Oan cho tháng Bảy...
Những chuyện không may, tai nạn, thảm họa thì quanh năm lúc nào cũng có thể xảy ra. Mùa mưa thì có bão lũ, mùa khô thì có cháy rừng....
Những chuyện không may, tai nạn, thảm họa thì quanh năm lúc nào cũng có thể xảy ra. Mùa mưa thì có bão lũ, mùa khô thì có cháy rừng. Nếu nhìn vào dữ liệu thống kê thì tháng Giêng và tháng Hai bao giờ cũng đứng đầu bảng về số vụ tai nạn giao thông, còn vào khoảng tháng Bảy, tháng Tám thì thường có ít vụ nhất. Vậy tại sao cứ tới tầm này hàng năm là mọi chuyện xui xẻo đều bị quy kết cho "tháng cô hồn"?
Có thể nói đây là kết quả của Sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas kết hợp với Thiên kiến xác nhận.
Sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas (Texas sharpshooter fallacy) là khi bạn có xu hướng bỏ qua sự ngẫu nhiên khi kết quả có vẻ có ý nghĩa, hoặc khi bạn muốn một sự việc ngẫu nhiên có được một nguyên nhân hợp lý. Điều này cũng giống như một tay súng bắn bừa vào bức tường gỗ, sau đó mới đi vẽ vòng tròn với hồng tâm tại điểm có nhiều lỗ đạn nhất và tự tin rằng mình là một tay thiện xạ vậy.
Thiên kiến xác nhận (Confirmation bias) là khi bạn chỉ tập trung chú ý tới các thông tin xác nhận những điều vốn đã nằm trong niềm tin của mình và bỏ qua những thông tin trái ngược với quan niệm có sẵn này. Ở đây thì bạn tin rằng "tháng cô hồn" sẽ mang lại điều xui xẻo, và bởi vậy chỉ tập trung để ý tới những điều không may và không đếm xỉa gì tới những điều tốt đẹp khác xảy ra trong cùng khoảng thời gian này.
Ngoài ra thì có lẽ bạn cũng đang phải chịu tác động từ hiệu ứng Tự nghiệm về sự phổ biến (Availability heuristic), hiện tượng khi bạn tin vào một thứ gì đó là sự thực chỉ từ một số ít những ví dụ cụ thể mà không nhìn vào bức tranh toàn cảnh. Hiệu ứng này càng trở nên mạnh mẽ khi mà mỗi lần mở newsfeed ra bạn lại đọc được một lời than phiền về "tháng cô hồn". Cũng giống như việc chỉ cần với 1 hoặc 2 bài báo nói về việc cá mập tấn công người là bạn có thể dễ dàng tin rằng lũ cá mập đang nổi loạn, trong khi không hề hay biết rằng số người chết hàng năm do bị máy bán nước tự động đè lên còn cao hơn nhiều so với số người bị cá mập cắn.
Đó là chưa kể tới Những lời tiên tri tự hoàn thành (Self-fulfilling prophecies), hiện tượng khiến cho một sự kiện mà bạn cho là sẽ xảy ra trong tương lai thực sự xảy ra, bởi vì nó phụ thuộc vào hành vi của chính bạn. Hay nói cách khác, bởi vì bạn tin rằng bạn sẽ gặp xui trong "tháng cô hồn" nên vận xui thực sự tìm tới bạn. Ví dụ điển hình cho hiện tượng này là lời đồn đoán về sự thiếu hụt một mặt hàng nào đó có thể thực sự dẫn tới khủng hoảng. Nếu bạn tin rằng kem đánh răng sắp sửa cháy hàng, bạn sẽ phi ngay ra siêu thị mua một ít về tích trữ, và những người xung quanh cũng làm y như vậy. Nhà nhà đi mua, người người đi mua, và cuối cùng một vụ khủng hoảng kem đánh răng sẽ thực sự xảy ra.
Một điểm nữa quan trọng về vấn đề này, đó là về Sự tự chấp (Self-handicapping). Hiện tượng này là khi bạn tự tạo ra điều kiện cho sự thất bại để bảo vệ cho cái tôi của mình. Cụ thể ở đây là theo một cách vô thức, bạn sẽ không nỗ lực hết sức để hoàn thành một việc gì đó, và khi thất bại thì bạn có thể dễ dàng phủi đi và nói: "Ôi dào, tại tháng cô hồn đó mà." Có lẽ đây là điều nguy hiểm và có khả năng gây hậu quả rõ rệt nhất trong hiện tượng "tháng cô hồn" này.
Nói tóm lại, tháng Bảy dù có ở âm lịch hay dương lịch thì cũng chỉ là một tháng trong năm, cũng chỉ là một con số viết trên quyển lịch. Nó không có khả năng quyết định tới vận mệnh cuộc đời của chúng ta. Hung thủ khiến cho bạn cảm thấy mình luôn bị xui xẻo vào thời điểm này trong năm chính là bộ óc của bạn mà thôi. Đừng đổ oan cho tháng Bảy nữa.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất