Những nỗi đau trong một đời người
Vừa rồi mình vô tình bị một vết xước ở chân, vết xước chắc cũng dài hơn 5cm. Nhưng lúc đầu mình lại chả thấy đau, ngay khi thấy vết...
Vừa rồi mình vô tình bị một vết xước ở chân, vết xước chắc cũng dài hơn 5cm. Nhưng lúc đầu mình lại chả thấy đau, ngay khi thấy vết xước mình thậm chí còn chẳng nhớ tại sao mình lại bị thương. Chỉ khi có nước thấm vào thì mình mới bắt đầu thấy rát. Mình cứ ngẫm mãi lý do vì sao lại bị như vậy và tại sao lại chẳng nhận ra điều đấy. Mãi một lúc mình mới nhớ ra, à vì do lúc mình mãi chơi đùa với bé chó mà để em ấy cào khi nào mà không hề hay biết.
Trong cuộc sống, cũng sẽ có đôi khi chúng ta mãi đắm chìm vào những cuộc vui, ta cho phép người khác được có những hành vi hay lời nói làm tổn thương chính mình. Có thể trong lúc trải qua những khoảnh khắc vui sướng ấy, ta không bị tổn thương, vậy nên ta cứ mặc nhiên để mọi thứ như thế. Thế nhưng, khi cuộc vui chấm dứt, khi ánh đèn của những cơn khoái lạc chợt tắt, dẫu trong bóng tối, ta không thấy được vết thương, ta vẫn sẽ cảm nhận được chúng đang hiện hữu. Bởi lẽ, chúng ta cảm thấy đau, thậm chí là rất đau.
Điều này xuất phát có thể vì ta yêu thương những con người kia, ta sợ làm họ tổn thương để rồi cứ để mặc cho họ được có những lời nói, những hành động không hay với chúng ta. Cũng có thể vì chính chúng ta cũng đang lầm tưởng rằng những hành động, lời nói của họ là đang yêu thương ta, nên chính bản thân mỗi người cũng không nhận ra đấy là nguyên nhân gây nên những nỗi đau trong mình.
Những vết thương ấy, ban đầu có thể sẽ không xuất hiện rõ, chính chúng ta sẽ không cảm thấy quá đau. Nhưng chỉ cần một chất xúc tác nhỏ hay chỉ cần thêm một chất kích thích để châm ngòi, vết thương sẽ bùng phát và làm ta thấy hết sức đau đớn, nếu không kịp thời dập tắt, nó sẽ biến thành một vết thương lòng khó có thể chữa lành. Dù có dùng nhiều cách thức thì nó vẫn để lại những vết sẹo chẳng bao giờ có thể xóa nhòa.
Mình còn nhớ hồi học cấp 3 mình từng là nạn nhân của body shaming, bạn bè cứ lôi thân thể mình ra làm trò đùa, ngay cả mấy đứa mình cho là "thân thiết" cũng đùa cợt ngôn từ trên cơ thể của mình. Mình thấy mọi người vui cười về việc đấy, và mình cho là những bạn đấy không có ý gì cả, cốt chỉ là đùa vui thôi. Mình không tỏ thái độ và cứ mặc kệ cho tụi bạn trêu chọc. Và rồi, lâu ngày, mình chợt nhận ra những lời mình cho là "đùa cợt", là "không có gì" lại tạo ra những tổn thương bên trong, lâu ngày mình dần tự ti và cứ mỗi khi nhớ lại những việc đó mình thấy rất buồn, mình tự trách bản thân tại sao hồi đó lại phải âm thầm chịu đựng những lời nói không được tôn trọng như thế.
Khi đấy mình mới nhận ra bản thân đã có xu hướng quá chú trọng đến những cảm xúc của người khác, sợ người khác tổn thương và vì nỗi sợ bị bạn bè bỏ rơi, xa lánh mà mình sẵn sàng để những lời nói ấy xúc phạm đến mình, mình sẵn sàng để người khác biến ngoại hình của mình trở thành trò đùa trong mắt họ.
Đấy chỉ là một trường hợp về việc bị người khác làm tổn thương mà thôi, sẽ có lúc chúng ta lại chính là nguyên nhân làm cho bản thân bị tổn thương. Nếu đã bị thương thì cần phải khử trùng và sát khuẩn, đừng nên để nó trơ trọi mà ngang nhiên đối mặt với những độc tố bên ngoài. Dẫu theo thời gian, vết thương có thể dần lành lặn hơn, nó có thể tạm thời không làm đau chúng ta nữa. Tuy nhiên, đó chỉ là một giấc ngủ tạm thời của một con vật hoang dã đang ngủ đông mà thôi, chỉ cần một chất xúc tác nhẹ, nó sẽ vùng dậy, và dẫu bạn có cố gắng nhốt nó trong lồng, nhưng với bản năng của một giống loài hoang dã chưa được thuần chủng, nó vẫn vô cùng nguy hiểm. Nó vẫn ở đấy, chực chờ bạn mất cảnh giác, gầm lên, cắn nát chiếc lồng và vồ lấy bạn.
Để đối phó với chúng, điều đầu tiên không phải tìm xem cách thức nào là hữu hiệu nhất. Đối với mình, phương pháp nào cũng được, không quá quan trọng, việc đó phụ thuộc vào mỗi người. Điều cần thiết hơn hết là nhận biết được về sự tồn tại của những tổn thương đó.
Mình từng nghe một câu chuyện kể rằng có hai cụ ông bà trải qua một cuộc hôn nhân rất lâu dài và bền chặt, tuy nhiên cụ ông đã mất trước cụ bà. Người vợ vì quá đau thương nên ban đầu không chấp nhận được sự thật ấy, bà khóc thương cho ông suốt ngày, mọi người ban đầu cũng động viên an ủi bà, và cho rằng thời gian sẽ giúp bà quên đi nỗi đau ấy. Và đúng là một thời gian sau, người bà đó không còn khóc thương ông nữa. Bà trở lại cuộc sống bình thường, à nhưng chắc là chỉ bình thường với bà, còn với người khác thì không. Bởi lẽ, bà bảo rằng bà đang sống với ông, tất cả mọi sinh hoạt bà đều thực hiện với ông, đâu đâu bà cũng nhìn thấy ông. Bà luôn miệng bảo rằng cuộc sống của ông và bà rất hạnh phúc. Những người thân hay người bên ngoài đều luôn miệng bảo rằng bà buồn quá mà hóa điên rồi, bà không phân biệt đâu là thật đâu là ảo nữa.
Ban đầu khi nghe câu chuyện, mình cứ nghĩ cụ bà đã không đủ nghị lực để vượt qua nỗi đau, bà đã mượn những ảo ảnh để quên đi hiện tại đau khổ, như vậy vết thương của bà không hề được chữa lành. Nhưng rồi mình chợt nhận ra, quên đi những nỗi đau không phải là cách duy nhất để vượt qua được chúng, có nhiều cách để chúng ta có thể chữa lành những vết thương, bên cạnh việc cố gắng trốn chạy khỏi chúng. Khi đấy mình mới nhận ra bà mới mạnh mẽ làm sao, việc có thể biến một nỗi đau trở thành một niềm hạnh phúc miễn là điều đó không gây ảnh hưởng đến ai không phải đó là một điều hết sức tích cực hay sao?
Bà đang sống cùng chính nỗi đau nhưng chính nó cũng đang tạo ra hạnh phúc cho bà, hạnh phúc ấy có thể mờ ảo những lại mang đến cho bà những cảm xúc chân thật. Dẫu người ngoài nhìn vào có nói bà thế này, thế kia nhưng mà quan tâm gì chứ, nếu bà vẫn được sống theo cách của bà, không ảnh hưởng đến ai, không tác động đến người khác thì tại sao lại không thể sống theo cách mà bà thấy hạnh phúc. Mình không nghĩ rằng bà bị điên, ngược lại, mình tin rằng bà nhận thức được sự rời đi của ông, bà hiểu được những nỗi đau mà bà phải chịu đựng khi ông ra đi, và vì thế bà mới dũng cảm để thay đổi và bắt đầu một cuộc sống mới do chính bà tự xây dựng.
Điều này giúp mình nhận ra với mỗi người khác nhau sẽ có những cách khác nhau để vượt qua những vết thương cho riêng mình, dẫu là bạn đang tìm cách chạy trốn khỏi nó, hay đang mượn thời gian để làm bàn đạp thoát khỏi thực tế hay kiên trì hơn đó là tập chấp nhận và sống cùng nỗi đau, dù có thể nào thì bạn cũng đã vô cùng dũng cảm khi dám thừa nhận những vết thương đó bên trong mình, bởi vì nếu không nhìn thấy hay chấp nhận sự tồn tại chúng, bạn sẽ không đủ nghị lực để vượt qua chúng, hậu quả là nó sẽ kiểm soát cuộc sống của chính bạn.
Giờ đây khi hiểu được rằng, những nỗi đau, những vết thương sẽ là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi con người, mình đễ dàng chấp nhận sự tồn tại của chúng hơn. Ai trong chúng ta đều muốn được trưởng thành, muốn được lớn lên. Vậy để đạt được những điều đó, thật khó để không một lần vấp ngã hay không có một vết sẹo nào cả. Đừng vội nhìn vào cuộc sống hào nhoáng của người khác mà nghĩ rằng họ không có những nỗi đau, chỉ là họ có những vết thương khác với bạn. Tuy nhiên, có một điểm chung mà chúng ta cần hiểu rằng sẽ có những thứ đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, sẽ có những thứ xảy ra ngoài dự đoán, cũng như sẽ có lúc bạn vấp ngã chắc lúc nào hay biết. Lúc đó, dù sao té cũng đã té, bị thương cũng đã bị thương rồi, khi đấy, hay biết ơn vì ta vẫn còn tồn tại, vẫn còn được sống để cảm nhận nỗi đau. Bởi lẽ, điều kinh khủng hơn trong cuộc sống không phải là bản thân những nỗi đau mà là việc chính chúng ta không còn có thể cảm nhận được những nỗi đau ấy.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất