Mỗi lần chứng kiến khoảnh khắc cận tử của nhân vật trong phim, lắng nghe những điều khiến họ tiếc nuối, đón nhận những thông điệp dạng “hãy sống như thể ngày mai sẽ chết”, mình lại có cảm giác nặng nề, kèm một thắc mắc: ai cũng biết vậy mà sao không ai làm vậy?
Trong bài viết này, mình biên dịch một tiểu luận về giá trị của những tiếc nuối cuối đời, đồng thời bày tỏ quan điểm cá nhân về lời khuyên “Hãy sống như thể ngày mai sẽ chết”, vốn rất phổ biến trong đại chúng.

1. Những người sắp chết thường nuối tiếc điều gì?

Gia đình, bạn bè, và con người đích thực của bản thân, hay ít nhất đó là những gì ta thường mặc định khi nói về những tiếc nuối cuối đời của người khác. Những nghiên cứu có hệ thống về câu hỏi này không nhiều, chỉ tồn tại một vài nghiên cứu phi hệ thống, không có nhiều giá trị về mặt học thuật. Nổi bật nhất phải kể đến cuốn sách “The Top Five Regrets of the Dying” của tác giả Bronnie Ware, được dựa trên những ghi chép của tác giả khi còn là một y tá, vốn thường xuyên phải chăm sóc những bệnh nhân đã “gần đất xa trời”. Theo như Bronnie, những người sắp chết thường có 5 điều nuối tiếc phổ biến:
1. Tôi ước mình dũng cảm để sống như bản thân muốn, chứ không phải chạy theo kỳ vọng của người khác. 2. Tôi ước tôi không làm việc quá sức. 3. Tôi ước tôi có dũng khí để bày tỏ những cảm xúc của bản thân. 4. Tôi ước tôi vẫn duy trì quan hệ với những người bạn. 5. Tôi ước tôi để bản thân mình vui vẻ hơn.
Nhìn chung, mọi người thường khát khao có một cuộc sống ý nghĩa. Họ ước đã “thực sự là mình” hơn trong cuộc sống. Họ ước mình trân trọng nhiều hơn người thân và bạn bè, thay vì chỉ lo lắng về công việc. Nói một cách hình tượng, họ ước mình đã dừng lại để tận hưởng không khí và ánh nắng ban mai, thay vì nhanh chóng phóng xe đi làm.
Theo giáo sư Neil Levy, mặc dù ông đồng tình rằng những yếu tố trên là những điều khiến cuộc sống này có ý nghĩa, ông không bị thuyết phục rằng việc được nói ra bởi những người sắp chết là lý do những hành vi ấy có giá trị. 
Trước tiên, Levy nghi ngờ tính chính xác của bài báo cáo. Ông cho rằng có rất nhiều áp lực văn hóa khiến cho một người sẽ nói ra những điều tiếc nuối ấy (chứ không phải những điều khác), ngay cả khi họ có thực sự cảm thấy chúng hay không. Đồng thời, cuốn sách cũng khiến chúng ta mặc định rằng đó là những lời từ người sắp chết, ngay cả khi họ có thực sự đón nhận kết cục đó hay không. 
Điều thứ hai, quan trọng hơn, Levy nghi ngờ giả định rằng những nuối tiếc trên giường bệnh là đặc quyền về mặt nhận thức. Ông tự hỏi việc sắp chết có thực sự khiến ai đó có được cái nhìn rõ ràng hơn về điều gì thực sự là quan trọng hay không? Có những lý do để tin rằng góc nhìn từ khoảnh khắc cận tử có thể tồi tệ hơn, chứ không phải ý nghĩa hơn, so với góc nhìn từ giai đoạn giữa cuộc đời. Sự thiếu hụt liên kết với những điều đang diễn ra có thể khiến những người sắp chết sở hữu một ý thức nghèo nàn về giá trị của cuộc sống.
Levy không phải người duy nhất nghi ngờ liệu những tiếc nuối có phải là một đặc quyền về mặt nhận thức cho những người sắp chết hay không. Nhà triết học Eric Schwitzgebel cũng đưa ra 2 lý do khiến chúng ta cân nhắc về giá trị của những tiếc nuối này. Trước tiên, những người sắp chết đang chịu ảnh hưởng của nhận thức muộn (hindsight bias), dưới dạng xu hướng cho rằng những quan điểm và nhận thức của hiện tại (tức là khi họ sắp chết), cũng chính là quan điểm mà lẽ ra họ nên áp dụng trong quá khứ.
Giải thích cho điều này, trí óc con người có chung một hạn chế là thiếu khả năng khôi phục hoàn toàn trạng thái cũ của nhận thức, hay đơn giản là niềm tin bị thay đổi. Một khi họ đã chấp nhận một nhận thức mới về thế giới (hoặc một phần của thế giới), họ sẽ lập tức mất đi khả năng trở lại trạng thái cũ của nhận thức như trước khi họ thay đổi suy nghĩ. Trong trường hợp này, nhận thức về cái chết của bản thân đã tạo ra hiệu ứng “tôi-đã-bảo-rồi-mà” quen thuộc, những người sắp chết có thể điều chỉnh lại niềm tin trong quá khứ, dựa trên những gì đang xảy ra, từ đó sản sinh ra những ảo tưởng về mặt nhận thức, cụ thể những tiếc nuối. Có nghĩa rằng dành thêm thời gian cho gia đình, bạn bè là những việc mà người sắp chết muốn làm tại thời điểm hiện tại (khi biết anh ta sắp chết), nên anh ta cho rằng đáng lẽ mình cũng sẽ làm điều này trong quá khứ.
Lấy ví dụ về lời khuyên hãy theo đuổi hạnh phúc thay vì tiền bạc. Lời khuyên này có thể thuyết phục hơn đối với một người đang thoải mái về vấn đề tài chính, so với chính họ trong quá khứ, khi còn chật vật để xoay sở cuộc sống. Họ có thể đã lãng mạn hóa quá khứ, khi bộ não thay thế những chuỗi ngày chật vật chi trả hóa đơn bằng những khoảnh khắc tích cực, vui vẻ. Sự ghi nhớ và tái hiện một cách có chọn lọc có thể dễ dàng khiến ai đó hạ thấp vai trò của tiền bạc đối với một cuộc sống tốt.
Lý do thứ hai mà Schwitzgebel đưa ra đến từ sự thật rằng những người đưa ra lời khuyên không thực sự phải chịu trách nhiệm cho những gì họ-đáng-nhẽ-nên-làm. Họ sẽ không bị chỉ trích là đạo đức giả, hay “chỉ nói mà không làm”, vì họ chẳng còn khả năng để thực hiện chúng nữa. Nhưng cũng chính vì không thực sự phải thực hiện, họ có thể hoàn toàn tự do tưởng tượng những viễn cảnh theo kiểu “nếu như”. Chính vì lẽ đó, Schwitzgebel nhận định rằng chúng ta nên lắng nghe lời khuyên từ những người trong độ tuổi 40, họ đã trải nghiệm đủ nhiều để có cái nhìn tổng quát về cuộc đời, nhưng đồng thời vẫn đang phải tiếp tục sống.
Chúng ta có thể củng cố sự hoài nghi của Schwitzgebel với vấn đề thứ 3. Sự tiếc nuối của những người sắp chết là những nỗi niềm, hay những mảnh ghép của nhận thức cộng đồng, và chính sự thật này là cơ sở để chúng ta đặt câu hỏi về tính chân thực và tính đại diện của những nuối tiếc. Nói cách khác, làm sao ta biết được họ thực sự cảm thấy tiếc nuối, chứ không phải là do những yếu tố văn hóa, xã hội tác động?
Hãy xem xét cuốn sách của Bronnie Ware một lần nữa. Nội dung sách chỉ đến từ những giai thoại được tác giả kể lại, chứ không phải những dữ liệu thu thập một cách có hệ thống. Đồng thời, người đọc cũng không biết số lượng bệnh nhân mà tác giả đã gặp trong “vài năm” cụ thể là bao nhiêu. Đối tượng của nghiên cứu liệu đã đủ tin cậy chưa, nếu như tác giả chỉ làm việc cho một doanh nghiệp chăm sóc y tế tại gia, cho những bệnh nhân có đủ khả năng chi trả cho dịch vụ này? Chúng ta cũng không biết những gì tác giả nghe đã được báo cáo một cách hệ thống như thế nào. Có khả năng có những điều gây ấn tượng mạnh mẽ hơn, và tác giả có xu hướng ghi nhớ chúng nhiều hơn. Ngoài ra, có cơ sở để hoài nghi rằng những nỗi nuối tiếc tác giả được nghe, vốn dĩ đã được định hình bởi những kỳ vọng và áp lực văn hóa theo những cách khác nhau.
Có thể Bronnie Ware đã chỉ ghi nhớ và báo cáo lại những gì phù hợp với những kỳ vọng của bản thân, của văn hóa mà cố tình phớt lờ đi những thứ không phù hợp. Hoặc cũng có thể những ghi chép của tác giả là hoàn toàn chính xác và toàn diện, nhưng những nuối tiếc được chia sẻ chỉ bởi vì đó là những gì người ta nên nói vào hoàn cảnh đó. Một người sắp chết có lẽ biết rằng nếu họ chia sẻ rằng tiếc nuối vì đã không kiếm nhiều tiền hơn, hay chăm chỉ làm việc hơn, họ sẽ bị coi là kẻ nông cạn.
Những gì chúng ta biết, là 5 nỗi nuối tiếc nổi bật nhất trong cuốn sách lại quen thuộc với đại chúng một cách đáng nghi ngờ. Những giá trị mà những người sắp chết coi trọng hóa ra lại chính là những gì văn hóa, thông qua những phương tiện truyền thông, bảo chúng ta phải coi trọng. Câu nói nổi tiếng “Không một ai sắp chết ước rằng họ muốn dành nhiều thời gian hơn ở văn phòng”, hay những trích dẫn tương tự xuất hiện trên khắp internet, cho thấy tư tưởng này có ảnh hưởng sâu sắc đến số đông như thế nào.
Bản thân những mối quan hệ thân thiết và cảm xúc họ đem lại chắc chắn là lý do khiến cho chúng ta trân trọng. Nhưng sự phổ biến đến tầm thường của những lời khuyên cũng cho chúng ta lý do để nghi ngờ. Những lời khuyên có mặt ở khắp nơi, cho thấy một kịch bản văn hóa được dàn dựng sẵn, bao gồm một danh sách những kỳ vọng định hình những điều chúng ta nói và những điều chúng ta nghe. 
Nếu văn hóa chịu trách nhiệm cho những điều mà những người sắp chết đã chia sẻ, rất có thể những nỗi niềm tiếc nuối này được lặp đi lặp lại không phải bởi vì chúng đến từ những người sắp chết, mà bởi vì nó là những gì ta cho rằng người sắp chết cần phải nói. Nếu điều này là đúng, ý tưởng rằng chúng ta nên coi trọng những điều được nói ra bởi những người sắp chết có thể hiểu theo cách ngược lại: Vì chúng ta coi trọng những người sắp chết, nên mới gán cho họ những điều phía trên.
Nếu như những nghiên cứu trong tương lai kết luận rằng những người sắp chết thực sự bày bỏ những tiếc nuối ấy, và chúng ta phát hiện ra (bằng một cách nào đó) rằng đó chính xác là những điều họ cảm thấy trân trọng vào thời điểm ấy, liệu chúng ta có nên coi trọng những nuối tiếc này hơn không? 

2. Ý tưởng triết học

Ý tưởng rằng việc sắp chết đem lại đặc quyền về mặt nhận thức là một quan điểm có phả hệ triết học riêng biệt. Trong triết học hiện sinh, “cái chết là trái tim của cuộc sống”. Cụ thể, những nhà hiện sinh thường gắn liền với ý tưởng rằng luôn tâm niệm về cái chết không thể tránh khỏi có thể giúp chúng ta đạt được “tính đích thực” (authenticity). Một cuộc sống đích thực là khi người ta luôn nhận thức về cái chết sắp đến và tự hứa sẽ dũng cảm để đón nhận. Trong cuốn “Tồn tại và thời gian” (1927), Martin Heidegger lập luận rằng cái chết là nền tảng của tính cá nhân. Bởi vì khi chết, ta không còn liên kết xã hội nào với người khác, nên cái chết cá nhân hóa chúng ta. Theo Heidegger, nhận thức về cái chết cho phép mỗi cá nhân nắm lấy bản thể đích thực (authentic being) của mình. 
Tính đích thực (authenticity) có thể hiểu là việc mỗi người được sống cuộc đời đích thực của chính mình, làm những điều họ thực sự muốn, và tìm kiếm được bản ngã (authentic self) của chính mình . Đó là một lý tưởng mà nhiều người trong số chúng ta coi trọng. “Sống là chính mình (be yourself)” trở thành một diễn ngôn vô cùng phổ biến của thời đại mới, xuất hiện nhan nhản trong các cuốn self-help, hay các tiêu đề ảnh selfie trên mạng xã hội. 
Nếu Heidegger đúng, rằng chiêm nghiệm về cái chết có thể thực sư giúp con người ta tìm thấy bản ngã, vậy hẳn đó là cách để một người có thể sống cuộc đời là chính họ, tập trung vào những điều thực sự quan trọng, và sống một cuộc đời đích thực.
Mặt khác, khi chúng ta ngập ngụa trong những vấn đề của đời sống thường nhật, mỗi người thậm chí còn không thể nhìn thoáng qua về bản ngã, hay những điều thực sự quan trọng với cuộc đời. Có lẽ nếu kiểm soát được những sự “ồn ào” của cuộc sống, những tiếng nói bên trong thâm tâm có thể sẽ rõ ràng hơn. Và có thể nếu chúng ta không ngừng chiêm nghiệm về cái chết, chúng ta cũng có khả năng lắng nghe tiếng nói ấy tốt hơn. Những người sắp chết không còn bị phân tán sự tập trung bởi những điều vụn vặt, có lẽ vì thế mà họ có thể thực sự lắng nghe tiếng lòng của chính mình.
Góc nhìn từ những người sắp chết có thể đã gạt đi hết những vấn đề của cuộc sống thường ngày. Và chính bởi lẽ đó, góc nhìn này có thể trở nên nông cạn, thay vì sâu sa như ta vẫn mặc nhiên thừa nhận. 

3. Những lời khuyên cho người ở lại

Viễn cảnh nằm đau đớn trên giường bệnh, ngập ngụa tiếc nuối thật tồi tệ, nhưng những lời khuyên dạng "sống như thể ngày mai sẽ chết" lại có quá nhiều vấn đề. Vì nhỡ ngày mai vẫn chưa chết thì sao?
Thì toang!
Giả sử tồn tại một nút ấn kích hoạt tư tưởng của toàn nhân loại, khiến tất cả đều sống như thể ngày mai sẽ chết, mình đồ rằng nó cũng tựa như kích hoạt nút hủy diệt thế giới. Không còn một ai quan tâm về tương lai. Học sinh bỏ học, người lao động bỏ việc, các ông chủ cũng chẳng hơi đâu mà vò đầu bứt tai nghĩ ra các chính sách. Người ta sẽ bỏ mọi thứ để trở về với gia đình, lao đến những vùng đất mơ ước, ăn chơi, nhậu nhẹt, hút cần, làm tình, hay làm những thứ khùng điên có trời mới biết. Nghiêm trọng hơn, khi không còn phải lo lắng về tương lai, bao gồm những phần thưởng hay sự trừng phạt, người ta có thể từ bỏ cả những nguyên tắc của luật pháp và đạo đức. Thứ duy nhất họ quan tâm là làm sao để thỏa mãn được hiện tại, và nó có thể dẫn đến bạo lực, hay những tội ác khó hình dung. Nghe tựa như một viễn cảnh của ngày tận thế.
Tất nhiên đó chỉ là viễn cảnh cực đoan và phi lý đến mức không bao giờ trở thành hiện thực. Nhưng nó cho thấy một lời khuyên phổ quát có thể độc hại đến mức nào, nếu thực sự tất cả cùng làm theo.
Nhưng vì sao?
Một trong lý do lớn nhất để ai đó tiếp tục sống, học tập và lao động, được dựa trên một niềm tin rất cơ bản: họ sẽ tiếp tục sống trong tương lai. Chính bởi đã đặt niềm tin vào những kết quả trong tương lai, họ mới hình thành các cam kết và trách nhiệm ở hiện tại. Một sinh viên cắm đầu vào nghiên cứu, thực hiện các dự án, vì cậu ta biết những kỳ thi và các cuộc phỏng vấn sẽ tới, và dĩ nhiên cậu ta phải sống tới khi đó. Tương tự với yêu đương, trồng cây, đọc sách, tập thể dục, tất cả đều đòi hỏi sự cam kết trong một khoảng thời gian đủ dài. Mọi kế hoạch và dự án sẽ chỉ có ý nghĩa khi người ta tin rằng mình sẽ sống cho đến lúc đó. Vì nếu không, chúng sẽ không thể tồn tại ngay từ đầu.
Nhiều người thậm chí chấp nhận hi sinh hiện tại, sống trong khó khăn và đau khổ, với niềm tin những điều đó là tạm thời, và tương lai sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Một nhân viên văn phòng chấp nhận sống trong căn phòng trọ chật hẹp, ăn uống tằn tiện khắc khổ, với hy vọng ngày nào đó sẽ có những bữa tối thịnh soạn cùng gia đình trong một căn chung cư. Người ta sẵn sàng tự đưa mình vào những kỷ luật hà khắc, chấp nhận từ chối hưởng thụ trong hiện tại, cốt chỉ mong bản thân sẽ hạnh phúc hơn trong tương lai. Tất cả những sự hi sinh này sẽ trở nên vô nghĩa và đau khổ hơn rất nhiều, nếu họ biết rằng mình sẽ chẳng sống đến lúc đó.
Nếu chỉ còn 24 giờ để sống, người ta còn chẳng buồn xem Squid Game, chứ đừng nói mở Chiến tranh và hòa bình ra đọc. Bởi vì tương lai không còn giá trị, nên những nỗ lực bền bỉ ở hiện tại nhìn chung chẳng còn gì ý nghĩa. Bấy giờ, tất cả những gì người ta muốn, là bằng mọi giá thỏa mãn tối đa hạnh phúc của hiện tại. Và điều này thì tệ thật.
Cuối cùng thì?
Bắt xe về nhà, ăn cơm mẹ nấu thì dễ dàng và vui vẻ hơn vạn lần việc ngồi trong phòng một mình và chạy deadline. Đó là những việc cần phải làm ngay, nếu từ góc nhìn của một người sắp chết. Nhưng mọi thứ sẽ cần phải khác đi, hay phức tạp hơn rất nhiều đối với một-người-chưa-sắp-chết. Người ta không thể nào chỉ sống cho hôm nay, nếu vẫn phải tiếp tục sống vào ngày mai và những ngày mai nữa. Những trách nhiệm vẫn cần được gánh vác, những kế hoạch vẫn cần được triển khai, và tất cả những điều này chỉ được thực hiện, khi người ta tin rằng mình sẽ tiếp tục sống.
Vậy chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng tiền bạc, địa vị, quyền lực chẳng quan trọng, nhưng là đối với ai đó sắp chết. Nhưng với những người phải tiếp tục sống, thì chẳng thể biết được.
Sống như thể ngày mai sẽ chết thì dễ quá. Nhỡ ngày mai không chết, rồi phải sống tiếp thế nào mới khó.
Link Tiểu Luận Gốc:
Đọc thêm: