Toàn thư, có lẽ người biên soạn phần này đã không hiểu được hết bản chất các chiến dịch của quân Mông Cổ nên mới chép như vậy. Vì thế có lẽ chúng ta nên tin vào Nguyên sử, nghĩa là quân Mông Cổ tiến hành tấn công Đại Việt với mục đích "định kế trú lâu dài".
Nhưng vấn đề ở chỗ: Ngột Lương Hợp Thai chỉ có 3 tumen, mà sau đó còn phải vòng lên phía nam để đánh thọc vào Nam Tống nữa, vậy "định kế trú lâu dài" rốt cuộc là thế nào? 
Ở đây, chúng ta có thể suy luận rằng cuộc tấn công Đại Việt lần 1 năm 1258 có bản chất giống với cuộc chinh phạt Tây Hạ lần 1 năm 1209 - đó là biến đối tượng của chiến dịch trở thành một chư hầu hoàn toàn thần phục, tạo nên một căn cứ với vai trò hậu phương để cung cấp nhân lực và vật lực cho các chiến dịch trong tương lai. Sâu xa hơn, cánh quân của Ngột Lương Hợp Thai còn nhận một nhiệm vụ nữa là từ đất Đại Việt đánh thọc lên mạn sườn phía nam của Nam Tống. Cụ thể hơn, chiến dịch tấn công Đại Việt nằm trong một kế hoạch lớn hơn của Mông Kha lúc đó: khởi 4 cánh quân để đồng loạt tấn công Nam Tống. Đích thân Mông Kha chỉ huy một cánh quân tấn công theo đường Tứ Xuyên. Cánh quân thứ hai do Hốt Tất Liệt chỉ huy có nhiệm vụ vượt Trường Giang, đánh vào Ngạc Châu (tức là vùng Vũ Xương, Hồ Bắc). Cánh quân thứ ba do ToyaCar chỉ huy, đánh vào hạ lưu Trường Giang và tiến vào vùng Kinh Sơn. Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy cánh quân thứ tư với nhiệm vụ chinh phạt Đại Lý, từ đó đánh xuống Đại Việt, biến nơi này thành bàn đạp để tấn công các vùng Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây) và Quế Châu (Quế Lâm, Quảng Tây), rồi sau đó hội quân với các cánh còn lại ở Ngạc Châu.
Như vậy, với cách giải thích này thì quân Mông Cổ không nhất thiết phải tận diệt nhà Trần hay hủy diệt hoàn toàn nhà nước hiện tại ở Đại Việt. Vì như lịch sử đã chứng minh, việc để chính quyền địa phương tiếp tục tồn tại thì có lợi hơn cho quân Mông Cổ, cho nên mục đích chính của cuộc xâm lược này là “có được sự thần phục của triều đình nhà Trần”. 

Vậy, cuối cùng quân Mông Cổ có đạt được mục đích mà chiến dịch ban đầu đề ra hay không?
Đây tiếp tục là một phần nữa khiến chúng ta phải đau đầu, vì các nguồn sử liệu lại mâu thuẫn nhau. Cả Nguyên sử và An Nam Chí Lược đều chỉ ra rằng nhà Trần đều xin nội phụ sau khi thua trận và quân Mông Cổ vì không chịu được thời tiết cũng như đạt được mục đích đã rút lui, trong khi Toàn thư lại nói rằng là quân Trần đã phản công ở Đông Bộ Đầu và quân Mông Cổ đã bị tập kích bởi Hà Bổng.
Nguyên sử và An Nam Chí Lược chép sai (vô tình hay cố ý thì không thể biết được)? Phải nói thật là rất nhiều người không chấp nhận cách giải thích này. Ta biết rằng chiến dịch này của Ngột Lương Hợp Thai diễn ra từ cuối năm 1257 đến đầu năm 1258 thì khó có chuyện "thời tiết khắc nghiệt" so với quân Mông Cổ. Hơn nữa, hơn 2/3 quân số của Ngột Lương Hợp Thai lại lấy từ Đại Lý, vốn là nơi có khí hậu không quá khác biệt so với Đại Việt, vậy thì rút quân do khí hậu khắc nghiệt nghe chừng quá vô lý. Vậy lý do rút quân do khí hậu khắc nghiệt chỉ là một cách nói chống chế vụng về? Nhưng nếu thế thì tại sao những người biên soạn Nguyên sử (vốn là quan thuộc nhà Minh, triều đại trực tiếp lật đổ nhà Nguyên) lại chép như vậy và có ý bênh vực cho quân Mông Cổ ở việc này? Phải chăng là do vốn là triều đại kế tục nhà Nguyên, và với vị thế là Thiên triều đã không thể chấp nhận được việc mình thua một nước nhỏ nên đã đổi trắng thay đen, viết thua thành thắng? Cách giải thích này còn vô lý hơn, bởi vì tại thời điểm đó, nhà Minh không coi nhà Nguyên là triều đại chính thống, chẳng có lý do gì phải nói tốt cho tử thù của mình cả. Đúng ra, nhà Minh chưa bịa chuyện để dìm nhà Nguyên xuống thì thôi, nữa là nói hộ cho, và rõ ràng là Nguyên sử sau này thẳng thắn thừa nhận thất bại trong hai cuộc chiến 1285 và 1287 - 1288 với tổn thất lớn hơn nhiều, thì cớ gì phải đi bưng bít cuộc chiến năm 1258? Còn về phần ghi chép trong An Nam Chí Lược, ta có thể miễn cưỡng giải thích là do tư tưởng một người phản bội quốc gia như Lê Tắc có thể dẫn đến việc cố tình chép sai sự thật.
Thế nhưng, việc nhà Trần xin làm nội phụ cho Mông Cổ lại được nhắc đến một lần nữa thông qua bức thư do chính Mông Kha gửi:
“Trước ta sai sứ thông hiếu, các ngươi giữ lại không cho về, vì thế mới có việc xuất quân năm ngoái, làm cho chúa nước ngươi phải chạy ra nơi thảo dã. Ta lại sai hai sứ đến chiêu an, các ngươi lại trói đuổi sứ của ta. Nay đặc sai sứ sang dụ rõ ràng: nếu các ngươi thật lòng nội phụ thì quốc chủ phải thân đến, nhược bằng còn không sửa lỗi thì nói rõ cho ta biết”.
Như vậy thì phải chăng Đại Việt sử ký toàn thư chép sai? Toàn thư được biên soạn dưới triều Lê, tận gần 200 năm sau cuộc chiến năm 1258, nên ta không loại trừ trường hợp này là sai sót, song cũng không có cách nào chứng minh được những sự kiện này là không có thật nên ta cũng không thể phủ định nó hoàn toàn được.
Như vậy, với cá nhân bất kỳ dưới cương vị một người nghiên cứu sử, rõ ràng các nguồn sử liệu phía Trung Quốc ghi chép có phần nhất quán, logic và đáng tin hơn. Nhưng như vậy chẳng lẽ chúng ta lại phủ định hoàn toàn Đại Việt sử ký toàn thư?
Hay phải chăng có một cách giải thích khác? Rằng cả hai nguồn sử liệu phía ta và Trung Quốc đều không sai mà chỉ thiếu, và khi kết hợp hai nguồn lại, chúng ta sẽ có được sự thật?

4. Tác nhân bất ngờ: vụ phun trào núi lửa Samalas


Đọc tiêu đề của phần này, hẳn ai cũng sẽ phải thắc mắc: Núi lửa phun thì liên quan gì đến việc Mông Cổ và Đại Việt đánh nhau? Nhưng đáng ngạc nhiên là vụ phun trào núi lửa này lại ảnh hưởng không chỉ đến cuộc chiến năm 1258, mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới thời điểm đó.
Sự bành trướng của Đế quốc Mông Cổ trùng hợp xảy ra cùng lúc với hiện tượng ấm lên toàn cầu tạm thời vào lúc đó (sau đó là “nguội lại” một cách nhanh chóng). Giờ đây, các nhà khoa học đã xác định được đó là báo hiệu của một ngọn núi lửa đang trực chờ bùng nổ, và đó là cuộc phun trào lịch sử của ngọn Samalas ở Đông Nam Á xảy ra vào cuối năm 1257 - gần như cùng lúc chiến dịch tấn công Đại Việt của Ngột Lương Hợp Thai bắt đầu. Vụ phun trào này lớn đến mức nó đồng thời xóa sổ luôn cả ngọn núi lửa Samalas, hiện đã được xác định là nằm ở đảo Lombok, Indonesia. Đây được coi là vụ phun trào núi lửa lớn nhất thế giới kể từ thời kỳ đồ đá. Sự kiện này đã gây ra vô vàn ảnh hưởng tiêu cực tới khí hậu, thời tiết trên toàn thế giới khi nó đã tạo ra một thời kỳ kéo dài khoảng 600 năm được gọi là thời kỳ Tiểu Băng Hà. 

Nói về quy mô của vụ phun trào này, các nghiên cứu ước tính nó lớn gấp hai lần vụ phun trào của núi lửa Tambora vào năm 1815 - một thảm họa gây ra cái chết cho khoảng 71000 người, gây ra một loạt ảnh hưởng tiêu cực tới thời tiết thế giới, đặc biệt là khiến cho cả châu Âu chìm trong lạnh giá do thiếu ánh nắng mặt trời vì bị tro bụi núi lửa che phủ suốt nhiều tháng. Như vậy, chúng ta có thể phần nào thấy rằng tác hại từ vụ phun trào của ngọn Samalas là kinh hoàng đến thế nào. Ảnh hưởng từ vụ phun trào khiến cho khí hậu thay đổi đột ngột, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra khiến mùa màng thất thu, nạn đói xảy ra liên tục trong khi tro bụi từ ngọn núi che phủ mặt trời khiến nhiệt độ bề mặt Trái Đất giảm xuống. Theo ghi chép của Matthew Paris - thầy tu tại tu viện St Albani ở bắc London, một nạn đói kinh hoàng đã xảy ra ở vùng đó, gây ra cái chết cho khoảng 15000 - 20000 người. Một nghiên cứu khác từ việc phân tích nồng độ carbon từ 10500 bộ xương trong một hầm mộ tập thể lớn ở tu viện St Mary Spital chỉ ra rằng những bộ xương này là kết quả do các nạn đói liên tiếp xảy ra trong nhiều năm liền, từ 1257 tới 1260. Những ghi chép về các hiện tượng thời tiết cực đoan, kỳ lạ hay những nạn đói cũng đều có thể được tìm thấy trong các ghi chép thuộc các quốc gia ở châu Á thời điểm đó. Nghiên cứu gần đây cũng chứng minh rằng vào năm 1258 thì tại Đại Việt lúc đó đã có một đợt gió mùa nóng ẩm bậc nhất trong khoảng 1000 năm đổ lại. Một ghi chép cổ bằng tiếng Java được tìm thấy cũng chỉ ra rằng có một vụ nổ lớn đã diễn ra ở sườn phía tây của ngọn Rinjani và vụ nổ đã thổi bay gần như hoàn toàn bản thân ngọn Samalas. 

Như vậy, một vụ phun trào lớn nhất trong khoảng 7000 năm đã xảy ra tại đảo Lombok, Indonesia vào cuối năm 1257, điềm báo của nó đã đến từ vài năm trước, và ảnh hưởng của nó còn kéo dài đến nhiều thế kỷ sau. Ta có thể thấy một sự kiện tương tự xảy ra vào khoảng cuối năm 1256:
Vào cuối năm 1256, Húc Liệt Ngột vây hãm các pháo đài của nhà nước Nizari miền bắc Iran, các chư tướng đều khuyên Húc Liệt Ngột hãy tạm hoãn lại cuộc tấn công, bởi vì mùa đông với tuyết rơi đang tới gần và đường hậu cần vẫn chưa được đảm bảo, thật không khôn ngoan khi tiếp tục tấn công trong tình thế đó, thế nhưng một điều không ai ngờ tới đã xảy ra, mùa đông năm ấy ấm một cách bất thường, quân Mông Cổ ngay lập tức tổng tấn công và chiếm được pháo đài, kẻ vô thần thì bảo rằng đó là sự ngẫu nhiên, còn người mộ đạo thì cho rằng đó là phép lạ của Allah để trừng phạt những kẻ dị giáo, còn các nhà khoa học thế kỷ 21 thì bảo rằng đó là dấu hiệu của một thảm họa tự nhiên – núi lửa phun trào.
Như vậy, thông qua những bằng chứng trên, chúng ta có thể luận ra được những gì đã xảy ra vào giai đoạn sau của cuộc chiến năm 1258. Đó là sau khi liên tiếp thua quân Mông Cổ, vua tôi nhà Trần đã phải rút lui, để lại thành Thăng Long cho Ngột Lương Hợp Thai. Giai đoạn sau đó, quân Mông Cổ truy lùng gắt gao quý tộc nhà Trần nhằm không cho phép họ tập hợp lực lượng (một điều thường thấy trong các cuộc xâm lược của quân Mông Cổ). Tình thế nguy cấp nên vua Trần Thái Tông bắt buộc phải xin làm chư hầu (tức là xin được nội phụ, theo cách nói của Mông Cổ). Như vậy cơ bản là Ngột Lương Hợp Thai đã đạt được một phần mục đích là khiến Đại Việt thần phục, và sau đó ra lệnh rút quân do thời tiết trở nên khắc nghiệt do ảnh hưởng từ vụ phun trào của núi lửa Samalas. Ông quyết định cùng 1 tumen quân Mông Cổ và có lẽ là Đoàn Hưng Trí và một bộ phận quân Đại Lý rút về thành Áp Xích trước và để lại gần 2 tumen quân người Di ở lại đồn trú. Và lúc này, nhà Trần đã có một khoảng thời gian quý báu để tổ chức lại lực lượng nên quyết định phản công. 2 tumen người Di này do không còn chỉ huy tối cao, lại kém thiện chiến hơn nhiều nên bị đánh tan (có lẽ chính là tại Đông Bộ Đầu, như Toàn thư đã chép) và phải rút chạy, rồi tiếp tục bị Hà Bổng phục kích. Nhà Trần tái chiếm Thăng Long, và cho bắt trói hai sứ giả đuổi về, nhưng do phận nước bé nên vẫn chấp nhận làm chư hầu (mặc dù chỉ trên danh nghĩa) sau đó.
Với cách hiểu như vậy, thì có thể nói rằng trong cuộc chiến năm 1258, ban đầu nhà Trần đã liên tiếp thua trận, và ở trong tình thế cực kỳ nguy ngập, nhưng cuối cùng nhờ một tác nhân không ai ngờ đến là ảnh hưởng từ vụ phun trào của núi lửa Samalas mà đã có thể phản kích thành công. Sau đó, vì biết rõ sức mạnh của Mông Cổ, nên nhà Trần đã xin được làm chư hầu, dù chỉ là danh nghĩa, và cũng không hoàn toàn thần phục. Xét theo cách hiểu như vậy, thì cả hai phía Mông Cổ và Đại Việt đều phần nào đạt được mục đích sau cùng của mình. Đại Việt giữ được độc lập và tự chủ, còn Mông Cổ có được sự thần phục trên danh nghĩa của quốc gia này. Nhưng tất nhiên, về phía Mông Cổ thì một mục tiêu lớn khác là dùng Đại Việt làm căn cứ để tổ chức đánh thốc lên Nam Tống đã không thể hoàn thành, nên cũng có thể nói, Mông Cổ đã không hoàn toàn thành công.
Dù sao đi chăng nữa, việc giữ được độc lập quốc gia trong cuộc chiến năm 1258 rõ ràng cũng có thể coi là một chiến công đáng ghi nhận của nhà Trần, và cuộc đấu trí giữa hai bên về mặt chính trị thời gian sau này còn phức tạp và khó khăn hơn, cuối cùng dẫn đến hai cuộc chiến lớn khác. Nhưng đó lại sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Artwork by Juan Pablo Roldan
Nguồn tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư
- An Nam Chí Lược
- Nguyên sử (bản chú dịch từ tiếng Hán của Vũ Quốc Cường)
- Cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Nguyên thế kỷ XIII (tác giả Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm)
- Bài báo "The Lost Volcano", tác giả Garry Hamilton - đăng tải trên tạp chí NewScientist số ngày 19/10/2013
- Bài viết của bạn Phú Võ từ group “Hội những người thích tìm hiểu lịch sử”