Mới đầu mình đã nghĩ: dù "khích lệ tinh thần" là giá trị được đề cao nhất ở Thép đã tôi thế đấy, thực chất cuốn Tuổi thơ dữ dội còn vượt mặt cuốn sách sắt thép già đời ấy cơ.
Nhưng nghĩ ngay lại thì, sự khôn ngoan trong tinh thần của một người lớn nó khác với những người trẻ, mà đương thời vẫn hay bị gọi là nhóc loi choi. Ví dụ như Lượm chẳng hạn. Trước màn múa mép dẻo quẹo ngọt như mía lùi anh Tặng cho của Sole, Lượm đã chần chừ. Nếu là Pavel, hẳn anh "lớn hơn một chút", nên đã biết phải phản ứng thế nào ngay. Thế giới trong Thép đã tôi thế đấy là thế giới của những người hùng người lớn, trưởng thành và khôn ngoan hơn trước mấy thanh mía lùi bọc thuốc súng. Thế giới trong Tuổi thơ dữ dội là của những người hùng người lớn nhỏ hơn, không khôn ngoan bằng những người lớn kia, nhưng độ truyền cảm hứng và tinh thần hơn hẳn.
Chắc cũng vì Phùng Quán là một người cảm nhận tốt hơn Nikolai. Trong khói lửa của Phùng Quán, người ta có thể cảm nhận sâu sắc niềm vui và nỗi đau gần gũi hơn là qua sự sắt đá đã qua tôi luyện gian khổ của Nikolai - người đã tự rèn cho mình đứng vững như trời trồng trước mọi thử thách trên cả đường cách mạng lẫn đường đời. Cũng vì lẽ đó mà có thể nói Pavel của Nikolai có thể khôn ngoan hơn, cứng cáp hơn, nhưng không thể truyền cho người khác hơi thở tinh thần, ý thức bản thân mạnh mẽ và dữ dội như những đứa trẻ Vệ Quốc đoàn.
Hoặc do mình người Việt nên đọc tác giả người Việt dễ cảm hơn chăng. Dù quan tâm tới sự lạc quan, những nỗi buồn xoáy quanh tình cảm gia đình vẫn cứ dấy lên hoài trong lòng những đứa trẻ của Phùng Quán. Trẻ con theo Maxim Gorki và Nikolai Otrovski thì lại lạnh lùng hơn nhiều. Chúng có yêu gia đình mình, nhưng không ủy mị hay day dứt đến vậy; chúng có lý tưởng riêng, sẵn sàng lặng lẽ ra đi khi chúng thấy ngôi nhà mình ở không còn là gia đình nơi nó thuộc về nữa. Và hầu như chúng không bao giờ thèm ngoái lại nơi đã vứt bỏ mình.