Đối với những ai nghe nhạc Trịnh sẽ có lúc bắt gặp cho mình những câu hát kì lạ và ám ảnh. Âm nhạc của ông có thể nói màu nhiệm nhất là phần lời, những từ ngữ kết hợp với nhau dưới bàn tay của một phù thuỷ. Nếu các tác giả khác chỉ đơn thuần kể chuyện hoặc dùng từ ngữ để biểu đạt cho cảm xúc của mình thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dùng lời để bộc lộ nên những ý niệm sâu xa và trừu tượng, nghe hợp tai nhưng đôi khi lại vô nghĩa và tới một lúc ngẫm nghĩ lại ta sẽ thấy được ý nghĩa đó thoáng qua - tưởng có mà như không.


Nói nhiều không bằng thí dụ, "tôi kể em nghe, tôi ru em ngủ". Nhạc Trịnh mê hoặc người nghe bởi những bóng hình. "Người về soi bóng mình - Giữa tường trắng lặng câm" - Ru ta ngậm ngùi, một câu hát kì lạ về chuyện mặt đối mặt giữa nhân dạng và bóng hình trong một-cuộc-chất-vấn-không-tên, không thể hình dung ra được nội dung cuộc chất vấn đó ra sao nhưng ta đều có thể cảm thấy nó ám ảnh như thể mình đã thấy cảnh tượng đó. Ta rồi sẽ lại về ôm ấp ta hoài cổ về những kỷ niệm xưa. Trong nhạc Trịnh, không kể những tác phẩm thuần tuý tình ca, ta luôn thấy cảnh tượng chất vấn giữa cái tôi và tồn tại, giữa sự sống và cái chết, giữa hữu hạn và hư không.

"Một hôm bước qua thành phố lạ, thành phố đã đi ngủ trưa"- Đêm thấy ta là thác đổ, tất cả bài hát của ông dường như chỉ xoay quanh một nhân vật duy nhất, một cái tôi lang thang bất định và tự vấn mình từng phút giây. Cảnh vật của một thành phố trưa dưới cái nắng vàng rực lên lạ lẫm, một người nhạc sĩ đi giữa những con phố ngỡ như đã thân quen. Trong chúng ta sẽ hẳn có những lần gặp mình trong những ảo mộng deja vu như thế, một cảm giác bơ vơ giữa chốn đời hiu quạnh này.

Có thể làm người là tội lỗi? "Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người" - Gọi tên bốn mùa. Trong một bài hát tưởng chừng tươi vui đó bác lại kết lại bằng một phán quyết lạnh lùng và đau khổ, thân làm kiếp người có vui đâu bao giờ. Trong bốn mùa em gọi tên đó cứ chất chứa một "tin buồn" dai dẳng, là hung tin hay là một lời nguyền cho con người mãi đắm chìm trong cô quạnh đời mình? Ta không tự trả lời được nên đôi khi ta phải soi bóng mình trên những bức tường trắng lặng câm.

Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi. Những câu hát mà ta yêu thích đấy trong nhạc Trịnh không phải là một phương châm sống, nói khác hơn chúng là kinh niệm mà đôi khi ta bỗng thốt ra trong đầu, là tường trắng để thấy mình trong đó. Một câu hát cuối cùng, mà mình yêu thích nhất, không buồn vui hay sướng khổ lại là một ước muốn bình sinh giản dị nhất, có phần ngây ngô nhưng đầy thoả đáng: "Ta thu ta bé lại làm mưa tan giữa trời". Vì cuộc sống có đi đến đâu thì ta cũng đã bén rễ với tồn tại rồi, biết đâu là nguồn cội để tìm về, hãy như hòn đá ngây ngô vì đến cả tình yêu cũng sẽ xay mòn thành đá cuội cơ mà.

Các bác có yêu thích câu hát đặc biệt nào trong cõi Trịnh không?