Ảnh chỉ có tính minh họa :D

Vào một quãng thời gian của những năm tháng tuổi hai mươi, tôi từng sống ở một căn phòng có ba ô cửa sổ. Không có lấy một cái ban công nào, chỉ có những khung cửa kính nằm sau hàng chấn song trắng. Đến bây giờ, thỉnh thoảng, khi kí ức đột ngột ập đến vào thời điểm không ngờ nhất, tôi như hóa thành người chim liệng từ xa, ngắm nhìn một phần tuổi trẻ của mình trôi qua sau những ô cửa giữa thành phố rộng lớn. Người chim chưa hiểu, không gian chật chội và ngột ngạt ấy có gì mà lưu lại đậm nét đến vậy?
Đó là nơi tôi đã trải qua tháng ngày tự lập đầu tiên. Căn phòng trên tầng năm, chưa đầy 40 mét vuông cho ba đứa con gái xa quê, với mức giá thuê không hề dễ chịu. Khu chợ ở ngay đối diện cửa nhà lúc nào cũng đông đúc người qua lại, chỉ cần đi qua thôi cũng nhận ra mùi thịt, mùi rau, mùi đậu đặc trưng trộn vào nhau. Lên đến phòng, ngó từ cửa sổ ra, tôi chỉ còn thấy những mái tôn xanh, đỏ nằm lộn xộn, cùng tiếng xe máy, tiếng người vọng lên từ bên dưới. Một hiện thực phập phồng trong từng chuyển động, luôn phô bày ra trước mọi giác quan.
Nhưng khi tối đến, thế giới sau những mảng kính dịu lại đôi chút. Những tòa nhà cao tầng ở phía xa nhấp nháy ánh đèn giữa sắc xanh đen của trời đêm. Từ phía khu chợ, tôi luôn nhìn thấy tòa nhà cao nhất thành phố luôn ánh lên từng chớp đỏ dọc hai bên hông. Khung cửa sổ hình chữ nhật dài gần trọn một bức tường trở thành một bức ảnh chụp thành phố trong đêm tối. Bên bức ảnh ấy, chúng tôi nấu nướng, trò chuyện, rồi chìm vào không gian của mỗi người, để rồi sáng hôm sau lại thức dậy và bước ra bên ngoài. Cũng có khi trời mưa, và cửa sổ biến thành tấm màn nhòa nước. Khu chợ nằm trũng hơn mặt đường nên bị ngập một lúc lâu. Trở về phòng sau ca làm thêm buổi sáng, tôi phơi áo mưa, dùng máy sấy tóc làm ấm người trong lúc những hạt nước to và nặng vẫn đổ xối xả ngoài trời, theo cửa sổ bắn ướt cả một khoảng sàn nhà.
Hàng ngày tôi đều quan sát bộ mặt của thành phố, và thành phố cũng chứng kiến cuộc sống của tôi. Một cuộc sống độc lập chẳng dễ dàng và nên thơ chút nào. Chuyện học hành, làm việc, quản lý chi tiêu, các mối quan hệ, cho đến việc chung sống cùng những con người có tính cách và quan điểm sống khác nhau trong một diện tích chật hẹp đôi lúc khiến tôi chỉ ước muốn có thể ngay lập tức đến một nơi có biển và sống một mình, để đại dương rộng lớn có thể cuốn phăng hết những mỏi mệt tích tụ bấy lâu.

Rồi tôi cũng rời xa căn phòng ấy. Nơi tôi luôn thấp thỏm lo sợ về một đám cháy bùng lên ở tầng dưới, khi đó tôi sẽ chẳng thể thoát được đi đâu giữa hàng chấn song xây bít kín như một cái lồng. Nơi tôi từng viết một truyện ngắn trong nỗi cô đơn và chênh chao của tuổi trẻ, về một cô gái sau giấc ngủ dài tỉnh dậy bỗng nhận ra mọi thanh âm đã lùi xa căn gác của mình. Vậy mà, khi xa rồi, tôi lại nhớ, nhớ rất sâu về hình ảnh những ô cửa giữa bầu trời đêm, chứ không phải là các chuyến đi đến miền đất mới với bạn bè, hay từng bữa tụ tập ăn uống với thật nhiều món ngon hấp dẫn.
Từ bên khung cửa ấy, đã bao lần trăng hiện ra, khi tròn, khi khuyết, lúc sáng rực hay mờ ảo dưới bóng mây. Vệ tinh bàng bạc của Trái Đất ấy là người bạn thầm lặng của tôi giữa lòng thành phố, là chốn để tôi ngước nhìn lên và tìm kiếm một khoảng lặng ngay cả trong thời điểm chao đảo nhất. Dù trong lòng đang cuộn lên chuyện gì, chỉ cần ngước lên bầu trời cao rộng, tôi đã được an ủi phần nào.
Cũng từ bên những ô cửa, gió luôn ùa vào mát lành, những cơn gió mùa hè sau một ngày dài nóng nực của xứ nhiệt đới. Tôi đã có nhiều bữa tối giữa những khoảng gió ấy, một mình. Trước khi xa nhà, tôi có phần háo hức trước cuộc sống mới mà chẳng hề hay biết về những bữa tối chẳng có ai bên cạnh ở một nơi không có gia đình. Vẫn luôn khao khát không gian riêng tư là vậy, nhưng vào lúc chỉ có náo nhiệt từ bên dưới mặt đất vọng lên như thế, tôi lại mong mỏi những người bạn cùng phòng sớm xong việc, về nhà và ngồi cùng tôi. Có thể chỉ để nghe từ bạn mấy câu chuyện vụn vặt, như “Hôm nay tớ phóng xe đi lạc lên tận cầu Nhật Tân, đèn sáng choang và gió thổi lạnh cóng”, hay chỉ để nghe bạn kể chuyện trường lớp, rồi xem bạn gặm ngon lành hết số xương trong bát canh rau củ. Có khi chỉ để có người nghe tôi buông lời bí hiểm, “Tuần trước trong lúc tớ ra bến xe khách, bác tài xế taxi sốt ruột vì đường tắc, cứ gợi ý chở tớ tới một lối đi tắt để tớ đi bộ qua đường cho nhanh, nhưng tớ từ chối và bảo không vội đến thế. Nếu tớ làm theo lời bác ấy, biết đâu lại giống hệt Aomame trong 1Q84 của Murakami, xuống đường hầm đi bộ và lúc bước lên đã lạc vào một thế giới hoàn toàn khác?” Câu chuyện tôi tưởng tượng thật hoang đường, và có lẽ tôi đã đọc tiểu thuyết nhiều quá. Nhưng biết đâu đấy, thành phố vội vã này lại đang cất giấu những cánh cửa và lối đi bí mật dẫn tới một vùng đất hoàn toàn khác, nơi những cuộc phiêu lưu kì ảo đang chờ đợi con người? Bạn nghe chuyện tôi kể mà không cười tôi để đầu óc bay xa quá, trái lại còn gật gù và thêm thắt vài tình tiết li kì. Dù chúng tôi vẫn luôn có lúc bất đồng, hiểu lầm, cãi cọ, nhưng nếu thiếu đi những người bạn ấy – những người cùng chia sẻ khoảng gió lùa sau ô cửa với tôi, hẳn tôi đã mất đi một chỗ dựa trong hành trình trở thành người lớn.
Có lần tôi đã vào bên trong tòa nhà cao ngất vẫn hiện lên trước mắt mình mọi ngày. Sự thay đổi đột ngột về độ cao và áp suất trong thang máy thậm chí còn gây ra cơn ù tai nhẹ. Từ phía chóp tòa nhà, tôi đứng ngắm thành phố với hàng loạt con đường đan cài vào nhau, tự hỏi ngõ phố cùng khu chợ nơi mình sống nằm ở phía nào, vào giờ này buổi chiều hẳn đã có thật nhiều người tan làm, tan học lướt qua trước cửa nhà. Hẳn là sẽ lại có nhiều âm thanh lắm, khác hẳn với không gian yên tĩnh, mát mẻ và sang trọng nơi tôi đang đứng. Nhưng khu phố chợ ấy cũng là hiện thực của tôi, sau những ô cửa kính là hai người bạn đã bên tôi khi tôi sốt cao mệt lử hay cư xử bồng bột, là chính tôi đã có trải nghiệm cả đắng lẫn ngọt về cách thức cuộc sống này vận hành. Và tôi không nỡ chối bỏ hiện thực, bởi nó đã cho tôi thấy hết sự yếu đuối và không hoàn hảo trong con người mình, cũng như biến đổi tôi thành một phiên bản mạnh mẽ, biết cảm thông hơn và dạy tôi biết ơn những điều đẹp đẽ mình được nhận.

Nếu liệt kê từng ô cửa đã đi qua đường đời, hẳn sẽ được một chân dung khá sống động về một con người. Ô cửa nơi tôi sống thời sinh viên, với tiếng nhạc bolero ủy mị đôi lúc vọng sang từ nhà bên cạnh. Ô cửa nơi tôi lớn lên với cây hoa giấy toả thành tấm màn xanh ngắt ở ban công tầng hai, nắng trưa chỉ còn len lỏi qua kẽ lá. Ngày cây hoa giấy bị chặt đi, tôi chỉ biết đứng sau nhà khóc thầm bởi không cách gì giữ lại được người bạn tuổi thơ trước hiên nhà. Ô cửa tại một thành phố khác, nơi tôi có chuyến đi xa một mình đầu tiên. Chỉ sau mấy giờ bay, tôi đã ở một khoảng không gian khác, nhìn ra sân bóng rổ và toà nhà đối diện có người cũng đang ngồi ở ban công vào buổi tối, tất cả đều lạ lẫm nhưng rồi tôi cũng ổn.
Đôi khi, giữa hình ảnh về các ô cửa mình từng để một phần cuộc đời ở đó, tôi lại nhớ về ô cửa của chú – người tôi gặp khi còn là một cô nhóc học lớp Ba. Chú là em của cô giáo dạy tôi. Vào các ngày đi học trong tuần, sau giờ học sáng trên trường,  tôi và một nhóm bạn trên lớp đều gặp chú từ buổi trưa đến 5 giờ chiều tại nhà cô giáo. Chú ăn, xem phim cùng chúng tôi và nhắc cả nhóm đi ngủ trưa. Khi tôi cùng các bạn học xong và xuống nhà chờ bố mẹ đến đón, ô cửa sổ cạnh giường chú đã mở. Từ bên ô cửa ấy, chú ngồi trông ra trường học đối diện, những bóng áo trắng ào ra khỏi cổng trường. Một mảnh cuộc sống chảy trôi qua cánh cửa màu xanh bên giường chú – một người đàn ông bị liệt. “Rồi các cháu sẽ thấy, lúc ở bên bạn bè như thế này là đáng nhớ và vui nhất”, chú từng nói với chúng tôi khi cả lũ giận nhau và bày đặt chia thành phe phái. Và trò giận hờn trẻ con ấy cũng chẳng kéo dài được lâu, chú lại cười thật hiền bên khung cửa. Những đứa trẻ hay vẫy tay chào chú để ra về giờ đã lớn và đang bước vào thế giới ngoài cánh cổng trường. Còn chú giờ ra sao, có còn ở bên một ô cửa nào đó để giữ lại sợi dây kết nối với cuộc đời ngoài kia?
Người chim đã có thể thôi chao cánh và trở về, để lại những ô cửa sáng đèn phía sau trong kỉ niệm. Tháng ngày tưởng chừng nhàm chán với chuỗi hành động giống nhau lại chính là chất liệu đã tạo nên phần lớn thời gian sống của tôi, chứ không phải các bữa tiệc, hay chuyến đi vui bất tận. Nhưng thứ chất liệu thô mộc ấy lại âm thầm nhào nặn và biến chuyển từng chút một để tạo ra một tôi khác hơn. Tôi biết rằng những ô cửa trong đời sẽ còn tiếp tục xuất hiện, và không phải lúc nào mọi chuyện cũng sẽ thẳng băng và ở vào một trật tự như mình mong đợi. Dẫu vậy, mỗi khi nản lòng, tôi sẽ động viên mình kiên nhẫn chờ cơn bão đi qua. Giống như khi nhớ về ô cửa giữa phố chợ, tôi chỉ còn cảm giác nhẹ bẫng trước ánh trăng rằm, những chuyện xôn xao chỉ còn lại như lớp cát mỏng.
Việt Anh