Những điều họ quên dạy khi ta còn đi học.
Thế giới hiện đại của chúng ta xử lý các vấn đề liên quan đến giáo dục với một sự nghiêm túc lạ thường. Trong suốt lịch sử nhân loại,...
Thế giới hiện đại của chúng ta xử lý các vấn đề liên quan đến giáo dục với một sự nghiêm túc lạ thường. Trong suốt lịch sử nhân loại, chưa bao giờ lại có quá nhiều tư tưởng và quá nhiều nguồn lực đến như vậy được tập trung vào sự phát triển tư duy của thế hệ tiếp theo. Ở những quốc gia phát triển, một con người cho đến khi 21 tuổi dường như chẳng có việc gì phải làm ngoài việc học tập. Trong đa số các gia đình trí thức, bài tập về nhà có sức mạnh như một bí tích. Một đội ngũ hùng hậu các thầy cô giáo, nhà nghiên cứu giáo dục, cơ sở giáo dục và quan chức giáo dục được lập ra để chăm bẵm cho bọn trẻ vượt qua các giai đoạn học hành phức tạp bằng các chứng nhận thành tích học tập. Các chính trị gia luôn ganh đua nhau để chứng minh với cử tri sự tận tâm của họ đối với sự nghiệp giáo dục. Các kỳ thi hằng năm do chính quyền trung ương ủy quyền được trao cho một quyền lực lớn lao để xác định tiến trình tiếp theo trong toàn bộ cuộc sống của chúng ta; sự hãi hùng mà họ mang lại vẫn còn đậm nét trong tâm trí ta sau hàng thập kỷ. Trong một số trường hợp, dù chỉ là hiếm hoi, cuộc đời coi như kết thúc hoặc không còn ý nghĩa gì nữa nếu không vượt qua được kỳ thi quan trọng đó.
Tuy nhiên, bất chấp tất cả những thực tế trên, rất hiếm khi tìm thấy một người trưởng thành nghiêm túc nào - ở độ tuổi trung niên - không gặp phải những khoảnh khắc khủng hoảng và khó khăn nhất định, nhất là khi nhìn lại một giai đoạn khó khăn, thậm chí khó hiểu của họ trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Và tự hỏi tại sao, giữa tất cả các nghiên cứu, các môn học, các ràng buộc nghiêm túc và cơn hoảng loạn đó, rất nhiều điều đã rơi vào thinh lặng. Tại sao, trong những giờ miệt mài trên lớp học, có những khái niệm và tư tưởng cơ bản nào đó (mà dường như bây giờ) rất quan trọng đối với cả đời người, không hiểu làm sao, vô tình bị bỏ qua (slip through the net)? Làm sao mà ta lại có quá nhiều thời gian để tìm hiểu môn giải tích, phương trình lượng giác, sự xói mòn của các lớp băng, tình hình chính trị của các thành bang Burgundia trong thế kỷ 14 hay các bài thơ ca của Emily Dickinson? Nhưng lại có quá ít thời gian để giảng giải cho một loạt các băn khoăn khi chạm ngõ vào đời để cuộc sống trưởng thành của ta trở nên khó khăn đến vậy? Rất nhiều câu hỏi tại sao và không ai từng nói cho ta biết.
Hiện nay, cũng có vài nơi để ta trình bày ý tưởng này. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận lại tập trung quá mức vào cách thức tốt nhất để cung cấp nền tảng giáo dục cho một đứa trẻ; chứ không phải là những gì đứa trẻ ấy nên được giáo dục. Chương trình học tập không được thiết kế hay lấy điển hình từ những tình huống khó xử trong thực tế của cuộc sống trưởng thành. Các môn học trong thời khóa biểu và phân phối của chúng trong tuần, không phản ánh bất cứ thứ gì thực sự sẽ diễn ra trong cuộc đời của một con người; nếu không phải vậy, thì chúng ta đã được nghe nhiều hơn từ các thầy cô giáo về cách tiếp cận những vấn đề nan giải trong các mối quan hệ; những muộn phiền, lo lắng của chúng ta về nghề nghiệp; những căng thẳng trong cuộc sống gia đình và những nỗi kinh hoàng của sự chết chóc…
Nếu có bất kỳ người ngoài hành tinh nào đến thăm chúng ta, hẳn họ sẽ ngạc nhiên về việc con người tự giáo dục chính mình như thể đòi hỏi chính yếu của tuổi trưởng thành là sở hữu một tập hợp các kỹ năng kỹ thuật, và không thừa nhận một thực tế rằng những thứ quan trọng nhất cản trở ta không thể tiến bộ hơn nữa (run into the sand) không phải là sự thiếu hụt kiến thức về đại số ma trận hay môn tiếng Pháp mà chính là ta không có khả năng làm chủ những thứ mà ta gọi là chiều sâu cảm xúc (emotional dimension) trong cuộc sống: sự hiểu biết của ta về bản thân, khả năng xử sự của ta đối với những người mà ta yêu thương, con trẻ và đồng nghiệp, mức độ tự tin, cách thức giải quyết trong những tình huống cần sự bình tĩnh và lòng trắc ẩn. Ở những lĩnh vực này, hoàn toàn chỉ là thất bại – nó nhiều hơn bất cứ thứ gì ta có thể nhận được ở các trường trung học hay trường đại học tốt nhất – khẳng định sự lừa dối triền miên về niềm hy vọng đẹp đẽ của nhân loại.
Khi ta biết suy tư, trăn trở ý tưởng về những gì chúng ta nên học ở trường, thường thì quá muộn hoặc quá vô vọng rồi. Bất chấp sự mạnh mẽ của chúng ta về đổi mới trong rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đổi mới trong giáo dục luôn nhận được sự thờ ơ. Người ta cứ đơn giản cho rằng không thể tự dạy bản thân các loại kỹ năng cảm xúc mà sự thiếu vắng chúng làm cho ta phải trả cái giá đắt đến thế. Là bậc hậu bối thừa kế một Chủ nghĩa lãng mạn bị đặt nhầm chỗ, ta nên được hướng dẫn trong lĩnh vực tình cảm về những cảm xúc không được kiểm soát của chính mình, rằng ta không thể chỉ dẫn cho bất cứ ai về tình yêu hay sự thông tuệ, niềm hạnh phúc hay sự tử tế, rằng những điều này phải được trải nghiệm theo thời gian, không phải là khái niệm có thể được thu hoạch một cách có hệ thống ngay từ ban đầu. Điều đó có nghĩa là mỗi thế hệ mới phải va chạm một lần nữa với các vấn đề, mà theo lý thuyết, đã được giải quyết trong tâm trí của những người đi trước. Mỗi người trẻ một lần nữa buộc phải khám phá – trong những đêm nức nở vật vã – những gì về mặt lý thuyết là đã được biết đến một cách rất rõ ràng khi kết thúc một mối tình, khi đứng giữa những chọn lựa khó khăn trong phát triển sự nghiệp hoặc khi ứng xử với những tình huống phức tạp trong mối quan hệ gia đình. Ta tự đặt mình lên các hòn đảo riêng lẻ và buộc mình – với những nỗi đau vô ích – phát minh lại các chuyển động của bánh xe và tái khám phá ra lửa. Hệ thống giáo dục, ít nhất theo nghĩa này, là một sự thiển cận có chủ đích. Việc tập trung vào sự xói mòn của các dòng sông băng và nghiên cứu các quy luật chuyển động vô tình trở thành lý do để không học về đạo đức, sự tử tế, lòng tốt hay các quy tắc đối xử trong mối quan hệ gia đình. Các bài học về cuộc đấu tranh tại tòa án ở Châu Âu thời cận đại khiến chúng ta mù quáng về nhu cầu dành thời gian để tìm hiểu về nguồn gốc của sự tức giận hay các bài học về sự tự chủ khi rơi vào tuyệt vọng.
Tình thế trong những ngày gần đây bộc lộ ra nhiều điều yếu kém của thế giới này, chúng ta không mạnh mẽ và hoàn hảo như chúng ta vẫn tưởng, cũng dường như là một lời nhắc nhở ta rằng nhiệm vụ của một trường học phải vượt ra khỏi chương trình giảng dạy đã được thống nhất hiện nay để có thể bao gồm tất cả mọi thứ với sức mạnh có thể công phá cuộc sống khi trưởng thành. Sự nhấn mạnh vào từ “quên” trong tiêu đề bài viết này không phải là ngẫu nhiên, ta cố ý dùng nó để thu hút sự chú ý về những cách thức cơ bản mà chúng ta đã để những chủ đề quan trọng của cuộc sống nằm ngoài các tiêu chuẩn của hệ thống giáo dục. Cũng chẳng có âm mưu gì cả, chỉ là một hình thức giám sát tình huống. Không có lý do chính đáng nào khiến ta phải chờ đợi quá lâu để khám phá những bài học có thể tạo ra sự khác biệt như vậy – cũng không cần mỗi chúng ta phải vấp ngã trong bóng tối mới mò mẫm học được những bài học đắt giá.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất