Từ rất lâu rồi, không ai rõ là thời gian nào, trong dân gian người Việt ở vùng Nam Trung Bộ đã xuất hiện câu thành ngữ “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co…”, chỉ một câu nói ngắn gọn ấy thôi đã miêu tả rõ nét phần nào tính cách của những người con xứ Quảng. Ở đây chúng tôi chỉ xét riêng về vùng đất Quảng Nam và về những con người “hay cãi” qua bài viết : “Quảng Nam hay cãi” tính cách của người xứ Quảng nhìn từ quá trình Lịch sử
Xem thêm loạt bài về VƯƠNG QUỐC CHĂM-PA để hiểu thêm về quá trình Giao thoa văn hóa Việt – Chăm làm hình thành con người xứ Quảng
Với câu thành ngữ “Quảng Nam hay cãi”, dường như tính cách của người Quảng Nam đã được mặc định trong suy nghĩ của nhiều người khi nói về họ – những con người nóng tính và cương trực. Mà không chỉ là suy nghĩ của các vùng ngoài, chính người Quảng Nam cũng đã công nhận đặc điểm thú vị này trong tính cách của họ.
Xin dẫn ra đây một câu chuyện vui để minh họa cho câu thành ngữ trên :
Một hôm nọ, cụ Ông Ích Khiêm – một người con đất Quảng làm quan triều Nguyễn mời các quan lớn trong huyện đến nhà mình dùng tiệc. Sau khi các quan lớn ăn no nê rồi mà cụ vẫn chưa cho người dọn nước lên uống, các quan cứ ngồi chờ mãi mà chỉ thấy bọ gia nô chạy lên chạy xuống mà gia chủ lại không đá động gì đến chuyện nước non. Các quan vì thế mới nhắc nhỏ cụ Khiêm. Như chỉ chờ cơ hội ấy, cụ giả vờ gọi bọn gia nô đem nước lên mời mấy lần không được bèn chửi lớn : “ Mả cha bọn bây, cứ vục mặt vô ăn mà không lo chi đến nước”. Câu chửi khóe thâm sâu ấy đã làm cho bọn quan lại hổ thẹn mà cáo lui.
“Quảng Nam hay cãi” tính cách của người xứ Quảng từ quá trình Lịch sử

“Quảng Nam hay cãi” tính cách của người xứ Quảng từ quá trình Lịch sử
Kể câu chuyện trên đây để phần nào cho thấy tính cách của người Quảng Nam là rất thẳng thắng. Người Quảng nhìn chung là nóng tính, cương trực, không thích sự a dua nịnh nọt nên có sao nói vậy, thậm chí là nói gay gắt, theo dân gian thì gọi là chửi thẳng, nói “thẳng ruột ngựa”, chính vì thế mà sinh ra cái tính hay cãi, hay tranh luận, hay đấu tranh của họ. Mà từ lâu, cái tính cách ấy cũng trở thành đặc trưng tiêu biểu cho con người nơi đây làm hình thành nên bản sắc văn hóa của đất Quảng – một bản sắc văn hóa luôn đấu tranh để phát triển.
Lý giải về nguồn gốc của cái tính cách người Quảng Nam thì từ trước đến nay đã có nhiều những luồng ý kiến khác nhau, mỗi người một ý nghĩ và cách suy luận khác nhau nên dẫn đến sự tranh luận cũng nhiều.Nhưng vì đây là một vấn đề mở nên thật khó để khẳng định ý kiến nào là đúng, ý kiến nào là sai.Sự tranh luận cũng chỉ để tìm ra một cách lý giải hợp lý nhất mà thôi.
Luồng ý kiến thứ nhất dựa vào yếu tố điều kiện tự nhiên và thời tiết khí hậu thì cho rằng Quảng Nam là một vùng đất có môi trường sống rất khắc nghiệt, có mùa thì nóng bức đến cháy da cháy thịt, có mùa thì mưa gió lớn,bão lụt diễn ra xuyên suốt, đất đai thì khô cằn mà tài nguyên lại không nhiều. Chính vì thế con người ở đây phải thật mạnh mẽ mới tồn tại được, họ luôn phải đấu tranh dữ dội với thiên nhiên để mưu sinh, sự nóng bức và khắc nghiệt làm người ta hay bực bội sinh ra nóng tính, hay lớn tiếng, đụng chuyện gì là chửi rủa, cãi vã ngay chuyện đó, lâu ngày thành thói quen, vì thế mà có tính cách mạnh mẽ, dữ dội.
Luồng ý kiến thứ hai thì dựa vào lịch sử để lại đã giải thích rằng đây là nơi các tội phạm của triều đình bị lưu đày, là nơi tập hợp những thành phần bất hão luôn chống đối. Chính cái tính cách quyết liệt của họ đã truyền lại cho con cháu mà làm hình thành cái tính mạnh mẽ của người Quảng ngày nay.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Cùng ra đi theo Nguyễn Hoàng vào Nam là những người quyết rời một xã hội đối với họ không còn có thể sống được nữa… Họ đi tìm một lối thoát, một lối mở cho một xã hội đã phân rã. Đó chính là thành phần quan trọng nhất trong những tiên dân xứ Quảng. Đấy là những con người đã quyết “cãi lại” một xã hội cũ, một cách sống cũ, đi tìm một xã hội mới, một cuộc sống mới, một cách làm người Việt kiểu khác, mới. “Quảng Nam hay cãi” chính là sinh ra từ đây chăng? Quảng Nam đã “cãi lại” từ đầu!” [1]
Xem thêm : Giọng nói đặc biệt của người Quảng Nam từ góc nhìn Lịch sử
Luồng ý kiến thứ ba thì cho rằng Quảng Nam vốn là đất của người Chăm, là những con người theo nhận định của sử cũ là hung hãn và hiếu chiến. Họ đã nhiều lần gây chiến tranh xâm lược sang các quốc gia khác hay quấy phá vùng biên giới Đại Việt. Bên cạnh đó, người Chăm có tính cách hướng biển nên có tính “ăn sóng nói gió”. Trong quá trình sống cộng cư và tiếp biến văn hóa thì người Việt đã tiếp thu tính cách này của họ.
Các luồng ý kiến vừa nêu trên đúng sai thế nào thì đến nay vẫn còn tranh luận nhiều lắm, nhưng đa số các nguồn ý kiến trên đều quên mất một yếu tố quan trọng, rằng người Việt và người Chăm đã sống chung với nhau trong sự khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục…trải dài đến hàng trăm năm. Điều gì đã xảy ra trong sự chung sống hàng trăm năm ấy giữa hai dân tộc?
Thời gian gần đây có một cách giải thích mới về cái tính hay cãi của người Quảng Nam rất lý thú, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với cách giải thích của nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú khi ông viết “Từ góc nhìn phân kỳ lịch sử chúng ta hiểu cần phải nhìn vấn đề ngay trong cái thời gian 500 năm ấy. Đã thực sựđã có ngót 500 năm hai tộc người Chăm – Việt sống cạnh nhau, tôn trọng, hòa hiếu hay không tùy theo từng thời nhưng chắc chắn rằng trong suốt 500 năm đó, bất cứ tộc người nào buông lỏng sự giữ gìn bản sắc của mình đều sẽ bị tiêu vong…Điều đó có nghĩa là họ, người Chàm, đãý thức về bản sắc văn hóa của mình và họ quyết bảo lưu, giữ gìn nó. Hãy thử hình dung họ bảo lưu bằng cách gì nếu đó không phải là thái độ phê phán gay gắt những gì khác mình?…Có nhiều bằng chứng về sự xung đột hai nền văn hóa này. “Chiếu bình Chiêm” có những câu “bọn búi tóc dúi, “nó cấm dân ta mổ thịt”…Tại sao lại cấm mổ thịt? Vì người Chăm thờ bò trong khi người Việt thì mổ bò khi cả làng ăn hội (ồn như mổ bò). Trong khi người Việt bảo người phụ nữ phải tam tòng tứđức phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng thì người phụ nữ Chăm nắm hết quyền hành gia đình, cởi áo phơi ngực ra mà nhảy múa ngày lễ hội.Khi người Việt bảo Trời, Phật mới là tối thượng thì người Chăm bảo không, Siva, Visnu mới làđấng tối cao…Cứ vậy họđã cãi nhau suốt cái thời gian đằng đẵng ấy. Người lớn cãi là dĩ nhiên mà trong những phạm trù này trẻ con cũng thích cãi : “Tau đi đường ni có bông có hoa. Mi đi đường nớ có ma đứng đường. Tau đi đường ni có bụi tùm lùm. Mi đi đường nớ có hùm chụp mi” (đồng dao Quảng Nam)”[2]
“Người Việt đến cùng quần cư trong những làng Việt mới mở. Có thể làng này cách làng kia chỉ một con đường làng nhỏ… Có thể họ lườm nhau, nguýt nhau, cãi nhau suốt 300 năm như thế. Biết làm sao được, đó là cuộc va chạm giữa hai nền văn minh khổng lồ của nhân loại làẤn Độ và Trung Hoa. Và phải chăng cú va chạm nảy lửa ấy vẫn còn để lại dấu vết đâu đó trong tâm hồn người Quảng? Họ như luôn phải khẳng định một điều gìđó, trung thành với một niềm tin nào đó.Không thế họ không sống được, họ như cảm thấy thất bại và không tồn tại. Phải chăng họ hay “cãi” cũng vì thế? Biết làm thế nào được, họ có cả lịch sử 300 năm để“tranh cãi”.[3]
Theo nhận định của chúng tôi, cách giải thích của Hồ Trung Tú có vẻ hợp lý hơn khi giải thích về tính cách hay cãi của người Quảng Nam. Ở một vùng đất có hai dân tộc lớn với hai nền văn hóa đã phát triển rực rỡ cùng sinh sống để tạo ra những thế hệ người mới với thứ bản sắc văn hóa cũng rất mới và rất riêng ấy thì việc làm hình thành một tính cách của cả cộng đồng không thể chỉ xuất phát từ một phía được. Quảng Nam hay cãi phải là một tính cách đặc biệt mang yếu tố rất riêng được hình thành qua nhiều thế hệ nối tiếp và bền vững, dọc theo một chiều dài lịch sử hàng trăm năm và tất nhiên phải có sự tương tác qua lại giữa hai dân tộc Việt – Chăm như cái cách đã hình thành nên giọng nói của họ vậy.
Đúng như cái cách mà Hồ Trung Tú đã giải thích về cái tính hay cãi của người xứ Quảng rằng điều đó xuất phát từ sự cãi nhau của hai dân tộc Việt – Chăm kéo dài hàng trăm năm. Nhưng cái sự cãi nhau dữ dội đến mức đã hình thành tính cách của một cộng đồng người ấy không chỉ diễn ra khi hai dân tộc tiếp xúc và sinh sống, sản xuất cùng nhau. Hồ Trung Tú cũng quên mất rằng trước khi ổn định cuộc sống ở đây thì Quảng Nam như chúng ta được biết là một vùng đất bản lề của cả hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành, vùng đất đó luôn diễn ra sự tranh chấp hết sức quyết liệt của hai thế lực chiếm cứ lúc Việt lúc Chăm.
Khi nước Việt hưng thịnh và giành những thắng lợi quan trọng thì cư dân người Việt đã theo gót chân của đội quân chiến thắng mà vào chiếm lĩnh nơi đây, đến khi Chiêm Thành mạnh lên thì người Chăm lại về lấy đất cũ, có lúc nơi đây đã trở thành đất vô chủ vì trên danh nghĩa nó là đất của Đại Việt nhưng chẳng có một chính quyền nào của người ngoài Bắc đến quản lý nơi đây do xa xôi cách trở về địa lý, cứ như thế quá trình này diễn ra trong một thời gian dài ắt hẳn sẽ gây nên một cuộc tranh cãi ngấm ngầm hay công khai trong bộ phận dân cư lao động ở đây, cả người Việt lẫn người Chăm.
Họ là những người không màng đến chính trị nên sự tranh chấp lãnh thổ ở đây sẽ không diễn ra trên danh nghĩa là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ như cái cách mà những vị vua của họ đã làm trong hang mấy trăm năm, mà vấn đề nằm ở dạng tranh chấp đất đai canh tác và sinh sống là chính. Thử hình dung nếu như một gia đình người Chăm nào đó vốn quen canh tác trên một thửa ruộng nơi A nào đó, sau một thời gian vì loạn lạc phải di chuyển đi nơi khác, vài chục năm sau họ về lại nơi vốn thuộc về mình nhưng trớ trêu là cái khoảng đất ấy bây giờ đã thuộc về một dòng họ người Việt xa lạ nào đó mà họ không hề quen biết, việc gì sẽ xảy ra trong tình huống này? nếu không nói tới sự can thiệp của chính quyền theo kiểu dùng quyền lực để cướp đất và phân lại theo hướng có lợi cho con dân của mình thì ắt hẳn sẽ có một sự tranh chấp gay gắt diễn ra, cãi vã đã là còn nhẹ, thậm chí tức giận đến mức đánh nhau toát đầu đổ máu vẫn có thể xem là chuyện thường ngày.
Các vấn đề liên quan đến khiếu nại và tranh chấp đất đai ở thời pháp luật công minh như hiện nay còn xảy ra những vấn đề như vậy thì nói gì đến cái thời loạn lạc lộn xộn ấy. Vậy thì cái tính hay cãi của người Việt trước tiên có lẽ xuất phát từ những tranh chấp đất đai trong khoảng thời gian chinh chiến. Sau đó càng trở nên dữ dội hơn với những khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục như ý kiến của Hồ Trung Tú.
Sự khác nhau về chủng tộc thì nhìn nhau đã thấy ghét (chắc hẳn lúc này người Việt có sự kỳ thị rất lớn về người Chiêm, xem Chiếu Bình Chiêm sẽ rõ), đằng này lại còn tranh chấp với nhau đủ mọi chuyện mà vấn đề nóng nhất chắc cũng chỉ xoay quanh ruộng đất thì bảo làm sao mà hai dân tộc không tranh cãi, không đấu đá quyết liệt với nhau cho bằng được.
Sự mâu thuẫn ấy kéo dài qua hàng trăm năm, hàng chục thế hệ cho đến khi người Chiêm không còn ở đất Quảng Nam nữa (theo Hồ Trung Tú trong “Có 500 năm như thế” là năm 1802) hoặc là đã bị đồng hóa hoàn toàn với người Việt đã làm hình thành cái tính cách đặc trưng của người Quảng Nam lưu truyền cho đến ngày nay là nóng nảy, bướng bĩnh nhưng cương trực và thẳng thắng. Cái tính cách ấy đã ăn sâu vào máu, vào lối sống và tư duy của người Quảng rồi nên dù những thế hệ sau, khi người Chăm không còn ở vùng này nữa thì người Quảng Nam vẫn cãi, họ cãi với nhau trong mọi vấn đề cuộc sống, cãi với người tỉnh khác và cả cãi với quan lại chính quyền địa phương.
Cần phải nói thêm là người Chăm và người Việt ở giai đoạn trước đó chắc hẳn không chỉ cãi với nhau, mà họ còn cãi với cả quan lại cai trị, cãi với cả bộ máy chính quyền nữa. Lại thử hình dung, khi người Việt dựng nên bộ máy cai trị ở Đạo thừa tuyên Quảng Nam, đem cái triết lý Nho gia và cái đạo trị nước theo kiểu vua là thiên tử, là con trời của thuyết Khổng-Mạnh áp dụng lên đời sống của những người Chăm hung hãn và hiếu chiến vốn chỉ biết tới Siva, Visnu cùng chế độ nữ quyền thì sẽ như thế nào?
Họ sẽ cãi lại, không thể chống đối ra mặt thì ít nhất cũng ngấm ngầm bất tuân, mà thấy người Chăm như vậy thì người Việt liệu có chịu thiệt mà vâng phục, chí ít họ cũng sẽ lại cãi, như cái cách mà rất nhiều thế hệ người Việt chống đối chính quyền ở ngoài Bắc mà làm nổi lên những cuộc khởi nghĩa rầm rộ. Còn nữa, khi người Chiêm Thành hưng khởi mà lấy lại đất cũ như dưới thời Chế Bồng Nga, cai quản vùng đất Quảng Nam này, thì người Việt với tính tự tôn dân tộc của mình, dù đang ở thế thiệt hơn nhưng liệu có nhất nhất mà nghe theo sự quản lý của người Chăm vốn mới ngày nào còn chịu sự quản lý của dân tộc họ? Và họ lại cãi.
Thế nên chẳng trách Quảng Nam từ cuối thế kỷ XIX đến vài thập kỷ đầu thế ký XX là nơi sản sinh ra rất nhiều vị Trạng sư nổi tiếng của dân tộc như Phạm Phú Thứ, Lê Vĩnh Khanh, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi… Người Quảng cãi theo đủ kiểu. Cãi bằng lời không được thì họ cãi bằng hành động. Hành động của Nguyễn Duy Hiệu, Ông Ích Đường… cũng là biểu hiện cao độ của cái sự cãi. Các nhà yêu nước như Lê Cơ, Mai Dị, Phan Thành Tài, Đỗ Tự… cãi bằng lời, bằng hành động bất bạo động trong Phong trào Duy Tân không xong, họ lại quay sang cãi bằng bạo động trong cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916 đấy thôi.
Trên đây là những ý kiến được nêu ra để giải thích cho cái thành ngữ “Quảng Nam hay cãi…” đồng thời làm rõ cái tính cách của người Quảng Nam. Người Quảng rất nóng tính và luôn thẳng thắng trước những điều bất bình.Theo suy nghĩ của chúng tôi, cái tính cách hay cãi của người Quảng Nam chưa hẳn đã là cái gì đó xấu xa, cãi cũng mang tính tích cực của nó. Có thể trong nhiều trường hợp một khi tranh luận là điều gì đó là người Quảng lại nổi nóng, lại cãi, lại chửi cho đã cơn tức, đó là điều tiêu cực không đáng có nhưng mặt khác, sự cãi lại có tác dụng làm rõ vấn đề, nếu như trong khoa học, tranh luận sẽ làm lộ diện chân lý thì trong cuộc sống, tranh cãi sẽ giúp người ta hiểu được những điều đúng sai từ đó hướng cuộc sống đến chỗ tốt đẹp hơn.
“Quảng Nam hay cãi” nói lên tính cách đặc trưng của con người xứ Quảng

“Quảng Nam hay cãi” nói lên tính cách đặc trưng của con người xứ Quảng
Trong trường hợp của sự giao thoa văn hóa, cái tính hay cãi của người Quảng Nam có một công dụng hết sức quan trọng, nó giúp cho cả hai phía Việt – Chăm thẳng thắng tranh luận để hiểu hơn về những điều khác biệt trong văn hóa của hai dân tộc, để thấy được những nét đẹp trong truyền thống phong tục của nhau. Cái tính cương trực, dám làm dám chịu của người Quảng Nam đã khiến họ một khi nhận ra nét đẹp của đối phương thì sẽ ngay lập tức công nhận chứ không tìm cách lấp liếm, bao che, cho rằng văn hóa mình mới là độc tôn như người Việt miền Bắc, chính điều này đã giúp cho cộng đồng người Quảng Nam luôn tiếp thu được những cái mới, những nét văn hóa đặc sắc từ nhiều hướng khác nhau. Ở cái tính cương trực và hay tranh đấu của người Quảng Nam, chúng tôi không thấy tồn tại cái thói “cào bằng” vốn dĩ là truyền thống của người Việt mà chỉ thấy một thái độ phê phán gay gắt với những điều tiêu cực nhằm mục đích đề cao những yếu tố tích cực, từ đó hướng con cháu của họ đến một đời sống tốt đẹp và có tình có nghĩa hơn.
Và quan trọng hơn, cái tính cách nóng nảy, hay cãi của người Quảng Nam đã góp phần làm nên bản sắc xứ Quảng.Cái tính cách mạnh mẽ đến dữ dội ấy là kết quả của một quá trình đấu tranh với thiên nhiên và cuộc sống để tồn tại. Có mâu thuẫn mới có sự phát triển, chính sự ham thích tranh luận của người dân nơi đây đã giúp họ giải quyết được những mâu thuẫn trong cuộc sống để từ đó phát triển cuộc sống của cộng đồng mình lên một tầm cao mới, cả trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật hay sản xuất, sinh hoạt thường ngày. Quảng Nam hay cãi – thành ngữ này từ nay nên được hiểu theo nghĩa tích cực hơn để những người con xứ Quảng không còn bị mặc định là ương bướng, khó bảo nữa. Hiểu đúng câu thành ngữ trên cũng là hiểu được một phần bản sắc văn hóa Quảng Nam – môt nền văn hóa giao thoa đặc sắc của hai dân tộc Việt – Chăm được thể hiện rõ nét qua giọng nói, tính cách của con người nơi này, và cả trong nhiều lĩnh vực văn hóa khác sẽ được làm rõ sau đây.
Xem thêm loạt bài về VƯƠNG QUỐC CHĂM-PA để hiểu thêm về quá trình Giao thoa văn hóa Việt – Chăm làm hình thành con người xứ Quảng
[1]Nguyên Ngọc, Tìm hiểu con người Xứ Quảng, NXB Đà Nẵng 2005.
[2]Hồ Trung Tú, Có 500 năm như thế, trang 237 – 238, nxb Đà Nẵng 2012.
[3]Hồ Trung Tú, Có 500 năm như thế, nxb Đà Nẵng 2012.
ĐOÀN NHẬT QUANG