Nikola Tesla (trái) & Thomas Alva Edison (phải)
Nikola Tesla (trái) & Thomas Alva Edison (phải)
Chúng ta hẳn cũng không còn gì xa lạ với hai nhân vật kể trên nữa, một người được biết đến với những ý tưởng phát minh vượt thời gian và trí tuệ nhân loại cùng thời, người còn lại thì gắn với hình ảnh người sáng chế ra bóng đèn, được nhắc tới trong sách giáo khoa (Tiếng Việt lớp 3) với câu chuyện Nhà bác học và bà cụ. Trong câu chuyện đó có một đoạn rằng: "Ê-đi-xơn là một nhà bác học nổi tiếng người Mĩ. Khi ông chế ra đèn điện, người từ khắp nơi ùn ùn kéo đến xem. Có một bà cụ phải đi bộ mười hai cây số. Đến nơi, cụ mỏi quá, ngồi xuống vệ đường bóp chân, đấm lưng thùm thụp."
Từ bé thì tác giả đã được học như thế, cộng thêm vài mẩu chuyện đâu đó không nhớ nổi, rằng Thomas Edison đã phát minh ra bóng đèn sau hàng ngàn lần thử nghiệm, từ đó dạy cho con người về sự kiên trì và niềm tin vững vàng... Và nghiễm nhiên thì những câu chuyện đó đã củng cố một hình ảnh vững chắc trong đầu tác giả - Thomas Edison chính là người phát minh ra bóng đèn, giúp loài người từ đó đến nay có thể thắp sáng cả màn đêm bằng loại nến đảo ngược thần kì đó. 
Lớn lên khi được tiếp cận với nhiều phương tiện thông tin đại chúng hơn, tác giả được biết thêm những nhà khoa học, phát minh lỗi lạc cả hiện tại và thời trước. Một trong những vĩ nhân đó là Nikola Tesla, người xuất hiện trong câu chuyện gây tranh cãi giữa chính ông và Thomas Edison - Ai mới là người phát minh ra bóng đèn? Nào là thiên tài sinh nhầm thời, kẻ viển vông, hay nhà phát minh vĩ đại, tên nguỵ quân tử...những lời bênh vực, chỉ trích qua lại không hồi kết.
Tác giả đã quyết định giữ một cái nhìn trung lập, và đi vào tìm hiểu thông tin của cả hai một cách khách quan nhất. Dưới đây là đôi nét về hai người trên:

Thomas Edison:

Thomas Alva Edison sinh năm 1847 ở tiểu bang Ohio, Mỹ. Ông là một nhà phát minh và thương nhân đã phát triển rất nhiều thiết bị có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của chúng ta trong thế kỷ 20. Ông mất ngày 18 tháng 10 năm 1931 tại West Orange, bang New Jersey, Mỹ.  Qua quá trình tìm hiểu về lý lịch của Edison, tác giả đã chọn ra những thông tin, sự kiện thời niên thiếu của ông, những thứ tác giả cảm thấy có ý nghĩa và gây ảnh hưởng lớn đến cuộc đời Edison sau này:
Thomas Edison (1874 - 1931)
Thomas Edison (1874 - 1931)
+ Thomas Edison sinh ra trong một gia đình đông con (ông là người thứ 7).
+ Từ nhỏ Edison đã rất khác biệt với bạn bè đồng trang lứa, trong khi lũ trẻ còn ham chơi, thì cậu bé Edison đã dành thời gian và tâm trí để băn khoăn về những sự vật, hiện tượng xung quanh bản thân. Không những vậy Edison còn muốn hiểu chúng một cách thấu đáo.
+ Ông không được học tiểu học vì bị giáo viên cho là bị rối trí và trí tuệ quá kém, nên từ nhỏ người đảm nhận việc dạy dỗ, hướng dẫn ông đọc sách và làm thực nghiệm là mẹ của ông (một giáo viên ở Canada)
+ Edison đã bắt đầu cuộc sống mưu sinh của mình từ năm 12 tuổi, kiếm tiền bằng cách bán kẹo và báo trên tàu hoả.
Khi vừa 21 tuổi, Thomas Edison đã có được bằng phát minh đầu tiên của cuộc đời mình (vào tháng 10 năm 1868). Và đến 1871 (24 tuổi), ông trở thành chủ một xí nghiệp được nhiều người biết đến. Năm 1879 Edison thành lập ra Thomson-Houston, đến năm 1890 ông thành lập công ty Edison General Electric. Hai năm sau Edison General Electric và Thomson-Houston hợp nhất hình thành công ty Edison General Electric and Thomson-Houston, tiền thân của tập đoàn điện khí khổng lồ GE ngày nay.  Một nơi liên quan đến cả hai nhân vật ở tiêu đề cũng do Edison sáng lập chính là công ty Edison Machine Works, Sau này Nikola Tesla đã đến làm việc ở đây (1884). Nơi đây chứng kiến sự hợp tác và chia rẽ của cả hai vị. Ông được xem là một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử, đã có một nhà báo thời bấy giờ đặt cho ông danh hiệu là "Thầy phù thuỷ ở Menlo Park". Có tới 1093 bằng sáng chế dưới tên ông tại Mỹ, và trên cả thế giới là hơn 1500 (một vài nguồn tin đưa ra khả năng con số này có thể lên đến hơn 1900. Nhưng một số lượng không nhỏ là do ông mua hoặc lấy lại phát minh của người khác, đem về cải tiến lại. Thực ra thì Thomas Edison thiên về thực hành nhiều hơn là học lý thuyết nên ông gặp thất bại nhiều lần trước khi thành công. Nikola Tesla cũng có nhận xét về Edison như sau: “Nếu như Edison phải tìm một cái kim trong đống rơm thì ông ấy sẽ cần mẫn làm việc như một con ong, ông sẽ lần tìm từng cọng rơm để tìm ra bằng được cái kim. Tôi từng là nhân chứng đáng buồn cho những việc làm này của ông và biết rõ rằng, với một chút lý thuyết và tính toán ông ta có thể tiết kiệm được 90% công sức đã bỏ ra”. Bản thân tác giả cảm thấy nể phục ông ở sự kiên trì lao động không mệt mỏi hơn là việc phát minh. Điều này cũng thật đáng buồn cho Edison vì ông không có một nền tảng học vấn tốt từ bé, chủ yếu là tự học theo lối tự mày mò. Thậm chí những người trong ngành, hoặc từng hợp tác với Edison thời đó đã nhận xét ông là nhân vật bảo thủ, bủn xỉn và keo kiệt.
Nikola Tesla:
Nikola Tesla sinh ngày 10 tháng 7 năm 1856 tại Smiljan, Đế quốc Áo (nay thuộc Croatia) và mất ngày 7 tháng 1 năm 1943 tại thành phố New York, Mỹ.
Nhắc đến Tesla là nhắc đến những đóng góp mang tính cách mạng trong các lĩnh vực điện và từ trường trong cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Các phát minh và công trình lý thuyết đã làm nên cơ sở của hệ thống phát điện xoay chiều, bao gồm cả hệ thống phân phối điện nhiều pha và động cơ điện xoay chiều, giúp tạo ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 2.

Một vài fun fact về "Kẻ điên rồ vĩ đại Tesla":
Nikola Tesla (1856 - 1943)
Nikola Tesla (1856 - 1943)
+ Nikola Tesla đã suýt trở thành một linh mục vì cha của ông là một linh mục chính thống giáo - người luôn muốn con trai mình theo nghiệp đạo.
+ Từ khi còn đi học, ông đã có thể làm các phép tính tích phân trong đầu. Điều này đã làm cho giáo viên của ông nghi ngờ rằng ông đã gian lận.
+ Nikola Tesla nổi tiếng với những màn biểu diễn tạo ra sấm chớp, sét nhân tạo, dân tình thời đó còn đồn đoán truyền tai nhau rằng ông thực sự đã liên lạc với người ngoài hành tinh.+ Thời trẻ, ông còn là một "con nghiện cờ bạc" và một tay chơi bi-da thực thụ.



Tesla kể rằng ông học và làm việc từ 3 giờ sáng cho đến 11 giờ tối, không có ngày nghỉ lễ, hay chủ nhật, kể cả trường hợp đặc biệt. Sau cái chết của cha ông năm 1879, ông tìm được một loạt những lá thư được gửi bởi những giáo sư cho cha ông, cảnh báo rằng nếu Nikola không rời khỏi trường học thì có thể chết vì làm việc quá sức.
Ông là người vạch ra hệ thống dòng điện xoay chiều, tạo ra các động cơ mô tơ và các máy biến thế cao áp mà toàn bộ thế giới công nghiệp dựa trên chúng. Bạn có thể hiểu một cách đơn giản và nôm na là nhờ có ông mà các ngồi nhà, làng mạc, thành phố của chúng ta có điện sử dụng và được chiếu sáng. Trong suốt sự nghiệp của mình, Tesla phát minh chỉ với một lý tưởng duy nhất - phục vụ cho nhân loại. Nên nhiều phát minh của ông đã bị sử dụng và đăng ký bởi người khác. Người ta cho rằng khiếm khuyết chính duy nhất của Tesla là (khi người khác đánh cắp ý tưởng đã được cấp bằng sáng chế của ông) KHÔNG tự bảo vệ mình một cách quyết liệt, ác độc, giống như tất cả những nhà phát minh khác sẽ làm. Chính Tesla mới là người sáng chế ra Radio, chứ không phải Guglielmo Macroni, hay Alexander Popov - những người đã sử dụng, dựa trên các nghiên cứu và các bằng phát minh của ông. Otis Pond, một kỹ sư khi đó đang làm việc cho Tesla, nói với ông: "Có vẻ như Macroni đã làm sai với ông". Tesla trả lời: "Macroni là một người bạn tốt, hãy để anh ta tiếp tục. Anh ta sử dụng (bất hợp pháp) mười bảy bằng sáng chế của tôi."
Nikola Tesla là người đã chế tạo ra các máy móc điều khiển Radio, phát minh ra nguyên tắc của kỹ thuật Robot và động cơ chạy bằng năng lượng mặt trời, máy chiếu tia Rơn-ghen, đồng hồ đo năng lượng điện, đồng hồ đo vận tốc xe ô tô, bóng đèn huỳnh quang... Gần 1000 phát minh cho các lĩnh vực khác nhau của Khoa Học & Kỹ Thuật. Theo lời Tesla, ông đã biết về sấm sét còn nhiều hơn cả chúa trời biết về chúng, những dự định vĩ đại của ông nhưng bị xem là điên rồ, và bị từ chối tài trợ chi phí từ các tỉ phú thời đó có thể nhắc đến như:+ Truyền năng lượng vô tuyến+ Gây mưa trên sa mạc+ Chiếu sáng bầu trời trên những tuyến đường biển+ Nạp năng lượng cho xe hơi, máy bay+ Xây dựng hệ thống giao thông, liên lạc giữa các hành tinh
Với những dự án kể trên thì chúng ta đều có thể hình dung được chi phí của chúng lớn đến thế nào, và những nhà đầu tư thời đó chắc cũng chỉ bị điên mới ném cho Tesla một khoản khổng lồ như thế, trong khi ngành công nghiệp máy móc thời bấy giờ đang rất nóng và có hàng tá lĩnh vực đầu tư có thể thu lời. Và dĩ nhiên thì không một ai đếm xỉa đến Nikola Tesla cả, kể cả tỉ phú John Pierpont Morgan - người mặc dù trước đó ủng hộ và hỗ trợ kinh phí cho Tesla xây dựng tháp vô tuyến điện xuyên đại dương, cũng đã chuyển sang đầu tư cho các dự án của Macroni.
Nhưng không vì thế mà Tesla đầu hàng, từ bỏ những ý tưởng vĩ đại của mình, ông dốc hết hầu bao để thực hiện các thí nghiệm. Ông tiếp tục lắp ráp các thiết bị nhằm tạo ra máy phát năng lượng, vào năm 1908, khi được hỏi bao giờ thì ông kết thúc những thí nghiệm của mình trên đảo Long Island, ông đã trả lời rằng: "Tôi chưa bao giờ kết thúc chúng, những dự định của tôi nhất định sẽ được tiếp tục và diễn ra." Sau đó vì dồn toàn bộ tiền bạc của mình vào mục đích nghiên cứu, nên Tesla đã chết trong sự khánh kiệt của bản thân. Ông mất vào ngày 7/1/1943 tại một căn phòng trên tầng 33 của 1 khách sạn nhỏ tại New York, Mỹ.
Quay trở lại chủ đề của bài viết, mọi việc bắt đầu vào năm 1884, khi Tesla được thuê để làm việc cho Edison Machine Works - công ty của Thomas Edison (trước đó ông làm tại Continental Edison ở Áo), ông nghiên cứu ở đây trong một thời gian ngắn, và rời đi sau một sự bất đồng với Edison. Thời đó công ty của Edison đang đau đầu và vật lộn với sự lỗi thời của máy phát điện một chiều, Tesla khẳng định có thể thiết kế lại máy phát điện và mô tơ lỗi thời và không hiệu quả của Edison, nâng cao cả hiệu quả kinh tế lẫn chất lượng. Theo lời Tesla, Edison đã nói rằng: "Nếu anh có thể làm được điều đó, chúng tôi sẽ ra anh 10 ngàn đô la (có bài viết nói rằng con số này là 50 ngàn đô la)." Thật là một lời nói khó tin khi được nói ra từ Edison, một người trả lương cho nhân viên một các bủn xỉn, thậm chí Edison còn không có đủ ngần ấy tiền mặt.
Nhưng Tesla vẫn bắt tay vào làm, sau nhiều tháng làm việc, Tesla hoàn thành nhiệm vụ và đến gặp Edison, yêu cầu được giữ lời hứa. Edison bảo rằng ông chỉ nói đùa thôi: "Tesla à, anh không hiểu kiểu hài hước của người Mỹ chúng tôi." Thay vào đó, Edison đề nghị chỉ nâng lương thêm 10 đô từ 18 đô một tuần cho Tesla, tất nhiên là Tesla từ chối lời đề nghị đó. Tesla nói rằng: "Ngài Edison, tôi đã viết sẵn đơn xin thôi việc ở đây, vì biết trước rằng công ty của ngài cũng làm gì có đủ 10 ngàn tiền mặt để trả cho tôi. Dù sao ngài cũng đã dạy tôi một số điều có ích.", "Tuy ngài còn đăng ký vào tên mình cả một số phát minh của tôi, nhưng tôi cũng chẳng lấy đó làm điều, mà lại cho ngài biết một điều vĩ đại nữa: Tương lai không nằm ở dòng điện một chiều mà ngài đêm ngày nghiên cứu đâu, mà sẽ phải là dòng điện xoay chiều!" Và thứ mà Tesla nhận lại được từ Edison là: " - Ta không muốn nghe về nó, đã bảo anh nhiều lần rồi mà! Anh hãy cút đi với cái dòng xoay chiều quỷ tha ma bắt ấy đi!" Sau đó Tesla rời đi cùng hai bàn tay trắng, trên cổ là bài học về 10 ngàn đô la của nước Mỹ. Lý do Tesla rời đi tuyệt nhiên không phải vì số tiền 10 ngàn đô đó, mà ông đã nhận ra người chủ mà mình đang làm việc cho, là người không thể giữ lời hứa, và chỉ quan tâm đến tiền bạc. Cùng với tư duy bủn xỉn của Edison như thế, thì Tesla biết rằng những kế hoạch, những ý tưởng vĩ đại trong đầu mình sẽ có khả năng bị chôn vùi vĩnh viễn tại công ty này. 
Sau khi rời khỏi công ty, Tesla đi đào mương kiếm sống, ăn ngủ mọi nơi có thể, tuy vậy đầu óc ông chưa bao giờ thôi nghĩ về các phát minh, về dòng điện xoay chiều. Và đây là lúc bắt đầu cho một kì nguyên mới, một bước tiến của nhân loại, và khởi đầu là “Cuộc chiến của các dòng điện” AC vs DC - (War of Currents).
Ảnh minh hoạ - The Current War
Ảnh minh hoạ - The Current War
À ha, vậy thì đến đây chúng ta đã rõ rồi ha - Tesla mới chính là người phát minh ra bóng đèn, còn Edison chỉ là người cải tiến lại nó để có thể dùng được lâu hơn, tin cậy và dễ sản xuất hàng loạt hơn, nhằm phục vụ cho mục đích mang về lợi nhuận tối đa cho công ty. Và cũng từ đây thì những ý kiến trái chiều bắt đầu nổ ra, kẻ bênh vực Tesla, người phê phán, chê bai Edison. Đã có một bộ phận không nhỏ gọi Edison là tên "Nguỵ quân tử", và tất nhiên là cả những từ ngữ không tốt đẹp gì nữa. Hầu hết người trong ngành thời đó gọi ông là một nhân vật cực kỳ bảo thủ, bủn xỉn và keo kiệt (có lẽ nhìn vào cái offer mà Edison đưa ra cho Tesla cũng có thể hiểu được phần nào).
Song, dưới góc nhìn của tác giả, mặc dù rất không ưa gì về việc làm của Edison, nhưng tác giả cho rằng chúng ta nên thử tìm hiểu xem tại sao ông lại làm như thế, bởi việc quy tội cho một người nào đó khi chưa hiểu rõ động cơ và hoàn cảnh dễ khiến chúng ta bị "dắt mũi", và cực đoan hơn. Những lý do mà tác giả tạm xếp vào phạm trù tâm lý học có thể bàn tới như: 
+ Edison không có một nền tảng học vấn tốt, thuở nhỏ ông không được học tiểu học do bị đuổi vì trí tuệ quá kém. Năm 12 tuổi ông kiếm tiền bằng cách bán báo trên tàu hoả. Mặc dù ông rất ham mày mò nghiên cứu, nhưng có thể nhận thấy rằng ông dễ có xu hướng trở thành một "tay buôn" hơn là một nhà phát minh.+ Khi va vấp với cuộc đời từ lúc rất sớm, thì rõ ràng tư duy "mưu sinh" sẽ át lên trội hơn hẳn. Điều đó khiến ta có thể phần nào thông cảm được vì sao ông không (thể) thực hiện lời hứa trả 10 ngàn đô cho Tesla, hay số tiền mà ông bỏ ra khi thuê Tesla về nghiên cứu và làm việc. 
Thang chỉ số phân tích tâm lý chỉ ra rằng, hầu hết trong chúng ta đều có khả năng cao ngất ngưởng trở nên "toan tính" và mong muốn vụ lợi hơn nếu ở trong hoàn cảnh đó - theo đúng nghĩa đen.
Vậy còn Tesla thì sao? Chẳng nhẽ Tesla lại không khó khăn, nhưng vẫn vững vàng với lý tưởng cống hiến cho nhân loại đó thôi?!
Đúng vậy, Tesla còn cực kì khó khăn về tài chính (sau khi rời công ty) nữa là đằng khác. Thời trẻ gia đình ông đã suýt tán gia bại sản vì ông mê đánh bạc, ông chỉ được học hết năm nhất đại học, và đáng ra ông đã phải học trường dòng, làm cha cố như cha của ông. Lúc trên thuyền vượt Đại Tây Dương để tới New York, ông còn bị đánh cắp hết vé, tiền bạc, và một số hành lý, thậm chí ông còn suýt bị ném xuống biển. Và lúc mất ông cũng ở trong tình trạng khánh kiệt, không một xu dính túi.
Nhưng chúng ta cùng quay về thời niên thiếu của Tesla, ông từng bị ốm liệt giường 9 tháng, bố ông đã cho ông một ước nguyện nếu ông được Chúa cứu mạng, và điều ước của Tesla là được học và làm kỹ sư. Hồi trẻ Tesla đánh bạc rất nhiều, ông nói ông đánh bạc không vì tiền mà để nghiên cứu tâm lý của các con bạc, thắng thì ông chia hết tiền cho kẻ thua, còn thua thì ông vay nợ để chơi tiếp, và sau khi cả nhà Tesla phải khốn đốn để trả nợ thay ông thì ông hứa không bao giờ chơi bạc nữa, nhưng cũng từ đó tiền với Tesla không hề có ý nghĩa lớn lao nào. Manh nha thì chúng ta cũng đã hiểu được phần nào trạng thái tâm lý của Tesla lúc đó. Một khi tiền bạc và mạng sống đã "bớt quan trọng", cộng thêm đam mê và những ý tưởng vĩ đại mà ông có, thì không gì có thể cầm chân ông, để trở nên một Nikola Tesla vĩ đại như chúng ta vẫn biết được nữa!
Với tác giả, hai người này như là minh chứng cho các khái niệm đối lập nhưng tồn tại song song với nhau: "Thiên Tài/Kiên Trì; Cống Hiến - Lợi Ích; Tầm Nhìn Vĩ Đại - Sự Chắc Chắn; Hoài Bão - Thực Tế/Thực Dụng. Tuy rằng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, nhưng theo góc nhìn của cá nhân tác giả, dù chúng ta có gán cho hai người đó những danh hiệu gì đi nữa, là Thiên Tài, Kẻ Viển Vông, hay Nguỵ Quân Tử, "Lý Thông"...thì việc họ xuất hiện cùng một thời điểm, và gắn một giai đoạn cuộc đời với nhau, thì rõ ràng đã là một thứ gì đó, một thứ mang tên "sự cân bằng" ẩn mình dưới nhiều lớp nghĩa, và thuộc về tự nhiên.
Tại sao một "tên Nguỵ Quân Tử" như Edison lại sống rất thọ và giàu có, cũng như tại sao một thiên tài đã dành cả cuộc đời của mình để cống hiến cho nhân loại bằng những phát minh của mình lại ra đi trong sự khánh kiệt?... Có một câu nói rất hay mà tác từng đọc được: "Mọi giá trị tích cực đều có cái giá phải trả...minh chứng là tài năng của EinStein đã dẫn đến Hiroshima và Nagasaki."
Và đã có nghi vấn về sự liên quan giữa công trình nghiên cứu của Tesla về sấm chớp và thảm hoạ Tunguska 1908 (Vụ nổ lớn Siberia).
Vậy thì có lẽ chỉ Đấng Tạo Hoá mới biết tại sao mọi việc lại diễn ra như thế, buộc chúng ta phải phát triển tịnh tiến theo tốc độ đã được vạch ra sẵn, tuân theo tự nhiên. Có lẽ những phát minh của Tesla nên dừng lại ở đó là được rồi, không nên có thêm một bước nhảy nào nữa quá xa, mọi thứ hãy để những thế hệ sau này tìm hiểu và dần phát triển.
Bạn có thể cho rằng điều này thật vô lý, làm gì có quy luật tự nhiên nào khi mọi thứ đều do con người ý thức và tác động?
Tác giả đành mời bạn nhớ lại định luật III Newton, và hiểu rằng những ý tưởng vĩ đại của Tesla đã đe doạ thế nào đến lợi ích của các ngành công nghiệp năng lượng thời bấy giờ thế nào. Bạn sẽ biết được tự nhiên sinh ra hai mặt của một vấn đề để chúng tự cân bằng lẫn nhau, mặc cho mong ước của chúng ta là hướng tới những điều cao cả và tối thượng. Tuyệt nhiên tác giả không hề có ý định bênh vực Edison, bản thân tác giả cũng rất bất bình và phẫn nộ trước những việc làm của ông đối với Tesla. Nhưng tác giả nghĩ chúng ta cần phải có góc nhìn trung lập như thế, việc chửi bới, phán xét một cách cực đoan chỉ khiến chúng ta thêm thiển cận mà thôi.
À nhân tiện thì các nhện có thể tìm hiểu thêm về Nikola Tesla qua video sau:
Đến đây thì ơn bạn đã đọc hết bài nhé, chúc bạn một ngày hạnh phúc!
Nguồn tác giả tham khảo: