Những phần mộ to
"Sao quê mình không nhiều mộ phần to và khang trang đến vậy nhỉ?" Có lẽ bởi văn hóa từng vùng địa phương chăng? Mình đã phần nào tìm ra câu trả lời.
Nghỉ lễ vừa rồi mình có chuyến đi về quê người yêu và trong một chiều chạy thể dục, tôi có ghé nghĩa địa quê em. Ấn tượng với sự khang trang và đầu tư mộ phần, trong đầu mình nảy ra nhiều câu hỏi. Tại sao người dân nơi đây rất quan tâm tới việc thực hành tang lễ nói chung, và xây dựng những phần mộ to nói riêng?
Chẳng là ở quê mình, một nơi ngay ven đô Hà Nội, không xuất hiện nhiều và đồng đều những phần mộ lớn đến như vậy. Qua quan sát, mình thấy rằng người dân nơi đây có đời sống tâm linh dồi dào hơn quê mình rất nhiều. Hoạt động lễ bái, chùa chiền cũng nhộn nhịp và thân thuộc, dân dã hơn. Sở dĩ mình nói thế, là bởi mọi người rất hăng say đi lễ chùa và thực hành tu tập, đọc kinh tại gia. Vậy nên, mình thấy hoạt động lễ chùa, lễ phật, thực hành niềm tin ở đây vô cùng gần gũi.
Điều này càng khiến cho mình thấy lạ thay, bởi ở quê mình, giới trẻ mất dần những thói quen thanh tịnh ấy. Nhưng mà hay ghê, cũng tại nơi mình ở ấy, phong trào đi lễ chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) hàng tháng hay thậm chí hàng tuần lại thu hút khối người từ nhiều độ tuổi. Thật là ứng với cái câu "Bụt chùa nhà không thiêng".
Quay lại câu hỏi đầu bài "Sao quê mình không nhiều mộ phần to và khang trang đến vậy nhỉ?" Có lẽ bởi văn hóa từng vùng địa phương chăng?
Bữa trước, mình cùng tham gia vào lễ thay bình hương ở tuần giỗ thứ 5 của một cụ bà, bà là người chăm sóc người yêu mình khi còn nhỏ, nên em dành nhiều tình cảm cho bà. Cũng như mọi tuần khác, gia đình lại mời thầy về làm lễ tới gần trưa với bao là nghi lễ. Từ việc tắm rửa sạch sẽ, rửa tay bằng rượu, thanh tẩy đồ cúng bằng rượu gừng, trộn gạo rát vàng vào tro hương, cho tới gói ghém tấm bạc, tấm vàng, kim chỉ,... biết bao công đoạn nên thầy phải phát hẳn cho chúng mình 1 tờ giấy hướng dẫn để vừa làm vừa đọc mới có thể nhớ mà làm theo và vẫn mơ hồ về ý nghĩa của những nghi thức ấy.
Dĩ nhiên, mình choáng ngợp vì dù đã từng tiễn những người ông, người bà của mình đi rồi thì vẫn chẳng biết gì về những gì vừa được chứng kiến và góp sức. Về cơ bản, quê mình ít nghi lễ hơn và đơn giản hóa những thực hành, còn nơi đây lại trọng mọi thứ và để thể hiện tình nghĩa vẹn toàn.
Đến đây mình lại nhớ đến lý luận của một vài người theo học sách Kinh Thánh mà bản thân từng biết. Họ cho rằng "chết là hết" và đâu cần nhỡ khăn tang, khóc lóc thảm thương cho người chết? Hãy đối xử với nhau thật tốt lúc sống đi, sao cần phải lúc chết mới yêu thương nhau?
Nghe cũng hợp lý. Nhưng, đâu phải ai cũng có thể yêu thương nhau mãi trong dòng đời vốn xoay quanh quá nhiều điều để quan tâm, lo lắng như bây giờ? Và, thể hiện niềm tiếc thương với người đã khuất đâu phải là để bào chữa cho quá khứ kém yêu thương? Chúng ta làm vậy đơn giản chỉ là để nhắc nhở bản thân về tình yêu mãi còn đó, cho dù người không còn.
Thế nên, khi con cháu xây mộ to thật to cho các cụ, đó chẳng phải "một lời xin lỗi", bởi thực tế là họ luôn yêu thương người đã khuất, không yêu thì đã chẳng mất công xây làm gì; đó chẳng phải khoe khoang, bởi thực tế là người dân nông thôn không khá giả, xây một ngôi mộ khang trang là mất đi bao năm trời gom góp qua các vụ gặt.
Thêm nữa, nông thôn vốn bao nhiêu là đất đồng, đất ruộng thẳng cánh cò bay, nên dân ta khiếm khi nào nghĩ tới cảnh chật chội, thiếu thốn như ở thành phố để nghĩ tới việc tiết kiệm diện tích cho xã hội văn minh. Vậy nên, cũng đừng trách các vùng quê còn phong tục xây dựng những phần mộ to, đừng trách sao mọi người còn chưa phổ biến hỏa táng. Đất nước cứ phát triển, đời sống hiện đại phủ tới mọi ngóc ngách, vùng miền thì ắt một xã hội văn minh trong mơ sẽ hình thành thôi!
2022/09/05
>>> Ghé thăm Blog Con Hình Con Chữ với mình nhé!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất